Rate this post

Khí phế thũng là một trong những bệnh thuộc bệnh ở đường hô hấp. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị hiệu quả sẽ để lại nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe của người bệnh. Hãy cùng tham khảo những thông tin dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh này và có cách điều trị bệnh khí phế thũng hiệu quả khi mắc bệnh.

Bệnh khí phế thũng là gì?

Bệnh khí phế thũng là một trong hai dạng chính của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Đây là một nhóm các bệnh về hô hấp tiến triển gây tắc nghẽn luồng không khí khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc thở bình thường. 

Bệnh xảy ra do giảm khả năng đàn hồi và thậm chí làm mất khả năng phục hồi thành của các tiểu phế quản và phế nang do viêm nhiễm kéo dài.

Bệnh khí phế thũng chủ yếu gặp ở người lớn. Các tổ chức phổi như phế quản hay phế quản trung bình hoặc tiểu phế quản và tiểu phế quản tận cùng (phế nang) đều có nguy cơ nhiễm trùng cấp tính hoặc mãn tính kéo dài, đặc biệt là phế nang. Bởi cấu tạo của phế nang không có tổ chức sụn như các phế quản khác, do đó nếu bị căng giãn liên tục và kéo dài rất dễ bị tạo thành túi khí và lúc đó được gọi là bệnh khí phế thũng.

Nguyên nhân và triệu chứng của khí phế thũng

Có rất nhiều nguyên nhân gây khí phế thũng, trong đó phải kể đến một số nguyên nhân chính như là:

  • Do viêm phế quản mạn tính và kéo dài do viêm nhiễm hoặc do tác động của các hoá chất độc hại, bụi bẩn, khói thuốc,… Do đó những người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ mắc bệnh khí phế thũng cao hơn những người không hút.
  • Bệnh khí phế thũng có thể là do cơ thể thiếu protein AAT (Anpha1-Antitripsin). Nếu cơ thể thiếu protein AAT có thể dẫn đến tổn thương phổi và bị bệnh khí phế thũng. 
  • Những người bị hen phế quản mạn tính hoặc bệnh lao phổi kéo dài cũng làm căng giãn các thành phế quản, phế nang và cả hệ thống mao mạch của tổ chức phổi có thể gây khí phế thũng.
  • Ngoài ra, bệnh khí phế thũng có thể là do các yếu tố nguy cơ khác gây nên, bao gồm nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên, sống và làm việc trong môi trường không khí bị ô nhiễm trong thời gian dài,….

Các triệu chứng của khí phế thũng là:

  • Khó thở, đặc biệt là khó thở ra khi hoạt động thể dục thể thao, làm việc nặng quá sức.
  • Ho mạn tính kéo dài.
  • Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phế quản cấp tính và viêm phổi.
  • Thở khò khè.
  • Sút cân và mệt mỏi.
  • Môi thường tím tái do thiếu oxy, lồng ngực biến dạng (lồng ngực hình thùng).
  • Khi bệnh nặng thì người bệnh có thể bị phù, gan to, tĩnh mạch cổ nổi.

Chẩn đoán bệnh khí phế thũng như thế nào?

Khí phế thũng thường được chẩn đoán thông qua một số xét nghiệm, bao gồm:

  • Đo phế dung, đo chức năng hô hấp để kiểm tra chức năng trao đổi khí của phổi.
  • Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) để phát hiện và kiểm tra mức độ tổn thương ở phổi.
  • Xét nghiệm khí máu động mạch để đo lượng oxy và lượng carbon dioxide trong máu.
  • Điện tâm đồ (EKG), kiểm tra tim để loại trừ bệnh tim gây khó thở.
  • Kiểm tra mức độ AAT trong cơ thể để xem có thiếu hụt loại protein này không.

Bệnh khí phế thũng có thể chữa được, chữa khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp . Ngược lại, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh khí phế thũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như gây bệnh tâm phế mạn tính hay tràn khí màng phổi, suy hô hấp hoặc gây tắc nghẽn động mạch phổi gây ảnh hưởng tới cho tính mạng.

Do đó khi có những yếu tố nguy cơ mắc bệnh và có những triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh khí phế thũng thì người bệnh cần chủ động thăm khám, kiểm tra và điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế những ảnh hưởng của bệnh.

Cách điều trị bệnh khí phế thũng

Mục tiêu của điều trị khí phế thũng là làm giảm triệu chứng và ngăn chặn bệnh phát triển và biến chứng và việc điều trị là phải do bác sĩ chỉ định nên người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định của bác sĩ chuyên khoa để đạt hiệu quả tốt nhất. Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc, thay đổi loại thuốc hoặc ngưng sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Các phương pháp điều trị khí phế thũng có thể bao gồm là:

  • Điều trị bằng thuốc, kể cả thuốc giãn phế quản và chống viêm để giải quyết tình trạng khó thở và tống đờm ra ngoài. Thuốc corticoid có thể dùng trong điều trị cơn cấp hoặc trong cả điều trị dự phòng. Nếu có nhiễm trùng đường hô hấp phải dùng kháng sinh thích hợp.
  • Bác sĩ có thể chỉ định điều trị khí phế thũng bằng liệu pháp oxy và thay thế AAT nếu cần thiết.
  • Thực hiện phẫu thuật phổi để loại bỏ các mô đã bị phá hủy hay ghép phổi.
  • Tiêm vac xin để phòng ngừa nhiễm trùng.

Nguyên tắc phòng bệnh

  • Cần vệ sinh sạch sẽ vùng răng, miệng, họng, hầu hàng ngày bằng việc đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ. 
  • Khi bị viêm đường hô hấp thì cần đi khám để được điều trị dứt điểm
  • Cần vệ sinh sạch sẽ môi trường sống và môi trường làm việc tốt: cần có bảo hộ lao động tốt khi làm việc trong môi trường không khí ô nhiễm, tránh khói bụi và đặc biệt là không nên hút thuốc lá và thuốc lào,…
  • Cần phải thực hiện tiêm vắc-xin phòng bệnh lao (vắc-xin BCG) cho trẻ sơ sinh và cả cho những người chưa có miễn dịch chống vi khuẩn lao.