Rubella là một căn bệnh thường gặp và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được hiệu quả bằng vắc xin rubella. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về vắc xin rubella cho bạn.
Rubella là bệnh gì?
Bệnh rubella còn được gọi là sởi Đức, là một bệnh lý truyền nhiễm do virus rubella gây ra. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh rubella thường có diễn tiến nhẹ, với các triệu chứng bao gồm sốt nhẹ, đau họng và phát ban. Phát ban bắt đầu ở mặt và sau đó lan khắp cơ thể. Một số bệnh nhân còn có thể bị nhức đầu, viêm kết mạc mắt và mệt mỏi trước khi phát ban.
Tuy bệnh thường diễn tiến nhẹ và có thể tự khỏi, nhưng vẫn có không ít trường hợp gặp những biến chứng nguy hiểm như viêm não, phụ nữ mang thai mắc rubella có thể gây sảy thai, gây hội chứng rubella bẩm sinh ở con như: dị tật thai nhi nghiêm trọng ở nhiều cơ quan, điếc, đục thuỷ tinh thể, con sinh ra chậm phát triển thể chất, trí tuệ… đặc biệt là khi bà mẹ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Tuy nhiên, một điều rất may mắn là bệnh rubella hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng vắc xin.
Vắc xin rubella là gì?
Vắc xin rubella là chế phẩm chứa các dạng của virus gây bệnh rubella nhưng đã bị làm cho yếu đi nên hoàn toàn không có khả năng gây bệnh. Vắc xin rubella là loại vắc xin sống giảm độc lực.
Vắc xin rubella có 3 chế phẩm sau:
- Chế phẩm vắc xin 2 trong 1 MR: bao gồm vắc xin rubella được phối hợp với vắc xin sởi nên bảo vệ cơ thể chống lại cả 2 bệnh là sởi và rubella.
- Chế phẩm vắc xin 3 trong 1 MMR: bao gồm vắc xin rubella được phối hợp với vắc xin sởi và quai bị nên bảo vệ cơ thể chống lại cả 3 bệnh là sởi, quai bị và rubella.
- Chế phẩm vắc xin 4 trong 1 MMRV: bao gồm vắc xin rubella được phối hợp với vắc xin sởi, quai bị và thuỷ đậu nên bảo vệ được cơ thể chống lại đến 4 bệnh là sởi, quai bị, rubella và thuỷ đậu.
Ở Việt Nam, hiện tại đang phổ biến hai chế phẩm vắc xin là MR và MMR. Vắc xin MR được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế từ năm 2014. Vắc xin này do hãng Serum Institute của Ấn Độ sản xuất, đạt tiêu chuẩn tiền kiểm định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do Liên minh toàn cầu Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ kinh phí và do Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mua và cung cấp cho Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây nhờ sự hỗ trợ của Nhật Bản, Việt Nam đã tự sản xuất thành công vắc xin MR. Trong tháng 3 năm 2018, vắc xin MR do Việt Nam sản xuất đã được đưa vào sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và cho kết quả an toàn nên trong tương lai sẽ có thể từng bước thay thế vắc xin MR của Ấn Độ.
Tồn tại song song với vắc xin MR tại Việt Nam là vắc xin MMR. Tuy nhiên, vắc xin này hiện không nằm Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà đây là một loại vắc xin dịch vụ.
Theo các chuyên gia thì thành phần vắc xin rubella trong vắc xin của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (vắc xin MR) và tiêm chủng dịch vụ (MMR) là tương đương nhau nên cho hiệu quả giống nhau trong phòng bệnh rubella. Nhưng ưu điểm của vắc xin MMR là ngừa được thêm bệnh quai bị so với vắc xin MR, nếu đã tiêm vắc xin MMR thì không cần phải tiêm thêm một mũi vắc xin thuỷ đậu nữa.
Tiêm vắc xin rubella cho ai và tiêm vào lúc nào?
Trẻ từ 12 tháng tuổi
Theo lịch Tiêm chủng mở rộng, vắc xin rubella được tiêm cho trẻ là vắc xin MR. Theo hướng dẫn của một số nhà sản xuất thì loại vắc xin rubella này được chỉ định tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên.
Theo đó, từ năm 2016, Bộ Y tế đã phê duyệt tiêm 1 mũi vắc xin rubella MR cho trẻ đủ 18 tháng tuổi trở lên trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Có thể cân nhắc tiêm vắc xin rubella nhắc lại 1 mũi cho trẻ từ 2 đến 5 tuổi để cho hiệu quả bảo vệ tốt hơn.
