Rate this post

Viêm da dị ứng thời tiết là bệnh theo mùa khá phổ biến ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc chữa khỏi được hoàn toàn căn bệnh này. Biến chứng của nó đôi khi khá nguy hiểm, có thể gây sốc phản vệ, dẫn đến tử vong. Do đó chúng ta cần tìm hiểu để biết cách phòng tránh cho bản thân và người thân của mình trước tình trạng viêm da dị ứng thời tiết.

1. Những yếu tố chủ yếu gây dị ứng thời tiết

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nổi mề đay mẩn ngứa (viêm da dị ứng thời tiết) do rối loạn hệ miễn nhiễm của cơ thể người bệnh như: thay đổi thời tiết đột ngột, chuyển mùa, mưa ẩm, gió lạnh, nắng nóng…

Không khí lạnh: Biểu hiện của dị ứng thời tiết do lạnh bắt đầu ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ hay không khí hoặc nước lạnh. Tình trạng này có thể mang đến những triệu chứng ngứa ngáy, nổi mề đay, khó thở…

Mưa hoặc ẩm ướt: Độ ẩm tăng có thể làm cho nấm mốc phát triển, cả ở trong nhà và ngoài trời, mạt bụi cũng nhờ đó mà phát triển. Tất cả những yếu tố đó làm tăng nguy cơ gây dị ứng.

Không khí nóng bức: Thời tiết nóng bức làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, bề mặt da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt là một trong các nguyên nhân gây viêm nhiễm, sẩn ngứa.

Trời khô hanh, nhiều gió: Gió thổi khiến phấn hoa, bụi mốc, bụi mạt, lông động vật bay vào không khí và khi tiếp xúc với da gây ngứa ngáy, mẩn đỏ.

2. Dấu hiệu của viêm da dị ứng thời tiết

Các triệu chứng dị ứng xảy ra ở từng người không giống nhau.

Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi bị viêm da dị ứng thời tiết là da phát ban với các mẩn đỏ và ngứa khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh đột ngột. Người bệnh càng gãi càng ngứa, có khi gãi đến chảy cả máu vẫn không đỡ.

Da của người bệnh thường bị sẩn, phù, lan rất nhanh ra toàn thân. Các nốt sẩn có khi vòng tròn, có khi vệt dài hoặc hình ô van, có màu hồng nhạt hoặc đỏ tía, sưng, phù nề. Cảm giác ngứa xuất hiện ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Các vùng da không được che phủ bởi quần áo như bàn tay, chân, mặt… là nơi dễ bị nổi mẩn nhất.

Tình trạng nguy hiểm khi bị dị ứng thời tiết là nổi mề đay cấp tính. Nếu mề đay nổi ở vùng mặt sẽ làm cho mắt, môi, tai sưng. Ngoài ra, người bệnh có thể sẽ bị khó thở, tụt huyết áp nhanh và đột ngột, dị ứng toàn cơ thể.

Nếu thấy dấu hiệu nổi mề đay cấp tính, người bệnh cần được nhanh chóng cấp cứu.

Ngoài các biểu hiện nổi mẩn bề mặt da, người bị dị ứng thời tiết còn gặp phải những biến chứng nguy hiểm như khó thở, tụt huyết áp, sốc phản vệ

3. Điều trị viêm da dị ứng thời tiết bằng cách nào?

Viêm da dị ứng thời tiết chỉ có thể điều trị khỏi từng đợt chứ không thể chữa khỏi vĩnh viễn. Đối với một số người, khi thời tiết ấm lên, cơn ngứa cũng sẽ hết.

Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bị ngứa do thời tiết nên đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Nếu cứ để gãi nhiều sẽ gây xước xát da dễ nhiễm trùng, viêm da.

