Ruột thừa được coi là một bộ phận thừa của cơ thể chưa được tiêu biến hết trong quá trình tiến hóa. Ruột thừa nằm ở trong ổ bụng và có thể di động đến nhiều vị trí khác nhau ở trong đó. Ruột thừa có thể bị viêm nhiễm do tắc nghẽn thức ăn, chất thải gây nên tình trạng đau ruột thừa mà nhiều người mắc phải.
Ruột thừa nằm ở đâu?
Đa số mọi người thường nghĩ rằng, ruột thừa không có công dụng gì. Nhưng với sự tiến bộ của khoa học, người ta xác định ruột thừa là một cơ quan miễn dịch, có khả năng tạo ra các globulin miễn dịch như IgA; các tổ chức lympho rồi tiêu biến dần khi về già.
Hình dạng của ruột thừa
Hình ảnh ruột thừa giống như một con giun, thân dài, chiều ngang hẹp, một đầu kín và một đầu hở. Chiều dài của ruột thừa dao động từ 2 đến 20cm và chiều dài trung bình là 8cm. Trong khi đó, đường kính trung bình từ 0,5cm-1cm.
Đối với người trưởng thành, dung tích của ruột thừa từ 0,1ml đến 0,6ml. Ở trẻ em con số này dao động từ 0,5-1ml. Ruột thừa ở trẻ sơ sinh có đặc điểm là phần thân và phần gốc rộng, và hình tháp. Khi trẻ được 2 tuổi trở đi, ruột thừa sẽ teo dần đi làm thân và gốc hẹp hơn, chiều dài giảm.
Ruột thừa nằm ở vị trí nào
Gốc ruột thừa đổ vào manh tràng khoảng 3cm dưới góc hồi manh tràng, nằm ngay ở nơi hội tụ ba dải cơ dọc của manh tràng. Do có mạc treo, nên ruột thừa rất di động, có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng. Nhưng nhìn chung, ruột thừa thường bắt gặp ở những vị trí sau đây:
- Sau manh tràng
- Trước hoặc sau hồi tràng
- Tiểu khung
- Cạnh đại tràng
- Dưới lá gan, vùng thượng vị, hố chậu trái do manh tràng di động.
Ngoài ra, ruột thừa được cấu tạo từ 4 lớp: lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, lớp thanh mạc.
Bệnh viêm ruột thừa và những điều cần biết
Viêm ruột thừa ( nhiều người thường gọi là đau ruột thừa) là căn bệnh phổ biến, dễ bắt gặp ở rất nhiều người. Đau bụng là triệu chứng dễ bắt gặp nhất của bệnh viêm ruột thừa. Ban đầu, cơn đau chỉ xuất hiện âm ỉ ở vùng bụng quanh rốn sau đó, cơn đau sẽ lan dần xuống ¼ bụng dưới ở bên phải.
Ngoài đau bụng, thì bệnh nhân bị viêm ruột thừa còn xuất hiện các triệu chứng đi kèm như: buồn nôn, bụng ấm ách, cương cứng, sốt nhẹ, rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, tiêu chảy, táo bón, bí trung đại tiện), môi khô, lưỡi bẩn, mạch đập nhanh.
Cho đến nay, vẫn chưa ai có thể lý giải chính xác nguyên nhân viêm ruột thừa là gì. Tuy nhiên, một số nguyên nhân sau đây có thể lý giải phần nào lý do gây nên bệnh viêm ruột thừa:
Tắc nghẽn lòng ruột thừa
- Thức ăn, phân, giun đũa, giun kim chui vào ruột làm tắc nghẽn ruột thừa
- Hệ thống nang lympho bên trong lòng ruột thừa sưng to và làm bịt miệng ruột thừa.
- Chất dịch trong lòng ruột thừa cô đọng lại tắc ruột thừa.
Nếu ruột thừa không được làm thông sẽ dẫn đến viêm ruột thừa.
Nhiễm trùng ruột thừa
Ruột thừa bị tắc do phân, do chất dịch, do thức ăn khiến vi khuẩn phát triển và gây nên bệnh viêm ruột thừa. Bên cạnh đó, nhiễm trùng huyết, những ổ nhiễm trùng ở tai, mũi, họng,.. cũng gây nên nhiễm trùng ruột thừa. Bên cạnh đó, tắc nghẽn mạch máu trong ruột thừa cũng là nguyên nhân gây nên viêm ruột thừa.
Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh không thể tự ý điều trị ở nhà mà phải đến gặp bác sĩ. Phương pháp điều trị thường được áp dụng là cắt ruột thừa khi mà viêm ruột thừa được phát hiện sớm.
Nếu ruột thừa bị vỡ, các áp – xe ruột thừa có thể hình thành do nhiễm trùng và sự rò rỉ của các chất đường ruột. Khi đó, phương pháp và thời gian điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều.
Be the first to write a comment.