Nhiễm trùng máu là một bệnh lý nguy hiểm có diễn tiến nhanh và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Bệnh rất dễ đưa đến tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn. Tuy y học hiện nay đã phát triển vượt bậc nhưng nhiễm trùng máu vẫn còn là một nỗi ám ảnh lớn. Bài viết sẽ cung cấp những thông tin xoay quanh bệnh lý này.
Nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu là bệnh lý xảy ra do cơ thể phản ứng quá mạnh mẽ với tình trạng nhiễm trùng. Thông thường, hệ thống miễn dịch có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Nhưng khi nhiễm trùng quá nặng thì nó có thể bị hoạt động quá tải, giải phóng các chất hoá học vào máu và các chất này tác động ngược lại cơ thể gây độc cho cơ thể. Các trường hợp nhiễm trùng máu nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, đây là một cấp cứu nội khoa.
Nguyên nhân nhiễm trùng máu là gì?
Bất kỳ nhiễm trùng nào do vi khuẩn, vi rút, vi nấm … đều có thể gây ra nhiễm trùng máu, nhưng các loại nhiễm trùng sau đây có nhiều khả năng gây nhiễm trùng máu nhất bao gồm:
- Nhiễm trùng ở phổi như viêm phổi, áp xe phổi …
- Nhiễm trùng ở bụng như viêm ruột hoại tử, viêm phúc mạc, áp xe gan …
- Nhiễm trùng ở hệ tiết niệu như viêm bàng quang, viêm đài bể thận, áp xe đài bể thận…
Các triệu chứng của nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu có 3 giai đoạn với mức độ từ nhẹ đến nặng là: nhiễm trùng máu, nhiễm trùng máu nặng và sốc nhiễm trùng. Tuỳ thuộc vào từng giai đoạn sẽ có các triệu chứng khác nhau:
Các giai đoạn nhiễm trùng máu
Giai đoạn này thường có 4 triệu chứng sau:
- Sốt trên 38 độ C hoặc nhiệt độ cơ thể dưới 36 độ C.
- Nhịp tim trên 90 lần một phút.
- Nhịp thở trên 20 lần một phút.
- Có tình trạng nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, ví dụ như nhiễm trùng da, mũi họng, tim, phổi, thận, gan, mật, ruột …
Nếu bạn có từ 2 trong 4 triệu chứng trở lên thì bạn nên nhanh chóng đến bệnh viện khám để xác định chính xác tình trạng của bạn.
Giai đoạn nhiễm trùng máu nặng
Nhiễm trùng máu nặng xảy ra khi cơ quan nội tạng trong cơ thể bắt đầu bị suy giảm chức năng. Cần lưu ý đến giai đoạn này khi có ít nhất một trong các triệu chứng sau:
- Có mảng da bị đổi màu
- Giảm số lần đi tiểu.
- Rối loạn tri giác như lơ mơ, lú lẫn, thậm chí hôn mê.
- Ngất xỉu
- Khó thở.
- Ớn lạnh do nhiệt độ cơ thể giảm.
Giai đoạn sốc nhiễm trùng
Đây là giai đoạn cuối và là giai đoạn nguy hiểm nhất. Nếu không cấp cứu kịp thời rất dễ dẫn đến tử vong. Các triệu chứng sốc nhiễm trùng bao gồm các triệu chứng nhiễm trùng máu nặng đã trình bày ở trên kèm theo huyết áp tụt xuống rất thấp (huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg hay huyết áp trung bình dưới 65 mmHg). Các triệu chứng trong giai đoạn này phải kể đến là:
- Cần phải dùng thuốc để duy trì huyết áp trung bình lớn hơn hoặc bằng 65 mmHg.
- Nồng độ axit lactic trong máu vẫn còn cao sau truyền dịch. Có quá nhiều axit lactic trong máu có thể giải thích là do các tế bào trong cơ thể bạn đang bị thiếu oxy do tình trạng sốc nhiễm trùng gây ra.
Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì các giai đoạn cũng như các triệu chứng trên có thể không rõ ràng. Ba mẹ cần đặc biệt chú ý khi trẻ có các dấu hiệu sau: li bì, hôn mê, kích thích, bỏ bú, bú kém, sốt, thở co kéo, ngưng thở tạm thời, nhiệt độ cơ thể hạ thấp, tay chân lạnh, da nhợt nhạt hoặc tím tái, phát ban da, chướng bụng, nôn ói, tiêu chảy, co giật, vàng da, thóp phồng … Những trẻ sinh non tháng, nhẹ cân hoặc có mẹ bị nhiễm trùng trong lúc mang thai thường dễ bị nhiễm trùng máu. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bệnh thường diễn tiến nhanh và nặng nên người nhà tuyệt đối không được chủ quan.
