5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh tay chân miệng là một bệnh khá hay gặp ở trẻ nhỏ, bệnh có thể tự khỏi chỉ sau 5 -7 ngày. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời và có biến chứng xảy ra thì bệnh có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.

1. Bệnh tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh do nhiễm virut cấp tính là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh này lây truyền theo đường tiêu hóa, thường xảy ra quanh năm. Một số dấu hiệu của bệnh như bị sốt, đau họng, có một số tổn thương ở niêm mạc miệng và trên da, dạng tổn thương chủ yếu ở dạng phỏng nước và xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối và mông. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường hay gặp nhất ở trẻ dưới 10 tuổi.

2. Các dấu hiệu bệnh đặc biệt chú ý của bệnh tay chân miệng

Khi mới bắt đầu, bệnh sẽ có các dấu hiệu như sốt, kém ăn, cơ thể mệt mỏi và thường kèm theo bị đau họng nhẹ. Ngoài ra, bệnh tay chân miệng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm da bóng nước do bị nhiễm khuẩn, bệnh do nhiễm virut hay là bệnh thủy đậu.

1 -2 ngày đầu sẽ xuất hiện những nốt hồng ban đường kính vài mm nổi trên nền da của bạn, sau đó những nốt hồng đó mới trở thành bóng nước. Khi bị bệnh, ở miệng của bạn sẽ có vết loét ở phía trong miệng, ở trên lưỡi, xuất hiện tại vòm miệng hoặc có thể ở lợi răng làm trẻ khi nuốt bị đau.

Cha mẹ nên chú ý để không nhầm lẫn với bệnh viêm loét miệng thông thường. Nếu bệnh nặng, ngoài những dấu hiệu trên còn kèm theo các triệu chứng như bị hạch ở cổ, hạch dưới hàm, bị ho, sổ mũi hay tiêu chảy, cảm giác buồn nôn và nôn. Bước vào giai đoạn diễn tiến, khi siêu vi gây bệnh xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương cơ thể bạn sẽ xuất hiện các triệu chứng rối loạn tri giác như cơ thể lơ mơ, li bì, hay mê sảng và co giật.

3. Cách chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng như thế nào?

– Bố mẹ không cần cho bé kiêng khem quá mức, nên cho bé uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu.

– Thời gian bé bị bệnh tay chân miệng không nên dùng muỗng mềm cho bé ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn uống đồ có vị chua hoặc có gia vị, tránh trường hợp bệnh của bé nặng hơn.

– Mỗi ngày nên cho bé súc miệng bằng nước muối ấm nếu trẻ súc được.

– Để hạ sốt cho bé thì chỉ dùng thuốc paracetamol cùng các thuốc khác do bác sĩ kê.

– Tránh làm vỡ mụn nước trên người trẻ.

– Bố mẹ nên rửa tay sau mỗi lần chăm sóc trẻ trong vài tháng.

– Nên dành thời gian rửa đồ chơi trẻ bệnh trước hết bằng xà phòng, sau đó dùng dung dịch CloraminB 2% để tẩy.

4. Khi nào cần đưa trẻ bị bệnh tay chân miệng đến bệnh viện?

Bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi ở nhà nếu bố mẹ phát hiện sớm và biết cách chăm sóc. Tuy nhiên, nếu như không được chăm sóc đúng cách thì bệnh có thể biến chứng và đi vào trạng thái nguy kịch nhanh chóng. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau thì bố mẹ phải đưa trẻ nhập viện ngay:

– Trẻ bị sốt từ 39 độ C trở lên hoặc bị sốt kéo dài từ 48 giờ trở đi

– Trẻ bị nôn liên tục

– Trẻ luôn quấy khóc và cơ thể bứt rứt;

– Trẻ ngủ lịm đi và lúc mới ngủ thì cơ co giật, trong khi ngủ thì chân tay múa máy và quờ quạng hoặc đi loạng choạng.

– Lúc mới ngủ mắt bé có xu hướng đảo vòng

– Chân, tay thời gian này yếu hơn

– Vào giai đoạn muộn thì bé bị khó thở và da có nổi vằn

Như vậy, tuy là bệnh có thể tự khỏi được nhưng bệnh tay chân miệng nếu để biến chứng thì rất nguy hiểm và thậm chí có thể gây tử vong. ICondom khuyên bạn nên để ý chăm sóc bé và cần đến sự tư vấn của bác sĩ khi cần.

