Ung thư phổi là một căn bệnh gây tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư. Ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh này khi mà tác nhân gây ung thư phổi có mặt ở khắp mọi nơi từ thuốc lá, khói xe, bụi bẩn cho đến những khí thải độc hại từ các nhà máy.
1. Nguyên nhân gây nên ung thư phổi
Ung thư phổi được hình thành do các tế bào bị đột biến trong đường dẫn khí ở các mô phổi. Các tế bào này tăng sinh không kiểm soát và hình thành nên khối u ác tính và gây những tổn thương rất nghiêm trọng ở phổi.
Ung thư phổi là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Ở nam giới, tỷ lệ mắc ung thư phổi đứng thứ 2 trong tất cả các bệnh ung thư, con số này ở nữ giới là 3. Năm 2018, tại Việt Nam, số ca mắc ung thư phổi mới là 22.667 ca, chiếm 14,4% và chỉ đứng sau ung thư gan (15,4%).
Những con số này cho thấy, ung thư phổi là căn bệnh không chỉ phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Hầu hết, các nguyên nhân gây ung thư phổi đều xuất phát từ môi trường sống, thói quen hút thuốc lá – có 4 nguyên nhân chính gây ung thư phổi:
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư phổi trên toàn cầu hiện nay. Thành phần trong thuốc lá có khoảng 4000 chất và trong đó có đến 40 chất gây ung thư nicotin, oxide carbon, benzene, formaldehyde, ammonia, acetone, arsenic, hydrogen cyanide…Khi hút thuốc, khói thuốc sẽ đi qua khoang miệng, đến vòm họng rồi xâm nhập và đường thở rồi xuống phổi.
Tại phổi, khói thuốc lá sẽ tác động trực tiếp đến các lông mao cấu tạo nên phổi và làm cho chúng bị tê liệt, phá hủy từ từ theo thời gian. Từ đó, phổi không thể làm việc và tống các chất độc hại từ khói thuốc ra khỏi cơ thể.
Các chất độc hại này tích tụ ở phổi sẽ làm biến đổi, thay đổi cấu trúc, cơ chế hoạt động thông thường của các tế bào khỏe mạnh ở mô phổi và hình thành nên ung thư phổi.
Ngoài ra, những người hút thuốc lá lâu ngày sẽ khiến đường hô hấp bị viêm, viêm phổi kinh niên, chỗ viêm đó sẽ tiết ra chất phá hủy nhu mô phổi, làm phổi bị tổn thương và dẫn đến ung thư phổi. Theo thống kê của WHO, có đến 70% số ca tử vong vì ung thư phổi là do hút thuốc lá.
Hút thuốc lá thụ động
Những người thường xuyên hút thuốc lá thụ động cũng có thể bị ung thư. Trong một nghiên cứu của Mỹ đã chỉ ra, những người kết hôn với người nghiện thuốc hay những người có gia đình có người nghiện thuốc lá thì có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người bình thường từ 20% đến 30%. Cơ chế gây ung thư phổi của thuốc lá đối với những người hút thuốc lá thụ động cũng tương tự như những người hút thuốc lá trực tiếp.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, người hút thuốc lá chỉ phải hít khoảng 20% luồng khói chính, trong khi luồng khói phụ độc hại gấp nhiều lần luồng khói chính được thải ra môi trường và được người khác hít vào cơ thể. Đó chính là lý do vì sao nhiều người không hút thuốc nhưng vẫn bị ung thư phổi.
Ô nhiễm không khí
Môi trường ngày càng ô nhiễm với đầy đủ các loại khói bụi từ các nhà máy sản xuất, phương tiện đi lại, cháy rừng, các điều kiện tự nhiên,…Cùng với sự gia tăng ô nhiễm không khí thì ung thư phổi cũng gia tăng theo. Theo WHO, có đến 223.000 ca tử vong vì ung thư phổi do ô nhiễm không khí gây nên.
Nghề nghiệp
Những người làm việc ở những môi trường độc hại như: công ty hóa chất, mỏ than, mỏ phóng xạ uranium, mỏ cromit, công nghiệp hóa dầu, công nghiệp nhựa, khí đốt có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn những người khác do thường xuyên hít phải các khí độc hại.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây nên ung thư phổi như: di truyền, nguồn nước nhiễm asen, khí radon và tỷ lệ mắc ung thư phổi ở nam cao hơn nữ. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, bất cứ ai cũng có thể bị ung thư phổi chứ không chỉ riêng những người hút thuốc lá, hay làm việc trong môi trường độc hại.
