Một trong những bệnh lý xương khớp khá phổ biến trong cuộc sống hiện nay chính là đau dây thần kinh liên sườn. Vậy căn bệnh này gây ra những hậu quả gì? Các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn hay mắc phải là gì? Cùng ICondom tìm hiểu ngay dấu hiệu cũng như cách phòng tránh và điều trị bệnh lý này.
Những thông tin cần biết về căn bệnh đau dây thần kinh liên sườn
Trước khi tìm hiểu các triệu chứng cụ thể của căn bệnh này, chúng ta sẽ điểm qua một vài thông tin tổng quan về bệnh lý đau dây thần kinh liên sườn.
Dây thần kinh liên sườn là các nhánh thần kinh xuất phát từ đoạn tủy của phần ngực và có chung gốc. Từ gốc thần kinh chung, chúng tách ra thành các nhánh riêng và hợp với các mạch máu tạo nên bó mạch thần kinh – gian sườn. Vị trí của bó mạch này nằm rất nông ngay bên dưới lớp biểu bì, bám vào bờ dưới của xương sườn nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân từ môi trường xung quanh.
Dây thần kinh liên sườn được chia thành 2 nhóm là nhóm dây thần kinh liên sườn vận động và nhóm dây thần kinh liên sườn cảm giác, chúng khác nhau về chức năng và các cơ quan tác động. Nhóm vận động có nhiệm vụ chính là kiểm soát hô hấp thông qua điều khiển hoạt động của cơ liên sườn – một cơ quan quan trọng trong chu trình thở ra, trong khi đó, nhóm cảm giác chủ yếu chi phối cảm giác của lớp biểu mô và các cơ quan xung quanh vị trí của dây thần kinh liên sườn.
Chính vì ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan xung quanh và chi phối rất nhiều hoạt động của cơ thể, tất cả những tổn thương liên quan đến thành ngực, cột sống, các đốt sống đặc biệt là đốt sống ngực… đều là các nguyên nhân tạo nên tổn thương và gây đau dây thần kinh liên sườn. Cảm giác đau nhức, khó chịu xuất hiện ở vị trí dây thần kinh này được gọi chung là bệnh lý đau dây thần kinh liên sườn.
Những lý do gây nên bệnh lý đau dây thần kinh liên sườn
Như đã nói ở trên, tất cả những tổn thương liên quan đến các cơ quan xung quanh như thành ngực, đốt sống ngực hay cột sống… đều có khả năng tạo nên những triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn. Dưới đây là 3 nhóm nguyên nhân chính tạo nên bệnh lý này:
Nguyên nhân nhiễm khuẩn
Do ở vị trí khá nông dưới da, các nhánh thần kinh liên sườn rất dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác nhân trong môi trường xung quanh, trong đó có vi khuẩn, virus và đặc biệt là do bệnh zona thần kinh. Dấu hiệu chủ yếu khi dây thần kinh liên sườn bị nhiễm khuẩn là cảm giác đau kết hợp viêm và có thể lên cơn sốt. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, bệnh còn dễ chuyển sang giai đoạn mãn tính kéo dài dai dẳng và gây khó khăn trong việc điều trị.
Tổn thương ở vùng cột sống và đốt sống
Vì rễ chung của các nhánh thần kinh này đều bắt đầu từ đoạn tủy ngực nên bất cứ tổn thương nào của cột sống cũng có thể khiến dây thần kinh liên sườn bị chèn ép, tạo cảm giác đau nhức và khó chịu. Các triệu chứng này thường sẽ xuất hiện ở những người có độ tuổi từ 40 trở lên, đặc biệt là người già bị một số bệnh lý như ung thư cột sống, viêm tủy sống, gai đốt sống, lao cột sống hoặc các loại u…
Do chấn thương
Không chỉ những chấn thương trực tiếp tác động vào dây thần kinh liên sườn mà ở các vị trí xung quanh khác như thành ngực, xương sườn, cột sống, đốt sống… đều có thể gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn. Vì vậy, nếu có cơn đau xuất hiện ở khu vực xung quanh các xương sườn về phía hông sau các va đập thì bạn cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị bằng phương pháp phù hợp, tránh tổn thương lan rộng đến nhiều cơ quan xung quanh.
Các triệu chứng của bệnh lý đau dây thần kinh liên sườn hay mắc phải
Bạn có thể nhận biết một bệnh lý tổn thương đến dây thần kinh liên sườn thông qua cảm giác đau ở khu vực này. Thông thường, các triệu chứng hay gặp của căn bệnh này chỉ xuất hiện ở một bên ngực, có thể lan rộng ra xung quanh xương ức và phần xương sườn tiếp nối. Thế nhưng chúng cũng có thể kéo dài sang bên hông và lan ra phía sau lưng, trong đó vị trí hay bị đau nhất là khoảng không nối tiếp hai xương sườn với nhau – vị trí bám của dây thần kinh liên sườn. Khi nhấn vào mạn sườn hoặc hạ sườn cũng sẽ gây ra cảm giác đau nhói.
