5/5 - (1 bình chọn)

Những bà mẹ bỉm sữa thường suy nghĩ rằng việc cho con bú sữa mẹ là chuyện rất đơn giản, cứ làm theo bản năng là được. Nhưng trên thực tế lại không giống như tưởng tượng, vẫn có những bà mẹ gặp không ít lúng túng để làm quen với việc cho con bú đúng cách. ICondom sẽ hướng dẫn các mẹ bỉm sữa cho con bú đúng cách qua bài viết sau đây.

Thời gian cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ

Trong khoảng thời gian 3 ngày đầu tiên sau khi sinh bé, ngực của mẹ sẽ tiết ra sữa non. Đây là một chất lỏng hơi vàng, chứa rất nhiều kháng thể giúp trẻ chống chọi lại nhiễm khuẩn và tăng sức đề kháng. Những ngày tiếp theo sau đó, sữa non sẽ dần dần thay đổi về thành phần dưỡng chất và trở nên trắng hơn, lượng sữa tiết ra cũng nhiều hơn.

Cho con bú đúng cách đầu tiên phải bắt đầu từ thời điểm 1 giờ ngay sau khi con vừa chào đời. Hãy cho bé bú những giọt sữa non quý giá trong những ngày đầu tiên. Vào khoảng ngày thứ ba sau sinh, sữa mẹ bắt đầu “tràn về” khiến ngực sẽ có cảm giác nặng hơn. Lúc này bé bú mẹ sẽ nuốt những ngụm lớn trong mỗi lần bú, mẹ đừng lo lắng hết sữa mà hạn chế việc cho con ti nhé. Bé bú mẹ càng nhiều, cơ thể mẹ sẽ tự động sản sinh thêm nhiều sữa, duy trì nguồn sữa cung cấp liên tục bất cứ khi nào bé đói.

Các bước cho con bú đúng cách

  • Giữ trẻ: đỡ bé trên tay và mặt bé hoàn toàn hướng về phía mẹ, nâng cằm bé chạm vào ngực, lưu ý để mũi bé không bị chặn và đầu bé hơi ngả về sau.
  • Khuyến khích bé há miệng bằng cách áp cằm bé vào ngực mẹ, dùng ti mẹ chà xát nhẹ vào môi trên và mũi bé để khuyến khích bé mở rộng miệng.
  • Ngậm ti: khi trẻ mở rộng miệng, hướng ti mẹ về phía vòm miệng để bé ngậm được ti và phần lớn nhũ hoa (phần sẫm màu quanh núm vú), phần nhũ hoa lộ ra bên trên miệng bé sẽ nhiều hơn bên dưới miệng.
  • Cảm nhận động tác ngậm ti của bé: mẹ chú ý đến cảm giác khi bé bắt đầu bú, có cảm thấy đau không? Khi kéo bé lại gần một chút thì còn đau không? Nếu mẹ vẫn còn bị đau hãy nhẹ nhàng đưa bé ra và bắt đầu lại. Mẹ cũng có thể cảm thấy ngứa ran khi trẻ lấy sữa bằng cách mút và tạo áp suất ngậm trong miệng. Khi sữa bắt đầu chảy, mẹ sẽ cảm thấy động tác mút và nuốt sữa của trẻ nhịp nhàng hơn. Mẹ có thể nhận thấy những thay đổi ở lực mút của bé như mút ngắn, nhanh hoặc mút chậm, sâu, đôi khi có thể tạm dừng một vài lần trong khi mút và bé sẽ tự tiếp tục mút lại, mẹ không cần phải dỗ bé.
  • Tiếp tục cho bú: thông thường đa số các bé đều mút nhanh lúc đầu và từ từ chậm dần về sau rồi ngủ quên trước khi bú no. Mẹ có thể thay tã cho bé trong khi cho bé bú, điều này có tác dụng nhắc nhở bé rằng chúng vẫn chưa bú xong.
  • Ngưng cho bú: điều này thường là do bé sẽ tự ngưng bú và nhả ti ra. Tuy nhiên nếu mẹ muốn chủ động ngưng, mẹ có thể nhẹ nhàng thò ngón út vào khóe miệng bé để làm dừng động tác mút của bé. Khi bé đã bú no, trẻ đã sẵn sàng chìm vào giấc ngủ của mình.

