Từ 30 tuổi trở đi, làn da của chúng ta bắt đầu bước vào giai đoạn tiền lão hóa và bắt đầu xuất hiện các bệnh lý ngoài da mà phổ biến nhất là nám. Vậy các loại nám da phổ biến hiện nay là gì? Điều trị như thế nào cho hợp lý và hiệu quả? Cùng ICondom tìm hiểu qua bài viết sau
Tổng quan về nám da
Để tìm hiểu kỹ càng hơn về các loại nám da phổ biến, chúng ta sẽ điểm qua một vài thông tin về đặc điểm và nguyên nhân của tình trạng bệnh lý này.
Nám da là một tình trạng bệnh lý ngoài da thường thấy, do sự rối loạn tổng hợp sắc tố melanin từ đó tạo ra các mảng nám sẫm màu. Tình trạng này thường xảy ra ở giới nữ, đặc biệt là các đối tượng từ độ tuổi 30 trở đi, khi da dần giảm lượng protein tái tạo và thay thế như collagen hay elastin, đồng thời mất đi sự đàn hồi cũng như khỏe mạnh trước đó.
Bất cứ yếu tố nào tác động đến sự tổng hợp và điều tiết melanin thì đều có khả năng gây ra nám. Hai nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là tiếp xúc nhiều với các tia UV, từ đó kích thích da tăng tổng hợp melanin hoặc xảy ra do sự rối loạn các hormon trong cơ thể.
Nám da có thể xảy ra ở bất cứ đâu, tuy nhiên thường thấy nhất ở các vị trí trên mặt như trán, mũi, gò má và cằm. Nám da được nhận định là một bệnh lý khá an toàn, không gây ra các hậu quả nguy hiểm hay biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu nám xuất hiện quá nhiều dễ gây mất thẩm mỹ, khiến nhiều người cảm thấy tự ti và e ngại.
Các loại nám da phổ biến hiện nay
Nám chân đinh
Nám chân đinh hay còn gọi là nám chân sâu, nám đốm là một trong các loại nám da phổ biến nhất hiện nay. Khi bị nám chân đinh, bạn có thể dễ dàng nhận biết thông qua dấu hiệu như sau: các vết nám tối màu hơn so với vùng da xung quanh, vùng nám chia thành các vết đứng tách xa nhau chứ không tập trung lại thành mảng lớn, mỗi vết nám đều có bờ rõ ràng và màu sắc tối hơn rất nhiều so với các vùng da khác nên có thể dễ dàng phân biệt. Kích thước của mỗi vết nám sẽ tương đương với đầu của cây đinh nên còn được gọi là nấm chân đinh. Cần phân biệt nám chân sâu và thâm mụn để có những cách điều trị cho hợp lý.
Loại nám này vô cùng phổ biến đặc biệt là ở những chị em trên 30 tuổi. Màu sắc của vết nám sẽ đậm dần theo thời gian, đặc biệt là khi bạn tiếp xúc quá nhiều với các loại tia UV hoặc sử dụng thường xuyên nhiều thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại… Nám chân đinh thường chỉ xuất hiện ở vùng đầu mũi hoặc tạo thành những đám nhỏ xung quanh gò má chứ không lan rộng toàn mặt.
Nám mảng
Bên cạnh nám chân đinh, nám mảng cũng là một trong các loại nám phổ biến nhất hiện nay, xuất hiện chủ yếu ở lớp biểu bì trên cùng của da. Tuy nhiên, đặc điểm và cách thức xuất hiện của loại nám này lại có một số điểm khác biệt. Nếu nám chân đinh là những đốm nhỏ trên da, đứng tách rời nhau và có bờ rõ ràng thì nám mảng là một cụm nám dài rộng có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Các vết nám nhỏ bên trong không có bờ rõ ràng và đứng sát nhau nên bạn chỉ thấy một mảng sẫm màu kéo dài trên da.
Bên cạnh đó, nếu nám chân đinh ăn sâu vào trong lớp hạ bì da thì nám mảng chỉ đơn thuần nằm ở lớp biểu bì trên cùng. Khác với nám chân đinh, nám mảng có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Nám cũng có thể lan rộng toàn mặt, tuy nhiên màu sắc sẽ không tối và sẫm như nám chân sâu.
Nám hỗn hợp
Đúng như cái tên, nám hỗn hợp là tình trạng da xuất hiện cả hai loại nám mảng và nám chân đinh, vừa có những mảng nám lớn kéo dài, vừa có các đốm nám ăn sâu vào vùng hạ bì da. Vì vậy, đây cũng là loại nám khó điều trị nhất, bởi tình trạng nám hỗn hợp được đánh giá là mức độ nặng nhất của các loại nám da và hoạt động sản xuất melanin trên da đã bị rối loạn nặng nề.
Tại sao nám xuất hiện?