5. Nên đưa bé đi khám và chữa tay chân miệng ở bệnh viện nào?

Nếu dần dần bé bị các triệu chứng nặng hơn kể trên, các mẹ có thể cho bé đi khám và chữa tại Khoa Nhi những bệnh viện trực thuộc Quận – Huyện gần nơi ở hoặc theo danh sách những cơ sở y tế dưới đây:

Tại Hà Nội

Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh viện Nhi Trung ương là Bệnh viện Nhi khoa tốt nhất Việt Nam và là một trong 3 bệnh viện hàng đầu khu vực trong lĩnh vực Nhi khoa. Bệnh viện có địa chỉ tại 18/879 La Thành, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội. Bệnh viện hiện nay đang cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em tốt nhất Việt Nam, đầu tư, ứng dụng các công nghệ cao và hiện đại để đạt được kết quả ngày một tốt hơn cho sức khoẻ trẻ em, phát triển trung tâm đào tạo và nghiên cứu Nhi khoa, chỉ đạo phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em trong cả nước. Tại đây lợi ích của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân luôn là ưu tiên hàng đầu với các dịch vụ tiên tiến nhất trong việc chăm sóc bệnh nhân và trong các dịch vụ khác.

Điện thoại: 024 6273 8532

Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai

Khoa nhi được thành lập ngày từ ngày tiếp quản bệnh viện do giáo sư Chu văn Tường làm trưởng khoa sau này phát triển thành viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em. Năm 1980, viện Bảo vệ sức khoẻ trẻ em chuyển đến địa điểm mới, Khoa Nhi được tái thành lập lại vào ngày 1-12-1980 do giáo sư, tiến sĩ Trần Quỵ, phó giáo sư, tiến sĩ và sau này là phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng làm trưởng khoa, hiện nay là thạc sĩ Nguyễn Thành Nam với hơn 50 cán bộ công chức.

Địa chỉ: 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại: 024 3869 3731

Tại Thành phố HCM

Bệnh viện Nhi Đồng 1

Bệnh viện Nhi đồng 1 là bệnh viện chuyên khoa nhi, được xây dựng năm 1954 và chính thức hoạt động vào tháng 10 năm 1956 với 268 giường bệnh nội trú. Trải qua hơn 58 năm hoạt động, Bệnh viện chúng tôi ngày càng phát triển vững mạnh với quy mô 1.400 giường nội trú, hơn 1.600 nhân viên; Bệnh viện thu dung trên 1,5 triệu lượt khám và 95.000 lượt điều trị nội trú hàng năm. Hiện nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị tất cả các trẻ bệnh từ mới sinh đến 15 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.

Địa chỉ: 341 Sư Vạn Hạnh, Phường 10, Q.10, Hồ Chí Minh

Điện thoại: 028 3927 1119

Bệnh viện Nhi Đồng 2

Bệnh viện Nhi đồng 2 tọa lạc tại số 14 Lý Tự Trọng – Phường Bến nghé, quận 1 – thành phố Hồ Chí Minh, là một trong ba bệnh viện chuyên khoa nhi hàng đầu tại Việt nam, cùng với Bệnh viện Nhi đồng 1 phụ trách điều trị bệnh nhân nhi khoa và tham gia chỉ đạo tuyến cho các tỉnh/thành phía Nam, khu vực miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và Tây nguyên.

Điện thoại: 028 3829 5723

3. Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Hiện nay, chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng ở trẻ em, do đó, nguyên tắc an toàn nhất khi phòng dịch chính là hãy đảm bảo con bạn ở trong môi trường không có trẻ em mắc bệnh tay chân miệng, tránh để trẻ tiếp xúc va chạm với những trẻ mắc bệnh khác. Khi người lớn phát hiện bệnh phát tiết ở trẻ, thì nên có hướng xử lý nhanh chóng và thông báo ra cộng đồng.

Đồng thời với đó, đảm bảo tốt vệ sinh cá nhân cho bé và vệ sinh môi trường thoáng mát, sạch sẽ cũng là một trong những cách phòng chống bệnh tay chân miệng hiệu quả nhất.

Xem thêm