Vết thương lên da non là báo hiệu của vết thương đã bắt đầu hồi phục. Vậy tại sao khi lên da non lại ngứa chắc chắn ai cũng đã từng gặp và thắc mắc. Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây
Quá trình liền vết thương
Da là một cơ quan có chức năng nhiệm vụ bao bọc, che chở giúp cơ thể tránh khỏi sự tác động và các ảnh hưởng bất lợi của môi trường bên ngoài. Vì vậy da được xem là một trong những bộ phận quan trọng nhất cơ thể. Khi da bị tổn thương thì cơ thể sẽ có các dấu hiệu báo động và tự diễn ra một quá trình giúp phục hồi tái tạo lại làn da.
Quá trình liền vết thương thường trải qua 4 giai đoạn chính. Giai đoạn cầm máu, giai đoạn viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo. Tùy theo mức độ thương tổn của vết thương và cơ địa của mỗi người mà thời gian của quá trình này có thể dài hoặc ngắn khác nhau.
- Giai đoạn cầm máu: Nhờ vào sự hoạt hóa của tiểu cầu và các yếu tố giúp đông máu tác động lên các mao mạch từ đó hình thành nên cục máu đông giúp ngăn chặn sự chảy máu của vết thương. Nếu trường hợp vết thương quá sâu, thì quá trình hình thành cục máu đông không diễn ra kịp việc cầm máu cần ngăn chặn từ bên ngoài bằng cách sử dụng các loại như băng gạc, ga rô để cầm máu.
- Giai đoạn viêm: Diễn ra trong vòng 24 – 48h. Giai đoạn này có sự can thiệp của bạch cầu đa nhân trung tính có nhiệm vụ dọn dẹp những vật thể lạ xâm nhập vào vết thương giúp tránh tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
- Giai đoạn tăng sinh: Thường được bắt đầu diễn ra từ ngày thứ 2 sau khi bị thương. Đặc trưng của giai đoạn này là các nguyên bào sợi làm nhiệm vụ kéo các mô về trung tâm, giúp vết thương liền miệng, hạn chế sẹo.
- Giai đoạn tái tạo: Giai đoạn này có nhiệm vụ chính là giúp khôi phục lại tính toàn vẹn và chức năng của các mô.
Lớp da non được hình thành bắt đầu từ giai đoạn tăng sinh. Ở giai đoạn này các tế bào sợi bắt đầu tăng sinh, kết hợp với collagen, proteoglycan, glucosamin sẽ hình thành nên chất nền mô liên kết của tế bào hạt, làm nhiệm vụ kéo các mô về trung tâm, giúp vết thương liền miệng. Trong giai đoạn này hệ thống mao mạch mới bắt đầu được hình thành và quá trình lên da non bắt đầu diễn ra để tái tạo lại ở vết thương.
Tại sao khi lên da non lại ngứa?
Da non là lớp da mới hình thành thay cho lớp da cũ đã bị tổn thương, thường mỏng manh, yếu ớt và có màu hồng nhạt đến màu đỏ tùy theo từng loại vết thương ở mỗi người. trong thời gian này, các đầu mút thần kinh bắt đầu hồi phục và bị kích thích bởi Histamin do cơ thể sản xuất. Đây là một hợp chất có tác dụng kích hoạt các tế bào, giúp cấu tạo nên mô mới và làm lành vết thương nhanh chóng. Mặt khác, song song với đó, Histamine còn gây ra một loạt dị ứng như một cách phản ứng của cơ thể với vết thương. Cụ thể là chúng sẽ tạo ra cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu cho người bệnh.
Tuy nhiên, khi lên da non không phải vết thương nào cũng gây ngứa. Những vết thương nhẹ, không sâu thì quá trình sinh trưởng tế bào mới diễn ra trên bề mặt da, ít tác động đến các thần kinh nên sẽ không gây ngứa. Còn ngược lại nếu vết thương rộng và sâu thì tình trạng khi lên da non lại ngứa sẽ xảy ra cho đến khi vết thương hồi phục hẳn.
Khi lên da non bị ngứa thì phải làm sao?
Khi lên da non bị ngứa là một hiện tượng hoàn toàn bình thường bạn không cần phải lo lắng. Để giải quyết vấn đề này bạn nên làm một số cách sau:
- Vệ sinh vùng da non: Có thể sử dụng nước muối sinh lý để loại bỏ các loại vi khuẩn. Massage nhẹ nhàng giúp thúc đẩy quá trình tái tạo da diễn ra nhanh hơn và có thể giảm khả năng để lại sẹo.
- Sử dụng thuốc: Có thể sử dụng các loại thuốc kháng Histamin theo chỉ định của bác sĩ để giảm ngứa. Bên cạnh đó có thể bôi thêm các loại kem trị ngứa hoặc vitamin E giúp giảm đau rát và giúp vết thương dễ chịu hơn.
- Bổ sung các loại dưỡng chất, tăng sức đề kháng cho cơ thể: Bổ sung thêm các loại rau xanh, trái cây giàu vitamin C, các loại thịt cá chứa nhiều sắt sẽ giúp phục hồi các mô bị tổn thương lành nhanh hơn.
Chú ý: Khi bị ngứa bạn không được gãi mạnh ở chỗ vết thương vì có thể làm vết thương bong tróc, lở loét và gây ra hiện tượng nhiễm trùng. Không được sử dụng các loại thuốc, các loại gel bôi không rõ nguồn gốc lên vùng da bị tổn thương.
Như vậy qua bài viết trên đã trả lời được câu hỏi thắc mắc của nhiều bạn đọc là tại sao khi lên da non lại ngứa rồi. Bây giờ các bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì đây là một phản ứng bình thường của cơ thể mà chúng ta không cần phải lo lắng.
Xem thêm
Be the first to write a comment.