Phù chân khi mang thai là tình trạng xảy ra ở khá nhiều mẹ bầu. Nhiều chị em cảm thấy lo lắng không biết phù chân khi mang thai có nguy hiểm không. Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Làm sao để hạn chế phù chân trong thai kỳ? ICondom sẽ giải đáp những thắc mắc này trong bài viết dưới đây.
Nguyên nhân bị phù chân khi mang thai
Phù chân là tình trạng sinh lý khá bình thường mà hầu hết phụ nữ mang thai đều gặp phải. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà tình trạng phù chân này có thế diễn ra sớm hoặc muộn hơn.
Thông thường, tình trạng này sẽ xuất hiện ở những tháng cuối của thai kỳ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phù chân được lý giải như sau:
– Do tăng cân: Khi mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ tăng trung bình khoảng từ 9-12kg. Trọng lượng cơ thể sẽ gây sức ép lên đôi chân, dẫn đến tình trạng phù nề ở chân khi mang thai.
– Do nội tiết tố thay đổi: Cũng giống như cân nặng, khi mang thai nội tiết tố trong cơ thể bà bầu thay đổi, khiến lượng máu dồn về chân nhiều hơn. Đồng thời hàm lượng muối tăng nhưng lượng kali lại giảm, khiến cho chân bị phù và trở nên nặng nề, khó hoạt động hơn.
– Do áp lực từ thai nhi: Thai nhi trong bụng mẹ ngày càng lớn, tử cung của mẹ bầu cũng sẽ trở nên lớn hơn, điều này làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới, khiến chân bị phù lên, khi áp lực càng lớn thì hiện tượng phù chân càng xuất hiện nhiều.
– Đi giày dép cao: Đi giày dép cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bầu bị phù. Việc sử dụng các loại giày dép cao gót khiến trọng lượng cơ thể bị dồn về phía trước, không cân bằng, xương chậu bị nghiêng, khiến bàn chân bị gò bó, khó chịu, phát sinh chứng viêm kẽ chân và phù chân.
– Do các nguyên nhân khác: Ngoài những nguyên nhân nêu trên, một số tác nhân khác như nhiệt độ cao, đứng lâu, thiếu kali, ăn nhiều natri, dùng nhiều caffeine, làm việc nhiều và ít nghỉ ngơi cũng là nguyên nhân khiến chị em bị phù chân khi mang thai.
Bị phù chân khi mang thai có ảnh hưởng gì không?
Bị phù chân khi mang thai là tình trạng phổ biến, không gây ra đau đớn và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này kéo dài sẽ khiến mẹ bầu không thoải khi vận động hàng ngày.
Ở mức độ nặng hơn sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe người mẹ đang mang thai và gây áp lực làm việc lớn hơn cho thận của người mẹ. Bởi thận là bộ phận chịu trách nhiệm lọc và thải chất lỏng trong cơ thể nên khi tăng lượng chất lỏng thì thận cũng phải làm việc nhiều hơn. Bên cạnh đó, khi chất lỏng tập trung gây phù sẽ ảnh hưởng đến việc lưu thông, tuần hoàn máu ở phần chân về tim bị kém hiệu quả, khiến ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch.
Khi bị phù chân lâu ngày và kèm với các triệu chứng như đau đầu, khó chịu, mệt mỏi, rối loạn thị giác, đau bụng sẽ khiến thai phụ có nguy cơ bị bệnh tiền sản giật, bệnh thận, thậm chí bị suy thai và đẻ non. Do đó, nếu bị phù chân khi mang thai kèm những dấu hiệu trên, tốt nhất mẹ bầu nên thăm khám.
Hạn chế tình trạng phù chân khi mang thai
– Không ngồi hoặc đứng quá lâu: Khi bị phù chân, nếu đứng hoặc ngồi khá quá lâu sẽ khiến tình trạng này nặng hơn. Chính vì vậy, mẹ bầu cần hạn chế đứng một chỗ, nên di chuyển tư thế để giúp lưu thông máu tốt hơn và giảm phù nề trong thai kỳ.
– Đặt gác chân trên cao: Đặt chân cao hoặc gác chân lên là cách làm rất hiệu quả để giảm tình trạng phù chân trong khi mang thai. Các mẹ cố gắng giữ chân ngang tầm với sẽ có hiệu quả tốt nhất.
– Sử dụng bàn chải khi tắm: Khi tắm sử dụng bàn chải cọ rửa nhẹ nhàng sẽ hỗ trợ hệ thống tuần hoàn có thể giúp giảm nhẹ tình trạng phù nề ở phụ nữ mang thai. Chị em hãy cọ chải ở bàn chân và chải lên phía trên tim, việc này sẽ giúp di chuyển lượng chất lỏng trong suốt hệ thống bạch huyết và hỗ trợ tuần hoàn máu lưu thông tốt.
– Xây dựng chế độ ăn hợp lý: Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, hợp lý là cách giảm phù nề hiệu quả. Vì thế, mẹ bầu nên ăn các loại thực phẩm giàu kali, bổ sung thực phẩm giàu protein.
– Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục không chỉ tốt ở phụ nữ mang thai bị phù nề mà nó còn mang lại nhiều lợi ích đối với tất cả mọi người. Việc tập thể dục thường xuyên sẽ tối ưu hóa hệ thống tuần hoàn để nước dư thừa không có ở chân hoặc bàn tay. Từ đó cải thiện được tình trạng phù nề.
– Hạn chế đồ uống có caffein: Caffeine rất lợi tiểu, chính vì thế nó sẽ làm tăng lượng chất lỏng trong cơ thể loại bỏ thông qua nước tiểu. Tuy nhiên, nó lại gây ra tình trạng mất nước, chính vì vậy mẹ bầu cần giảm lượng caffeine uống mỗi ngày.
Hy vọng những lý giải về nguyên nhân và cách hạn chế bị phù chân khi mang thai sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng phù chân, qua đó hỗ trợ chăm sóc sức khỏe trong thai kỳ được tốt nhất.
Chúc các mẹ mang thai luôn khỏe mạnh, vui vẻ.
Be the first to write a comment.