Rate this post

Viêm phổi là căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, mùa đông lạnh. Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh. Vậy bí kíp là gì? Mời các bố mẹ cùng ICondom tìm hiểu trong bài viết này nhé.

Trẻ bị viêm phổi do đâu?


Trước khi tìm hiểu các cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi, chúng ta cần tìm hiểu những nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi ở trẻ. Đây là cơ sở để chúng ta định hướng cách chăm sóc trẻ sao cho phù hợp và hiệu quả nhất. Bệnh viêm phổi là một trong những bệnh hô hấp phổ biến nhất thường xảy ra đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa, mùa đông, mùa xuân.

Những nguyên nhân chính khiến trẻ bị viêm phổi thường là do trẻ bị nhiễm các loại vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng.

  • Vi rút: các loại virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, a cúm, Adenovirus là những loại virus chính gây nên căn bệnh này.
  • Vi khuẩn: Streptococcus, Mycoplasma, Staphylococcus, Haemophilus và Legionella.
  • Nấm: Candida, Aspergillus, Mucor.
  •  Ký sinh trùng trú ngụ ở phổi gây tổn thương phổi cũng là một yếu tố gây nên bệnh viêm phổi.

Những tác nhân gây bệnh này thường tồn tại ở những môi trường ô nhiễm, không đảm bảo vệ sinh, cụ thể:

  • Nguồn nước ô nhiễm.
  • Môi trường sống xung quanh đông đúc, có nhiều khói bụi, chất thải, vệ sinh kém.
  • Trong gia đình có người bị bệnh lao, thường xuyên hút thuốc, sử dụng vape,..
  • Trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách: không được bú sữa mẹ, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ không được tiêm phòng, tiêm vắc xin đầy đủ.
  • Trẻ bị sinh non, sức khỏe yếu, trẻ bị dị tật bẩm sinh ở đường hô hấp,…

Trẻ bị viêm phổi sẽ có những biểu hiện như thế nào?

Bệnh viêm phổi ở trẻ sẽ có những diễn biến từ nhẹ đến nặng tùy theo mức độ của bệnh mà bố mẹ có thể quan sát, cụ thể:

Mức độ nhẹ: sốt nhẹ, ho húng hắng,nước mắt và nước mũi chảy ra, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc,…

Mức độ nặng

  • Ho: trẻ ho nặng thành tiếng, ho liên tục, kéo dài.
  • Trẻ có biểu hiện thở nhanh liên tục. Bố mẹ có thể đếm nhịp thở của con trong 1 phút bằng cách quan sát và theo dõi. Trẻ được coi là thở nhanh nếu nhịp thở là > 60 lần/phút (dưới 2 tháng tuổi), > 50 lần/phút (2 tháng – 1 tuổi) hoặc > 40 lần/phút (trên 1 tuổi).
  • Thở khó khăn: trẻ cần phải dùng nhiều sức để thở, cánh mũi phập phồng, thở phát ra tiếng, lồng ngực co lõm. Đôi khi, trẻ có thể thở nhanh hoặc thở chậm.
  • Đau ngực xuất hiện cả trong lúc ho và giữa các cơn ho.
  • Nôn xuất hiện cả trong lúc ho và giữa các cơn ho.
  • Trẻ bị thiếu oxy nên tím tái ở môi và mặt.
  • Trẻ trở nên thiếu linh hoạt, lừ đừ, mệt mỏi.
  • Trẻ không uống được nước, uống nước, uống sữa thường bị trớ.

Nếu trẻ bị viêm phổi nặng thì việc điều trị sẽ tốn nhiều công sức, thời gian và chi phí hơn so với viêm phổi nhẹ. Do đó cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi đúng phương pháp ngay từ khi mới khởi phát bệnh có vai trò hết sức quan trọng – làm ngăn chặn quá trình tiến triển của bệnh.

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi đơn giản mà hiệu quả

Hạt sốt, giúp trẻ long đờm, vệ sinh cho trẻ và môi trường sống xung quanh trẻ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ chính là những cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi hiệu quả mà bố mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà.

Hạ sốt

Trẻ bị viêm phổi thường kèm theo triệu chứng sốt. Sốt khiến trẻ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, cơ thể bị suy nhược. khi đó, bố mẹ có thể thực hiện 2 giải pháp sau:

  • Khi trẻ bị sốt, bố mẹ có thể chườm khăn mặt ấm lên trán cho trẻ. Chú ý là không nên chườm lạnh, vì chườm lạnh có thể khiến trẻ bị bỏng lạnh khi nhiệt độ khăn chườm và nhiệt độ của cơ thể bé chênh lệch nhau quá mức. 
  • Khi trẻ bị sốt trên 38,5 độ C thì bố mẹ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.

Giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả

  • Vỗ lưng là cách giúp trẻ bài tiết đờm cực kỳ hiệu quả vì hành động này sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, từ đó tạo điều kiện cho đờm long ra và đi ra ngoài một cách dễ dàng. Cách làm như sau: khum bàn tay lại và tạo thành một khoảng trống có không khí đặt vào lưng trẻ. Sau đó, vỗ đều quanh lưng trẻ (nhưng không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống) và các tiếng “bộp, bộp” sẽ xuất hiện, cảm giác lồng ngực của trẻ sẽ rung lên từng nhịp. Thời gian thực hiện trong 15 phút, có thể trước và sau bữa ăn 1 tiếng. Bố mẹ cần vỗ lưng nhẹ nhàng để tránh làm con bị đau.
  • Giúp trẻ ho sẽ làm thông thoáng đường thở từ đó tạo điều kiện tống đờm ra bên ngoài cơ thể. Nếu trẻ không ho được, bố mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ của các cán bộ y tế giúp con lấy đờm ra bên ngoài.

Vệ sinh

  • Khi trẻ bị viêm phổi, trẻ thường ra rất nhiều đờm, nước mũi, nước bọt. Do đó, bố mẹ cần vệ sinh thường xuyên ở khu vực mũi miệng cho trẻ bằng khăn giấy mềm, sau đó vứt vào thùng rác. Nếu sử dụng khăn xô thì khăn xô cần được vệ sinh sạch để tránh làm vi rút, nấm, vi khuẩn bám dính vào và gây bệnh trở lại.
  • Vệ sinh sạch sẽ đồ dùng, đồ chơi, dụng cụ ăn uống của trẻ. Người chăm sóc trẻ cần vệ sinh chân tay sạch sẽ khi chăm sóc cho trẻ.

Không gian sống của trẻ

  • Yên tĩnh, thoáng đãng, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông.
  • Sạch sẽ, không có khói thuốc, bụi bẩn, không gần nơi nấu ăn, chăn nuôi.

Dinh dưỡng

  • Trẻ bị viêm phổi thường rất biếng ăn nên bố mẹ có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày cho trẻ, cho trẻ ăn theo nhu cầu. 
  • Các thức ăn cần đảm bảo tiêu chí: mềm, dễ tiêu, dễ nuốt, giàu dinh dưỡng (đảm bảo chất đạm, chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất, hạn chế đồ uống có gas, đồ ăn chế biến sẵn, nhiều giàu mỡ), cho trẻ uống nhiều nước. 
  • Thông mũi bằng nước muối sinh lý trước khi trẻ ăn hoặc bú.