Cảm giác đau thường là dữ dội, nhói lên từng cơn như dao đâm hoặc có thể ở trạng thái kéo dài và đau đau âm ỉ kể cả trong những lúc nghỉ ngơi. Cơn đau thường trở nên nặng hơn khi người bệnh có sự rối loạn về cảm xúc, mang vác các vật nặng hay làm việc quá sức. Ho, hắt hơi hay cười lớn cũng là các yếu tố tác động đến vị trí tổn thương khiến cơn đau trở nên dữ dội. Vì thế, nếu chưa có các biện pháp điều trị phù hợp, việc ổn định về mặt tinh thần và cảm xúc là vô cùng quan trọng.
Ngoài ra, tùy từng nguyên nhân khác nhau mà các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn cũng sẽ có nhiều dấu hiệu riêng biệt. Cụ thể:
- Cơn đau do nhiễm khuẩn sẽ kèm phản ứng viêm, gồm các triệu chứng thường gặp là sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng bị tổn thương. Người bệnh cũng có thể sốt cao khi cơn đau đến, thường thấy trong giai đoạn cấp của bệnh zona.
- Cảm giác co cứng các cơ xung quanh vị trí đau đi kèm dấu hiệu khó thở hoặc thở ngắn thành từng đợt. Những triệu chứng này gây ra do dây thần kinh liên sườn ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của các cơ hô hấp.
- Hông và lưng bị hạn chế vận động, do cơn đau kéo dài nên bệnh nhân đình chỉ các hoạt động để tránh cảm giác đau. Ngoài ra, tổn thương dây thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân khiến các cơ xung quanh bị ảnh hưởng. Tổn thương ở cơ nào thì bệnh nhân sẽ không thể vận động được cơ quan mà cơ đó chi phối.
- Ngoài ra, còn rất nhiều triệu chứng liên quan khác như cảm giác ngứa râm ran ở vùng ngực, đau bụng, đau lưng, đau nhức cột sống… Vì vậy, để xác định và chẩn đoán rõ các nguyên nhân của bệnh lý này, bạn cần liên hệ với các bác sĩ có chuyên môn hoặc các cơ sở Y tế để được tư vấn kịp thời.
Hướng điều trị đau dây thần kinh liên sườn hợp lý
Nếu bị mắc các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn đã kể trên thì phải làm như thế nào? Cách tốt nhất là đến các bệnh viện uy tín để được xét nghiệm và chẩn đoán kịp thời. Rất nhiều xét nghiệm từ cơ bản như xét nghiệm dấu hiệu sinh tồn, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm máu ngoại vi… đến các xét nghiệm hình ảnh như chụp cộng hưởng từ MRI, chụp X quang… sẽ được thực hiện để tìm ra nguyên nhân gây nên bệnh lý này cũng như xây dựng một phác đồ điều trị cụ thể.
Sau khi đã xác định được nguyên nhân cũng như tiên lượng bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ kê cho bạn đơn thuốc phù hợp với tình trạng sức khỏe cũng như mức độ của bệnh. Nếu cơn đau nhẹ nhàng, không quá dữ dội thì có thể sử dụng kháng sinh paracetamol hay diclofenac. Nếu cơn đau mạnh mẽ hơn, đi kèm các triệu chứng khác như co cứng cơ, hạn chế hoạt động… thì có thể sử dụng thuốc phong bế dây thần kinh, giảm đau thần kinh kết hợp thuốc giãn cơ trơn. Ngoài ra, đi kèm trong đơn thuốc sẽ là các loại vitamin B để tăng quá trình chuyển hóa của tế bào nơron và các dây thần kinh có bao myelin.
Ngoài ra, để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất cũng như giúp các triệu chứng đau dây thần kinh liên sườn chóng khỏi, bạn cũng cần sử dụng các biện pháp phòng tránh và hạn chế tác hại của bệnh lý này, không để bệnh có cơ hội tiến triển nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số cách làm mà ICondom muốn gửi đến bạn:
- Tránh làm việc quá nặng và không phù hợp với bản thân.
- Không nên tập luyện thể dục quá căng thẳng. Lựa chọn các bài tập phù hợp với bản thân để tránh các tổn thương về xương khớp.
- Không cố định quá lâu trong cùng một tư thế sau đó thay đổi đột ngột. Việc này rất dễ gây các tổn thương trực tiếp tại vị trí dây thần kinh.
- Bổ sung canxi và các khoáng chất, vitamin có lợi vào trong bữa ăn hàng ngày để nâng cao sự chắc khỏe của xương, phòng tránh bệnh loãng xương cũng như các tổn thương liên quan đến cột sống và tủy sống.
- Ở những người cao tuổi, cần chú ý giữ gìn bản thân, cẩn thận trước sự thay đổi của thời tiết xung quanh, cẩn thận trong việc ăn mặc để giữ ấm, tránh virus và vi khuẩn xâm nhập.
- Khi có các tổn thương liên quan đến vị trí ngực, lưng hay cột sống… thì cần điều trị ngay để tránh gây đau dây thần kinh liên sườn cũng như các hậu quả nghiêm trọng khác.
Be the first to write a comment.