2/5 - (2 bình chọn)

Cetirizin 10mg là thuốc kháng histamin mạnh thường dùng để điều trị các bệnh liên quan đến dị ứng. Thuốc có thể ức chế giai đoạn đầu của phản ứng dị ứng thông qua trung gian histamin và cũng làm giảm giải phóng chất trung gian ở các giai đoạn sau của phản ứng dị ứng.

Cetirizin 10mg có tác dụng gì, điều trị những bệnh nào?

Cetirizin 10mg hay Cetirizin HCl 10mg là thuốc kháng histamin có tác dụng chống dị ứng. Nó làm giảm nhanh các triệu chứng dị ứng như chảy nước mắt, sổ mũi, ngứa mắt/ mũi, hắt hơi, phát ban, ngứa, nổi mẩn trên da…. Thuốc không gây buồn ngủ ở liều dược lý, có tác dụng đối kháng chọn lọc ở thụ thể H1. Tuy nhiên, thuốc hầu như không có tác dụng đến các thụ thể khác nên không thể đối kháng acetylcholin và không có tác dụng đối kháng serotonin.

Hiện thuốc thường được chỉ định để điều trị các bệnh lý có liên quan đến dị ứng như:

– Mẩn ngứa, mày đay mạn tính vô căn ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi

– Viêm mũi dị ứng theo mùa (đối với trẻ em trên 12 tuổi) hoặc viêm mũi dị ứng dai dẳng

– Cảm lạnh, phù mạch

– Viêm kết mạc dị ứng

– Phản ứng dị ứng cấp do côn trùng cắn, thuốc, thức ăn.

– Phối hợp điều trị bệnh hen suyễn do dị ứng….

Tác dụng phụ và cách xử trí khi gặp tác dụng phụ

Trong quá trình sử dụng, người dùng Cetirizin 10mg có thể gặp các tác dụng phụ khôn mong muốn như mệt mỏi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, khô miệng, viêm họng, chán ăn hoặc tăng cảm giác thèm ăn, bí tiểu, mặt đỏ bừng, tăng tiết nước bọt. Các triệu chứng này thường thoáng qua và sẽ hết khi ngừng thuốc. Do đó, chỉ khi quá khó chịu thì người bệnh mới cần thông báo với bác sĩ.

Trường hợp nặng hơn, người dùng Cetirizin 10mg có thể gặp các triệu chứng hiếm và nghiêm trọng như: choáng phản vệ, thiếu máu do tan máu, giảm tiểu cầu, tụt huyết áp nặng, viêm gan, ứ mật, viêm cầu thận. Khi gặp một trong các triệu chứng này thì người bệnh nên chủ động ngừng uống thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Nếu dùng Cetirizin 10mg quá liều thì người lớn có thể bị ngủ gà, trẻ em bị kích động. Hiện chưa có thuốc giải độc cho những trường hợp dùng quá liều hoặc quá mẫn với thuốc Cetirizin 10mg. Do đó, nếu gặp tình trạng này thì cần tiến hành gây nôn rồi chuyển người bệnh đến cơ sở y tế để được rửa dạ dày và dùng các biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Liều lượng và cách dùng thuốc Cetirizin 10mg 

Sau khi uống 1 liều 10 mg Cetirizin thì nồng độ đỉnh trong máu đạt mức 0,3 microgam/ ml sau 30 – 60 phút; nửa đời huyết tương xấp xỉ 11 giờ; độ thanh thải ở thận là khoảng 30ml/ phút và nửa đời thải trừ là xấp xỉ 9 giờ. Do đó, liều lượng Cetirizin 10 mg thường là:

– Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 viên/ lần/ ngày (hoặc có thể chia viên thuốc thành 2, mỗi lần uống 1/2 viên, ngày 2 lần).

– Người suy giảm chức năng thận (độ thanh thải creatinin ở thận giảm); người bệnh đang thẩm tích máu (độ thanh thải creatinin chỉ còn < 7 ml/ phút); người trên 65 tuổi và bệnh nhân suy gan: Uống 1/2 viên/ lần/ ngày (tương đương với Cetirizine 5mg).

Về cách dùng thì thuốc thường được điều chế ở dạng viên hoặc dạng lỏng dùng đường uống. Dù thức ăn có thể làm giảm nồng độ đỉnh trong máu và kéo dài thời gian đạt nồng độ đỉnh nhưng không ảnh hưởng đến mức thấp thụ nên người dùng Cetirizin 10mg có thể uống cùng hoặc ngoài bữa ăn.

Cảnh báo khi dùng Cetirizin 10mg

Cetirizin 10mg đã giúp nhiều người chặn đứng phản ứng dị ứng và nhiều chứng bệnh khác. Tuy nhiên, các trường hợp dưới đây nên thận trọng hoặc tuyệt đối không dùng Cetirizin 10mg:

– Người đã từng bị dị ứng với cetirizine và hydroxyzin tuyệt đối không dùng Cetirizin 10mg và phải báo tình trạng với bác sĩ trước khi được kê các thuốc điều trị dị ứng.

– Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng thuốc này vì hiện chưa có nghiên cứu nào cho thấy thuốc an toàn với thai nhi. Với phụ nữ đang cho con bú thì Cetirizin có thể bài tiết qua sữa, gây ảnh hưởng đến trẻ nhỏ.

– Người lái xe hoặc vận hành máy móc cần thận trọng khi dùng thuốc, tuân thủ liều lượng thuốc bác sĩ đưa ra vì dùng quá liều có thể gây buồn ngủ, ngủ gà, dẫn đến nguy hiểm trong lúc làm việc.

– Tránh dùng đồng thời Cetirizin 10mg với rượu và các thuốc ức chế thần kinh trung ương bởi chúng có thể làm tăng tác dụng của thuốc.

Ngoài ra, hãy nhớ là chỉ mua thuốc Cetirizin 10mg khi có chỉ định của bác sĩ điều trị. Đồng thời, nên mua thuốc tại các cơ sở uy tín. Nếu mua thuốc viên nén bao phim Unicet (Cetirizin hydroclorid 10mg) do Công ty Bal Pharma Ltd. India sản xuất thì nên xem xét kỹ. 

Bởi lô thuốc có SĐK: VN-18786-15, số lô: UUNE 1703, HD: 02/2020 do công ty này sản xuất, được Công ty CP dược phẩm Trung ương Codupha nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn về chỉ tiêu độ hòa tan nên đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu thu hồi trên toàn quốc từ hồi tháng 8/2018.

Trên đây là tất cả thông tin cần biết về thuốc Cetirizin 10mg. Bạn hãy dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ, hỏi lại bác sĩ khi có vấn đề còn băn khoăn để đảm bảo dùng thuốc một cách chuẩn xác và hiệu quả nhất.