Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn và điều trị kịp thời một số bệnh lý ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng và sức khỏe sinh sản.
Vậy khám sức khỏe tiền hôn nhân là khám những gì? Thời điểm nào thích hợp để thăm khám? Và khi đi khám cần chuẩn bị những gì? Hy vọng bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc này.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân giúp các cặp đôi tầm soát được nhiều bệnh
Vì sao khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc nên làm?
Nên khám sức khỏe tiền hôn nhân để được những lợi ích sau :
- Đánh giá sức khỏe một cách tổng quát và toàn diện.
- Phát hiện những bệnh lây nhiễm như viêm gan siêu vi B, HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…
- Tầm soát và phát hiện những bệnh lý liên quan đến vấn đề sinh sản và di truyền.
- Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho những đứa con trong tương lai, chuẩn bị tâm lý và sức khỏe cho người phụ nữ mang thai và kế hoạch sinh đẻ an toàn.
- Giúp bạn chủ động kiểm soát việc mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn, tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn và thực hiện sinh đẻ có kế hoạch một cách hiệu quả nhất.
Thời điểm nào thích hợp để khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Khoảng 6 tháng trước khi kết hôn là thời điểm thích hợp để 2 bạn tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân. Nếu phát hiện ra bệnh lý, các bạn sẽ có thời gian chữa trị dứt điểm và chuẩn bị có em bé ngay sau khi kết hôn.
Khám sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm khám những gì?
Bạn sẽ được tư vấn khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe sinh sản và khám thêm về di truyền nếu có các yếu tố nguy cơ về di truyền.
Khám sức khỏe tổng quát:
Bạn cần làm một số các xét nghiệm và chụp chiếu cần thiết để phát hiện bệnh sớm như:
- Kiểm tra đường huyết: giúp phát hiện bệnh tiểu đường, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến mạch máu, thần kinh, mắt, thận…
- Xét nghiệm công thức máu: tổng phân tích tế bào máu ngoại vi để đánh giá số lượng bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu, nồng độ hemoglobin… giúp phát hiện những rối loạn như giảm số lượng tế bào máu, thiếu máu từ đó xác định nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.
- Xét nghiệm viêm gan siêu vi B, HIV: những bệnh này lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, đường máu, từ mẹ sang con. Xét nghiệm sớm có thể phòng ngừa, tránh lây chéo và có biện pháp điều trị phù hợp.
- Kiểm tra chức năng gan, thận: thận và gan suy yếu sẽ kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe như phù, thiếu máu, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa và bài tiết trong cơ thể.
- Điện tâm đồ: giúp kiểm tra hoạt động của tim để đảm bảo bạn không gặp các vấn đề khó khăn hoặc nguy hiểm đến tính mạng khi quan hệ vợ chồng.
- Xét nghiệm nước tiểu: giúp phát hiện một số bệnh tiềm ẩn ở cầu thận, ống thận hay đường tiết niệu, nhiễm trùng tiểu… Những bệnh lý này có thể là nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng như rối loạn cương dương, lãnh cảm, vô sinh, đau khi giao hợp.
Khám sức khỏe sinh sản
Bác sĩ chuyên khoa sẽ khám cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ để phát hiện xem có bất thường không.
- Đối với nam giới sẽ được thăm khám hai tinh hoàn và những khả năng phát triển tình dục như cương cứng, xuất tinh… Phân tích hormone và tinh dịch giúp đánh giá và tiên lượng khả năng thụ thai tự nhiên. Nếu có vấn đề bất thường thì nam giới sẽ được điều trị kịp thời để không làm ảnh hưởng tới khả năng sinh sản sau này.
- Đối với nữ giới sẽ được thăm khám bộ phận sinh dục, siêu âm tử cung, buồng trứng để phát hiện những dấu hiệu bất thường mà nhiều phụ nữ có thể mắc phải như u nang buồng trứng, tắc vòi trứng, u xơ tử cung… Ngoài ra, bạn gái nên kiểm tra sớm để tầm soát bệnh ung thư vú.
Tầm soát các bệnh di truyền và các yếu tố khác
Sau khi đã được khám sức khỏe tổng quát và sinh sản, nếu các bạn vẫn phân vân về yếu tố di truyền thì sẽ được bác sĩ tư vấn kỹ hơn về vấn đề này. Cụ thể, bác sĩ lập sơ đồ di truyền giữa các thành viên trong gia đình để tiên lượng đứa trẻ sau khi sinh ra có bị ảnh hưởng không. Nếu cần thiết, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định làm test di truyền.
- Tầm soát bệnh di truyền: các bệnh di truyền từ bố mẹ sang con cái, có thể có hoặc không biểu hiện rõ ràng trong thời điểm hiện tại. Nhưng vẫn tầm soát để tránh được sự lây truyền cho các em bé sau này. Những bệnh di truyền phổ biến như tâm thần, ung thư máu, bệnh đái tháo đường…
- Sàng lọc không tương thích nhóm máu: khoảng 85-90% người bình thường mang nhóm máu Rh dương tính (Rh+). Nếu người phụ nữ mang nhóm máu Rh âm tính (Rh-) kết hôn cùng người đàn ông mang nhóm máu Rh dương tính (Rh+), Thai nhi trong bụng mẹ có thể mang nhóm máu Rh dương tính. Khi đó cơ thể người mẹ sẽ sinh ra kháng thể Rh chống lại nhóm máu của đứa trẻ, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Do đó, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân sẽ giúp bạn tránh được những nguy cơ sảy thai, thai ngoài tử cung và giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh hơn.
Cần chuẩn bị gì trước khi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân?
Khi các bạn đến khám nên cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân và tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
Buổi sáng ngày đi khám nên nhịn đói để lấy máu làm xét nghiệm. Nữ giới không khám trong kỳ kinh nguyệt. Nam giới không xuất tinh dưới mọi hình thức để không làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Khi có thắc mắc bạn nên mạnh dạn trao đổi cùng bác sĩ những vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải để có hướng chữa trị.
Be the first to write a comment.