5/5 - (1 bình chọn)

Xơ gan là một căn bệnh rất nguy hiểm, đặc biệt là xơ gan giai đoạn cuối. Biểu hiện của bệnh xơ gan giai đoạn cuối rất dễ nhận biết, cụ thể đó là những triệu chứng gì? Xơ gan giai đoạn cuối có chữa được không? Điều trị như thế nào? Hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Xơ gan là gì? Nguyên nhân gây xơ gan?

Xơ gan là tình trạng các tế bào gan bị tổn thương trong một thời gian dài, làm cho gan tăng sinh các mô sẹo để thay thế các tế bào gan đã bị tổn thương, dẫn tới suy giảm chức năng của gan. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến xơ gan như:

  • Rượu: uống nhiều rượu, liên tục trong nhiều năm (10-12 năm) có thể dẫn đến xơ gan. Rượu sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa tại gan, gây tổn thương gan. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), xơ gan có thể tiến triển ở những phụ nữ uống nhiều hơn hai loại đồ uống có cồn mỗi ngày (rượu, bia,…) trong nhiều năm. Ở nam giới, uống nhiều hơn 3 ly mỗi ngày trong nhiều năm có thể dẫn đến xơ gan.
  • Viêm gan: các bệnh viêm gan B, viêm gan C tiến triển có thể dẫn đến xơ gan.
  • Béo phì: những người thừa cân, béo phì (BMI > 23) có nguy cơ mắc xơ gan cao hơn bình thường.

Ngoài ra, các bệnh về đường mật (như viêm ống mật), suy tim hoặc một số loại thuốc kháng sinh, thuốc chống trầm cảm dùng trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến bệnh xơ gan.

Xơ gan giai đoạn cuối

Bệnh xơ gan diễn biến qua 4 giai đoạn, giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) là giai đoạn nguy hiểm nhất, đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Thông thường, khi các tế bào gan bị tổn thương bởi một nguyên nhân nào đó, gan sẽ tự sửa chữa bằng cách tăng sinh các mô sẹo. Quá trình này làm cho gan trở nên sần sùi, xơ cứng. Ở người bệnh xơ gan giai đoạn cuối, quá trình xơ hóa đã diễn ra trên toàn bộ các tế bào gan. Các tế bào mô sẹo đã thay thế gần hết tế bào gan. Trong giai đoạn này hầu như chức năng gan đã suy giảm hoàn toàn. Nếu không được điều trị, xơ gan giai đoạn cuối có thể chuyển biến thành ung thư gan.

Biểu hiện của bệnh xơ gan giai đoạn cuối

Biểu hiện của bệnh xơ gan giai đoạn cuối chính là hậu quả của việc suy giảm chức năng gan. Giai đoạn này tình trạng xuất huyết tiêu hóa, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, bệnh não gan trở nên nặng hơn. Dưới đây là một số biểu hiện của xơ gan giai đoạn cuối mà người bệnh nên chú ý

Vàng da, vàng mắt

Bình thường, gan có chức năng đào thải chất độc, giúp thanh lọc cơ thể. Tuy nhiên, trong xơ gan giai đoạn cuối, chức năng thải độc của gan bị suy giảm, làm cho cơ thể không đào thải được chất độc, đặc biệt là bilirubin. Bilirubin chính là sắc tố mật được hình thành từ quá trình thoái hóa của hồng cầu. Bình thường, bilirubin có trong mật sẽ theo phân và nước tiểu để đào thải ra ngoài cơ thể. Tuy nhiên, ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, gan không còn chức năng thải độc, lâu dần dẫn đến tích tụ trong cơ thể, dẫn đến vàng da, vàng mắt. Suy gan càng nặng thì tình trạng này càng gia tăng và ngược lại.

Xuất huyết, nôn ra máu

Khi chức năng thải độc của gan bị suy giảm, các chất độc tích tụ sẽ ảnh hưởng xấu đến các tế bào trong cơ thể. Bệnh nhân có biểu hiện nôn ra máu, chảy máu chân răng, xuất hiện các đốm đỏ trên da và đặc biệt nguy hiểm hơn là tình trạng xuất huyết tiêu hóa.

Gan là cơ quan trong cơ thể có vai trò sản xuất ra các chất chống đông máu. Ở bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, các tế bào gan gần như đã bị tổn thương hoàn toàn nên không thể sản xuất ra các yếu tố đông máu được nữa. Khi đó, bệnh nhân dễ bị xuất huyết, thời gian chảy máu kéo dài hơn bình thường.

Ngoài ra, gan bị xơ hóa dẫn đến máu không thể đổ về gan, từ đó làm tăng áp lực lên tĩnh mạch cửa (tĩnh mạch đưa máu về gan), gây giãn vỡ tĩnh mạch. Do đó, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nôn ra máu.

Bụng phình to

Bụng phình to (hay còn gọi là cổ trướng) là tình trạng tích tụ một lượng lớn dịch trong ổ bụng, làm bụng phình to, nhô cao. Bên cạnh đó, bụng phình to còn chèn ép cơ hoành làm bệnh nhân cảm thấy khó thở, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới khiến máu lưu thông khó khăn. Khi ấn tay vào bụng, sẽ thấy xuất hiện vết lõm, sau một vài phút, vết lõm này mới biến mất.

Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện mạch máu nhỏ li ti trên da bụng, quanh rốn, hai bên mạn sườn (đây chính là tuần hoàn bàng hệ, xuất hiện ở bệnh nhân xơ gan với mục đích làm giảm áp lực cho tĩnh mạch cửa-tĩnh mạch đổ máu về gan).