Thanh thiếu niên và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Ngoài ra, vắc xin rubella còn được khuyến cáo tiêm cho thanh thiếu niên và người lớn chưa được tiêm chủng vắc xin này trước đó, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ để phòng hội chứng rubella bẩm sinh cho con sau này do bà mẹ nhiễm rubella trong thời kỳ mang thai.
Tuy nhiên, phụ nữ cần được tiêm vắc xin rubella trước khi có kế hoạch mang thai ít nhất 1 tháng, tốt nhất là trước 3 tháng để đảm bảo vắc xin không ảnh hưởng đến thai nhi như gây dị tật bẩm sinh, mặc dù nguy cơ này chưa được chứng minh.
Tiêm vắc xin rubella có tác dụng phòng bệnh suốt đời không?
Trên một cơ thể người khoẻ mạnh, sau tiêm vắc xin có đáp ứng miễn dịch với rubella và miễn dịch này sẽ bền vững suốt đời. Đối với người được chẩn đoán xác định là mắc bệnh rubella thì không cần tiêm vắc xin rubella nữa vì khi đó cơ thể cũng đã tạo được miễn dịch bền vững suốt đời với bệnh. Còn những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh mà không được chẩn đoán xác định thì vẫn phải nên tiêm để đảm bảo an toàn nhất.
Tác dụng phụ của vắc xin rubella là gì?
Giống như mọi loại vắc xin khác, vắc xin rubella cũng có những tác dụng phụ mức độ từ nhẹ đến nặng, do bản chất vắc xin vẫn là vật lạ đối với cơ thể nên có thể kích thích cơ thể có những phản ứng chống lại.
Tác dụng phụ nhẹ thường gặp sau tiêm vắc xin rubella gồm:
- Sốt nhẹ
- Phát ban dị ứng
- Nổi mày đay
- Đau cơ
- Đau khớp, viêm khớp
- Nổi hạch
- Tại chỗ tiêm bị sưng nhẹ, nóng, đỏ và đau.
Hầu hết các tác dụng phụ này xuất hiện trong vòng 24 giờ sau tiêm vắc xin và sẽ tự khỏi trong vòng 2 đến 3 ngày mà không cần điều trị.
Tác dụng phụ nặng rất hiếm gặp, thường do người được tiêm đã mắc các bệnh lý từ trước như tim bẩm sinh, nhiễm trùng huyết, đột tử, xuất huyết não… Các tác dụng phụ nặng sau tiêm chủng phải kể đến như:
- Giảm tiểu cầu với tỷ lệ báo cáo dưới 1/30.000 trường hợp.
- Co giật hoặc sốc phản vệ cũng rất hiếm khi xảy ra.
Tuy tác dụng phụ thường nhẹ và hiếm khi nặng nhưng sau khi tiêm, người được tiêm vẫn phải ở lại cơ sở tiêm ngừa trong vòng ít nhất 30 phút để theo dõi xem có xuất hiện dấu hiệu bất thường gì hay không. Đồng thời sau khi về nhà, cần theo dõi tình trạng cơ thể trong một ngày đầu. Tuyệt đối không được chủ quan.
Ai không nên tiêm vắc xin rubella?
Không được tiêm vắc xin rubella trong những trường hợp sau:
- Có tiền sử sốc phản vệ hoặc có phản ứng nghiêm trọng sau tiêm bất kỳ một loại vắc xin trước đó như sốt cao kèm co giật, khó thở, tím tái hoặc dấu hiệu não – màng não.
- Người bị dị ứng với trứng, chất gelatin, kháng sinh neomycin vì có thể gây dị ứng nặng, thậm chí sốc phản vệ khi tiêm.
- Suy chức năng cơ quan như suy tim, suy gan, suy thận.
- Phụ nữ mang thai vì có nguy cơ gây dị tật thai nhi.
- Người suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư … thì cần tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế.
Tạm hoãn tiêm vắc xin rubella trong các trường hợp sau:
- Đang sốt.
- Bệnh nhiễm trùng cũng như các bệnh lý cấp tính khác.
- Điều trị bệnh bằng corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị trong vòng 14 ngày.
- Điều trị bệnh bằng truyền máu, truyền huyết tương, truyền globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng.
Tiêm vắc xin rubella bao nhiêu tiền?
- Vắc xin rubella 2 trong 1 (MR) hoàn toàn miễn phí do thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.
