5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh đau dạ dày hay viêm loét dạ dày là căn bệnh thời hiện đại. Đang ngày càng phổ biến khi cuộc sống phát triển và người dân có thói quen sử dụng những bữa ăn nhanh cùng các chất kích thích hệ tiêu hóa. Ở Việt Nam có khoảng 7-10% dân số mắc bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng.

Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường cảm thấy ăn không ngon, đau khó chịu vùng thượng vị, sụt cân, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa.. Khi bệnh tiến triển, cơn đau dữ dội hơn, thậm chí xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày nếu không được theo dõi và điều trị sớm.

Đối với bệnh viêm loét dạ dày, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng bên cạnh việc điều trị. Ăn uống khoa học, đúng cách và biết kiêng dùng một số thực phẩm không tốt cho dạ dày và hệ tiêu hóa sẽ góp phần giúp việc chữa trị hiệu quả hơn. Dưới đây là một số thực phẩm nên dùng và cấm kỵ đối với người bệnh viêm loét dạ dày.

Đau dạ dày, căn bệnh của thời hiện đại

Đau dạ dày gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống

Những thực phẩm nên ăn khi bị đau dạ dày 

Nhóm thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày: trứng, các sản phẩm từ sữa, nghệ, mật ong, chè nóng…  đây là những loại thực phẩm có tác dụng giảm kích thích dạ dày.

  • Bột nghệ mật ong: có tác dụng chống viêm, nhanh lành vết loét, giảm tiết dịch vị, tránh tình trạng kích ứng dạ dày.
  • Sữa chua: bổ sung lợi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa. Các sản phẩm sữa chua nguyên chất, ít hoặc không đường sẽ tốt cho dạ dày hơn các sản phẩm nhiều hương liệu và các chất phụ gia khác.

Nhóm thực phẩm giúp lành vết loét: tôm, cá, bắp cải chứa nhiều canxi, protein và kẽm là các chất cần thiết để lành vết loét.

  • Bắp cải: cung cấp nhiều vitamin K và vitamin U, giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa, làm lành các vết loét ở niêm mạc dạ dày. Do vitamin U dễ mất đi ở nhiệt độ cao nên dùng nước ép bắp cải sẽ tốt hơn và hấp thu được hết chất dinh dưỡng.
Nước ép bắp cải tốt cho dạ dày

Nước ép bắp cải tốt cho dạ dày

Nhóm thực phẩm giảm tiết acid: cơm, xôi, bánh mỳ, bánh chưng, cháo, khoai luộc, thịt – cá hấp, luộc….tránh kích thích dạ dày tiết acid. 

  • Cơm trắng: có tác dụng làm giảm cơn đau dạ dày, hấp thụ các chất lỏng bên trong dạ dày, giảm nguy cơ tiêu chảy.
  • Khoai tây: chứa hàm lượng tinh bột cao, bảo vệ dạ dày, giảm tiết acid và thúc đẩy nhu động ruột.
  • Khoai lang: giàu protein, đường, vitamin, chất béo, canxi, muối vô cơ, sắt … tốt cho lá lách và dạ dày
  • Bí ngô: chứa một lượng lớn Pectin giúp hấp thụ vi khuẩn và các chất độc hại, đồng thời bảo vệ dạ dày và giảm các vết loét.

Nhóm thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất: do khả năng tiêu hóa và hấp thu kém, cần bổ sung các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magiê… như ngũ cốc, hoa quả , rau củ màu đỏ, xanh đậm. 

  • Ngũ cốc và các loại hạt: gạo lứt, gạo nếp, bắp, các loại đậu, hạt có chất béo như mè, hạt điều, hạt bí còn nguyên lớp màng ngoài của hạt… có nhiều chất chống ôxy hóa quan trọng bảo vệ lớp màng tế bào thành dạ dày.
  • Cải bó xôi: chứa nhiều chất scellulose giúp cải thiện hệ tiêu hóa và bài tiết.
  • Chuối: có khả năng trung hòa hàm lượng axit trong dịch dạ dày và giảm sưng viêm đường ruột, giảm các chứng táo bón và tiêu chảy.
  • Táo: chứa pectin thúc đẩy sự hoạt động của dạ dày và đường ruột.
  • Đu đủ: chứa enzyme papain và chymopapain giúp xoa dịu dạ dày, kích thích hệ tiêu hóa, giảm chứng khó tiêu và táo bón hiệu quả.
  • Cà tím: chứa hàm lượng chất dinh dưỡng phong phú như glucid, protid, lipid, kali, phốt pho, magiê, calcium, lưu huỳnh, clor, sắt, mangan, kẽm, đồng, iod, vitamin B1, B12, PP tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày. Đặc biệt trong cà tím còn chứa nightshade soda, có tác dụng chống ung thư có khả năng ngăn ngừa ung thư dạ dày.
  • Cà rốt: chứa carotene có thể chuyển đổi thành vitamin A trong cơ thể giúp tăng cường chức năng đường ruột, dạ dày và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Thì là: có hàm lượng acid aspartic và anethole cao giúp kích thích dạ dày tiết dịch vị, dịch tiêu hóa, giảm tình trạng đầy hơi.
Đau dạ dày cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất

