Tình trạng rối loạn cương dương là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các quý ông. Rối loạn cương dương không những ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần mà còn liên quan đến hạnh phúc gia đình, thậm chí còn có thể muộn con hoặc vô sinh. Mời các bạn đọc cùng ICondom tìm hiểu về hội chứng rối loạn sinh lý này qua bài viết sau đây.
Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction) là rối loạn chức năng tình dục ở nam giới, dương vật không cương hoặc độ cương cứng không đủ và kéo dài để tiến hành cuộc giao hợp một cách trọn vẹn. Tình trạng rối loạn cương dương ở mức độ cao nhất gọi là liệt dương.
Độ tuổi có thể mắc chứng rối loạn cương dương dao động khá rộng, từ 18-78 tuổi. Theo một nghiên cứu của đại học Massachusetts (Hoa Kỳ) cho thấy rối loạn cương dương có thể xuất hiện với tỉ lệ khoảng 50% đối với nam giới từ 40 đến 70 tuổi. Trên thế giới hiện nay khoảng 150 triệu đàn ông mắc chứng rối loạn cương dương và các chuyên gia dự đoán con số này sẽ tăng lên trên 320 triệu vào năm 2025.
Sự gia tăng được dự đoán sẽ xảy ra cao hơn ở các nước phát triển, khu vực có điều kiện sống được nâng cao và tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng. Sức khỏe nói chung và chức năng tình dục nói riêng sẽ suy giảm theo tuổi tác, càng lớn tuổi nam giới càng dễ bị rối loạn cương dương. Tuy nhiên điều này không có nghĩa rối loạn cương dương là tình trạng không thể tránh khỏi khi lớn tuổi.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu thống kê về bệnh rối loạn cương dương đã cho kết quả rối loạn cương dương xuất hiện với tỉ lệ 10,8% nam giới trong độ tuổi 18-38 tuổi, 44% ở độ tuổi từ 41-50 tuổi và 57% năm giới ở độ tuổi trên 60 tuổi. Rối loạn cương dương có thể đi kèm các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, xơ vữa động mạch…
Phân loại rối loạn cương dương theo nguyên nhân
Có nhiều yếu tố tác động dẫn đến tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới. Thông thường rối loạn chức năng sinh dục chỉ do một yếu tố nhất định gây ra, tuy nhiên vẫn có thể chịu sự tác động của nhiều yếu tố cùng lúc.
Rối loạn cương dương do yếu tố tâm thần – thần kinh
Chức năng sinh dục có thể chịu tác động từ các yếu tố liên quan đến tâm thần như: stress, bệnh trầm cảm, bệnh tâm thần phân liệt, bệnh Alzheimer, đột quỵ, Parkinson hoặc chấn thương sọ não có thể gây giảm hoặc mất ham muốn tình dục ở nam giới. Bên cạnh đó, những chấn thương ở tủy sống có thể cắt đứt đường dẫn truyền thần kinh đến vùng xương cùng, ngăn chặn hoặc ức chế hoàn toàn quá trình cương cứng của dương vật, dẫn đến rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương do yếu tố nội tiết
Tác động của hormon vỏ thượng thận: adrenocorticotropin (ACTH), oxytocin, prolactin, androgen và đặc biệt là testosterone có liên quan đến chức năng sinh dục nam giới. Một ngưỡng testosterone nào đó là cần thiết cương cứng dương vật, vì vậy nam giới càng lớn tuổi sẽ có sự suy giảm tự nhiên trong sản xuất testosterone dễ dẫn đến rối loạn cương dương.
Rối loạn cương dương do yếu tố mạch máu
Một số bệnh lý mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh mạch vành hay xơ vữa động mạch có liên quan đến các rối loạn chức năng nội mô và bệnh lý mạch máu ngoại vi gây nên rối loạn cương dương. Việc không thể cản trở dòng máu tĩnh mạch từ các xoang của vật hang (một ống có mô cương gồm nhiều khoảng trống, chạy dọc theo chiều dài và nằm phía trên của dương vật) trong dương vật đi ra ngoài cũng khiến sự cương cứng bị rối loạn, thậm chí không thể cương – liệt dương. Tình trạng này có thể do chấn thương, thoái hóa bao trắng bao quanh vật hang của dương vật, mất đáp ứng tĩnh mạch hoặc rối loạn chức năng nội mạch trong vật hang.
Rối loạn cương dương liên quan đến Nitric Oxide (NO)
Nitric oxide là chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến đáp ứng cương dương vật, làm giãn nở động mạch và các hệ thống chứa máu trong dương vật.
Rối loạn cương dương do thuốc
Một báo cáo gần đây cho thấy tác dụng phụ của thuốc có thể gây ra khoảng 25% các trường hợp rối loạn cương dương mới mắc. Thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, lợi tiểu kháng aldosterone, thuốc chẹn β, thuốc hạ áp tác dụng lên thần kinh trung ương (clonidin), methyldopa… các thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng H2 (cimetidin), thuốc chống loạn thần (phenothiazine, chlorpromazine, thioridazine)… đều có thể gây tác dụng phụ là rối loạn cương dương.