Chán ăn, cơ thể gầy sút

Biểu hiện của bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối dễ nhận thấy nhất đó là chán ăn, cơ thể gầy sút. Chức năng tiêu hóa của gan bị suy giảm, cơ thể không hấp thu các chất dinh dưỡng làm bệnh nhân trở nên gầy sút, cân nặng giảm rõ rệt.

Bệnh nhân có biểu hiện đi ngoài phân đen hoặc có lẫn máu. Tình trạng này liên quan đến xuất huyết tiêu hóa. Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết nhất ở bệnh nhân xơ gan.

Sốt

Độc tố tích tụ theo máu vào hệ tuần hoàn, tấn công vào các tế bào khác trong cơ thể, làm cho bệnh nhân có biểu hiện sốt. Tuy nhiên, sốt chỉ là phản ứng tự bảo vệ của cơ thể, nếu bệnh nhân không sốt quá cao sẽ không gây nguy hiểm.

Mệt mỏi

Xơ gan giai đoạn cuối làm bệnh nhân luôn ở trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Ngoài ra, do chức năng thải độc bị suy giảm, cơ thể không đào thải được amoniac. Do đó, chất độc này có thể theo máu lên não, gây ra bệnh não gan. Bệnh nhân có biểu hiện lờ đờ, mất dần ý thức, nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Xơ gan giai đoạn cuối chữa được không?

Xơ gan giai đoạn cuối rất nguy hiểm, nếu không được điều trị, xơ gan giai đoạn cuối có thể dẫn đến ung thư gan, thậm chí là tử vong. Thời gian sống của bệnh xơ gan giai đoạn cuối chỉ khoảng từ 1-2 năm. Tuy nhiên, nếu được điều trị phù hợp, thời gian này có thể kéo dài hơn phụ thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Vì thế, bệnh nhân cần được giám sát và điều trị sớm. Dưới đây là một số biện pháp điều trị cho bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối:

Phẫu thuật ghép gan

Đây là phương pháp hiệu quả nhất cho bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối. Phương pháp này giúp loại bỏ những tế bào gan bị tổn thương, mô sẹo. Bệnh nhân có thể ghép gan từ người hiến tặng phù hợp. Mặc dù phương pháp phẫu thuật ghép gan khá tốn kém, nhưng nó đem lại hiệu quả cao nhất.

Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi ghép gan xuất hiện phản ứng thải ghép. Nghĩa là cơ thể người bệnh từ chối tiếp nhận phần gan được ghép vào cơ thể, nên quá trình theo dõi sau phẫu thuật ghép gan cũng rất quan trọng.

Hút dịch cổ trướng

Bác sĩ sẽ tiến hành hút dịch thừa trong ổ bụng, giúp cải thiện triệu chứng bụng phình to, khó thở cho người bệnh. Chọc dịch cổ trướng 2-3 ngày/1 lần nếu cổ trướng quá to. Biện pháp này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, cải thiện triệu chứng, không điều trị được căn nguyên gây bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có những rủi ro nhất định như gây nhiễm trùng ổ bụng, vỡ màng bụng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Cấy tế bào gốc

Có thể đây là lần đầu tiên bạn nghe đến phương pháp cấy tế bào gốc. Đây là phương pháp tiên tiến nhất hiện nay. Các tế bào gốc từ tủy xương, nhau thai, hoặc phôi,… sẽ được truyền vào cơ thể người bệnh thông qua tĩnh mạch hoặc động mạch gan. Phương pháp này được các chuyên gia đánh giá là khá an toàn và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, chi phí điều trị của phương pháp này khá tốn kém.

Điều trị bằng thuốc

Phương pháp điều trị bằng thuốc có tác dụng làm giảm triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Các thuốc lợi tiểu (như Furosemid, spironolactone, thiazide,…)  có tác dụng lợi tiểu, giúp đào thải bớt lượng dịch trong cơ thể, giảm tình trạng cổ trướng. Ngoài ra, các thuốc này còn hỗ trợ cơ thể loại bỏ bớt chất độc, giúp thanh lọc cơ thể. Điều trị tăng áp lực tĩnh mạch cửa bằng các thuốc như (Somatostatin, Vasopressin,…). 

Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn cho bệnh nhân các loại thuốc phù hợp. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Chế độ ăn uống

Người bệnh xơ gan giai đoạn cuối cần có chế độ ăn uống phù hợp theo tư vấn của bác sĩ.

  • Hạn chế uống nhiều nước.
  • Khẩu phần ăn đầy đủ dinh dưỡng: vitamin, protid, lipid, glucid và các khoáng chất cần thiết.
  • Không ăn nhiều muối (<2g/ ngày). Vì nếu bệnh nhân ăn quá nhiều muối sẽ làm nặng hơn tình trạng phù, cổ trướng.
  • Cai rượu, bia, thuốc lá.
  • Vận động, tập thể dục thường xuyên cũng có ích trong quá trình điều trị xơ gan, giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân điều trị bằng thuốc, hút dịch cổ trướng hoặc phẫu thuật ghép gan. Tuy nhiên, tất cả những biện pháp trên chỉ có tác dụng hỗ trợ kéo dài thời gian sống cho người bệnh chứ không thể hồi phục hoàn toàn chức năng gan. Trong đó, phẫu thuật cấy ghép gan là phương pháp đem lại hiệu quả tích cực nhất hiện nay.

Xơ gan giai đoạn cuối rất nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Biểu hiện của bệnh xơ gan giai đoạn cuối rất dễ nhận biết. Vì vậy, bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối cần được điều trị kịp thời, giữ tinh thần lạc quan và đặc biệt phải luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của bác sĩ. Hy vọng những thông tin mà ICondom cung cấp sẽ có ích cho bạn trong quá trình điều trị. 

Xem thêm