Theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số người nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 20% dân số. Viêm gan B lây qua đường nào? Tại sao số người nhiễm bệnh lại lớn đến như vậy? Có cách nào để phòng tránh viêm gan B hay không? Hãy cùng ICondom đi tìm lời giải đáp ngay dưới đây nhé!
Viêm gan B là gì?
Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV hay Hepatitis B virus) gây ra. Viêm gan B nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị hiệu quả sẽ gây nhiễm trùng gan, suy giảm chức năng gan, thậm chí có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan, đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Virus HBV chính là nguyên nhân gây ra bệnh viêm gan B. Loại virus này có thể sống được ở 100oC trong 30 phút và 40oC trong 18 giờ. Bình thường, virus HBV có thể tồn tại bên ngoài cơ thể ít nhất 7 ngày, do đó rất dễ xâm nhập vào cơ thể người gây ra bệnh. Thời gian ủ bệnh của virus HBV từ 30-180 ngày, trung bình khoảng 75 ngày.
Virus viêm gan B có thể gây bệnh viêm gan cấp tính (bị bệnh trong thời gian ngắn) hoặc mạn tính (bị bệnh trên 6 tháng). Ở bệnh nhân viêm gan B cấp tính giai đoạn đầu có thể xuất hiện các dấu hiệu như sốt, buồn nôn, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau nhức xương khớp, nước tiểu sẫm màu, gan to, lách to. Ngoài ra, người bệnh còn có thể xuất hiện triệu chứng như lòng bàn tay son hoặc sao mạch (một chấm nhỏ với nhiều mạch máu xung quanh giống hình chân nhện).
Theo thống kê của WHO, có khoảng 90% các trường hợp nhiễm viêm gan B cấp tính có thể khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào, 10% tiến triển thành viêm gan B mạn tính, sau đó dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, nếu không được điều trị, viêm gan B cấp tính sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính.
Viêm gan B mạn tính là tiến triển của viêm gan B cấp tính khi virus HBV tồn tại trong cơ thể người bệnh trên 6 tháng. Đa số bệnh nhân viêm gan B mạn tính không có triệu chứng rõ rệt. Một số trường hợp có biểu hiện giống triệu chứng viêm cấp như mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng. Khám lâm sàng thấy gan to, lòng bàn tay son, sao mạch. Viêm gan B mạn tính lâu ngày có thể dẫn đến xơ gan. Theo các bác sĩ chuyên môn, viêm gan B mạn tính là một trong những nguyên nhân dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Theo WHO, vào năm 2018, trên thế giới có 887000 ca tử vong do viêm gan B, chủ yếu là do biến chứng xơ gan và ung thư gan. Vì vậy, phát hiện viêm gan B càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Viêm gan B lây qua đường nào?
Tiến sĩ Baruch S. Blumberg là người đầu tiên phát hiện ra virus gây bệnh viêm gan B. Và đến hiện nay, theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 400 triệu người mắc viêm gan B mạn tính. Mỗi năm có đến khoảng 1.5 triệu ca nhiễm mới. Tại Việt Nam, số người nhiễm viêm gan B chiếm khoảng 20% tổng dân số của cả nước. Tỷ lệ nhiễm viêm gan B mạn tính ở phụ nữ ước tính khoảng 8.8% và 12.3% ở nam giới.
Viêm gan B lây qua đường nào? Tại sao số người nhiễm lại cao đến vậy? Các chuyên gia cho biết, virus HBV rất dễ lây, khả năng lây nhiễm cao hơn HIV đến 100 lần. Có 3 con đường lây nhiễm chính. Đó là từ mẹ sang con, đường máu và đường tình dục.
Từ mẹ sang con
Virus viêm gan B không lây nhiễm qua nhau thai. Đa số các trường hợp lây nhiễm xảy ra trong giai đoạn chu sinh (từ tuần 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh), những tháng đầu sau sinh.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người mẹ bị bệnh thì trẻ sơ sinh cũng sẽ nhiễm bệnh. Khả năng lây nhiễm phụ thuộc vào nồng độ HBV và HBsAg và HBeAg (kháng nguyên của virus HBV) trong cơ thể người mẹ. Nếu nồng độ HBV trong huyết tương cao và HBsAg (+) thì khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con là 25 – 40%. Nếu người mẹ có HBsAg (+) và HBeAg (+) thì khả năng lây nhiễm sang con lên đến 90%. Tuy nhiên, nếu trẻ được tiêm phòng viêm gan B trong vòng 12 giờ sau khi sinh có thể ngăn chặn khả năng lây nhiễm này.
Nồng độ virus HBV trong sữa mẹ rất thấp, do đó khả năng lây truyền chủ yếu do trẻ cắn vú mẹ gây xước, chảy máu.
