5/5 - (1 bình chọn)

Mụn trứng cá là vấn đề da liễu rất phổ biến ở nước ta, bệnh không phân biệt nam nữ, lứa tuổi, giới tính và có xu hướng xuất hiện nhiều ở lứa tuổi dậy thì. Mụn trứng cá thường rất dai dẳng, tái phát nhiều lần, nếu không được điều trị đúng cách sẽ tiêu tốn nhiều thời gian, chi phí, không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến nhan sắc mà còn tạo ra tâm lý căng thẳng, thiếu tự tin khi ra đường.Để có thể loại bỏ hoàn toàn mụn trứng cá, chúng ta phải tìm ra nguyên nhân gây mụn trứng cá và cách điều trị, kết hợp nhiều biện pháp để chặn đứng nguy cơ mụn tái phát về sau.

Mụn trứng cá là gì?

Mụn trứng cá là một loại bệnh về da có liên quan trực tiếp đến tuyến bã nhờn. Bình thường, tuyến bã nhờn được kết nối với lỗ chân lông bằng các nang lông, nó sẽ tiết ra chất dầu (chất bã nhờn) để giữ ẩm và bảo vệ da. Tuy nhiên, khi có quá nhiều bã nhờn được sản xuất sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn nang lông, khi này một loại vi khuẩn cư trú trên da có tên khoa học là Propionibacterium Acnes sẽ thâm nhập vào các nang lông bị tắc nghẽn, gây ra hiện tượng viêm nhiễm và hình thành các đốm mụn trứng cá.

Mụn trứng cá tuy không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng có thể để lại sẹo và vết thâm (PIH), khiến bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình của mình.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá

Nhiều người tin rằng nguyên nhân gây mụn trứng cá là do chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn nhiều đồ cay, đồ nóng, uống không đủ nước,..Tuy nhiên, mụn trứng cá có thể xuất hiện do nhiều yếu tố từ bên trong và bên ngoài cơ thể.

Nguyên nhân từ bên trong cơ thể

  • Rối loạn nội tiết tố: Do sự gia tăng nội tiết tố Androgen, nhiều bạn trẻ ở độ tuổi dậy thì hoặc phụ nữ thời kỳ đầu mang thai dễ gặp phải mụn trứng cá. Loại hormone này có thể làm cho cơ thể của bạn tiết nhiều bã nhờn hơn bình thường gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Trên thực tế, có tới 80 – 90% số người trong độ tuổi dậy thì và hơn một nửa phụ nữ mang thai bị mụn trứng cá.
  • Tác dụng phụ khi dùng thuốc: Việc sử dụng các loại thuốc có chứa thành phần như corticosteroid, androgen hoặc lithium trong thời gian dài sẽ khiến bạn có nguy cơ bị mụn trứng cá.
  • Do di truyền: Nếu trong gia đình bạn có bố, mẹ từng bị mụn trứng cá thì nguy cơ bạn mắc mụn trứng cá khá cao.

Nguyên nhân từ bên ngoài cơ thể

  • Ô nhiễm môi trường: Môi trường làm việc có nhiều khói bụi, dầu mỡ sẽ khiến vi khuẩn trên da “sinh sôi nảy nở” mạnh mẽ hơn, khi chúng thâm nhập vào các nang lông bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến mụn trứng cá.
  • Không thường xuyên vệ sinh da mặt: Nếu bạn không làm sạch da mặt thường xuyên thì bụi bẩn và bã nhờn dư thừa sẽ tồn đọng trên da, tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển.
  • Mỹ phẩm kém chất lượng: Một số loại kem trộn, kem làm trắng trên thị trường có chứa thành phần hóa học gây hại cho da, khi sử dụng sẽ gây kích ứng da mà biểu hiện đầu tiên chính là xuất hiện mụn trứng cá. 
  • Lối sống, sinh hoạt: Thói quen thức khuya, không ngủ đủ giấc, thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích sẽ khiến quá trình trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn, về lâu dài sẽ khiến chức năng thải độc của gan bị giảm sút, làm cho cơ thể tích tụ độc tố, gia tăng tiết bã nhờn và gây mụn trứng cá.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn uống thiếu rau xanh, trái cây sẽ không cung cấp đủ các loại vitamin cho cơ thể, bên cạnh đó việc tiêu thụ đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ và không uống đủ nước cũng gây ra mụn trứng cá.

Các loại mụn trứng cá thường gặp nhất

Việc tìm hiểu và phân biệt được các loại mụn trứng cá sẽ giúp quá trình điều trị được thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Sau đây chúng tôi sẽ tổng hợp 6 loại mụn trứng cá thường gặp nhất cùng với triệu chứng đặc trưng của từng loại để các bạn tham khảo.

