Bệnh vảy nến là bệnh da rất thông thường, liên quan đến yếu tố di truyền và rối loạn miễn dịch, gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh tiến triển lâu dài, hay tái phát nhưng lành tính. Đến nay các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh, nên chưa thể dự phòng hoàn toàn. Nhưng khi phát hiện sớm và điều trị đúng có thể hạn chế bệnh, bệnh có thể ổn định và thuyên giảm. Tuy nhiên dù lựa chọn phương pháp điều trị nào, người bệnh cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Một vài thông tin cần biết về bệnh vảy nến
Vảy nến được coi là bệnh viêm hệ thống, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan của cơ thể. Điều phiền phức là bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, khiến làn da trở nên xấu xí…
Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên, nguyên nhân gây bệnh hiện vẫn chưa được khẳng định rõ ràng. Nhưng bệnh khởi phát do có sự tương tác giữa yếu tố di truyền và một số yếu tố bên ngoài. Mối tương tác này tạo ra sự rối loạn hệ thống miễn dịch của người bệnh, khiến hệ thống này bị kích thích, làm cho da tăng sản xuất vảy rất nhiều, rất nhanh.
Bình thường khoảng 4 tuần da người sẽ thay mới một lần. Khi đó vảy trên da sẽ bong ra nhưng không thấy được. Nhưng ở người bị bệnh vảy nến, tốc độ sản xuất vảy nhanh gấp nhiều lần người bình thường khiến lớp da trước bong ra chưa hết thì lớp da sau đã tróc ra và tích tụ lại tạo ra vảy, kết hợp với quá trình viêm, làm cho da bị đỏ hồng lên.
Vảy nến có nhiều dạng: vảy nến mảng, vảy nến giọt, vảy nến mủ, vảy nến đảo ngược và vảy nến đỏ da toàn thân.
Vảy nến là bệnh diễn tiến mãn tính, không thể điều trị khỏi hẳn và dễ tái phát khi có các yếu tố nguy cơ làm tái phát bệnh.
Những yếu tố gây khởi phát bệnh trên người có gen vảy nến hoặc trên người đã bị vảy nến là stress (căng thẳng thần kinh), viêm họng, dùng thuốc lithium (điều trị tâm thần), dùng thuốc kháng sốt rét, thay đổi thời tiết, khí hậu khô, lạnh, hoặc bị trầy xước, phỏng da.
Vì sao không nên tự điều trị bệnh vảy nến
Tùy tình trạng bệnh, kiểu bệnh mà bệnh nhân sẽ được bác sĩ chọn lựa phương pháp điều trị, dùng thuốc gì như thuốc bôi ngoài da, thuốc uống, thuốc tiêm hoặc quang trị liệu (chiếu tia cực tím trên vùng da vảy nến) để làm giảm triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa tuân thủ điều trị của bác sĩ, tự chữa làm bệnh nặng hơn, khó chữa trị hơn.
Nhiều người đã tìm đến một số cơ sở điều trị không chính thống để mua những loại thuốc không rõ nguồn gốc, được giới thiệu là thuốc gia truyền điều trị dứt hẳn bệnh vảy nến. Trong khi những thuốc này có thể bị pha trộn thạch tín, corticoide. Sau khi uống những loại thuốc này một thời gian, bệnh nhân đỏ da toàn thân, xuất hiện vảy nến mủ phải vào bệnh viện cấp cứu, điều trị.
Thậm chí có bệnh nhân còn tự mua thuốc methotrexate về uống do thuốc này rẻ tiền, điều trị tốt nhưng hậu quả là bệnh nhân bị suy gan, xơ gan. Theo các bác sĩ, trước khi dùng thuốc này, người bệnh phải được làm một số xét nghiệm về gan, thận, máu xem có chống chỉ định không do thuốc có tác dụng phụ gây thiếu máu, tăng men gan, ảnh hưởng đến thận.
Các biện pháp đề phòng yếu tố khởi phát của bệnh cũng đóng một vai trò quan trọng trong điều trị vảy nến. Liệu pháp tâm lý, tránh stress là cần thiết. Bệnh nhân cần “chung sống hòa bình” với bệnh do nguyên nhân thật sự của vảy nến hiện vẫn chưa rõ. Tránh bi quan và có lối sống lành mạnh, tránh các yếu tố bất lợi làm bệnh dễ tái phát để đạt được ổn định lâu dài.
Giữ nền tảng sức khỏe tốt
Người bệnh cần hiểu rõ về bệnh vảy nến, kiểm soát ngứa và giữ nền tảng sức khỏe tốt. Để giữ nền tảng sức khỏe tốt, bệnh nhân phải bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, sống vui vẻ để giảm stress, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, tập thể dục, thư giãn và có chế độ ăn hợp lý.
Bệnh nhân nên ăn nhiều loại thức ăn, đủ chất dinh dưỡng, dùng muối và đường vừa phải, giảm thức ăn nhiều mỡ và cholesterol, tránh thức ăn có tương tác với thuốc điều trị, bổ sung sinh tố.
Nên ăn các loại thực phẩm có chất chống oxy hóa (nho và bưởi, các loại đậu, quả hạch, mơ, nho khô, mận, ngũ cốc, cây đinh hương, cây quế); Các thực phẩm có beta carotene (cà rốt, rau lá xanh, quả mơ, xoài), có folate (ngũ cốc, đậu lăng, lúa mì, đậu Hà Lan, cây bông cải xanh, cải bắp, giá và nước cam), có kẽm (sò và các thực phẩm có ngũ cốc), có axit béo Omega-3 (cá mòi, cá thu và cá hồi, các loại hạt lanh, hạt hướng dương và hạt mè).
Hạn chế ăn đường, thực phẩm chiên xào và chế biến sẵn, thức ăn cay, tiêu, chocolate, trứng (một số bệnh nhân)…
Để sử dụng các loại thuốc an toàn trong quá trình điều trị bệnh vảy nến, bệnh nhân cần được thăm khám để có phương pháp điều trị hiệu quả, không nên tự ý sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ theo từng giai đoạn bệnh nhằm đạt được kết quả tốt nhất. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Be the first to write a comment.