Sốt cao co giật lành tính là tình trạng phổ biến ở trẻ nhỏ, nhưng nếu chăm sóc không tốt hoặc để tái diễn nhiều có thể dẫn tới động kinh. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin bố mẹ cần biết và xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật lành tính nhằm hạn chế tối đa tổn thương cho trẻ, mời bạn đọc cùng tham khảo!
1. Sốt cao co giật lành tính là gì?
Sốt cao co giật lành tính là cơn co giật xuất hiện do tăng thân nhiệt > 37.8 độ C ở trẻ từ 6 tháng tuổi tới 6 năm tuổi. Khoảng 3-5% trẻ trong độ tuổi trên bị co giật do sốt.
Đây là một dạng co giật đặc biệt xảy ra trong thời thơ ấu và chỉ liên quan đến sự gia tăng nhiệt độ. Sinh lý bệnh cơ bản chưa được biết, nhưng yếu tố di truyền chắc chắn có góp phần vào sự xuất hiện của rối loạn này
Khi sốt cao co giật, trẻ có thể có thêm các biểu hiện nôn ói, tiêu tiểu không tự chủ, sùi bọt mép, đồng tử lộn lên trên làm mắt trắng dã.
2. Biểu hiện của sốt cao co giật lành tính ở trẻ
Sốt cao co giật lành tính ở trẻ có 3 thể sau đây:
Co giật do sốt đơn giản
- Thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 năm tuổi.
- Cơn co giật toàn thể và kéo dài dưới 15 phút.
- Trẻ khỏe mạnh về mặt thần kinh và không có tiền sử bất thường về thần kinh.
- Sốt (và co giật) không phải do viêm màng não, viêm não hoặc bất kỳ bệnh nào khác ảnh hưởng đến não
- Có thể là một cơn co giật toàn thể hoặc co cứng – co giật toàn thể.
Co giật do sốt phức tạp
- Tuổi, tình trạng thần kinh trước khi bị bệnh và sốt giống như đối với co giật do sốt đơn giản
- Cơn co giật cục bộ hoặc kéo dài (> 15 phút) hoặc nhiều cơn động kinh xảy ra liên tiếp trong cùng một đợt sốt.
Co giật do sốt có triệu chứng
- Tuổi và tình trạng sốt giống như đối với co giật do sốt đơn giản
- Đứa trẻ có bất thường về thần kinh hoặc bệnh cấp tính
3. Khả năng tái phát của sốt cao co giật ở trẻ
- Tỷ lệ tái phát co giật do sốt khoảng 25-50%, nếu trẻ co giật do sốt lần đầu khi dưới 1 tuổi thì tỉ lệ này là 50%.
- 50% trẻ xảy ra cơn thứ hai trong 6 tháng tiếp theo, 75% xảy ra trong năm đầu và 90% xảy ra trong vòng 2 năm sau cơn thứ nhất.
- Trẻ co giật khi nhiệt độ càng cao thì khả năng tái phát thấp hơn.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ tái phát là:
- Tuổi khởi phát <12 tháng.
- Gia đình có cha mẹ hoặc anh em ruột bị co giật do sốt.
- Co giật khi sốt <40oC.
- Xuất hiện nhiều cơn co giật trong đợt bệnh đầu tiên.
- Khởi phát co giật sớm (<1h) sau khi sốt.
4. Xử trí trẻ bị sốt cao co giật như thế nào?
Hầu hết phụ huynh khi thấy con đột nhiên co giật đều hoảng sợ và không biết nên làm gì, thậm chí là xử trí sai cách. Trong trường hợp này cần bình tĩnh và làm theo các bước sau đây:
Tư thế đặt trẻ:
- Nghiêng người trẻ sang một bên để đường thở được thông thoáng, nếu có đờm dãi thì sẽ chảy ra ngoài tránh rơi vào phổi rất nguy hiểm.
- Nếu trẻ đang mặc nhiều đồ thì nên cởi bớt, nới lỏng cổ áo cho trẻ.
- Gối đầu thấp cho trẻ bằng mền, gối hoặc áo khoác.
- Lấy các vật cứng, vật sắc nhọn ra xa.
- Mở thoáng cửa để hạ nhiệt độ không khí xuống.
- Mọi người trong gia đình cũng không nên vây quanh bé mà hãy tản ra, để bé có không khí để thở.
Hạ sốt cho trẻ:
- Lau mát khi trẻ sốt cao bằng cách đắp khăn ướt với nước ấm 36-37oC lên hai nách, hai bẹn và trán. Thường xuyên đổi khăn để việc giải nhiệt cho trẻ được thực hiện tốt và nhanh hơn. Không nên dùng nước đá vì sẽ gây co mạch làm chậm trễ quá trình giải nhiệt. Lau khoảng 15-30 phút trong khi chờ tác dụng của thuốc hạ nhiệt.
- Kết hợp dùng thuốc hạ nhiệt qua đường hậu môn: Nên dùng Paracetamol liều lượng 10-15mg/Kg/lần, có thể lập lại sau 4-6 giờ. Lưu ý sau liều thứ nhất, nếu bé vẫn chưa hạ sốt cũng cần chờ đủ 4 tiếng sau để sử dụng tiếp vì quá liều có thể làm tổn thương dạ dày và nguy hiểm nhất là tổn thương gan thận.