Đau dạ dày cần bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất

Những thực phẩm kiêng kị khi bị đau dạ dày:

Nhóm thực phẩm gây kích ứng niêm mạc dạ dày 

  • Bia, rượu, các thức uống chứa cồn, cà phê, trà đặc
Hạn chế rượu, bia, các thức uống chứa cồn khi bị đau dạ dày

 Hạn chế rượu, bia, các thức uống chứa cồn khi bị đau dạ dày

  • Các gia vị cay nóng như tiêu, ớt, gừng khô, cà ri…
Gia vị cay nóng gây kích ứng dạ dày

Gia vị cay nóng gây kích ứng dạ dày 

  • Món nướng, chiên, xào nhiều dầu mỡ, tẩm nhiều gia vị.
  • Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn có chứa chất bảo quản như thịt nguội, cá hộp, thịt hun khói…

Nhóm thực phẩm chứa nhiều acid, tăng tiết dịch vị

  • Trái cây và các thực phẩm có tính acid như chanh, ổi, xoài xanh, khế chua, me, chùm ruột, dưa cải muối, giấm ăn, mẻ, nước trái cây có ga, nước ngọt…

Nhóm thực phẩm gây chướng bụng, đầy hơi 

  • Trứng sống, giá đỗ, hành, hẹ, cần tây, dưa cà muối, ớt chuông…

Nhóm thực phẩm cứng, nhiều xơ, gây cọ xát dạ dày

  • Các loại rau củ xơ như củ cải, rau cần, rau hẹ, các loại rau đậu già, đậu khô, khoai môn… thịt nhiều gân, sụn.

Nhóm thực phẩm chứa chất gây ngộ độc, hại dạ dày

  • Các loại nấm:  kể cả nấm còn non, mới nhú chồi như nấm rơm, nấm hương vẫn có chất phalin rất độc chưa bị hủy, có thể làm tổn thương dạ dày.
  • Các loại củ, rễ:  như măng, khoai mì chứa hàm lượng acid cyanhydric cũng gây độc cho dạ dày.
Nấm có thể gây hại cho dạ dày nếu không chế biến đúng cách

Nấm có thể gây hại cho dạ dày nếu không chế biến đúng cách

Những lưu ý trong ăn uống và sinh hoạt hằng ngày khi bị đau dạ dày

  • Nên dùng thức ăn được thái nhỏ, nấu chín, mềm giúp dễ tiêu hóa và hấp thu.
  • Không dùng thực phẩm ướp lạnh và quá nóng hoặc quá khô chỉ nên dùng thức ăn ấm nóng vừa phải giúp dạ dày dễ chịu hơn.
  • Nên nhai kỹ và ăn chậm rãi giúp thức ăn được nghiền nhỏ và tiêu hóa dễ dàng hơn
  • Không nên ăn quá no trước giờ ngủ: việc ăn no sẽ tạo áp lực lên dạ dày, thức ăn không được tiêu hóa hết sẽ lên men trong dạ dày dẫn tới đầy bụng, khó chịu và gia tăng những cơn đau dạ dày.
  • Nên ăn uống đúng giờ với lượng vừa phải tránh để tình trạng quá đói hoặc quá no giúp việc tiêu hóa và trung hòa axit trong dạ dày hiệu quả hơn.
  • Rửa tay trước khi ăn và lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm giúp hạn chế vi khuẩn xâm nhập cơ thể gây ra các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa và bệnh đau dạ dày.
  • Không nên vận động hoặc làm việc ngay sau khi vừa ăn no sẽ làm cơ thể không tập trung năng lượng vào việc tiêu hóa thức ăn, gây tình trạng đầy bụng, chướng hơi.
  • Tránh trạng thái căng thẳng, buồn phiền, mệt mỏi gây tác động đến hệ thần kinh thực vật khiến mất cân bằng chức năng dạ dày, tăng tiết acid và dịch vị làm trầm trọng thêm triệu chứng đau dạ dày.
  • Hạn chế dùng những thuốc gây ảnh hưởng dạ dày như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID), nhóm corticoid. Nếu phải dùng thường xuyên và bắt buộc nên uống sau bữa ăn hoặc kết hợp cùng các thuốc hỗ trợ dạ dày. Và nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng các thuốc trên.
  • Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao vừa sức, nhẹ nhàng hoặc tập hít thở sâu để tăng cường chức năng của hệ tiêu hóa.

Bên cạnh việc kết hợp ăn uống hợp lý và khoa học thì người bị viêm loét dạ dày nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để việc chữa trị bệnh được dứt điểm. Tránh bệnh kéo dài dai dẳng hoặc biến chứng gây xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.