Thoái hóa khớp háng là một căn bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến và thường xảy ra ở những người già khi xương khớp đã bắt đầu lão hóa. Vậy thoái hóa khớp háng là gì, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị căn bệnh này như thế nào, hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Thoái hóa khớp háng là gì?
Trước hết, bạn cần phải nhận biết khớp háng là bộ phận nằm ở vị trí nào trên cơ thể. Khớp háng là phần khớp liên kết giữa xương chậu và xương đùi, có nhiệm vụ như một trụ đỡ toàn bộ phần thân trên của cơ thể, đóng vai trò trung tâm trong các hoạt động của cơ thể.
Thoái hóa khớp háng được coi là một chứng bệnh của tuổi già, bởi chúng thường xảy ra ở những người lớn tuổi. Đây là tình trạng lớp sụn khớp bị bào mòn do nhiều nguyên nhân khác nhau, gây nên những cơn đau kéo dài và làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, đặc biệt là trong quá trình di chuyển, vận động. Nếu để lâu ngày, vùng xương khớp này có thể bị biến dạng vĩnh viễn khiến cho người mắc bệnh có thể bị tàn tật.
Khớp háng bị thoái hóa có khả năng xảy ra ở tất cả mọi người, nhưng thường gặp ở những đối tượng như:
- Người cao tuổi.
- Người có tiền sử bị tai nạn, chấn thương ở khu vực khớp háng.
- Người có bệnh sử viêm khớp háng.
- Phụ nữ.
Dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp háng
Tùy vào từng giai đoạn mà bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên một số dấu hiệu điển hình nhận biết chủ yếu của thoái hóa khớp háng bao gồm:
– Cứng khớp khi ngồi trong thời gian dài hoặc vào thời gian buổi sáng sớm.
– Những cử động thường khó khăn và phát ra những âm thanh lạo xạo. Nguyên nhân dẫn tới điều này là do phần khớp ở háng bị khô cứng, gây ra âm thanh và khó khăn trong chuyển động.
– Trong giai đoạn đầu của bệnh thoái hóa khớp háng, người bệnh sẽ cảm thấy có những cơn đau ở vùng bẹn, sau đó lan dần xuống đùi và cơn đau có chiều hướng tăng lên, đặc biệt là trong quá trình vận động, di chuyển.
– Ở những giai đoạn nặng hơn, vùng khớp háng sẽ xuất hiện các cơn đau liên tục từ sáng tới tối, khi di chuyển hoặc thay đổi tư thế đột ngột. Tần suất các cơn đau sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, kể cả khi đang nghỉ ngơi và thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường.
Nguyên nhân gây thoái hóa khớp háng
Có nhiều nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa khớp háng, nhưng chủ yếu đó là do sự lão hóa khi tuổi ngày càng cao. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như:
– Chấn thương khớp háng do gặp tai nạn trong lao động hoặc chơi thể thao.
– Thoái hóa khớp háng do đây là biến chứng của một số căn bệnh như đái tháo đường, gout,…
– Người bệnh có tiền sử viêm khớp háng do thấp khớp, viêm khớp… và một số bệnh nền khác.
– Một nguyên nhân khác gây nên thoái hóa khớp háng có thể kể đến đó là người bệnh có cấu tạo khớp háng hoặc cấu tạo chi dưới khác thường bẩm sinh.
– Ngoài ra, thoái hóa khớp háng có thể tiến triển nhanh hơn với những người ở tình trạng thừa cân do khớp háng phải đỡ một lượng lớn trọng lượng cơ thể, điều này khiến khớp háng dễ dàng bị thoái hóa hơn.
Cách điều trị thoái hóa khớp háng
Hiện nay, có rất nhiều biện pháp có thể chữa thoái hóa khớp háng, nhưng chủ yếu nhất là hai phương pháp sau đây:
– Phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng bằng thuốc: các bác sĩ có thể kê cho bệnh nhân các loại thuốc giảm đau, kháng viêm phù hợp với từng trường hợp theo thể trạng và tình trạng bệnh của từng người.
– Phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng bằng phẫu thuật: phương pháp này được áp dụng khi bệnh đã có tiến triển nặng và không thể chữa khỏi hoàn toàn dù đã sử dụng thuốc. Hiện nay, các loại phẫu thuật khớp háng thường được áp dụng là:
- Phẫu thuật thay thế khớp háng: với phương pháp này, các bác sĩ sẽ loại bỏ phần xương ở háng đã bị tổn thương và thay thế bằng một loại khớp nhân tạo, giúp bệnh nhân có thể hồi phục tốt hơn trong các quá trình di chuyển và vận động thường ngày. Phương pháp này thường được áp dụng trong trường hợp bệnh thoái hóa khớp háng đã trở nặng và gây ra một số khó khăn nhất định trong việc di chuyển đối với người bệnh.
- Cắt bỏ gai xương: phương pháp này được thực hiện với mục đích nhằm hạn chế rủi ro dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép, gây nên hiện tượng biến dạng. Phương pháp này được các bác sĩ cân nhắc sử dụng trong trường hợp bệnh đã tiến triển nhưng không quá nghiêm trọng và chưa đến mức độ can thiệp bằng thay khớp háng nhân tạo.
Như vậy, có thể thấy, thoái hóa khớp háng là một chứng bệnh khá nguy hiểm, đặc biệt là đối với những người cao tuổi trong quá trình vận động và di chuyển. Tuy nhiên, bạn có thể phòng tránh được chứng bệnh này nhờ có một chế độ ăn uống khoa học, hợp lý, tăng cường bổ sung các dưỡng chất, đặc biệt là collagen, một chất rất có lợi cho xương khớp. Bên cạnh đó, hãy duy trì tập luyện thể thao và vận động thường xuyên, tránh ngồi ì một chỗ và khiến cơ thể bị trì trệ, bạn nhé!
Xem thêm
Be the first to write a comment.