Nếu như mẹ cho bé ti nhưng bé không mút ngay lập tức, đừng lo lắng vì một số bé cần nhiều thời gian hơn để bắt đầu. Trẻ sơ sinh có thể bú trong suốt thời gian khoảng một giờ cho mỗi lần bú. Khi bé lớn hơn một chút, bé có thể thỏa mãn cơn đói chỉ trong khoảng 10 phút.

Dấu hiệu nhận biết bé ngậm ti mẹ đúng cách

  • Mẹ không cảm thấy đau đớn hoặc chỉ cảm thấy hơi khó chịu, nhưng không phải là quá đau trong những ngày đầu tiên cho con bú. Mẹ bị đau có thể là một dấu hiệu cho thấy bé chưa ngậm ti đúng. Hãy nhẹ nhàng chèn ngón tay mẹ vào giữa miệng bé và ti mẹ để điều chỉnh và cảm nhận cảm giác đau.
  • Khi cho bé ti mẹ và bé gần như mút ngay lập tức thì đây là dấu hiệu tốt.
  • Trong lúc cho con bú đúng cách, mẹ nhìn xuống sẽ thấy đầu của bé hơi ngả ra sau, cằm bé chạm vào vú mẹ chứ không phải toàn bộ mặt bé, mũi được tự do thở dễ dàng trong khi bú. Mẹ không phải đẩy ngực ra để bé thở. Quầng vú lộ ra ngoài ở phía môi trên của bé bao giờ cũng rộng hơn phần ở môi dưới. Môi của bé không bị mút vào mà đặt trên quầng vú mẹ và má của bé không bị hóp vào.
  • Thông thường các em bé đều trở nên thư giãn, thoải mái khi bắt đầu đến khi bú no. Nếu bé không tập trung mà ngó nghiêng xung quanh, có thể là do bé bám ti mẹ chưa tốt. Khi rút ti lại bé vẫn cảm thấy vui vẻ mà không khó chịu, đầu ti mẹ cuối cữ bú bị ép bẹp thì đó là dấu hiệu bé ngậm ti chưa đúng.

Các tư thế cho con bú đúng cách

  1. Nằm chếch 45 độ

Rất nhiều bà mẹ bỉm sữa thích tư thế cho con bú này khi bé còn nhỏ tháng vì nó dễ chịu đối với cả mẹ và bé. Mẹ nằm chếch một góc khoảng 45 độ ở trên giường hoặc ghế sô pha rồi đặt bé nằm trên ngực mẹ, hai cánh tay bé ôm lấy vú mẹ.

2. Tư thế giữ bóng

Mô phỏng việc việc giữ một quả bóng, em bé được đặt trên cánh tay của mẹ, để sang một bên (như ôm một quả bóng đá), cánh tay kia của mẹ sẽ điều chỉnh ngực cho bé bú. Nên kê một chiếc gối dưới cánh tay nâng đỡ bé để cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái nhất.

3. Tư thế cho bú nằm một bên

Mẹ nằm xuống giường, nghiêng một bên và đặt bé đối diện với mẹ, nên đặt một chiếc gối hoặc khăn đằng sau để đỡ lưng bé. Bé sẽ bú khi nằm trên giường, mẹ không cần dùng tay để đỡ bé. Thông thường, tư thế cho bú nằm được thực hiện sau một tư thế khác, khi cảm thấy bé muốn ngủ, mẹ dần dần ngồi lên giường và nằm xuống cho đến khi mẹ và bé có được tư thế cho bú nằm như trên.

4. Tư thế cái nôi chéo

Đây cũng là  một tư thế cho con bú yêu thích của không ít mẹ bỉm sữa, bé được bao bọc quanh cơ thể của mẹ và mẹ rất dễ dàng nhìn ngắm mọi hoạt động của con. Tư thế này cũng thường thấy ở nơi công cộng. Mẹ ngồi khoanh chân và dùng cánh tay bên đối diện với bên bầu ngực sẽ cho bé bú để ôm bé, đặt bé nằm ngang cơ thể mẹ, đầu bé nằm trong lòng bàn tay của mẹ. Có thể sử dụng thêm gối kê phía dưới khi cho con bú để dễ dàng và thoải mái hơn.