2. Triệu chứng của ung thư phổi
Khi bị ung thư phổi, bệnh nhân có thể có rất nhiều triệu chứng khác nhau. Một số trường hợp, bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng nào cả và tình cờ phát hiện ra bệnh khi đi khám bệnh. Nhìn chung, ung thư phổi có các triệu chứng điển hình sau đây:
Triệu chứng phế quản – thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của bệnh
- Ho: Hầu hết các bệnh nhân ung thư phổi đều có triệu chứng ban đầu là ho khan, sau đó ho ra đờm. Một số trường hợp thì khạc đờm ra mủ, ra đờm màu xanh, màu vàng do bội nhiễm phế quản ở sau chỗ tắc nghẽn phế quản.
- Ho ra máu: 50% ca mắc ung thư phổi thường xuất hiện triệu chứng này. Người bệnh ho ra máu ít, lẫn đờm, có thể kèm theo tiếng rít phế quản (dấu hiệu cho thấy khối u đã làm tắc một phần phế quản). Các cơn ho này thường xuất hiện vào buổi sáng và kéo dài nhiều ngày.
- Viêm phế quản, viêm phổi tái diễn ra nhiều lần, nếu có dấu hiệu này, bạn cần nên đi khám ngay vì đây cũng có thể là dấu hiệu của ung thư phổi giai đoạn đầu.
Khối u ung thư phổi phát triển và lan tỏa
- Đau ngực: Người bệnh sẽ cảm thấy đau ngực rất sâu mỗi khi làm việc gì đó nặng (vác nặng), khi ho hoặc cười.
- Khó thở do khối u phổi chèn ép gây tắc khí phế quản.
- Nói khàn: Là hệ quả của quá trình ho dai dẳng, kéo dài hoặc do thần kinh thanh quản quặt ngược bị chèn ép.
- Khó nuốt do thực quản bị khối u chèn ép.
- Đau vai: Do khối u phát triển gây áp lực ở phần trên của phổi và dây thần kinh ở nách. Khi đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy cảm thấy đau nhức, ngứa ra ở vai, bên trong cánh tay và bàn tay.
- Mặt bị phù nề, cổ to ra, các tĩnh mạch nổi rõ ở cổ và ngực, hố trên xương đòn đầy.
- Tràn dịch màng phổi do khối khối u xâm lấn đến màng phổi.
- Một số ít bệnh nhân có triệu chứng: nửa mặt đó, khe mí mắt hẹp, đồng tử nhỏ, nhãn cầu tụt về phía sau.
Những triệu chứng khác ngoài phổi
- Người bệnh có dấu hiệu giảm cân nhanh và bất thường.
- Các khớp của xương cổ tay, bàn tay, cổ chân, bàn chân bị đau.
- Nổi hạch ở cổ hoặc ở hố trên đòn.
- Nam giới có thể bị vú to một hoặc hai bên.
3. Các giai đoạn của ung thư phổi và cách điều trị
Dựa trên tính chất và sự phát triển của khối u, ung thư phổi được chia thành ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Ung thư phổi tế bào nhỏ – 2 giai đoạn
- Giai đoạn hạn chế: Ung thư chỉ xuất hiện trong một lá phổi và các mô xung quanh.
- Giai đoạn mở rộng: Ung thư phổi lan ra ngoài ngực và đi đến gan, tuyến thượng thận, thậm chí là lan đến cả xương và não.
Ung thư phổi không tế bào nhỏ – 6 giai đoạn
- Giai đoạn bị che lấp: Khối u không được tìm thấy trong phổi nhưng các tế bào ung thư lại được tìm thấy ở đờm, mẫu nước thu thập được trong quá trình nội soi phế quản.
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư được tìm thấy ở lớp niêm mạc, tận cùng bên trong phổi. Khối u chỉ phát triển trong giới hạn của lớp niêm mạc phổi và không lây lan sang vùng xung quanh. Ở giai đoạn này, khối u còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ.
- Giai đoạn I được chia thành giai đoạn 1A và giai đoạn 1B. Giai đoạn 1B, đường kính khối u <3cm. Giai đoạn 1B, đường kính khối u >3cm, khối u, tế bào ung thư chia di căn sang máu, các hệ bạch huyết.