Ai có nguy cơ nhiễm trùng máu?
Những người có nguy cơ cao bị nhiễm trùng máu bao gồm:
- Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai do đây là những đối tượng có miễn dịch cơ thể yếu.
- Những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch như nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, sau cắt lách hoặc đang điều trị ung thư bằng hoá chất …
- Những người mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, bệnh thận mạn tính, xơ gan…
- Bị thương nặng do bị tai nạn hay do bỏng.
- Những người trước đây có sử dụng kháng sinh hoặc corticoid kéo dài.
- Những người đang được điều trị trong đơn vị chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, ví dụ như khoa ICU.
- Những người tiếp xúc lâu dài với các thiết bị xâm lấn, chẳng hạn như ống thông tĩnh mạch, ống thông tiểu hoặc ống thở …
Nhiễm trùng máu có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia thì hầu hết bệnh nhân đều hồi phục sau nhiễm trùng máu nhẹ, tuy nhiên chỉ có khoảng 50% bệnh nhân sống sót sau nhiễm trùng máu nặng và sốc nhiễm trùng. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bản thân người bệnh trong tương lai.
Nhiễm trùng máu nặng và sốc nhiễm trùng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm do suy chức năng các cơ quan không thể hồi phục như suy tim, suy thận, suy gan…
Một biến chứng khác của bệnh là do việc hình thành những cục máu đông nhỏ trong lòng mạch máu trên khắp cơ thể. Chúng có thể ngăn chặn dòng chảy của máu và oxy đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như não, tim, phổi, thận gây thiếu máu nuôi, hoại tử mô, rối loạn nghiêm trọng chức năng các cơ quan này.
Nhiễm trùng máu có lây không?
Người mắc bệnh nhiễm trùng máu sẽ không có khả năng lây bệnh nhiễm trùng máu cho người khác. Tuy nhiên, do nhiễm trùng máu có nguyên nhân từ một bệnh nhiễm trùng nên vẫn có khả năng lây mầm bệnh (vi khuẩn, vi rút, vi nấm …) cho những người xung quanh. Tuỳ theo từng loại mầm bệnh mà có khả năng lây nhiều hay lây ít khác nhau. Tuy nhiên, cần đặc biệt cẩn thận tránh lây nhiễm đối với các mầm bệnh đề kháng thuốc, vì sẽ rất khó khăn trong điều trị nên bệnh dễ diễn tiến nặng.
Làm thế nào để chẩn đoán được nhiễm trùng máu?
Nếu bạn có các triệu chứng của nhiễm trùng máu kể trên, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng máu.
Một trong những xét nghiệm ban đầu là xét nghiệm máu. Máu của bạn sẽ được kiểm tra để phát hiện các vấn đề sau:
- Tình trạng nhiễm trùng.
- Rối loạn đông máu.
- Chức năng gan hoặc thận bất thường.
- Lượng oxy trong máu giảm.
- Sự mất cân bằng các chất điện giải như natri, kali, clo… ảnh hưởng đến thể tích dịch trong cơ thể cũng như độ toan kiềm trong máu của bạn.
Tùy thuộc vào các triệu chứng và kết quả xét nghiệm máu của bạn, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác để xác định tác nhân gây bệnh, bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn trong nước tiểu của bạn nếu nghi ngờ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Xét nghiệm phân để kiểm tra vi khuẩn trong phân nếu nghi ngờ nhiễm trùng từ đường tiêu hoá.
- Xét nghiệm chất tiết tại cơ quan nghi ngờ gây nhiễm trùng máu như xét nghiệm đàm nếu nghi ngờ nhiễm trùng ở phổi, xét nghiệm dịch tiết tại vết thương nếu nghi ngờ nhiễm trùng vết thương …
Ngoài ra, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng bệnh lý một cách toàn diện hơn thông qua các cận lâm sàng về hình ảnh học như sau:
- Chụp X – quang phổi để kiểm tra bệnh lý ở phổi.
- Siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp vi tính bụng (CT Scan bụng) để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng ở ruột thừa, túi mật, tuyến tụy, ruột, buồng trứng …
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) để có thể xác định nhiễm trùng mô mềm trong những trường hợp khó.
Cách điều trị nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm trùng máu có thể diễn tiến nặng, thậm chí nhanh chóng trở thành sốc nhiễm trùng và tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị tốt. Việc điều trị thường được tiến hành tại phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện. Các bác sĩ có thể sử dụng một số biện pháp để điều trị bệnh, bao gồm:
Điều trị nhiễm trùng máu bằng thuốc
Kháng sinh: được sử dụng qua đường tĩnh mạch để chống nhiễm trùng là một điều rất quan trọng trong điều trị.
