Nhiễm khuẩn tiêu hóa cùng với nhiễm khuẩn đường hô hấp là hai loại bệnh thường gặp nhất ở trẻ em. Các loại bệnh này tưởng chừng như không nguy hiểm, nhưng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm thậm chí có thể gây tử vong ở trẻ em. Vậy khi phát hiện trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, chúng ta phải làm gì?
1. Nguyên nhân nhiễm khuẩn tiêu hóa
Tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa do các nguyên nhân sau:
- Do virus như: thường gặp nhất và có khi gây ra dịch bệnh trên phạm vi rộng phải kể đến đó là Rota virus, ngoài ra còn có thể do một số loại virus khác như Calici virus, Norwalk-Like virus, Astro virus, Enteric-Type Adeno virus,…
- Do vi khuẩn: Salmonella, E. Coli và Clostridium là 03 loại vi khuẩn thường gây ra tình trạng nhiễm khuẩn tiêu hóa, đặc biệt là Salmonella gây ra nhiều vụ ngộ độc tập thể. Bên cạnh đó một số vi khuẩn khác cũng có thể gây nhiễm khuẩn tiêu hóa như: Campylobacter Jejuni, Shigella, Yersinia Enterocolitica, Vibrio Parahaemolyticus, Vibrio Cholerae 01,…
- Do ký sinh trùng: Cryptosporidium, Giardia Lamblia,…
Các tác nhân này thường có chứa trong thức ăn, hoặc lây lan từ người mang mầm bệnh sang người lành qua bát đũa, cốc chén sử dụng chung. Chính vì vậy ở trẻ em, nhất là trong độ tuổi mẫu giáo, tình trạng nhiễm trùng tiêu hóa rất dễ lây lan và bùng phát thành các đợt dịch, trở thành nỗi lo lắng của tất cả các bậc phụ huynh.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa
Các biểu hiện ban đầu khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa gồm có:
- Sốt thường chỉ sốt nhẹ, cũng có khi sốt cao.
- Đau bụng.
- Tiêu chảy, trẻ đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, nhiều nước, có khi lẫn cả chất nhầy, hoặc mủ máu…. Mặc dù nhiễm khuẩn tiêu hóa là nguyên nhân gây tiêu chảy cấp thường gặp nhất, tuy nhiên không phải trẻ nào bị tiêu chảy cấp cũng do nhiễm khuẩn tiêu hóa, mà có thể do nhiều rối loạn khác nhau. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời, để kéo dài có thể khiến cho trẻ bị mất nước, mất điện giải, dẫn đến sốc, nguy hiểm tới tính mạng.
- Ngoài ra trẻ có thể có có các biểu hiện khác như mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn và nôn,…
Toàn bộ giai đoạn trẻ nhiễm khuẩn là khoảng thời gian trẻ phát tán các nguyên nhân gây bệnh, lây truyền sang các trẻ khác. Giai đoạn ủ bệnh thông thường là từ 2-5 ngày, cũng có khi chỉ 1 ngày, có lức lại kéo dài tới 10 ngày. Thời gian ủ bệnh tùy dài hay ngắn phụ thuộc vào thể trạng của từng trẻ.
3. Phải làm gì khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa?
- Khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa gây tiêu chảy, các bậc phụ huynh cần đảm bảo cung cấp đủ nước và dinh dưỡng cho trẻ.
- Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết khi trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa mà các bà mẹ lại cho trẻ ăn uống kiêng khem quá mức sẽ khiến cho trẻ bị suy dinh dưỡng khó hồi phục. Bởi vấn đề dinh dưỡng cho trẻ lúc này là hết sức quan trọng. Trẻ cần được cung cấp đủ chất dinh dưỡng để có đủ sức khỏe vượt qua tình trạng này.
- Với những bé còn đang trong giai đoạn bú mẹ, các bà mẹ cần cho bé bú nhiều lần hơn và thời gian bú kéo dài hơn. Trong trường hợp trẻ không bú được, mẹ cần phải vắt sữa rồi lấy thìa cho bé ăn từng ít một.
- Với những trẻ đã ăn dặm, các bậc phụ huynh nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa. Mẹ nên nấu các món ăn mềm, dễ tiêu hóa và hấp thu, đồng thời vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng như các món súp, cháo,… Các mẹ cũng cần phải thay đổi món ăn thường xuyên cho hợp với khẩu vị của bé, như vậy trẻ sẽ có thể ăn được nhiều hơn.
- Song song với chế độ ăn đủ dinh dưỡng, các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ uống thêm nước. Đơn giản nhất là cho trẻ uống nước đun sôi để nguội. Tốt hơn nữa là cho trẻ uống các loại nước hoa quả tươi như nước cam, nước chanh, nước ép táo,…
- Cách tốt nhất để có thể bù được nước và cả điện giải trẻ đã bị mất là sử dụng nước Oresol. Oresol được bán ở tất cả các hiệu thuốc, việc sử dụng cũng tương đối dễ dàng, đó là pha vào nước theo đúng tỷ lệ hướng dẫn, cho trẻ uống thay nước lọc. Tuy nhiên các ông bố bà mẹ cần chú ý phải pha đúng tỷ lệ, nếu như pha ít nước quá sẽ phản tác dụng, làm cho trẻ bị mất nước thêm.
- Với các trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa nhẹ, có thể điều trị theo dõi tại nhà bằng cách bù nước, bù điện giải và chế độ ăn uống như trên.
Tuy nhiên vẫn phải theo dõi tình trạng bệnh của trẻ, đưa trẻ đi khám ngay khi bệnh trở nặng hoặc có các triệu chứng bất thường như: tiêu chảy kèm với sốt, trong phân có lẫn nhầy máu, hoặc trẻ có biểu hiện lừ đừ, bỏ bú, không ăn uống gì, tay chân lạnh, vã mồ hôi, nôn ói nhiều. Đặc biệt là khi trẻ đi ngoài nhiều lần, phân toàn nước, trẻ đi tiểu rất ít thậm chí không tiểu tiện. Khi đó cần phải đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa nhi tiêu hóa ngay, tránh dẫn tới tình trạng nguy hiểm.
Các bậc phụ huynh tuyệt đối không được tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc kháng sinh tùy tiện, không những không chữa khỏi bệnh, mà còn có thể làm cho tình trạng bệnh trở nặng hơn, khó điều trị hơn.
Chính vì vậy khi phát hiện trẻ bị nhiễm khuẩn tiêu hóa, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định cho điều trị và theo dõi tại nhà hay điều trị tại bệnh viện, và điều trị như thế nào. Phụ huynh không được tự ý sử dụng thuốc kháng sinh cũng như các loại thuốc khác để điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Be the first to write a comment.