5/5 - (1 bình chọn)

Bạn đã biết gì về thính giác của trẻ sơ sinh? Thực chất, ngay khi mới sinh thính giác của trẻ đã hoạt động rất tốt. Do đó, nếu không thấy trẻ đáp ứng với âm thanh và tiếng động xung quanh thì cha mẹ cần sàng lọc nghe kém sớm để xác định chính xác tình trạng của trẻ và có phương án điều trị hiệu quả….

Thính giác của trẻ sơ sinh hoạt động rất tốt

Vừa chào đời các bé đã có đầy đủ các cơ quan để phân tích, cảm nhận. Trong các giác quan thì thính giác của trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh. Do đó, bé có thể sớm nhận diện tiếng nói của mẹ. Sang tuần thứ 2 và thứ 3 sau sinh bé đã bắt đầu xuất hiện sự tập trung thính giác. Những âm thanh đột ngột như tiếng chó sủa, tiếng cánh cửa đập mạnh, tiếng cười nói to có thể khiến trẻ đột nhiên im lặng. 

Hơn nữa, giọng nói của con người luôn được bé chú ý hơn những âm thanh khác. Thậm chí, bé có thể bình tĩnh nghe và mỉm cười khi thấy mọi người nói chuyện với mình.

Đó cũng là lý do khi mẹ và những người xung quanh dịu giọng dỗ dành thì bé có thể nín khóc. Ngược lại, nếu thấy bé không hề phản ứng với âm thanh thì cha mẹ cần hết sức lưu ý và tiến hành sàng lọc nghe kém sớm.

Trong 1000 trẻ sinh ra có 3 – 4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh

Các nghiên cứu của Việt Nam và trên thế giới đã chỉ ra rằng cứ 1000 trẻ sinh ra thì có 3 – 4 trẻ bị giảm thính lực bẩm sinh. Đặc biệt, thính lực trẻ sinh non không tốt nên tỷ lệ này càng tăng gấp 4 – 5 lần ở nhóm trẻ sinh non và cân nặng thấp.

Trẻ bị viêm màng não mủ, gia đình có người bị nghe kém, mẹ mắc rubella hoặc các bệnh truyền nhiễm trong 3 tháng đầu của thai kỳ đều có nguy cơ bị giảm thính lực bẩm sinh cao hơn….

Ngoài ra, còn có một số yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thính giác của trẻ sơ sinh (dưới 28 ngày tuổi) đã được xác định gồm:

– Trẻ khi sinh có cân nặng dưới 1500g

– Trẻ bị bất thường sọ mặt bao gồm những bất thường về hình thái học của ống tai, vành tai, không có nhân trung, đường chân tóc thấp

– Người mẹ bị nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai, mắc những bệnh liên quan đến nghe kém như: rubella, CMV, toxoplasmosis, herpes, giang mai

– Bilirubin máu cao ở ngưỡng phải chỉ định thay máu

– Những trẻ phải thở máy kéo dài từ 10 ngày trở lên

– Trẻ rất yếu khi sinh, có thể bao gồm những trẻ có điểm Apgar từ 0-3 điểm trong 5 phút hoặc những trẻ không tự thở trong 10 phút

– Người mẹ từng dùng kháng sinh nhóm aminoglycosis hơn 5 ngày (kanamycin, gentamycin, tobramycin, streptomycin) và dùng các thuốc lợi niệu phối hợp với nhóm aminoglycosis

– Có dấu hiệu hoặc triệu chứng có liên quan mật thiết đến một số hội chứng có nghe kém tiếp nhận như Waardenburg hoặc Usher.

Cách nhận diện sớm trẻ sơ sinh không phản ứng với âm thanh

Thính giác của trẻ sơ sinh suy giảm nếu không được phát hiện và can thiệp sớm (tốt nhất là dưới 2 tuổi) thì sẽ không thể phục hồi ngôn ngữ như những trẻ bình thường. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập, giao tiếp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội. Do đó, việc sàng lọc nghe kém sớm là vô cùng quan trọng. 

Tốt nhất phụ huynh nên chủ đồng sàng lọc thính giác của trẻ sơ sinh trong vòng 1 tháng ngay sau khi sinh. Chẩn đoán xác định trong khoảng 3 tháng và tiến hành can thiệp (nếu trẻ có dấu hiệu nghe kém) trong khoảng 6 tháng sau sinh.

Để sàng lọc thính giác của trẻ sơ sinh, cần kiểm tra xem có dấu hiệu trẻ sơ sinh bị điếc không. Cách tốt nhất là 24 giờ sau sinh, khi con đang khóc trên tay mẹ có thể đưa lại gần, kề miệng vào tai để phát ra những âm thanh nhẹ.

Nếu con lập tức im lặng, mở mắt nhìn mẹ thì cho thấy bé nghe được âm thanh.

Ngoài ra 3 – 4 ngày sau trẻ có thể dần học được các phân biệt các âm thanh khác nhau. Lúc này mẹ có thể xem xét tình trạng thính giác của trẻ sơ sinh bằng cách bật âm thanh đơn ở bên tai trái và chờ bé quay sang mỗi lần nghe thấy. Sau đó, đổi bật âm thanh khác bên phải và theo dõi xem trẻ có quay lại không.

Cuối cùng, bật cả 2 âm thanh khác nhau để thử vì trẻ sẽ tự quay sang âm thanh thu hút trẻ nhất.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu ý là nhiều người cho rằng thính lực của trẻ sơ sinh không tốt, sợ âm thanh nên luôn giữ cho phòng của bé thật yên tĩnh.

Tuy nhiên, đây là quan điểm sai lầm vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và cải thiện thính giác của trẻ.

Tốt nhất là sau khi sàng lọc nghe kém, nếu trẻ nghe thấy bình thường thì cha mẹ nên để trẻ nghe thấy nhiều âm thanh khác nhau như tiếng nhạc, tiếng người nói chuyện, tiếng động, va chạm của nhiều đồ vật khác nhau.

Những âm thanh đa dạng, ở mức độ vừa phải sẽ khiến thính giác của trẻ sơ sinh phát triển tốt. Mọi người cũng nên thường xuyên trò chuyện với trẻ.

Có thể là những câu chuyện đơn giản như điều bạn đang làm hay mọi thứ diễn ra xung quanh. Điều này sẽ khiến bé phát triển thính giác và các giác quan khác một cách tốt nhất.