Rate this post

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai hay còn gọi là nhiễm trùng đường tiểu ở bà bầu là bệnh lý rất phổ biến, thường bắt đầu từ tuần thai thứ 6 đến tuần thai thứ 24. Mời các hãy cùng ICondom tìm hiểu những kiến thức bổ ích về chứng bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai qua bài viết sau đây.

Thế nào là nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào bàng quang hay thận, sau đó sinh sôi nảy nở, gây nhiễm khuẩn nước tiểu, cuối cùng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cơ quan của hệ tiết niệu. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh lý thường gặp với thai phụ, phần lớn các trường hợp bệnh thường xuất hiện vào đầu tháng thứ tư của thai kỳ.

Nguyên nhân gây ra nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Đa số mọi người thường không biết rằng nước tiểu bình thường của chúng ta thải ra hàng ngày là một dung dịch vô khuẩn, thành phần có chứa nước, muối, các chất bã nhưng tuyệt đối không có vi khuẩn, vi nấm… Khi có tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra, các vi sinh vật sẽ bám vào lỗ niệu đạo (lỗ tiểu) và bắt đầu sinh sản.

Đa số các trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu là do vi khuẩn E.coli (Escherichia Coli) từ vùng hậu môn hoặc âm đạo xâm nhập vào bàng quang qua niệu đạo. E.Coli bình thường sinh sống ở ruột già, sau khi xâm nhập vào niệu đạo (qua lỗ niệu đạo – lỗ tiểu) sẽ bắt đầu sinh sản gây nhiễm khuẩn niệu đạo. Từ đấy niệu đạo, vi khuẩn di chuyển ngược lên bàng quang gây viêm bàng quang.

Nếu nhiễm khuẩn tại bàng quang không được điều trị kịp thời, vi khuẩn có khả năng ngược dòng lên đến thận  thông qua niệu quản gây viêm thận bể thận.

Vì sao nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai lại phổ biến?

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai khá phổ biến là do một thay đổi trong đường tiết niệu. Theo cấu tạo giải phẫu học nữ giới, vị trí của tử cung nằm ngay trên đỉnh của bàng quang. Trong giai đoạn mang thai, tử cung phát triển to ra, trọng lượng tăng lên tạo ra một áp lực ngăn chặn sự thoát nước tiểu ra khỏi bàng quang, dẫn đến nhiễm khuẩn.

Mặt khác, những thay đổi về nội tiết tố thai kỳ cũng góp phần gây ra hiện tượng ứ nước, dẫn đến trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận. Thêm vào đó, nữ giới có cấu tạo niệu đạo ngắn đặc trưng (khoảng 3-4 cm) nên rất dễ khiến vi khuẩn gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vài gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Phân loại các thể nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai

Thể nhiễm khuẩn

Ở thể bệnh này phần lớn không có triệu chứng lâm sàng. Bệnh thường được phát hiện qua hai lần xét nghiệm nước tiểu riêng biệt, mỗi lần đều cho kết quả có tối thiểu 100.000 vi khuẩn trong 1ml nước tiểu. Thể nhiễm khuẩn có thể gây biến chứng viêm thận – bể thận cấp, tỉ lệ biến chứng cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thể viêm bàng quang

Ở thể bệnh này, thai phụ có triệu chứng tiểu buốt, tiểu lắt nhắt, đôi khi phát hiện ra máu cuối bãi, cảm giác nóng rát khi tiểu, không sốt nhưng cả người luôn cảm thấy mệt mỏi khó chịu. Kết quả xét nghiệm nước tiểu cho thấy có tối thiểu 10.000 bạch cầu và 100.000 vi khuẩn trong 1ml nước tiểu. Thể viêm bàng quang không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm thận – bể thận cấp.