- Kháng sinh nên được bắt đầu ngay lập tức.
- Ban đầu khi chưa biết tác nhân gây bệnh thì bác sĩ thường sẽ chỉ định sử dụng kháng sinh phổ rộng, có hiệu quả chống lại nhiều loại vi khuẩn.
- Sau khi biết loại vi khuẩn cụ thể thông qua các xét nghiệm, bác sĩ có thể chuyển sang một số loại kháng sinh đặc hiệu để tiêu diệt loại vi khuẩn đó một cách hiệu quả hơn.
Insulin: không chỉ sử dụng trong đái tháo đường, insulin còn được dùng trong nhiễm trùng máu nhằm mục đích ổn định lượng đường trong máu.
Corticoid: để giảm viêm, giúp ổn định hệ thống miễn dịch đang bị rối loạn trong nhiễm trùng máu.
Dung dịch truyền tĩnh mạch: những người bị nhiễm trùng máu thường được truyền dịch ngay lập tức, thường trong vòng 3 giờ đầu. Mục đích truyền dịch là để ổn định huyết áp, duy trì khối lượng dịch trong cơ thể nhằm ngăn ngừa suy giảm chức năng các cơ quan.
Thuốc vận mạch: đây là loại thuốc được sử dụng khi huyết áp của bệnh nhân vẫn còn quá thấp sau khi đã truyền dịch.
Các thuốc khác: bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, an thần và các thuốc điều trị triệu chứng khác.
Điều trị hỗ trợ
Bệnh nhân nhiễm trùng máu cần được hỗ trợ hô hấp như cung cấp thêm oxy hay trong trường hợp nặng có thể phải thở máy.
Lọc máu có thể là cần thiết nếu chức năng thận bị suy giảm. Thận giúp lọc chất thải có hại, muối và nước dư thừa từ máu ra khỏi cơ thể. Trong lọc máu, một máy thực hiện các chức năng này thay cho thận.
Điều trị ngoại khoa nhiễm trùng máu
Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể rất cần thiết để loại bỏ ổ nhiễm trùng ví dụ như dẫn lưu mủ tại ổ áp xe hay phẫu thuật mở ổ bụng làm sạch mủ trong viêm phúc mạc
Mỗi phút đều quý giá trong quá trình điều trị nhiễm trùng máu. Điều trị càng sớm, kết quả sẽ càng tốt.
Bệnh nhân nhiễm trùng máu sẽ phục hồi như thế nào?
Mặc dù nhiễm trùng máu có thể đe dọa tính mạng, nhưng nếu phát hiện và điều trị tốt thì bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn và không để lại di chứng. Sự phục hồi của bệnh nhân khỏi bệnh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khoẻ, thể chất của bản thân. Có thể phục hồi hoàn toàn không di chứng hoặc để lại di chứng lâu dài ở các cơ quan như não, tim, phổi, thận …
Theo Tổ chức Sepsis Trust của Anh cho biết, có thể phải mất đến 18 tháng trước khi những bệnh nhân được cứu sống bắt đầu cảm thấy cơ thể phục hồi hoàn toàn.
Theo Tổ chức về nhiễm trùng máu Sepsis Alliance thì khoảng 50% những bệnh nhân sống sau nhiễm trùng máu phải đối mặt với di chứng của nó, được gọi là hội chứng sau nhiễm trùng máu (PSS), bao gồm các dấu hiệu sau:
- Cơ quan nội tạng bị suy.
- Mất ngủ, gặp ác mộng.
- Đau, yếu cơ và khớp.
- Thường xuyên mệt mỏi.
- Kém tập trung, suy giảm trí nhớ.
Phòng ngừa nhiễm trùng máu như thế nào?
Thực hiện các biện pháp sau sẽ ngăn ngừa nhiễm trùng từ đó làm giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng máu:
Nên tiêm chủng để phòng bệnh: có thể tiêm vắc xin ngừa cúm, ngừa viêm phổi và các bệnh nhiễm trùng khác.
Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay và tắm giặt thường xuyên, chăm sóc vết thương đúng cách, đối với những vết thương dơ, vết thương sâu và rộng thì cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Bạn nên gặp bác sĩ để được khám sớm nếu bạn nghi ngờ rằng mình bị nhiễm trùng, đặc biệt nếu bạn nằm trong những đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng máu cao
Be the first to write a comment.