Bên cạnh đó, những người bị dị ứng thời tiết cũng có thể sử dụng vài mẹo nhỏ sau đây để ứng phó với những biểu hiện dị ứng đầu tiên:

  • Dùng bột khoai tây thoa lên vùng da bị dị ứng khoảng 20 phút, làm đều đặn mỗi ngày 2 lần cho đến khi những biểu hiện của bệnh dị ứng biến mất.
  • Nước chanh ấm thêm một chút mật ong, uống vào buổi sáng sớm khi thức dậy, uống đều đặn trong một vài tháng, cách làm này giúp cải thiện hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
  • Nước trái cây cũng được xem như một phương pháp chữa trị hiệu quả đối với chứng bệnh dị ứng. Thường xuyên uống nước ép trái cây sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó giúp cải thiện tình trạng dị ứng thời tiết.
  • Người bị viêm da dị ứng thời tiết cũng có thể dùng 1 – 2 chén trà xanh mỗi ngày cho thêm chút mật ong. Cách này có tác dụng chữa trị khi bạn mắc dị ứng.

4. Những điều cần tránh khi bị viêm da dị ứng thời tiết

Viêm da dị ứng do thời tiết rất nhanh khỏi nhưng cũng có thể kéo dài lâu nếu bạn không biết cách xử lý. Dưới đây là một số điều cần tránh để dị ứng thời tiết nhanh khỏi và không gây biến chứng:

Hạn chế thực phẩm giàu đạm: Những người thường xuyên bị dị ứng thời tiết không nên ăn các loại thực phẩm giàu chất đạm, như: tôm, cua, cá, thịt bò, gà,… Bởi đây là một trong số những tác nhân khiến tình trạng dị ứng, mẩn ngứa trở nên nghiêm trọng hơn.

Kiêng đồ ăn cay, nóng: Thực phẩm có tính cay, nóng sẽ khiến cho tình trạng dị ứng, nổi mẩn trở nên nghiêm trọng hơn. Vì thế, nếu bạn có tiền sử bị dị ứng thì không nên ăn những thực phẩm dạng này khi đang mắc bệnh.

Kiêng đồ ăn mặn, chất kích thích, dầu mỡ: Đây đều là “kẻ thù” của những người bị dị ứng. Nó khiến cho tình trạng dị ứng, mẩn ngứa ngày càng nặng thêm. Vì thế, bạn nên loại bỏ những thực phẩm này khỏi thực đơn hàng ngày khi cơ thể có dấu hiệu bị dị ứng.

Kiêng ra gió: Đối với những người bị dị ứng do gió thì nên hạn chế ra gió nếu như không muốn tình trạng ngứa ngáy nặng hơn. Nếu bắt buộc phải ra gió, bạn nên mặc kín và hạn chế tối đa thời gian tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

Không để cơ thể bị nóng: Cơ thể nóng có nghĩa là chứa nhiều độc tố – đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mẩn ngứa, phát ban và giảm sức đề kháng. Nên thường xuyên thải độc cho cơ thể, tăng cường thực phẩm có tác dụng giải nhiệt như: bí đao, khổ qua, đậu phụ,…

Không lạm dụng thuốc: Những người bị dị ứng luôn ở trong tình trạng khó chịu và muốn mau chóng khỏi bệnh. Vì thế, họ sử dụng nhiều loại thuốc, kem chống dị ứng để mong chấm dứt cơn ngứa. Tuy nhiên chữa viêm da dị ứng thời tiết không phải cứ bôi một hai loại kem là có thể khỏi ngay được. Mặt khác, sử dụng tràn lan các loại thuốc còn gây ra những ảnh hưởng xấu đến gan, thận.

5. Cách phòng tránh hiện tượng viêm da dị ứng thời tiết

Mặc kín, đeo kính và đeo khẩu trang khi ra đường vào ngày trời nhiều gió

Hạn chế tiếp xúc với phấn hoa, bụi bẩn và lông vật nuôi.

Khử trùng và vệ sinh môi trường sống thường xuyên.

Tránh những thức ăn dễ gây dị ứng như thực phẩm chế biến từ hải sản, chất kích thích, đồ ăn nhanh…

Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất dễ gây kích ứng da, đặc biệt là tránh tiếp xúc với các chất đã khiến da bạn bị kích ứng trước đó.

Luôn giữ ấm cơ thể khi trời chuyển lạnh, tuy nhiên cần tránh sử dụng áo quần may bằng những loại vải dễ gây kích ứng da như len, bố…

Không nên mặc các loại quần áo quá chật nhằm tránh tình trạng cọ xát dễ gây kích thích tại chỗ.

Luôn bổ sung ẩm cho da, để tránh tình trạng da khô ráp, dễ mẩn ngứa.