5/5 - (2 bình chọn)

Sảy thai và sinh non là một trong những biến chứng về sản khoa có hậu quả rất lớn đối với sức khỏe các bà mẹ, các em bé cũng như sức khỏe giống nòi. Đây là điều không mong muốn nhất trong cuộc sống, nó ảnh hưởng xấu đến tình cảm, sức khỏe cũng như cả về kinh tế. Nguy hiểm hơn nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của cả mẹ và con. 

Sảy thai là khi thai ra khỏi buồng tử cung trước khi có thể nuôi được (hiện nay giới hạn quy định là thai dưới 6 tháng). Còn đẻ non là khi cuộc chuyển dạ xẩy ra sớm từ 28 – 37 tuần.

1. Những thay đổi về sinh lý khi có thai

Khi có thai sự thay đổi sinh lý của người mẹ càng nhiều hơn khi thai phát triển ngày càng lớn hơn. Người mẹ sẽ có một số thay đổi chính sau:

  • Tăng cân: Người mẹ tăng từ 9 – 12 kg trong một thai kỳ, thậm chí có thể nhiều hơn. Đặc biệt trong 3 tháng cuối tốc độ tăng cân sẽ nhanh hơn, trung bình là mỗi tuần tăng 0.5 kg. Nếu tăng cân quá mức có thể là dấu hiệu của bệnh lý.
  • Thay đổi về tuần hoàn và máu: Lượng huyết tương tăng từ 2600 ml lên đến 3800 ml; số lượng hồng cầu trên mm3 giảm, Hematocrit giảm; bạch cầu tăng 10.000 đến 15.000, đặc biệt khi chuyển dạ và sau đẻ; tiểu cầu giảm trong khi chuyển dạ.
  • Thay đổi về chuyển hóa: Chuyển hóa cơ bản tăng, nhịp tim tăng, dung lượng hô hấp tăng; chuyển hóa Hydtat carbon tăng.
  • Thay đổi về tiêu hóa: Thường gặp buồn nôn, chán ăn, cảm giác chướng bụng, 
  • Thay đổi về hô hấp: Thở nhanh, có thể có khó thở, đặc biệt khi tử cung to chèn ép vào cơ hoành.
  • Thay đổi về tiết niệu: Có thể đi tiểu nhiều hơn, nguy cơ nhiễm trùng đường niệu tăng do ứ trệ nước tiểu ở thận.

2. Các nguyên nhân gây sảy thai, đẻ non

  • Tuổi mang thai: Thai phụ đã trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi
  • Thiếu máu nặng
  • Nhiễm trùng cấp tính do vi rút, vi khuẩn, như: cúm, viêm gan, sởi, rubeon, giang mai, sốt rét, listeriose,..
  • Bệnh mạn tính, như lao phổi, đái tháo đường, bệnh thận, tim mạch bẩm sinh hoặc mắc phải
  • Ngộ độc, nghiện rượu, nghiện thuốc lá nặng
  • Nhiễm độc thai nghén hoặc xung khắc nhóm máu giữa mẹ và con.
  • Bệnh ở tử cung có u xơ, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, chấn thương 
  • Bất thường về trứng: Thai dị dạng, đa thai, rau tiền đạo, ngôi bất thường, u tiền đạo, viêm tử cung,…
  • Các yếu tố thuận lợi khác: làm việc nặng nhọc, chấn thương, ngã, tiền sử sảy thai, nạo hút nhiều lần…. 

3. Các xét nghiệm thường làm khi có thai hiện nay

  • Test thử thai: Mẹ bầu có thể tự làm, nếu que thử lên 2 vạch là đã có thai
  • Siêu âm: Để xác định chính xác thai đã về tử cung chưa. Siêu âm có thể cho biết tuổi thai. Dự đoán ngày sinh. Xác định tim thai khi thai được khoảng 5 – 6 tuần tuổi trở lên; Xác định độ mờ sau gáy. 
  • Làm xét nghiệm Double test và Triple test: Đây là xét nghiệm tầm soát nguy cơ bị hội chứng Down, nguy cơ dị tật ống thần kinh (cột sống đóng không kín) và thai không có não bộ.
  •  Xét nghiệm máu: Đây là xét nghiệm mọi bà bầu thường được chỉ định trước khi sinh theo chỉ định của bác sĩ. Thường làm về các chỉ số là hemoglobin, hematacrit và số lượng tiểu cầu của thai phụ. Ngoài ra, xét nghiệm máu cũng giúp phát hiện xem thai phụ có bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như HIV/AIDS, giang mai, herpes, viêm gan B, C… hay không.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Cũng thường thực hiện trước khi sinh, giúp phát hiện bệnh tiểu đường trong thai kỳ. Dư đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu bị nhiễm trùng, nếu kèm theo phù hoặc cao huyết áp thì có nguy cơ tiền sản giật

4. Xét nghiệm máu phát hiện sớm sảy thai, đẻ non

Trước nay việc chẩn đoán đẻ non hoặc sảy thai rất khó, thường là chỉ được phát hiện khi có dấu hiệu nguy cơ như ra huyết, đau bụng có cơn co tử cung. Hoặc chỉ đánh giá những trường hợp có nguy cơ qua hình ảnh siêu âm và các xét nghiệm khác. Còn phương pháp xét nghiệm chẩn đoán chính xác nguy cơ đẻ non, dọa xảy hầu như không có.

Mới đây, các nhà khoa học từ phòng thí nghiệm về Sức khỏe sinh sản và Miễn dịch học (Francisco, Mỹ) đã đưa ra một loại xét nghiệm máu mới có thể giúp chẩn đoán nguy cơ sảy thai, hoặc sinh non ở ngay từ tuần thứ 12 của thai kỳ. Đây là xét nghiệm được đánh giá là đầy hứa hẹn cho tương lai, được trình bày tại đại hội thường niên của Hiệp hội Y học Sinh sản Mỹ (ASRM) ở San Antonio, Texas, Mỹ.

 Xét nghiệm đó được thực hiện khi các nhà khoa học tìm thấy những phân tử trong máu gây nên các biến chứng nghiêm trọng trong khi mang thai giúp phát hiện được nguy cơ sinh non, tiền sản giật và sảy thai trước nhiều tháng khi các dấu hiệu trở nên rõ ràng.

  Kết quả nghiên cứu cho thấy, qua việc xét các phân tử microRNA được tìm thấy trong tế bào máu ở nhau thai có thể dự báo chính xác từ 90 đến 98% nguy cơ biến chứng trong thai kỳ, riêng đối với tiền sản giật thì tỷ lệ dự báo chính xác là 82%.

Xét nghiệm này có thể kết hợp với các xét nghiệm khác để giúp bác sĩ tư vấn cho các bà bầu có những cách phòng ngừa sinh non và sảy thai.

Việc xét nghiệm sớm nguy cơ đẻ non và sảy thai sớm có vai trò rất quan trọng, giúp bác sỹ có thể đưa ra cách xử lý nhanh chóng kịp thời. Những xử lý ấy có thể giúp phòng tránh, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm này, bảo toàn sức khỏe cũng như tính mạng của cả người mẹ và con. Và trong khi chờ các nhà khoa học nghiên cứu rõ ràng hơn và áp dụng rộng rãi hơn phương pháp xét nghiệm sớm nguy cơ sảy thai và đẻ non  thì chúng ta cũng cần chú ý đến những yếu tố nguy cơ gây hại sức khỏe cho người mẹ cũng như thai nhi trong bụng.