Rate this post

Một số người nghĩ rằng nguyên nhân gây chốc mép là do ăn nhanh, ăn nhiều vì thường nghe câu “ăn tham chốc mép”. Tuy nhiên, thực tế bệnh chốc mép lại xuất phát từ những nguyên nhân ít ai nhờ như vi rút, nấm, sự thiếu hụt vitamin B… Dưới đây là chi tiết về nguyên nhân và cách giảm bệnh chốc mép hiệu quả.

Chốc mép là gì?

Chốc mép hay bệnh viêm môi bong vảy (Angular Cheilitis) là tình trạng một hoặc cả hai bên khóe miệng nổi mụn rộp, nứt toác, gây cảm giác đau đớn, khó chịu. Bệnh này rất hay gặp trong mùa Đông – Xuân, khi thời tiết hanh khô. 

Bệnh chốc mép có đặc trưng là những nốt mụn rộp, nứt toác ngay khóe miệng

Thoạt đầu, bạn sẽ cảm thấy khó chịu ở mép. Nhìn kỹ trong gương thấy xuất hiện nhiều nốt rộp như nốt bỏng, nhỏ, dính với nhau thành chùm, chung quanh là một viền màu hồng hay đỏ. Sau đó, các nốt mụn rộp này vỡ ra gây tình trạng nứt mép miệng. Trong khoảng 2 tuần, các nốt rộp này dần khô lại thành vảy mỏng, bong ra và để lại một lớp da non hơi hồng.

Nguyên nhân gây bệnh chốc mép

Thống kê của các cơ sở y tế cho thấy có khá nhiều nguyên nhân gây bệnh chốc mép. Trong đó, có các nguyên nhân phổ biến như:

– Chốc mép do vi rút: Bệnh còn được gọi là mụn rộp ở mép. Đây là một bệnh lành tính, bắt nguồn từ vi rút herpes (chốc mép do vi rút khác với mụn rộp sinh dục nhưng vi rút gây 2 loại bệnh này khá gần nhau). Bệnh rất hay lây và có thể lây truyền khi tiếp xúc với tổn thương hoặc dịch tiết của tổn thương. Hơn nữa, bệnh có thể tái phát với những tổn thương tương tự quanh miệng, trong miệng, quanh lỗ mũi, má….

– Chốc mép do nấm: Nguyên nhân thứ hai gây chốc mép là do nhiễm nấm. Hiện loại nấm men phổ biến gây chốc mép là candida albicans. Các bào tử của nấm men này có ở khắp nơi. Ngay khi cơ thể suy giảm sức đề kháng thì sẽ “quấy phá” và có thể gây ra tình trạng chốc mép.

– Do thiếu hụt vitamin B: Bệnh chốc mép có thể xuất hiện khi cơ thể thiếu hụt một số vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin B, sắt và kẽm. Đặc biệt là vitamin B vì thiếu vitamin này sẽ làm hệ miễn dịch suy giảm, khiến vi khuẩn và nấm gây bệnh tấn công. Ngoài ra, thiết vitamin B còn gây khô miệng, tạo điều kiện thuận lợi cho chốc mép phát triển.

– Do ảnh hưởng của thời tiết: Chốc mép cũng là bệnh thường thấy trong mùa Đông Xuân, thời điểm độ ẩm trong không khí xuống thấp, trời hanh khô. Bởi khi không cung cấp đủ nước thì cơ thể bạn có thể xuất hiện các triệu chứng phản kháng và rõ ràng nhất là đôi môi nứt nẻ. Và chính việc môi khô nứt, thói quen liếm môi sẽ khiến vi khuẩn, nấm kẹt lại trong những rãnh nứt tạo thành chốc mép.

– Thói quen xấu trong sinh hoạt: Thói quen xấu như không làm vệ sinh sau khi ăn cũng là nguyên nhân quan trọng gây bệnh chốc mép. Bởi vi khuẩn có thể bám vào quanh miệng, gây viêm nhiễm, chốc lở.

– Do các bệnh lý khác: Một số chứng bệnh nguy hiểm khác có thể góp phần gây bệnh chốc mép như: tiểu đường, nhiễm vi rút gây suy giảm miễn dịch…. 

Các xử lý để giảm bệnh chốc mép hiệu quả

Người bệnh chốc mép nên rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với mụn nước

Bệnh chốc mép không nguy hiểm nhưng cực kỳ đau đớn, khó chịu, khiến bạn khó ăn uống. Hơn nữa, nếu không xử lý đúng cách thì bệnh có thể lây lan sang các vị trí khác của cơ thể. Do đó, khi bị bệnh chốc mép, bạn nên:

– Rửa tay sạch sau mỗi lần tiếp xúc với các mụn nước, không chủ động chọc vỡ các mụn nước, không bóc vảy. Có thể đắp khăn lạnh lên chỗ đau để giảm triệu chứng.

– Cần tránh dụi mắt, thực hành nghiêm chỉnh các nguyên tắc vệ sinh nếu đeo kính áp tròng và giữ gìn để mắt không bị nhiễm vi rút. Nếu đang bị cảm thì nên dùng khăn giấy và chỉ dùng 1 lần. 

– Dịch tiết của các mụn nước có thể khiến bệnh lây lan nên trong giai đoạn tiến triển của tổn thương cần tránh dùng chung giường và các đồ dùng vệ sinh khác như khăn mặt, bàn chải đánh răng…

– Trong thời gian bị bệnh chốc mép thì không ôm hôn trẻ sơ sinh, những người có hệ miễn dịch suy yếu. Bởi cơ thể những người này rất nhạy cảm và có thể bị lây bệnh.

– Dù không có cách nào chữa khỏi hẳn khi bị chốc mép do vi rút nhưng người bệnh có thể dùng các loại thuốc chống triệu chứng. Đây là cách chữa chốc mép tại nhà hiệu quả. Có thể bôi thuốc ngay khi phát hiện bệnh bởi thuốc giúp giảm đau, hạn chế tốt cường độ và thời gian của các đợt tiến triển.

– Người thường bị chốc mép nên thận trọng khi ra nắng, tránh các tia tử ngoại. Đồng thời, cần chú ý vệ sinh miệng sạch sẽ, nhất là trước và sau khi ăn.

– Trường hợp bị chốc mép liên tục, hay tái phát thì hãy đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám và tư vấn cách chữa bệnh chốc mép nhanh nhất.

– Người bệnh chốc mép cũng có thể dùng các thực phẩm tự nhiên để giảm đau, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Cụ thể, bị chốc mép bôi mật ong sẽ làm giảm triệu chứng, để người bệnh đỡ đau, dỡ khó chịu hơn. 

– Nên ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường những thực phẩm tốt cho bệnh chốc mép như: sữa chua, dầu ô liu, lô hội, dầu dừa, dầu cá, dưa chuột, thực phẩm nhiều chất xơ, thực phẩm nhiều vitamin B, trà dầu…

Ngoài vệ sinh miệng, trong thời gian bị bệnh chốc mép người bệnh cũng nên dùng kem đánh răng như một chất chống nhiễm trùng. Có thể lấy một ít kem, thoa lên góc miệng bị loét trong khoảng 10 phút. Cách này còn giúp bạn giảm đau hiệu quả, ngay tức thì.