Thai lưu hay còn gọi là thai chết lưu là dấu hiệu cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe của các sản phụ. 20 đến 50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân. Thai chết lưu có biểu hiện ra máu không và những dấu hiệu nào để nhận biết là những câu hỏi thường gặp.
Do đó việc phòng ngừa thai lưu ngay từ lúc đầu sẽ giúp hạn chế vấn đề này. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin sau để trang bị cho mình kiến thức về những dấu hiệu thai lưu không ra máu, nguyên nhân gây ra cũng như cách phòng tránh để có một thai kỳ khỏe mạnh.
Thai lưu là gì?
Định nghĩa về thai chết lưu không thống nhất giữa các nước khác nhau. Chúng ta quan niệm thai chết lưu là tất cả các trường hợp thai bị chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Có tác giả coi thai chết lưu là những trường hợp thai bị chết sau 20 tuần tuổi thai, có trọng lượng trên 400g.
Thai chết lưu có đặc điểm là vô khuẩn. Dù thai chết và lưu lại trong tử cung nhưng nút nhầy tử cung sẽ bịt kín làm cho mầm bệnh không phát triển xâm nhập vào các bộ phận khác. Trái lại một khi đã vỡ ối, nhiễm khuẩn xảy ra rất nhanh và rất nặng. Trong nhiều trường hợp thai chết lưu rất khó tìm thấy nguyên nhân. Khi thai bị chết lưu gây ra hai nguy cơ lớn cho người mẹ: như rối loạn đông máu, nhiễm trùng nặng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý người mẹ sau này
Tại sao thai bị chết lưu?
Có nhiều nguyên nhân gây ra thai chết lưu và ngược lại, cũng có không ít trường hợp thai chết lưu mà không tìm được nguyên nhân. Người ta cho rằng có từ 20 đến 50% số trường hợp thai chết lưu không tìm thấy nguyên nhân.
Nguyên nhân từ phía mẹ
- Mẹ bị các bệnh lý mạn tính: viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao, đang điều trị bệnh ung thư ( xạ trị, hóa trị)…
- Mẹ bị các bệnh nội tiết: Basedow, thiểu năng giáp trạng, đái tháo đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận.
- Người mẹ bị nhiễm độc thai nghén (từ nhẹ đến nặng) đều có thể gây ra thai chết lưu. Tỷ lệ thai chết lưu càng cao nếu nhiễm độc thai nghén càng nặng và không được điều trị hay điều trị không đúng.
- Mẹ bị các bệnh nhiễm ký sinh trùng như sốt rét ( trong sốt rét ác tính, thai bị chết gần như 100% ), nhiễm vi khuẩn ( như giang mai ), nhiễm virus (viêm gan, quai bị, cúm, sởi…)
- Tử cung: tử cung dị dạng cũng là một nguyên nhân gây thai chết lưu, có thể gặp ở tất cả các kiểu dị dạng của tử cung. Tử cung nhi tính, tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém, có thể bị chết lưu.
Nguyên nhân từ phía thai
- Rối loạn thể nhiễm sắc: Là nguyên nhân chủ yếu gây thai chết lưu dưới 3 tháng tuổi. Rối loạn nhiễm sắc thể có thể là do đột biến trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi; có thể di truyền từ bố, mẹ. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên rõ ràng theo tuổi của mẹ, đặc biệt là ở các bà mẹ trên 40 tuổi.
- Dây rốn: Mọi bất thường ở dây rốn đều có thể làm thai chết lưu. Dây rốn thắt nút, dây rốn ngắn tuyệt đối, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi. Dây rốn bị chèn ép, đặc biệt hay gặp trong trường hợp thiêủ ối, dây rốn bị xoắn quá mức.
- Bánh nhau: Bánh nhau xơ hoá, bánh nhau bị bong, u mạch máu màng đệm của bánh nhau. Máu của thai chảy sang mẹ
- Nước ối: Thiếu ối, đa ối cấp tính/mạn tính.
Người ta thấy rằng có từ 20% đến 50% số trường hợp thai chết lưu là không tìm thấy nguyên nhân, mặc dù có đầy đủ các phương tiện thăm dò hiện đại.
Thai phụ nào có nguy cơ cao gặp phải dấu hiệu thai lưu?
Bất cứ ai cũng có khả năng gặp phải tình trạng thai lưu, nhưng một số phụ nữ có nguy cơ cao hơn những người khác. Tỷ lệ sinh này sẽ cao hơn nếu người mẹ:
- Đã từng bị thai lưu hoặc thai mắc hội chứng chậm phát triển trong thai kỳ trước đó; có tiền sử sinh non, tăng huyết áp do mang thai hoặc tiền sản giật cũng làm tăng nguy cơ thai chết lưu
- Mắc các bệnh mạn tính như lupus, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, tăng huyết khối (rối loạn đông máu) hoặc bệnh tuyến giáp
- Thai phụ có các biến chứng trong thai kì như thai chậm tăng trưởng, tiền sản giật, tăng huyết áp, ứ mật trong thai kỳ,…
- Hút thuốc, uống rượu bia hoặc sử dụng một số loại thuốc gây nghiện trong thời kỳ mang thai
- Mang song thai hoặc đa thai
- Là người béo phì
- Phụ nữ lần đầu mang thai cũng có nguy cơ cao hơn.