Thể viêm thận – bể thận cấp

Đây là vị trí nhiễm khuẩn sau cùng của đường tiết niệu và là thể nặng nhất. Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột với các biểu hiện đặc trưng của hội chứng nhiễm khuẩn như: sốt cao 39 – 400C, tim đập nhanh, lạnh run, thể trạng suy sụp nhanh, mệt mỏi li bì, đau nhức ở vùng thắt lưng bên phải, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội từng cơn xuyên xuống hố chậu phải và cơ quan sinh dục.

Ở thể viêm thận – bể thận cấp nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và em bé trong bụng. Thai phụ dễ bị choáng, sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy tuần hoàn, suy hô hấp cấp, suy thận cấp… Thai nhi có khả năng bị suy thai, đẻ non rất cao.

Chú ý các triệu chứng gợi ý nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở mẹ bầu

  • Đau hoặc rát (hoặc buốt) khi đi tiểu.
  • Nhu cầu đi tiểu tăng cao hơn bình thường, cảm giác gấp rút khi tiểu, lượng nước tiểu thay đổi nhiều hơn hoặc ít hơn.
  • Xuất hiện máu hoặc chất nhầy lẫn trong nước tiểu.
  • Nước tiểu có mùi hôi bất thường.
  • Thường xuyên bị chuột rút hoặc đau ở vùng bụng dưới.
  • Có cảm giác áp lực ở bàng quang.
  • Đau khi quan hệ.
  • Ớn lạnh toàn thân, sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, rò rỉ nước tiểu không thể kiểm soát.
  • Giai đoạn vi khuẩn ngược dòng lên thận còn gây ra: đau lưng âm ỉ hoặc dữ dội, mệt mỏi, li bì.

Điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai

  • Ở thể nhiễm khuẩn và thể viêm bàng quang: thai phụ có thể điều trị ngoại trú dưới sự theo dõi và hướng dẫn của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh cho thai phụ trong 3-7 ngày với những loại thuốc an toàn cho bào thai. Sau đợt điều trị thai phụ cần được xét nghiệm nước tiểu để đánh giá hiệu quả điều trị, tránh tái phát
  • Với thể viêm thận – bể thận cấp: phải điều trị tại bệnh viện.

Biện pháp phòng tránh nhiễm khuẩn đường tiết niệu khi mang thai

  • Uống từ 6-8 ly nước mỗi ngày và nước các loại nước ép trái cây – không đường thường xuyên.
  • Nếu được hãy loại bỏ các thực phẩm chế biến sẵn, caffeine, rượu và đường ra khỏi thực đơn.
  • Bổ sung Vitamin C (250 – 500 mg/ngày), beta-carotene (25.000 – 50.000 IU/ngày) và kẽm (30-50 mg/ngày) giúp tăng sức đề kháng và chống nhiễm khuẩn.
  • Không nhịn tiểu, đi tiểu ngay khi có nhu cầu, cố gắng tiểu hết nước tiểu và cảm nhận bàng quang hoàn toàn rỗng.
  • Nên tập thói quen đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục.
  • Không giao hợp khi thai phụ đang điều trị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.
  • Sau khi đi tiểu, dùng giấy sạch thấm khô (không được chà xát vùng kín quá mạnh), luôn giữ khu vực sinh dục sạch sẽ. 
  • Thao tác lau vùng kín phải luôn luôn thực hiện theo chiều từ phía trước về phía sau, không lau ngược từ hậu môn lên âm đạo.
  • Tránh sử dụng chất tẩy rửa mạnh mạnh, dung dịch có mùi quá nồng hoặc độ pH không phù hợp vì dễ làm thay đổi môi trường tự nhiên ở âm đạo.
  • Thay đồ lót sạch mỗi ngày, chọn chất liệu thoáng mát, thấm hút mồ hôi, tránh mặc quần bó sát.
  • Thai phụ không nên ngâm mình trong bồn tắm hơn 30 phút/lần hoặc hơn 2 lần/ngày.
  • Phụ nữ có thai cần kiểm tra nước tiểu định kỳ, thực hiện các xét nghiệm tìm vi khuẩn trong nước tiểu 3 tháng/lần.

(ICondom chuyển ngữ từ Americanpregnancy)