4.6/5 - (90 bình chọn)

Hiện nay, trên toàn thế giới, nhu cầu được ghép thận và các mô, tạng khác trong cơ thể là rất lớn. Tính riêng ở Việt Nam có khoảng hơn 16.000 người lớn và 8.000 trẻ em mắc các bệnh thận bẩm sinh, 6.000 người suy thận giai đoạn cuối cần được ghép thận. Hiến thận là một việc làm đầy tính nhân văn và mang lại giá trị to lớn cho xã hội.

Tuy nhiên, không ít người phân vân và lo lắng liệu cho đi một quả thận, có ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe không? Và sau khi hiến thận cần phải chú ý gì để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tốt hơn? Cùng theo dõi bài viết dưới đây của ICondom.

Hiến thận là một việc làm văn minh và nhiều ý nghĩa

Hiến thận là một việc làm văn minh và nhiều ý nghĩa

Hiến thận là gì và ai có đủ điều kiện để hiến thận?

Một cơ thể bình thường sẽ có hai quả thận, hình dáng như hạt đậu, kích cỡ khoảng một nắm tay. Thận đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau như: ổn định huyết áp, tạo tế bào hồng cầu, kích hoạt vitamin D, sản sinh glucose và lọc khoảng 200 lít máu mỗi ngày. Ngoài việc tái hấp thu những chất cần thiết thận còn đào thải các chất cặn bã ra ngoài thông qua nước tiểu.

Nếu bạn sinh ra chỉ có một quả thận, nó có thể phát triển gấp hai lần kích thước của một quả thận bình thường (khoảng hơn 400 gram). Quả thận này tự điều chỉnh hiệu suất hoạt động để đảm bảo xử lý được các nhiệm vụ cơ thể đòi hỏi. Do đó, bạn hoàn toàn có thể hiến thận ngay cả khi còn sống.

Hiến thận là gì?

Là việc tự nguyện cho, tặng một quả thận tốt, hoạt động bình thường từ chính cơ thể người hiến có thể còn sống hoặc người đã chết não để gắn vào cơ thể người bị suy thận giai đoạn cuối. 

Tuổi thọ trung bình của một quả thận sau khi được cấy ghép là 12 năm đối với thận từ người hiến tặng đã chết não, và khoảng 15 năm đối với người hiến thận còn sống, có quan hệ huyết thống.

Ai có đủ điều kiện hiến thận?

Người hiến hoàn toàn tự nguyện, đầy đủ tư cách công dân, dưới 60 tuổi (theo quy định của Bộ y tế), khỏe mạnh và không mắc các bệnh truyền nhiễm, ung thư, tim mạch, béo phì…

Hợp lý nhất là người hiến tặng có quan hệ họ hàng với người nhận vì khả năng họ có cấu trúc di truyền tương đồng và có thể cùng nhóm máu. Việc này nhằm giảm đáng kể nguy cơ của việc thải ghép sau khi phẫu thuật.

Người hiến thận phải được tư vấn kỹ, thăm khám và làm các xét nghiệm đầy đủ, chính xác tại các bệnh viện có chuyên khoa thận và ghép thận để đảm bảo sức khỏe trước khi hiến.

Đối với người hiến thận đã chết não thì việc lấy thận được hiến phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt, được đánh giá bởi hội đồng bác sĩ chuyên khoa.

Hiến thận có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe không?

Nhiều người cho rằng việc mất một quả thận sẽ làm cơ thể suy yếu và không được khỏe mạnh. Tuy nhiên, suy nghĩ này không chính xác, vì thận là một cơ quan linh hoạt và thích ứng khá tốt. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cơ thể chúng ta vẫn có thể sống và hoạt động bình thường với một quả thận.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh và Hiệp hội Y khoa Mỹ vào năm 2009 và 2010 trên những người hiến thận cho thấy: không có sự khác biệt về tỷ lệ sống giữa những người không hiến thận và hiến thận kể cả về độ tuổi, giới tính, chủng tộc, hay dân tộc. 

Nghiên cứu cho thấy, ở người hiến tặng thận, quả thận còn lại có sự tăng cường hoạt động ở mức 70% sau thời điểm hiến tặng 2 tuần và thậm chí còn tăng thêm 75-85% khi theo dõi lâu dài. Do đó, sau khi hiến tặng một quả thận, người hiến vẫn có thể sống khỏe mạnh do thận còn lại tăng cường hoạt động bù cho chức năng của quả thận đã mất đi. 

Cho một quả thận, vẫn sống khỏe mạnh bình thường

Cho một quả thận, vẫn sống khỏe mạnh bình thường

Sau khi hiến thận, nên làm gì để chăm sóc sức khỏe tốt hơn?

Nghỉ ngơi hợp lý

Hiến thận là một phẫu thuật ít xâm lấn do đó bạn sẽ hồi phục nhanh hơn và ít đau đớn hơn so với các cuộc phẫu thuật khác. Nhưng vẫn nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc làm việc ngay khi chưa hết thời gian dưỡng sức.

Thông thường, bạn có thể làm việc sau 10 đến 14 ngày. Nếu công việc yêu cầu về thể lực hoặc mang vác nặng bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 6 tuần.

Khám sức khỏe định kỳ

Bạn sẽ được theo dõi và tái khám sau khi hiến thận vài tuần nhằm đảm bảo sức khỏe.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý khám sức khỏe định kỳ, làm các xét nghiệm protein niệu, mức lọc cầu thận và các xét nghiệm khác để đánh giá chức năng thận.

Người hiến cần tầm soát đái tháo đường, tăng huyết áp và những bệnh có thể gây hại cho thận. Nếu thấy trong nước tiểu có lẫn máu hay bị sưng phù bất thường từ mắt cá chân đến cẳng chân, bạn nên đến khám bác sĩ ngay. Đó là những dấu hiệu cho thấy thận của bạn đang gặp vấn đề.

Duy trì lối sống lành mạnh 

Hạn chế rượu, bia và các thức uống chứa cồn: việc uống nhiều bia rượu và các đồ uống chứa cồn mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tăng huyết áp và gây nhiều áp lực lên hoạt động của thận.

Không hút thuốc lá: thuốc lá chứa nhiều chất độc hại không tốt cho các cơ quan trong cơ thể bạn, bao gồm cả thận.

Thận trọng khi dùng thuốc: nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ về các loại thuốc, thực phẩm chức năng bạn đang dùng. Một số thuốc có thể tăng gánh nặng cho thận nếu dùng liều cao hoặc thường xuyên (như thuốc kháng viêm non-steroid – NSAIDs).

Chế độ dinh dưỡng cân bằng: việc dùng những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, cân bằng giữa lượng đạm và muối có thể giúp bạn giảm nguy cơ tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp. Giúp thận hoạt động khỏe mạnh hơn.

Uống đầy đủ nước: giúp thận lọc máu và các chất cặn bã tốt hơn.

Tránh tham gia các môn thể thao vận động mạnh: các môn thể thao có tính đối kháng mạnh như bóng đá, bóng bầu dục, võ thuật có thể gây chấn thương và tổn hại cho thận. Người hiến nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chơi.

Nhìn chung, con người vẫn sống khỏe mạnh sau khi hiến một quả thận. Quả thận còn lại có thể thích nghi để đảm bảo hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, sau khi hiến thận phải có chế độ ăn uống, luyện tập thể thao và thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để duy trì sức khỏe tốt. Nếu gặp các vấn đề bất thường với quả thận còn lại nên đến viện sớm để được tư vấn và chữa trị kịp thời.