5. Tư thế giữ bé kiểu lòng chảo

Gần giống với tư thế cái nôi chéo ở trên, nhưng mẹ dùng cánh tay cùng bên với bầu ngực chuẩn bị cho bé bú, đầu bé kê ở khuỷu tay của mẹ. Đây là tư thế bú sữa mẹ khá phổ biến trong vài tuần đầu tiên sau sinh. Giống như tư thế cái nôi chéo, có thể kê một cái gối dưới cánh tay mẹ giúp nâng bé lên và hỗ trợ làm giá đỡ cho khuỷu tay của mẹ.

6. Tư thế cho con bú kiểu “Koala”

Để cho bé ngồi thẳng đối mặt với mẹ và xếp đầu gối lại, mẹ dùng hai cánh tay ôm lấy thân người bé và để bé tự ôm lấy ngực và mút ti mẹ.

Lưu ý cách cho con bú không bị sặc

  • Cho bé nằm nghiêng sao cho lưng mẹ và lưng bé tạo thành góc khoảng 30 – 45 độ, tuyệt đối không cho bé bú trong tư thế bé nằm ngửa hoặc cho ti khi bé đang ngủ say.
  • Mẹ cho bé ngậm đến phần quầng ti, giữ đầu bé hơi ngửa, lưỡi và môi dưới của bé đặt dưới đầu ti của mẹ.
  • Có thể thường xuyên đặt ngón tay trỏ và ngón cái kẹp đầu ti ở giữa để kiểm soát dòng sữa khi mẹ cho con bú trực tiếp.
  • Với các bé bú bình, mẹ nên tìm mua bình sữa có miếng chặn sữa nhằm đảm bảo lượng sữa cho không ra quá nhiều so với sức bú của bé.

Những vấn đề mẹ thường gặp phải khi cho con bú

Mẹ bị đau núm vú

Đầu ti của mẹ nhìn như bị kẹp hoặc biến dạng khi bé nhả ti mẹ ra, điều này nghĩa là bé ngậm ti mẹ chưa đủ sâu. Mẹ nên chú ý khuyến khích bé mở rộng miệng bằng cách cọ xát đầu ti của mẹ vào khoảng giữa môi trên và mũi bé.

Mẹ bị căng tức sữa

Ngực mẹ quá đầy, cảm giác cứng và đau, có thể khiến cho núm vú bị bẹp dẫn đến bé khó có thể ngậm được. Khi đó mẹ nên nặn một ít sữa quanh chân núm, xoa bóp ngực nhẹ nhàng, chườm nóng trước khi cho con bú và chườm lạnh sau khi bé bú xong để giảm bớt khó chịu. Hãy cho bé bú theo nhu cầu.

Tắc tia sữa

Mẹ cảm thấy đau nhói, xuất hiện một chỗ lồi hay mảng đỏ trên ngực. Khi đó mẹ nên tiếp tục cho bé bú ngay từ bên ngực xuất hiện ảnh hưởng, nhẹ nhàng mát xa về phía núm vú khi đang cho bú, sau đó có thể chườm nóng giúp đỡ phần nào.

Mẹ bị viêm vú

Sự nhiễm trùng của ống dẫn sữa bị tắc dẫn đến viêm vú, bác sĩ có thể cho mẹ dùng kháng sinh hoặc thuốc kháng viêm. Quan trọng là vẫn phải để sữa tiếp tục di chuyển qua phần vú bị viêm bằng cách hút, nặn hoặc cho trẻ bú. Thuốc trị viêm vú sẽ được cân nhắc để không ảnh hưởng đến em bé bú mẹ.

Lưu ý sau khi cho con bú đúng cách

  • Bổ sung nước và dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể mẹ. Luôn để một bình nước trong tầm tay khi mẹ đang cho con bú. Hạn chế ăn thức ăn nhanh và thức uống kích thích như trà, cafe trong giai đoạn cho con bú.
  • Sau khi cho con bú hãy để đầu ti khô một cách tự nhiên, nếu mẹ có việc vội hãy lau khô đầu ti thật nhẹ nhàng. Luôn chuẩn bị đầu ti khô ráo mỗi lần cho con bú bằng cách thay áo lót thường xuyên.
  • Không nên thoa xà phòng thơm, sữa tắm hoặc nước hoa vào đầu ti.
  • Khi ti của mẹ quá khô hoặc bị nẻ, có thể dùng dầu thoa chứa lanolin hoặc dầu ôliu lên đầu ti để giữ ẩm.