  1. Mụn đầu đen: Loại mụn này được hình thành khi bã nhờn và tế bào chết làm tắc nghẽn nang lông, sau đó nhân mụn tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa nên chuyển thành màu đen.
  2. Mụn đầu trắng: Nguyên nhân hình thành mụn đầu trắng cũng xuất phát từ việc nang lông bị tắc nghẽn nhưng trong trường hợp này nhân mụn không tiếp xúc trực tiếp với không khí nên có màu trắng. 
  3. Mụn sần: Mụn sần (hay mụn sẩn) là một dạng mụn trứng cá ở mức độ nhẹ, triệu chứng đặc trưng là các nốt mụn li ti nổi trên bề mặt da với mật độ khá dày, có màu hồng hoặc đỏ nhưng không có nhân mụn và mủ. 
  4. Mụn mủ: Đây là tình trạng da nổi lên các nốt mụn màu trắng hoặc vàng với kích thước lớn hơn các loại mụn kể trên, nhân mụn rất dễ vỡ bởi nó ở thể lỏng, trong nhân mụn thường chứa máu và mủ viêm. 
  5. Mụn bọc: Sự xâm nhập của vi khuẩn Propionibacterium Acnes vào các nang lông bị tắc nghẽn là lý do chính dẫn đến việc hình thành mụn bọc. Giống như mụn mủ, mụn bọc cũng có kích thước khá lớn nhưng cứng hơn và gây đau nhức nặng hơn, nhân mụn có thể nổi rõ hoặc nằm ẩn dưới da.

Mụn nang: Mụn nang được coi là loại mụn trứng cá nặng nhất và khó điều trị nhất. Loại mụn này có kích thước lớn nên chúng trông giống như các u nang trên bề mặt da. Ban đầu, mụn nổi từng cục sưng đỏ sau đó chuyển sang dạng nang cứng, mụn nang thường mang đến cảm giác căng tức, đau nhói ở những vùng da bị mụn.

cách phòng ngừa mụn trứng cá hiệu quả

Phòng ngừa mụn trứng cá không hề khó khăn nếu như bạn chú ý nhiều hơn đến việc chăm sóc da, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh và hạn chế các tác nhân gây mụn. Sau đây là một số biện pháp phòng ngừa mụn trứng cá vô cùng hiệu quả mà bạn nên tham khảo ngay:

  1. Luôn giữ da mặt sạch sẽ: Việc giữ da mặt luôn sạch sẽ là phương pháp ngăn ngừa mụn trứng cá rất hữu hiệu. Bạn nên rửa mặt hai lần mỗi ngày bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, tế bào chết và dầu thừa tích tụ trên da. Bên cạnh đó, bạn không nên dùng sữa rửa mặt có tính tẩy rửa mạnh và nước quá nóng vì chúng có thể gây tổn thương và kích ứng da.
  2. Lựa chọn loại mỹ phẩm phù hợp: Bạn nên đọc kỹ các thành phần trên nhãn dán mỹ phẩm trước khi chọn mua. Các loại mỹ phẩm không chứa dầu (oil free), được sản xuất bằng nguyên liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên, không chứa hóa chất gây kích ứng da hoặc được dán nhãn “Non-comedogenic” (không gây tắc nghẽn lỗ chân lông) được xem là những sự lựa chọn an toàn.
  3. Hạn chế đưa tay lên mặt: Việc thường xuyên sờ, đưa tay lên mặt là một thói quen xấu bởi khi đó bạn sẽ đưa một lượng lớn vi khuẩn lên da mặt. Đặc biệt, bạn cũng không nên dùng tay để nặn bóp mụn vì có thể gây nhiễm trùng và gây sẹo.
  4. Bảo vệ làn da trước ánh nắng mặt trời: Tia UV từ mặt trời sẽ làm tổn thương làn da, làm tăng tình trạng sưng, viêm, làm sạm da. Để bảo vệ làn da của mình, bạn nên hạn chế ra ngoài trời trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Nếu cần thiết phải ra khỏi nhà, bạn nên mặc quần áo dài tay, đội mũ rộng vành và đặc biệt là phải thoa kem chống nắng để có thể bảo vệ làn da một cách tối ưu.
  5. Duy trì chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Bạn nên tránh chế độ ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, các sản phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, nước ngọt có gas…Đồng thời trong các bữa ăn bạn nên bổ sung thêm rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và luôn nhớ uống đủ nước hàng ngày.
  6. Tập thể dục hàng ngày: Khi cơ thể đổ mồ hôi trong quá trình tập thể dục, lượng bã nhờn dư thừa và các độc tố sẽ dễ dàng bị đào thải hơn, từ đó sẽ giúp làn da sạch sẽ và tươi sáng hơn, hạn chế mụn trứng cá phát triển.
  7. Giữ tinh thần thoải mái, lạc quan: Nếu bạn gặp stress trong thời gian dài thì tình trạng mụn trứng cá theo sẽ càng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc giữ cho tinh thần luôn thoải mái, vui vẻ và lạc quan chính là một cách phòng ngừa mụn trứng cá hiệu quả.

Mụn trứng cá là một vấn đề nan giải mà hầu như ai cũng đã từng gặp phải nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu biết cách. ICondom hy vọng những thông tin trong bài viết này sẽ giúp các bạn có thể ngăn ngừa mụn trứng cá một cách hiệu quả, luôn giữ được làn tươi sáng, mịn màng.