Chúng ta biết rằng em bé được sinh ra sau khi đủ 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ. Tuy nhiên không ít trường hợp vì lí do nào đó, em bé phải chào đời sớm hơn – đó gọi là sinh non. Vậy sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn? Làm sao để trẻ sinh non có thể phát triển hoàn toàn bình thường. Cùng ICondom tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Sinh non là gì?
Thai kì bình thường của người phụ nữ sẽ kéo dài từ 38 đến 42 tuần, đa số các thai phụ sẽ hạ sinh em bé vào tuần thứ 40 của thai kì. Trường hợp em bé sinh ra khi thời gian phát triển trong bụng mẹ của bé nhỏ hơn 37 tuần tuổi được gọi là sinh non.
Tuổi thai nhi được tính dựa trên ngày đầu tiên chu kì kinh nguyệt gần nhất của mẹ. Do thời gian phát triển của bé trong bụng mẹ bị rút ngắn nên những trẻ sinh non tháng sẽ gặp các vấn đề về thể chất, trí tuệ nhiều hơn so với trẻ sinh đủ tháng.
Theo thống kê trên toàn thế giới cho thấy sinh non chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở trẻ sơ sinh. Tỉ lệ sinh non ngày càng gia tăng hiện nay.
Những vấn đề sức khỏe mà trẻ sinh non gặp phải
- Hệ hô hấp chưa hoàn thiện: đây là vấn đề mà đa số tất cả các bé sinh non đều phải đối mặt. Phổi là cơ quan quan trọng, nó cần thời gian đủ lâu để trưởng thành trước khi bắt đầu làm việc độc lập. Khi bé chào đời sớm, tức là phổi vẫn chưa phát triển hoàn thiện, bé sẽ gặp khó khăn về hô hấp, nếu không nhanh chóng cung cấp oxy cho bé, rủi ro xảy ra là rất cao.
- Sót ống động mạch và huyết áp thấp do mạch máu của trẻ sinh non rất mỏng, không đủ khỏe để duy trì lượng máu bình thường, khi không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các vấn đề tim mạch.
- Não: bé được sinh ra trước 28 tuần sẽ phải đối mặt với nguy cơ xuất huyết não rất cao, song tình trạng này có thể điều trị nếu xuất huyết không nhiều, ngược lại khi xuất huyết quá nhiều, não bé sẽ tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ trong tương lai. Điều này dẫn đến chậm phát triển thể chất, khả năng học tập, khả năng giao tiếp, kết bạn bị hạn chế.
- Hạ thân nhiệt: cơ thể bé non tháng không thể tự điều hòa thân nhiệt do không có lớp mỡ bảo vệ, dễ dẫn đến hạ thân nhiệt, đó là lí do vì sao em bé sinh non phải được nuôi trong lồng ấp một thời gian dài.
- Viêm ruột hoại tử là tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà trẻ sinh non có thể gặp phải do ruột không đủ máu nuôi, mỏng dần rồi hoại tử. Tuy nhiên trẻ sinh non nếu được bú mẹ thì tỉ lệ gặp phải sẽ ít hơn.
- Thiếu máu, vàng da: đây là hai vấn đề khá phổ biến ở trẻ sinh non song không cần sự can thiệp quá nhiều của y khoa. Vàng da là do bilirubin tăng cao trong máu của trẻ, có thể xảy ra ở bất kỳ trẻ sơ sinh nào. Bé được đặt dưới một loại ánh sáng đặc biệt để điều trị.
- Hệ miễn dịch rất yếu: khả năng đề kháng của bé sinh non rất yếu, một nhiễm trùng đơn giản cũng sẽ trở thành một tình huống nguy hiểm cho trẻ. Trẻ sinh non rất dễ tử vong do các bệnh nhiễm trùng.
- Bại não, mất chức năng tay chân, không di chuyển được do máu lên não kém và cung cấp oxy chậm, bệnh thường gặp ở các bé sinh non.
- Chậm phát triển so với trẻ đủ tháng cả về hành vi và trong học tập.
