Rate this post

Thời tiết chuyển mùa làm cho nhiệt độ hạ thấp, đặc biệt ở một số nơi ở miền Bắc nước ta nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C. Nhiệt độ thấp ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe con người, dễ dẫn đến nguy cơ bị tê cóng và giảm thân nhiệt mùa lạnh. Vậy làm thế nào để ngăn ngừa tình trạng trên, mời bạn đọc cùng theo dõi qua bài viết sau đây.

Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Nhiệt độ quá lạnh, gió, mưa, thậm chí việc đổ mồ hôi cũng kéo nhiệt độ ra khỏi cơ thể. Bạn cũng bị mất bớt nhiệt khi thở, khi ngồi hoặc đứng trên mặt đất lạnh hoặc các bề mặt lạnh khác.

Trong thời tiết lạnh, cơ thể chúng ta cố gắng giữ nhiệt độ bên trong luôn ấm để bảo vệ các cơ quan quan trọng. Cơ thể thực hiện điều này bằng cách làm chậm lưu thông máu đến mặt, cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân khiến da và các mô ở những khu vực này trở nên lạnh hơn. Điều này khiến bạn có nguy cơ bị tê cóng và giảm thân nhiệt mùa lạnh.

Nếu nhiệt độ bên trong cơ thể giảm xuống chỉ một vài độ, tình trạng hạ thân nhiệt sẽ xuất hiện. Ngay cả khi hạ thân nhiệt nhẹ, não và cơ thể đều không thể hoạt động tốt. Đặc biệt, hạ thân nhiệt nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong.

Lưu ý về trang phục mùa lạnh

Chìa khóa để giữ an toàn, tránh giảm thân nhiệt mùa lạnh chính là mặc nhiều lớp quần áo. Việc mang giày và quần áo phù hợp sẽ giúp:

  • Giữ nhiệt cơ thể của bạn bị bên trong quần áo của bạn, không để nhiệt thoát ra ngoài.
  • Bảo vệ bạn khỏi không khí lạnh, gió hoặc mưa.
  • Bảo vệ bạn khỏi tiếp xúc với các bề mặt lạnh.

Lựa chọn chất liệu quần áo mùa lạnh

  • Lớp bên trong là lớp thấm mồ hôi trên da, nó có thể là len nhẹ, polyester hoặc polypropylen (polypro). Không nên mặc chất liệu từ cotton trong thời tiết lạnh, bao gồm cả đồ lót của bạn vì cotton hấp thụ độ ẩm (từ cơ thể hoặc từ bên ngoài môi trường) và giữ lại bên cạnh làn da của bạn khiến cho bạn lạnh hơn.
  • Lớp giữa cách nhiệt và giữ nhiệt, có thể là lông cừu polyester, len, sợi cách nhiệt… 
  • Lớp ngoài cùng để chống gió, mưa hoặc tuyết. Cố gắng chọn một loại vải vừa thoáng khí vừa đảm bảo chống mưa và gió. Nếu lớp ngoài cùng không thoáng khí, mồ hôi có thể tích tụ lại và làm bạn bị lạnh.

Bên cạnh đó chúng ta còn phải bảo vệ tay, chân, cổ và mặt bằng một số vật dụng như: mũ giữ ấm, khẩu trang, khăn quàng cổ, găng tay, vớ len hoặc vớ làm từ sợi polypro, giày hoặc ủng ấm không thấm nước… Có thể thay bớt ra khi cơ thể nóng lên và mặc thêm vào khi cảm thấy lạnh. Nếu mặc quá nhiều lớp khi vận động hoặc tập thể dục, bạn sẽ đổ nhiều mồ hôi sẽ khiến cơ thể lạnh hơn.

Bổ sung thực phẩm và nước đầy đủ

Vào mùa lạnh, bạn cần thiết phải ăn nhiều thức ăn hơn và uống đủ nước, điều này không những cung cấp năng lượng để duy trì cơ thể mà còn chuyển thành năng lượng để giữ ấm. Nếu vì một lí do nào đó mà bạn ăn hoặc uống ít đi, việc này sẽ làm tăng nguy cơ cơ thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết như giảm thân nhiệt mùa lạnh và tê cóng.

Ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate sẽ cung cấp năng lượng nhanh chóng. Nếu bạn phải ra ngoài trong một thời gian ngắn, bạn có thể mang theo một ít đồ ăn nhẹ (như bánh, kẹo, socola…) để bổ sung nguồn năng lượng mất đi. Nếu bạn ra ngoài trong thời gian dài, đi bộ hoặc làm việc ngoài trời, hãy nhớ mang theo thức ăn giàu protein và chất béo để cung cấp năng lượng trong nhiều giờ.

Uống nhiều nước trước và trong khi hoạt động trong thời tiết lạnh. Bạn có thể không cảm thấy khát khi trời lạnh, nhưng bạn vẫn đang bị mất nước qua mồ hôi và khi bạn thở.

Các dấu hiệu ban đầu của tình trạng tê cóng và giảm thân nhiệt mùa lạnh

Tê cóng và giảm thân nhiệt có thể xảy ra cùng một lúc.

Dấu hiệu tê cóng bao gồm:

  • Da đỏ và lạnh, da có thể bắt đầu chuyển sang màu trắng nhưng vẫn mềm mại.
  • Cảm giác kiến bò và tê da.
  • Cảm giác ngứa ran, nhói nhói nhẹ ở da.
  • Nhức nhói.

Dấu hiệu cảnh báo sớm của giảm thân nhiệt bao gồm:

  • Cảm thấy lạnh giá cả người
  • Rùng mình, run rẩy từng cơn
  • Loạng choạng, thẫn thờ, tiếng nói lầm bầm, cử động khó khăn… là những dấu hiệu cho thấy cơn lạnh đang ảnh hưởng đến cơ thể và não của bạn khiến bạn dần dần mất nhận thức, có thể hôn mê dẫn đến tử vong.

Làm gì khi nhận thấy dấu hiệu sớm của tê cóng hoặc giảm thân nhiệt mùa lạnh?

  • Ngay lập tức thoát khỏi cái lạnh như gió, mưa hoặc tuyết nếu có thể.
  • Tăng thêm các lớp quần áo ấm, đắp thêm chăn.
  • Ăn các thực phẩm giàu carbohydrate: yến mạch, chuối, khoai lang…
  • Uống nước ấm.
  • Cố gắng vận động cơ thể để giúp làm nóng người từ bên trong (ví dụ: nhảy tại chỗ, dang hai chân đồng thời hai tay giơ lên cao vỗ vào nhau, sau đó bật nhảy khép chân về và hai tay trở về vị trí duỗi thẳng hai bên người, lặp lại động tác vừa nhảy vừa vỗ tay trên cao nhiều lần để làm nóng).
  • Tập trung làm ấm vị trí đang bị lạnh cóng, ví dụ: đặt bàn tay lạnh vào nách hoặc làm ấm mũi hoặc má bị lạnh bằng lòng bàn tay ấm, không chà xát. Không nên mặc quần áo quá chặt để máu lưu thông và thoáng khí. Thay quần áo khô nếu quần áo đang bị ướt.

Khi nào cần đến bác sĩ

Cần tìm đến bác sĩ ngay nếu như bạn gặp phải tình trạng sau:

  • Các dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng tê cóng và hạ thân nhiên không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn sau khi đã cố gắng làm nóng hoặc ấm lên sau đó cơn lạnh trở lại.
  • Xuất hiện cơn tê cóng, tốt nhất đừng chịu đựng cơn tê cóng vì điều này rất có hại và đau đớn.
  • Thân nhiệt bắt đầu hạ.