Dù có đặc điểm và các tính chất khác nhau, nguyên nhân gây nên các loại nám này lại không mấy khác biệt. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất tác động đến quá trình sản xuất Melanin và gây ra hiện tượng nám:
Gen
Yếu tố di truyền học rất hay được đề cập trong các bệnh lý liên quan đến sắc tố da. Nếu người thân trong gia đình bị nám nhiều thì rất có thể bạn cũng mang loại gen gây bệnh này và có thể xuất hiện tình trạng nám ở bất cứ độ tuổi nào. Đây được gọi là nám di truyền.
Quá trình lão hóa da
Bắt đầu từ độ tuổi 30 trở đi, da dần dần mất đi sự khỏe mạnh và đàn hồi vốn có. Việc giảm các protein tái tạo da cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình điều hòa những loại sắc tố, trong đó có melanin. Vì vậy, nếu bạn không có quy trình chăm sóc da cẩn thận thì sẽ rất dễ bị nám khi bước qua 30 tuổi.
Rối loạn nội tiết tố
Melanin được tiết ra từ các tế bào biểu bì tạo hắc tố. Khi các hormon trong cơ thể bị rối loạn dễ khiến hoạt động của tế bào này bị ảnh hưởng, có thể tăng hoặc giảm sản xuất melanin. Nếu tăng sản xuất melanin thì sẽ tạo nên tình trạng nám da thường thấy, hay xảy ra ở các đối tượng phụ nữ đang mang thai, sau mang thai, trường hợp sử dụng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh hoặc đang bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
Tiếp xúc quá nhiều với tia UV
Như chúng ta đã biết, sắc tố melanin được tạo ra để hấp thụ tia sáng, tránh gây hại cho da. Do đó, nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời quá lâu mà không có các biện pháp chống nắng hay che chắn thì sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều melanin hơn. Quá nhiều sắc tố này sẽ gây ra nám.
Sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều
Các thiết bị điện tử thường chứa một loại ánh sáng có hại cho da gọi là ánh sáng xanh. Vì vậy, việc tiếp xúc quá nhiều với máy tính hay điện thoại rất dễ khiến các thành phần của da bị tổn thương. Từ đó, gây rối loạn tổng hợp các loại sắc tố da và tạo nên nám.
Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên thì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt bất hợp lý hay thường xuyên căng thẳng, stress kéo dài, sử dụng các loại mỹ phẩm kém chất lượng, chăm sóc da không đúng quy trình… cũng là những tiền đề gây nên hiện tượng nám.
Hướng điều trị nám da hợp lý
Từ tính chất và đặc điểm của các loại nám da phổ biến hiện nay, chúng ta có thể thấy nám là một bệnh lý ngoài da kéo dài, vì vậy cần rất nhiều thời gian và sự kiên nhẫn để có thể điều trị khỏi. Với nhiều nguyên nhân phức tạp, để điều trị tận gốc tình trạng này cần có sự kết hợp nhịp nhàng giữa điều trị chuyên sâu bằng công nghệ và máy móc hiện đại tại các bệnh viện da liễu, spa… và tự điều chỉnh chế độ sinh hoạt của mình sao cho hợp lý. Dưới đây là một số cách bạn nên làm tại nhà để quá trình điều trị nám đạt hiệu quả cao hơn:
Sử dụng các biện pháp chống nắng khi ra ngoài
Bôi kem chống nắng cũng như che chắn cẩn thận khi ra ngoài là một việc vô cùng quan trọng. Việc làm này không chỉ giúp hạn chế được các tác hại đến từ tia UV mà còn có tác dụng ngăn sự tiết quá mức melanin hiệu quả. Vì vậy, đừng quên dùng kem chống nắng với chỉ số SPF cao để tăng hiệu quả ngăn ngừa các loại tia sáng có hại.
Thay đổi giờ giấc sinh hoạt của bản thân
Uống đủ nước, ngủ đúng giờ, ăn nhiều rau xanh, rèn luyện thể thao đều đặn… đều là những điều cần phải làm để quá trình điều trị nám đạt hiệu quả. Đơn giản là vì việc sinh hoạt hợp lý và tiêu chuẩn sẽ giúp các yếu tố nội tiết trong cơ thể bạn được bình thường và ổn định, từ đó tránh tác động lên quá trình sản sinh các sắc tố, đặc biệt là melanin.
Chăm sóc da cẩn thận
Hiện nay, vẫn chưa có loại thuốc uống hay kem bôi nào có khả năng điều trị nám triệt để. Tuy nhiên, kết hợp các biện pháp skincare và tác động vật lý từ công nghệ sẽ giúp đẩy nhanh thời gian điều trị cũng như ngăn nám quay trở lại. Vì vậy, sử dụng các sản phẩm chứa chất làm sáng da như vitamin C, BHA, AHA hay retinol… đều rất tốt cho các làn da đang bắt đầu giai đoạn tiền lão hóa.
Trên đây là một số thông tin quan trọng về các loại nám da phổ biến cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thêm kinh nghiệm để hạn chế và điều trị được các loại nám da.
Xem thêm
Be the first to write a comment.