Hệ quả của tình trạng cương đau dương vật kéo dài
Đây là sự cương cứng dương vật kéo dài hơn 4 giờ nhưng có thể không liên quan đến các kích thích tình dục. Sự cương cứng kéo dài trong thời gian quá lâu có thể phá hủy các tế bào nội mô và hoại tử tế bào cơ trơn vật hang do thiếu máu cục bộ, thường dẫn đến rối loạn cương dương. Đây có thể là hậu quả của việc sử dụng thuốc kích thích cương dương có thời gian tác dụng kéo dài.
Biểu hiện rối loạn cương dương
- Nam giới hoàn toàn mất hẳn ham muốn tình dục.
- Có ham muốn tình dục nhưng dương vật không thể cương cứng được, không thể giao hợp như ý muốn.
- Dương vật cương cứng nhưng không đúng lúc.
- Dương vật cương cứng trong thời gian rất ngắn, chưa kịp đưa vào âm đạo hoặc chưa kịp xuất tinh đã mềm trở lại.
Điều trị rối loạn cương dương
Điều trị nội khoa: rối loạn cương dương do nhiều nguyên nhân gây ra vì vậy không thể có một phương pháp duy nhất điều trị được tất cả các chứng rối loạn cương dương. Một số phương pháp điều trị không phẫu thuật gồm:
- Liệu pháp tâm lý.
- Phương pháp châm cứu.
- Dùng thuốc uống: các nội tiết tố (Pregnyl, Andriol testocap, Mesterolone…) hoặc các thuốc ức chế PDE5 như Sildenafil (Viagra – Mỹ, Medovigor – Canada), Tadalafil (Cialis – Mỹ), Vardenafil (Levitra – Đức)… dùng từ 1 – 2 ngày/tuần, mỗi ngày 1 lần, uống 1 viên trước khi giao hợp 30 phút hoặc tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ nam khoa.
- Tiêm thuốc vào vật hang: áp dụng cho các bệnh nhân không đáp ứng với thuốc ức chế PDE5.
- Dùng dụng cụ hút: tạo một áp lực âm, kéo máu vào dương vật sau đó được giữ lại bằng một vòng thắt ở gốc dương vật, thích hợp với người lớn tuổi, hiệu quả cương có thể đạt 90%, sự hài lòng dao động từ 24 – 94%, tuy nhiên gây tác dụng phụ đau dương vật, phù nề, chậm xuất tinh.
Điều trị phẫu thuật: phẫu thuật sẽ được các bác sĩ chỉ định khi cần thiết
- Phẫu thuật trên hệ thống động mạch: hồi phục tuần hoàn động mạch chủ bụng hoặc hồi phục tuần hoàn động mạch dương vật (nối động mạch thượng vị với động mạch lưng dương vật)
- Phẫu thuật trên hệ thống tĩnh mạch: làm tắc tĩnh mạch mu sâu, cắt tĩnh mạch mu sâu và các nhánh bên, cắt tĩnh mạch ngoại vi và chỗ có các đường rò rỉ tĩnh mạch…
- Phẫu thuật lắp ghép các bộ phận giả: loại ống silicon đặt vào hai bên vật hang khiến dương vật được dựng thẳng đứng vĩnh viễn, loại vật giả có bơm hơi…
- Phẫu thuật tạo hình: điều trị bệnh xơ cứng vật hang, phẫu thuật làm dài dương vật hoặc làm to dương vật.
Cách đơn giản giúp hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương
Đi bộ hàng ngày
Đi bộ là một bài tập tuyệt vời giúp bổ sung oxy vào máu và não, hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương. Đi bộ thường xuyên còn giúp phòng tránh đái tháo đường, béo phì (một trong những nguyên nhân gây rối loạn cương dương). Các chuyên gia đã chứng minh được rằng nam giới sở hữu vòng bụng khoảng 82cm có nguy cơ bị rối loạn cương dương ít hơn 50% so với nam giới có vòng bụng trên 100cm.
Duy trì tập luyện vùng nhạy cảm
Tập luyện các bài tập vùng chậu như kegel mỗi ngày là cách để điều trị rối loạn cương dương. Bài tập này giúp tăng cường kiểm soát tiểu tiện và cải thiện sức khỏe tình dục, tạo ra sức mạnh cơ hành-hang, cung cấp máu tới dương vật nhiều hơn. Thực hiện bài tập sau khi tiểu tiện giúp duy trì sức khỏe tình dục tốt hơn và hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương tự nhiên.
Sử dụng nhân sâm
Nhân sâm được xem là một loại Viagra tự nhiên, đặc biệt là nhân sâm đỏ, nên chọn những loại có tuổi đời trên 5 tuổi. Một nghiên cứu năm 2005 cho thấy dùng nhân sâm đỏ thường xuyên có hiệu quả trong việc hỗ trợ điều trị rối loạn cương dương.
Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hoá
Các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như dưa hấu, tỏi, trà xanh có tác dụng giúp giảm stress, chống lại quá trình oxy hóa và cải thiện tuần hoàn máu, giúp dương vật cương cứng tốt hơn và lâu hơn.
Be the first to write a comment.