5/5 - (1 bình chọn)

Viêm gan C mạn tính là một bệnh lý về gan do virut viêm gan C (HCV) gây ra trong đó thời gian lây nhiễm kéo dài trên 6 tháng. Bệnh viêm gan C mạn tính có thể lây truyền từ người này qua người khác chủ yếu qua đường máu, cũng có thể lây qua đường tình dục và lây truyền từ mẹ sang con những hiếm gặp hơn. Viêm gan C có nguy cơ cao tiến triển thầm lặng và có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan nếu không được điều trị kịp thời. 

Trong thời gian điều trị và sau khi ngừng uống thuốc điều trị viêm gan C mạn tính cần phải thường xuyên khám sức khỏe định kỳ. 

Bài viết dưới đây trả lời câu hỏi được nhiều bệnh nhân mắc viêm gan C mạn tính quan tâm: Sau khi ngừng uống thuốc có cần làm xét nghiệm gì để biết mình có khỏi hẳn viêm gan C mạn hay không?

Triệu chứng viêm gan C mạn tính

Ở giai đoạn đầu bệnh viêm gan C có khá ít triệu chứng điển hình ngoài cảm giác mệt mỏi, đau đầu, rối loạn tiêu hóa, chán ăn…rất giống với bị cảm cúm, một số người bị đau tức hạ sườn phải (gần gan), nước tiểu màu sẫm, vàng da, mắt do sắc tố mật tích tụ. 

Viêm gan C là một bệnh rất nguy hiểm khi đã trở thành giai đoạn mạn tính. Do đó, khi nghi ngờ bị nhiễm viêm gan C cần đi khám ngay để xác định hiện trạng bệnh và điều trị kịp thời.

Các xét nghiệm xác định viêm gan C mạn tính

Xét nghiệm viêm gan C mạn tính bao gồm các xét nghiệm cơ bản và xét nghiệm đặc hiệu bao gồm: xét nghiệm máu xác định nhanh HCV, xét nghiệm men gan (GOT, GPT), xét nghiệm Bilibrulin trong máu, siêu âm và sinh thiết gan để xác định mức độ tổn thương gan và đặc biệt là xét nghiệm sinh học phân tử để xác định RNA của virut HCV.

Điều trị viêm gan C

Phác đồ điều trị viêm gan C phải tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa cho mỗi bệnh nhân tùy thuộc vào mức độ nhiễm và mức độ hoạt động của HCV cũng như là mức độ tổn thương của gan.

Các loại thuốc được dùng phổ biến trong điều trị viêm gan C là:

– Interferon (dạng tiêm). Trước đây phác đồ sử dụng kết hợp Interferon và Ribavirin là phác đồ được dùng phổ biến nhất.

– Từ năm 2013, phác đồ điều trị viêm gan C mạn tính bằng các loại thuốc uống (DAAs) được công nhận và sử dụng rộng rãi hơn cho hiệu quả điều trị cao. Các thuốc trong nhóm DAAs được kê bởi bác sĩ chuyên khoa tùy thuộc vào tình trạng nhiễm HCV và thường sử dụng kết hợp nhiều hơn 1 loại thuốc.

Lịch theo dõi tiến triển của bệnh trong quá trình điều trị

Do viêm gan C là một bệnh lý rất phức tạp việc điều trị viêm gan C cần đi đôi với khám định kì theo dõi hiệu quả điều trị để có thể biết khi nào nên dừng hoặc thay liệu pháp điều trị phù hợp hơn. Các xét nghiệm/khám bao gồm:

Khám lâm sàng được thực hiện mỗi tháng một lần để đánh giá các triệu chứng bệnh lý cũng như là tác dụng không mong muốn của thuốc.

Xác định men gan GOT, GPT được thực hiện mỗi tháng một lần để đánh giá chức năng gan.

Định lượng HCV RNA (ngưỡng phát hiện là 50IU/ml) sau 1, 3 và 6 tháng điều trị.

Sau khi ngừng uống thuốc có cần làm xét nghiệm gì để biết mình có khỏi hẳn viêm gan C mạn hay không?

Trả lời:

Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định ngừng uống thuốc nếu cơ thể đáp ứng tốt và cho kết quả điều trị hiệu quả.

Để biết mình đã khỏi hẳn viêm gan C mạn tính bên cạnh những xét nghiệm lâm sàng, men gan….được đề cập ở trên bạn cần thực hiện xét nghiệm RNA HCV sau 6, 12 và 18 tháng kể từ thời điểm bắt đầu điều trị.

Nếu kết quả đạt được là ”không phát hiện được” tiếng Anh còn gọi là “Target not detected” có nghĩa là trong mẫu xét nghiệm hoàn toàn không chứa RNA của HCV. Như vậy có nghĩa là bạn đã khỏi hẳn viêm gan C mạn tính.

Tuy virut HCV không còn nữa, trong máu của bệnh nhân vẫn có kháng thể HCV vì đã từng bị nhiễm virut này, do đó xét nghiệm Anti-HCV vẫn cho kết quả dương tính.

Lưu ý: bệnh nhân đã từng mắc viêm gan C mạn tính không được chủ quan mà phải thường xuyên khám sức khỏe đặc biệt là chức năng gan để đề phòng tái phát bệnh.

Phòng bệnh viêm gan C

Cách hiệu quả nhất để phòng bệnh viêm gan C là có chế độ sinh hoạt lành mạnh, không dùng chung bơm kim tiêm, các dụng cụ cá nhân như dao cạo, xăm mình,bàn chải đánh răng, rũa móng tay…Trẻ nhỏ cần tránh gây ra các vết xước chảy máu tại nhà trẻ.

Xem thêm