- Giai đoạn II được chia thành giai đoạn 2A và 2B. Giai đoạn 2A, khối u tương đương 5cm, xuất hiện gần các hệ bạch huyết. Giai đoạn 2B, khối u tương đương 7cm, thường mọc liền kề với các mô phổi và chưa xâm lấn đến các hệ bạch huyết gần nó.
- Giai đoạn III cũng được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 3A, đường kính khối u >7cm, bắt đầu xâm lấn đến cách hạch bạch huyết, phát triển ở màng phổi, khí quản hoặc ngực, khối u cũng có thể xuất hiện ở gần các mạch máu tim. Giai đoạn 3B, khối u ác tính bắt đầu phát triển mạnh ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết, cơ tim.
- Giai đoạn IV: Khối u, tế bào ung thư lan rộng đến gan, hệ thống tim mạch. Cơ hội chữa khỏi bệnh ở giai đoạn này bằng 0.
Ung thư phổi ở những giai đoạn đầu (giai đoạn hạn chế, giai đoạn che lấp, giai đoạn 0) thường được điều trị bằng cách phẫu thuật để cắt bỏ khối u vì khối u vẫn còn nhỏ và chưa lây lan, di căn đến hạch bạch huyết và những nơi khác. Ở những giai đoạn về sau, ung thư phổi có thể được điều trị kết hợp thông qua phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.
Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp hóa trị hoặc xạ trị hoặc kết hợp cả hai phương pháp để làm giảm triệu chứng của bệnh và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
4. Chăm sóc bệnh nhân ung thư phổi như thế nào?
Theo dõi sức khỏe người bệnh
Người chăm sóc cần quan sát những thay đổi ở người bệnh: tình trạng ho, tính chất và màu sắc của đờm, ho có ra đờm hay kèm theo máu hay không, người bệnh có bị đau và tức ngực hay không, lưu ý đến các hiện tượng khó nuốt, khàn tiếng, phù vùng đầu, cổ hoặc sụp mí mắt và thông báo với bác sĩ để bác sĩ nắm rõ được tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Phòng nhiễm khuẩn
- Đảm bảo người bệnh luôn được sinh hoạt và điều trị bệnh trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, không có quá nhiều nắng, hoặc gió lùa vào. Không để người bệnh đến những nơi ô nhiễm.
- Làm sạch đường thở cho người bệnh: vỗ rung lồng ngực, dẫn lưu tư thế, ho có hiệu quả, nếu đờm đặc có thể làm loãng đờm bằng cách dung khí hơi nước. Tuyệt đối không cho bệnh nhân hút thuốc lá vì thuốc lá có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Theo dõi và phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn ở bệnh nhân. trong đó có sốt.
Tăng cường dinh dưỡng
- Đảm bảo chế độ ăn luôn đầy đủ chất dinh dưỡng: đạm, vitamin, canxi, chất xơ, tinh bột,..
- Cho bệnh nhân ăn nhiều bữa trong ngày, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu như: cháo, súp, sữa, hoa quả,..
- Bổ sung những thực phẩm làm giảm tốc độ phát triển của bệnh, tốt cho bệnh nhân gồm có: loại sữa ít béo, cải xanh, cải lá, rau bina, cà chua, trái cây màu tía giàu flavonoids và trà xanh…
- Không cho người bệnh uống bia, rượu, ăn đồ ăn khó tiêu, đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ,..
Hỗ trợ bệnh nhân giảm ho, khó thở và giảm đau
- Khó thở: cho bệnh nhân nằm đầu cao và sử dụng bình oxy theo hướng dẫn của bác sĩ. Hướng dẫn bệnh nhân hít thở sâu, thở đều bằng mũi và nhắc bệnh nhân tập trung, điều hòa vào hơi thở.
- Ho kèm theo đờm: làm theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp bệnh nhân long đờm, giãn phế quản từ đó giúp giảm ho và giảm bớt tình trạng khò khè do đờm gây ra.
- Giảm đau: Hướng dẫn bệnh nhân đặt tay ôm ngực để giảm đau khi ho và sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn.
Trong suốt quá trình chăm sóc cho bệnh nhân, người chăm sóc cần liên tục động viên tinh thần cho bệnh nhân để giúp bệnh nhân bớt lo lắng, u sầu khi nghĩ đến bệnh.
Be the first to write a comment.