Một số nghiên cứu cho thấy những người mang thai nhờ thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thụ thai nhờ kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) sẽ có nguy cơ thai chết lưu sẽ cao hơn, ngay cả khi họ không mang đa thai.
Thai bị chết lưu có ra máu không? Dấu hiệu thai lưu không ra máu
Việc ra máu khi mang thai trong một số trường hợp sẽ là dấu hiệu nguy hiểm, tuy nhiên ra máu không thể khẳng định bạn đang bị thai lưu. Thai lưu có thể ra máu hoặc không ra máu và sẽ đi kèm những dấu hiệu sau đây:
1/ Không nhận thấy dấu hiệu mang thai
Đa phần thai khi thai chết lưu, người mẹ không còn/mất hết cảm giác nghén; ngực mềm, bụng đầy; ra máu đen ở âm đạo, tim thai ngừng đập, …
2/ Không còn thấy chuyển động của thai nhi
Đếm số lần thai máy là điều người mẹ nên làm hàng ngày để đảm bảo sức khỏe của thai nhi. Để đếm số lần thai chuyển động, người mẹ nên nằm nghiêng về một bên và đếm bất kỳ chuyển động nào của bé mà mẹ cảm nhận được trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 tiếng). Nếu không thấy chuyển động của thai nhi bình thường, có thể thai đã gặp vấn đề/chết lưu.
3/ Tử cung mẹ không phát triển
Thể tích tử cung của mẹ sẽ tăng lên theo sự phát triển của thai nhi. Nếu thai chết lưu, tử cung người mẹ ngừng phát triển.
4/ Không nghe được tim thai
Trong các đợt khám thai, nếu không thấy được tim thai, thai phụ sẽ được làm xét nghiệm để tìm hiểu lý do, trong đó có nguyên nhân thai đã bị chết.
5/ Vỡ nước ối
Thai chết lưu có thể gây vỡ ối, khiến vi khuẩn xâm nhập buồng ối và dạ con gây nhiễm khuẩn trầm trọng, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.
Làm gì khi thấy có một trong các biểu hiện thai lưu?
Khi gặp phải trường hợp bị sảy thai hoặc phát hiện thấy thai chết lưu, hãy đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và biết được kết quả chính xác nhất.
Trong những tuần đầu tiên của thai kỳ mà bạn thai nhi bị chết lưu hay sảy thường thì thai sẽ tự đào thải nên bạn sẽ hoàn toàn yên tâm về sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nhiều. Nếu trong tử cung của bạn vẫn còn các phần còn sót lại của bào thai, bác sĩ sẽ dùng những biện pháp để loại những phần còn lại đó ra khỏi cơ thể của bạn. Cũng tùy vào từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ dùng những cách khác nhau để điều trị cho bạn.
Thế nên trong quá trình mang thai việc đi khám thai định kỳ là rất cần thiết. Và bạn cũng cần chú ý một số điểm sau để đề phòng rủi ro với bào thai của mình:
- Duy trì chế độ ăn uống phù hợp đảm bảo đầy đủ canxi và axit folic.
- Tập thể dục hàng ngày bằng những động tác nhẹ nhàng.
- Duy trì trọng lượng cơ thể, không được quá béo hoặc quá gầy.
- Tránh dùng đồ uống có cồn, cafein và các loại thịt nguội, pho mát dạng mềm.
- Ngừng ngay việc hút thuốc/tiếp xúc với khói thuốc
- Tránh chân thương vùng bụng
- Cần tiêm phòng nếu tiền sử gia đình có di truyền về bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ sẽ làm gì khi phát hiện các dấu hiệu thai lưu?
Trong quá trình thăm khám nếu phát hiện các dấu hiệu thai lưu hoặc nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng siêu âm Doppler để kiểm tra nhịp tim của thai nhi.
Nếu thai nhi chết và không có bất kỳ triệu chứng nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bà mẹ, bác sĩ có thể chỉ định đợi đến khi thai đẩy ra ngoài tự nhiên hoặc dùng phương pháp y khoa để lấy thai ngay lúc đó.
Nếu sức khỏe của sản phụ đang bị đe dọa, cần phải lấy thai ra càng sớm càng tốt nhưng hiếm khi có trường hợp nguy cấp cần phải mổ để lấy thai.
Tóm lại
Thai lưu là một hiện tượng thai chết mà còn lưu lại trong tử cung trên 48 giờ. Thai lưu có thể ra máu hoặc không ra máu nhưng sẽ đi kèm những dấu hiệu nhận biết. Do đó việc nhận biết những dấu hiệu và phòng tránh kịp thời sẽ tránh gây ra những biến chứng nghiêm trọng và ảnh hường đến tâm lý của bà mẹ sau này.
Be the first to write a comment.