- Bệnh lý võng mạc lại là một rủi ro khác của trẻ sinh non trước 30 tuần tuổi, các mạch máu võng mạc phát triển bất thường nếu không phát hiện và điều trị sẽ dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
- Thính giác cũng là một vấn đề nên chú ý kiểm tra đối với trẻ sinh non.
- Hen suyễn và các bệnh lý mãn tính.
- Tỉ lệ sống còn của trẻ sinh non thấp: các cơ quan của bé vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh để thực hiện các chức năng sinh tồn, thậm chí cả khi được truyền dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn?
Sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn là một câu hỏi vô cùng khó đối với y học hiện nay. Bởi vì một em bé sinh ra đủ tháng vẫn không thể khẳng định 100% là an toàn.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 15 triệu trẻ sinh non mỗi năm và tỉ lệ này có xu hướng tăng ở các nước đang phát triển. Cơ hội sống sót đối với trẻ sơ sinh nhỏ hơn 23 tuần tuổi là gần như bằng 0%. Với trẻ đủ 23 tuần tuổi thì cơ hội sống là 15%, tương tự 24 tuần là 55% và 25 tuần trở lên là 80%.
Tuy nhiên thống kê này phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự phát triển y tế tại nơi mà trẻ được sinh ra. Đây chỉ là tỉ lệ sống còn, không thể nói chắc được rằng bé sinh non sẽ phát triển khỏe mạnh trong tương lai.
Cân nặng sơ sinh cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng đối với trẻ sinh non tháng. Thống kê cho thấy trẻ sinh non có trọng lượng sơ sinh 800gam có tỉ lệ sống sót lên đến 90%, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 40-50% nếu trẻ chỉ đạt cân nặng 500 gam, chưa kể trẻ em có thể tử vong ngay khi vừa sinh ra.
Tuy nhiên không có gì là không thể, vẫn có rất nhiều em bé sinh non tháng sống sót như một phép màu, các bậc cha mẹ đừng từ bỏ hi vọng với bé con của mình và hãy tin tưởng vào sự giúp sức tuyệt vời của y học.
Chăm sóc trẻ sinh non đúng cách
Trẻ sinh non khi chào đời đã chịu thiệt thòi hơn những trẻ sinh đủ tháng khác, việc trẻ sinh non có thể sống sót và phát triển khỏe mạnh rất khó khăn, bé đòi hỏi phải nhận được sự can thiệp y tế từ bệnh viện ngay khi vừa chào đời.
- Nằm trong lồng ấp hoặc ủ ấm bằng phương pháp chuột túi ( cho trẻ nằm lên ngực mẹ, da kề da), nhiệt độ phòng từ 28-350C, độ ẩm 60-70%.
- Luôn mang bao tay, bao chân, mũ đội đầu, giữ ấm cổ, bụng trẻ.
- Rửa tay thật sạch bằng xà phòng trước khi tiếp xúc với trẻ.
- Tắm rửa cho bé bằng nước ấm, lau khô, chú ý vệ sinh vùng lót tã, có thể cho trẻ tắm nắng khi bác sĩ cho phép, tắm nắng 1-2 lần/tuần, khi bé đã cứng cáp hơn có thể cho tắm nắng thường xuyên.
- Với những trẻ sinh non bú mẹ, người mẹ nên tham khảo chế độ dinh dưỡng từ bác sĩ dinh dưỡng khoa nhi để đảm bảo nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất cho bé cho đến khi bé được 9-12 tháng tuổi. Cho bé bú từ 8-10 lần/ngày, không để trẻ đói quá 4 giờ.
- Với trẻ bú sữa công thức, cần phải tiệt trùng dụng cụ pha sữa cẩn thận trước khi sử dụng.
- Có thể học các động tác massage cho trẻ.
- Tiêm phòng cho trẻ khi đạt đủ cân nặng yêu cầu.
Tóm lại, việc sinh non bao nhiêu tuần thì an toàn sẽ không thể có câu trả lời chính xác, vì điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.
Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là tình yêu thương và niềm tin của bố mẹ dành cho con của mình, mọi đứa trẻ sinh ra đều cảm nhận được tình yêu thương này và tiếp thêm sức mạnh cho trẻ phát triển toàn diện hơn.
Be the first to write a comment.