Lây qua máu
Nồng độ HBV trong máu người bệnh viêm gan B rất cao. Vì vậy, nếu da và niêm mạc của bạn bị xước, tiếp xúc với máu của người bệnh thì nguy cơ lây nhiễm rất cao. Việc tái sử dụng kim tiêm cũng có thể tạo cơ hội cho virus viêm gan B theo máu vào trong cơ thể gây nên bệnh.
Ngoài ra, trong quá trình phẫu thuật, xăm hình, nha khoa hay sử dụng chung dao cạo,… cũng có thể làm cho bạn nhiễm máu của người bệnh, tăng khả năng mắc bệnh viêm gan B.
Đường tình dục
Virus HBV cũng được tìm thấy trong các dịch cơ thể như dịch âm đạo, tinh dịch,… Do đó, khi quan hệ tình dục không an toàn (không sử dụng bao cao su) với người bị nhiễm viêm gan B thì khả năng lây nhiễm cũng rất cao. HBV trong các dịch này theo các vết xước vào máu gây nhiễm bệnh. Phương thức lây nhiễm này hay gặp ở những người chưa được tiêm phòng, đặc biệt là hoạt động mại dâm.
Bên cạnh đó, khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn ở những người:
- Bệnh nhân suy thận thường xuyên phải chạy thận nhân tạo.
- Người bị thiếu máu, ung thư máu thường xuyên phải truyền máu và các sản phẩm của máu.
- Tiêm chích ma túy, dùng chung bơm kim tiêm.
- Nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với máu.
- Người có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục không an toàn.
Viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm làm bạn lo lắng “không biết viêm gan B có lây qua đường ăn uống không?”. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng viêm gan B có thể lây qua đường ăn uống hoặc tiếp xúc thông thường với người bệnh mắc viêm gan B. Nồng độ virus này trong nước bọt rất thấp. Do đó, việc ăn uống, sinh hoạt chung với người bệnh là không có khả năng lây nhiễm.
Vì thế, người bệnh không cần thiết phải cách ly với mọi người xung quanh. Không nên tự ti, trốn tránh, luôn giữ tinh thần lạc quan giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng hơn.
Cách phòng tránh lây nhiễm viêm gan B
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B tốt nhất hiện nay. Vắc xin viêm gan B bắt đầu được đưa vào sử dụng từ năm 1982. Theo WHO, tiêm phòng viêm gan B trong 24 giờ đầu sau khi sinh càng sớm càng tốt, sau đó tiếp tục tiêm các mũi tiếp theo vào tháng thứ 2, 3, 4, khoảng cách tối thiểu giữa các mũi là 4 tuần.
Với người trưởng thành, tiêm mũi 2 ít nhất 1 tháng sau khi tiêm mũi 1 và ít nhất 6 tháng sau khi tiêm mũi 2
Tiêm phòng viêm gan B cho hiệu quả chống lây nhiễm lên đến 95%, kéo dài ít nhất 20 năm hoặc suốt đời. Vì vậy, tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt, đặc biệt với những người có nguy cơ lây nhiễm cao như: người thường xuyên phải truyền máu (ung thư máu), chạy thận nhân tạo (suy thận), nhân viên y tế,…
Bên cạnh đó, dựa vào các con đường lây nhiễm viêm gan B (đường máu, từ mẹ sang con, đường tình dục) bạn có thể phòng tránh viêm gan B theo các cách dưới đây:
- Không sử dụng chung bơm kim tiêm, dao cạo, bấm móng tay.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm. Nên chung thủy 1 vợ 1 chồng.
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể của người khác nếu không có dụng cụ bảo vệ.
- Băng kín vết thương khi bị trầy xước, chảy máu để phòng tránh lây nhiễm qua đường máu.
- Không nên làm răng, xăm hình ở những cơ sở không uy tín, thiếu vệ sinh.
- Phụ nữ có thai nên khám định kỳ để chắc chắn thai nhi được phát triển khỏe mạnh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và trước khi có ý định sinh con.
- Cha mẹ và nhà trường nên hướng dẫn, giáo dục trẻ cách phòng chống lây nhiễm viêm gan B.
Viêm gan B là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Viêm gan B lây qua đường nào? Viêm gan B có thể lây qua đường máu, từ mẹ sang con và đường tình dục. Nếu không được điều trị sớm, viêm gan B có thể gây ra các biến chứng như xơ gan và ung thư gan. Vì thế, phòng chống lây nhiễm viêm gan B rất quan trọng. Hy vọng những thông tin mà ICondom cung cấp trong bài viết này sẽ có ích cho bạn.
Xem thêm
Be the first to write a comment.