Thông liên thất là một bệnh tim bẩm sinh trong đó có một lỗ thông bất thường giữa hai buồng tâm thất của tim. Lỗ thông bất thường này làm giảm máu lên phổi và đưa máu thiếu oxy đi nuôi khắp cơ thể. Chính vì vậy trẻ bị thông liên thất sẽ có tình trạng thiếu oxy lâu ngày, trẻ dễ bị mệt, bị tím da. Vậy cần phải chăm sóc trẻ bị thông liên thất như thế nào?
1. Bệnh thông liên thất là gì?
Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu sơ lược về cấu tạo của một quả tim bình thường.
Quả tim bình thường có 4 buồng: 2 buồng tâm thất trái – phải nằm ở phía dưới của quả tim có nhiệm vụ đẩy máu đi ra ngoài tim, 2 buồng tâm nhĩ trái – phải nằm ở phía trên có nhiệm vụ nhận máu trở về tim.
Toàn bộ máu sau khi đi nuôi các cơ quan bộ phận trên toàn thân sau đó đi về tâm nhĩ phải với nồng độ oxy máu thấp, nồng độ CO2 máu cao nên máu có màu đen. Từ tâm nhĩ phải, lượng máu được đưa xuống tâm thất phải, từ đó máu sẽ được đẩy lên trên phổi để trao đổi oxy chuyển thành màu đỏ tươi. Sau đó máu sẽ được đưa xuống tâm nhĩ trái, xuống tâm thất trái để đi nuôi toàn bộ cơ thể.
Bình thường khi chúng ta sinh ra tâm thất phải và tâm thất trái sẽ ngăn cách nhau bằng vách ngăn liên thất. Khi vách ngăn này có lỗ thông làm cho máu từ tâm thất phải có thể đi trực tiếp sang tâm thất trái và ngược lại thì gọi là thông liên thất. Vị trí và kích thước của lỗ thông liên thất sẽ dẫn tới các triệu chứng với mức độ khác nhau, đây cũng là cơ sở quyết định phương pháp điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
2. Vì sao trẻ lại bị thông liên thất bẩm sinh?
Tình trạng thông liên thất xuất hiện từ trong quá trình phát triển của bào thai. Phần lớn các trường hợp trẻ bị thông liên thất là không xác định được nguyên nhân cụ thể. Chỉ có một vài trường hợp là do bất thường về cấu trúc gen như thêm hoặc bớt một nhiễm sắc thể.
Tuy rằng chưa tìm được nguyên nhân cụ thể, song các nhà khoa học đã chỉ ra một vài yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng sinh con bị khuyết tật về tim trong đó có tình trạng thông liên thất. Các yếu tố nguy cơ đó bao gồm:
– Bà mẹ khi đang mang thai bị nhiễm virus Rubella.
– Bà bầu bị tiểu đường khó kiểm soát.
– Người mẹ khi đang có thai sử dụng các chất kích thích như uống rượu, sử dụng ma túy.
– Người mẹ phải tiếp xúc với các chất độc hại, phóng xạ khi đang mang thai.
3. Các dấu hiệu giúp nhận biết trẻ bị thông liên thất
Bệnh thông liên thất ở trẻ sơ sinh thường được phát hiện khi bác sĩ thăm khám kiểm tra phát hiện có tiếng tim bất thường do lỗ thông liên thất tạo ra.
Với các trẻ bị thông liên thất nhưng lỗ thông nhỏ thường không có biểu hiện triệu chứng gì ra bên ngoài, có một số trường hợp lỗ thông có thể đóng lại khi trẻ lớn lên.
Với các trẻ có lỗ thông liên thất lớn sẽ có các biểu hiện như thở nhanh, trẻ có biểu hiện khó thở, vã mồ hôi khi bú và trẻ bị thông liên thất thường sẽ chậm phát triển hơn những đứa trẻ cùng lứa.
Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng bất thường như trên, cần cho trẻ đi khám ngay. Bởi với trường hợp thông liên thất có biểu hiện lâm sàng như vậy cần phải phẫu thuật sớm, tốt nhất là trong 03 tháng đầu nhằm phòng tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
4. Chăm sóc trẻ bị thông liên thất như thế nào?
4.1. Chăm sóc trẻ bị thông liên thất trong quá trình điều trị tại bệnh viện
Đa phần, sau khi phẫu thuật nếu trẻ không có biểu hiện gì bất thường sẽ được xuất viện trong vòng 4-5 ngày sau khi phẫu thuật. Tuy nhiên, cha mẹ cần phải theo dõi trẻ thường xuyên, xem trẻ có biểu hiện gì bất thường hay không? Nếu như thấy trẻ có một hoặc một vài dấu hiệu sau đây cần phải báo cáo với bác sĩ ngay:
- Quan sát trẻ thấy vùng da xung quanh miệng, môi và lưỡi trẻ xanh hoặc hơi tím.
- Trẻ có biểu hiện chán ăn.
- Trẻ bị sụt cân hoặc tăng cân chậm.
- Trẻ giảm vận động, chậm hơn các trẻ khác.
- Trẻ có biểu hiện sốt kéo dài.
- Quan sát vết mổ của trẻ có biểu hiện sưng đau và chảy mủ
Đây chính là các dấu hiệu gợi ý trẻ có vấn đề sau khi phẫu thuật, cần phải báo cáo cho bác sĩ ngay khi phát hiện các triệu chứng trên.
4.2. Chăm sóc trẻ bị thông liên thất sau khi phẫu thuật điều trị
Phần lớn các trẻ bị thông liên thất sau khi điều trị thành công sẽ có cuộc sống khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý trong việc chăm sóc trẻ bị thông liên thất sau khi đã phẫu thuật điều trị thành công.
- Trẻ cần được tiêm phòng đầy đủ, đúng thời gian. Bởi những bé này cần được bảo vệ tốt hơn những bé khác. Cha mẹ có thể tham khảo thêm ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch để biết được tiêm chủng như thế nào là phù hợp nhất cho con mình.
- Cha mẹ cần phòng tránh các bệnh đường hô hấp cho trẻ. Bởi các trẻ bị thông liên thất cũng như các bệnh tim bẩm sinh khác rất dễ bị viêm phổi. Cách phòng tránh đó là giữ ấm cho trẻ khi trời lạnh, không cho trẻ đến nơi có nhiều khói bụi, ô nhiễm. Cần cách ly trẻ với những người bị các bệnh như ho, cảm cúm.
- Các trẻ bị thông liên thất cũng cần được chăm sóc răng miệng cẩn thận. Bởi tình trạng răng miệng kém vệ sinh có thể dẫn đến một biến chứng nguy hiểm đó là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Vi khuẩn từ răng miệng vào máu và đi đến gây bệnh tại tim. Chính vì vậy cha mẹ cần vệ sinh răng miệng cho trẻ cẩn thận, cho trẻ đi khám nha khoa định kỳ 6 tháng một lần. Khi cần làm các thủ thuật, phẫu thuật liên quan đến răng miệng cần phải báo cho bác sĩ biết trẻ bị thông liên thất bẩm sinh để bác sĩ có phác đồ điều trị thích hợp.
- Cha mẹ cần cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý, đồng thời theo dõi sát cân nặng của trẻ để có hướng điều chỉnh phù hợp. Nên cho trẻ ăn từ từ, ăn nhiều bữa, không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa.
- Cho trẻ đi khám kiểm tra định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Không được bỏ qua các đợt khám định kỳ này cho dù trẻ có biểu hiện sức khỏe bình thường.
- Ngoài ra các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám lại ngay khi có bất kỳ triệu chứng khác thường nào như: trẻ bị sốt, ho, phù, tiểu ít, trẻ bỏ bú, quấy khóc nhiều, trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy, trẻ thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay có biểu hiện bứt rứt, thậm chí trẻ có thể lên cơn tím tái, co giật hoặc hôn mê.
Bệnh thông liên thất bẩm sinh có thể được điều trị rất hiệu quả và hầu hết các trẻ sau khi được điều trị thành công sẽ có cuộc sống khỏe mạnh bình thường như các trẻ khác. Tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng cần phải chú ý chăm sóc trẻ bị thông liên thất cẩn thận hơn so với các trẻ bình thường. Việc chăm sóc trong trường hợp này là rất quan trọng, nhằm giúp trẻ có thể phát triển bình thường và phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra.
Be the first to write a comment.