Với những bé có nguy cơ tái phát cao hoặc đã bị sốt cao co giật nhiều lần, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống co giật trong thời gian ngắn. Việc sử dụng thuốc này đòi hỏi đúng liều lượng và giờ giấc, cha mẹ nên lưu ý giờ cho con uống, tránh bỏ quên liều sẽ giảm hiệu quả điều trị.
5. Sai lầm trong cách xử trí trẻ sốt cao co giật
Đa phần cha mẹ khi thấy trẻ bị co giật tím tái, nhất là lần đầu tiên đều dễ hoảng loạn và dễ mắc phải sai lầm. Dưới đây là những lưu ý cha mẹ nhất định phải nhớ để tránh phạm phải, gây nguy hiểm cho con:
- Giữ chân tay trẻ: Điều này có thể gây gãy xương, trật khớp cho trẻ. Thực tế các cơn co giật không gây nguy hại cho xương khớp, nên hãy để trẻ tự do đến khi bình thường.
- Di chuyển cơ thể trẻ: Tương tự, di chuyển trẻ sẽ dễ gây chấn thương. Cha mẹ chỉ đưa trẻ đến nơi khác khi co giật xảy ra ở những vị trí nguy hiểm (cầu thang, mép giường,…)
- Cho vật cứng vào miệng: Khi co giật, nguy cơ trẻ cắn vào lưỡi cực kỳ thấp. Cha mẹ không nên đưa đũa hay bất kỳ vật cứng sắc nhọn nào vào trong miệng bé vì có thể làm gãy răng hoặc chấn thương cơ hàm.
- Vắt nước chanh vào miệng: Đây là quan niệm chữa bệnh dân gian hết sức sai lầm và rất nguy hiểm bởi nước chanh không có tác dụng giảm co giật. Hơn nữa nước chanh, vỏ chanh, hạt chanh có thể rơi vào đường thở khiến trẻ không thở được và tử vong.
- Để trẻ ngủ sau cơn co giật: Sau khi co giật, trẻ có thể ngủ thiếp đi do mệt mỏi. Lúc này, cha mẹ nên để con nghỉ ngơi, không lay gọi bé.
6. Giải đáp các câu hỏi thường gặp liên quan đến sốt cao co giật lành tính ở trẻ
1. Sốt cao co giật lành tính có gây hại cho não không?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai, cho biết:
“Cách đây 20 năm, tôi và các đồng nghiệp cũng sợ rằng sốt co giật gây hại não. Tuy nhiên hiện nay đã có nhiều nghiên cứu ở cả thế giới và Việt Nam khẳng định, sốt cao co giật thông thường không gây hại não. Trừ một số bệnh lý khác gây nên tình trạng này như viêm màng não, viêm não mà chúng ta bỏ sót trong chẩn đoán. Còn nếu là sốt cao do vi rút gây co giật, sau vài chục giây, trẻ hết co giật trở lại bình thường, không để lại di chứng cho não.”.
2. Co giật do sốt có nguy hiểm tới tính mạng không?
Hầu hết co giật do sốt không gây ra nguy hiểm, trừ khi trẻ bị chấn thương trong thời gian đó. Tỷ lệ tử vong của trẻ có co giật do sốt (1 cơn và kéo dài không quá 15 phút) không khác tỷ lệ tử vong của các trẻ bị sốt mà không co giật cùng lứa tuổi.
3. Co giật do sốt có ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của trẻ?
Trên thế giới đã có 2 nghiên cứu chứng minh không có sự khác biệt về trí tuệ của các trẻ bị co giật do sốt so với anh em cùng cha mẹ không bị co giật do sốt.
4. Co giật do sốt có phải là chỉ dấu của bệnh động kinh?
Chỉ khoảng 2 – 4% trẻ bị co giật do sốt mắc động kinh sau này. Và khoảng 10 – 20% người bị động kinh có tiền sử co giật do sốt. Hầu hết chỉ các trường hợp sốt rồi có co giật kéo dài trên 15 phút, hoặc có nhiều cơn co giật trong 24 giờ đều liên quan tới bệnh lý thần kinh sẵn có của trẻ.
5. Co giật do sốt lành tính thì có cần thiết đưa trẻ đến bệnh viện không?
Sau khi trẻ hết co giật, cha mẹ cần đưa trẻ tới viện để được bác sĩ khám và loại trừ viêm màng não cũng như các nguyên nhân nguy hiểm gây sốt và co giật khác.
6. Sau khi trẻ bị co giật do sốt hết co giật, trẻ có nguy cơ gì không?
Hầu hết trẻ sau khi hết giật thường ngủ lịm đi, có thể tới cả giờ. Một số trẻ có thể tỉnh ngay nhưng vẫn lờ đờ. Một số rất ít trẻ có thể ngừng thở (do dị vật đường thở…), khi đó bạn cần bình tĩnh tiến hành CPR (cấp cứu ngừng thở ngừng tim) kịp thời. Nếu chưa biết, cha mẹ nên tham gia lớp học về sơ cứu cơ bản này.
Xử trí khi trẻ bị sốt cao co giật lành tính không khó, quan trọng là cha mẹ cần giữ bình tĩnh và làm theo đúng như hướng dẫn. Hi vọng những thông tin bài viết cung cấp sẽ giúp ích cho phụ huynh có thể cùng con yêu vượt qua những mốc khó khăn đầu đời.
Be the first to write a comment.