- Vắc xin rubella 3 trong 1 (MMR) là vắc xin dịch vụ nên tuỳ thuộc vào từng cơ sở và từng thời điểm mà giá tiền sẽ khác nhau, trung bình dao động khoảng 150.000 đến 250.000 đồng.
Tiêm vắc xin rubella ở đâu?
Bạn có thể tham khảo một số địa chỉ tiêm vắc xin rubella uy tín tại 2 thành phố lớn trong nước như sau:
Tại Hà Nội
1. Trung tâm Tiêm chủng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương
- Địa chỉ: Số 131 Lò Đúc – quận Hai Bà Trưng – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 39717694/39723173 máy lẻ 0
2. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Hà Nội
- Địa chỉ: 70 Nguyễn Chí Thanh – quận Đống Đa – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 39 035 688/37 730 268
3. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
- Địa chỉ: 458 Minh Khai – quận Hai Bà Trưng – thành phố Hà Nội.
- Số điện thoại: (84 24) 3974 3556
4. Phòng tiêm chủng SAFPO
- Địa chỉ: số 135 Lò Đúc – quận Hai Bà Trưng – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3972 7071 – Đường dây nóng: 0988 7777 00
5. Phòng tư vấn sức khỏe
- Địa chỉ: số 50C Hàng Bài – quận Hoàn Kiếm – thành phố Hà Nội.
- Số điện thoại: (024) 9439525
6. Bệnh viện Việt Pháp
- Địa chỉ: số 1 Phương Mai – quận Đống Đa – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3577 1100
7. Bệnh viện Nhi Trung ương
- Địa chỉ: số 18/879 La Thành – quận Đống Đa- thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3834 3700
8. Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế
- Địa chỉ: số 35 Trần Bình – phường Mai Dịch – quận Cầu Giấy – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3768 5512
9. Phòng tiêm chủng Quốc tế
- Địa chỉ: số 3 Ông Ích Khiêm – quận Ba Đình – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3733 9803
10. Trung tâm tiêm chủng vacxin VNVC
- Địa chỉ: số 180 Trường Chinh – quận Đống Đa – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: (024) 3882 4666
11. Phòng tiêm chủng dịch vụ 182 Lương Thế Vinh
- Địa Chỉ: số 182 Lương Thế Vinh – phường Thanh Xuân Bắc – quận Thanh Xuân – thành phố Hà Nội
- Số điện thoại: 1900256
Tại thành phố Hồ Chí Minh
1. Bệnh viện Từ Dũ
- Địa chỉ: 284 đường Cống Quỳnh – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (08) 54 042 829 – (08) 38 395 117 – (08) 38 392 722
2. Bệnh viện phụ sản Mekong
- Địa chỉ: số 243-243A-243B Hoàng Văn Thụ – phường 1 – quận Tân Bình – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84-8) 38 442 986, (84-8) 38 442 988
3. Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh
- Địa chỉ: 167 đường Pasteur – phường 8 – quận 3 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84-8) 38 230 352
4. Trung tâm Dinh dưỡng thành phố Hồ Chí Minh
- Địa chỉ: số 180 Lê Văn Sỹ – phường 10 – quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84-8) 38 445 990
5. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
- Địa chỉ: số 208 Nguyễn Hữu Cảnh – phường 22 – quận Bình Thạnh – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84 28) 3622 1166
6. Bệnh viện Nhi Đồng 1
- Địa chỉ: số 341 Sư Vạn Hạnh – phường 10 – quận 10 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (08) 39 271 119
7. Bệnh viện Nhi Đồng 2
- Địa chỉ: số 14 Lý Tự Trọng – phường Bến Nghé – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (08) 38 295 723
8. Bệnh viện Phụ sản Quốc tế
- Địa chỉ: số 63 Bùi Thị Xuân – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (08) 39 253 619 – (08) 39 253 625
9. Bệnh viện An Sinh
- Địa chỉ: số 10 Trần Huy Liệu – phường 12 – quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84 – 8) 3 845 7777 – Đường dây nóng: 093.810.0810
10. Trung Tâm Chăm Sóc Sức Khỏe Quốc tế Hạnh Phúc (cơ sở của Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc)
- Địa chỉ: Số 97 Nguyễn Thị Minh Khai – quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh
- Số điện thoại: (84 – 8) 3925 9797
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm các địa điểm tiêm chủng khác cũng như ở các tỉnh thành khác thông qua việc tham khảo ý kiến của các cơ sở y tế gần nơi bạn sống nhất để được hướng dẫn cụ thể.
Be the first to write a comment.