5/5 - (1 bình chọn)

Họng là ngã tư của đường ăn và đường thở, nối liền mũi ở phía trên, miệng ở phía trước với thanh quản và thực quản ở phía dưới vì thế khi bị đau họng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến nhiều chức năng như nuốt, thở, phát âm, nghe, vị giác và bảo vệ cơ thể.

Bị đau họng gặp ở hầu hết mọi người bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau, vì vậy bạn cần phải biết  phòng tránh và xử lý đúng cách khi bị đau họng để luôn đảm bảo tốt cho sức khỏe của mình.

Biểu hiện khi bị đau họng

Bị đau họng là đau, trầy xước hoặc kích thích cổ họng, thường trở nên tồi tệ hơn khi nuốt, cụ thể biểu hiện là:

  • Họng sưng tấy đỏ khi quan sát bằng mắt, nuốt hơi nghẹn
  • Khô, nóng họng, rát cổ, cảm giác đau họng tăng lên khi nuốt, khi nói và khi ho
  • Ngứa họng, cảm thấy vướng víu như có dị vật trong họng
  • Amidan sưng đỏ
  • Giọng khàn

Bên cạnh đó bị đau họng còn thường đi kèm với các triệu chứng:

  • Sốt, ho, hắt xì, ngạt mũi, chảy nước mũi.
  • Đau đầu, mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn.

Những nguyên nhân nào dẫn đến bị đau họng?

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bị đau họng thường do:

  1. Nhiễm virus

Các bệnh do virus làm bạn bị đau họng bao gồm:

  • Cảm lạnh thông thường
  • Cúm
  • Bệnh bạch cầu đơn nhân
  • Bệnh sởi
  • Thủy đậu
  • Viêm thanh khí phế quản

2. Nhiễm khuẩn

Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể dẫn đến bị đau họng, hay gặp nhất là Streptococcus pyogenes, hoặc streptococcus nhóm A, gây viêm họng liên cầu khuẩn.

3. Nguyên nhân khác

Bị đau họng còn do một số nguyên nhân khác như:

  • Dị ứng với lông vật nuôi, bụi, phấn hoa cũng có thể làm bạn bị đau họng.
  • Trạng thái khô khan trong không khí hay việc thở bằng miệng gây khô họng
  • Chất kích thích như khói thuốc lá, không khí ô nhiễm, uống rượu và ăn thức ăn cay sẽ làm kích thích cổ họng có thể dẫn đến viêm họng mạn tính dẫn đến bị đau họng.
  • Căng cơ do nói nhiều trong thời gian dài, la hét, nói to cũng dễ dẫn tới bị đau họng
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
  • Nhiễm HIV
  • Khối u ở vùng họng

Đôi khi, bị đau họng còn do một vùng mô bị nhiễm trùng (áp xe) trong cổ họng gây ra, hay tình trạng “nắp” sụn nhỏ che kín khí quản, chặn luồng khí (viêm nắp thanh quản).

Bị đau họng thì chữa như thế nào?

Chữa đau họng do nhiễm virus

 Bị đau họng do nhiễm virus thường kéo dài năm đến bảy ngày và không cần uống thuốc để chữa. Tuy nhiên, để giảm đau và hạ sốt khi bị đau họng, nhiều người dùng Paracetamol hoặc các thuốc giảm đau nhẹ khác. Bạn nên sử dụng paracetamol trong thời gian ngắn nhất có thể.

Nếu trẻ em bị đau họng cần cân nhắc khi dùng các thuốc giảm đau để giảm triệu chứng.

Chữa đau họng do nhiễm khuẩn

Nếu bị đau họng do nhiễm vi khuẩn, bạn cần uống thuốc kháng sinh để điều trị.

Bạn phải uống đủ liệu trình kháng sinh theo quy định ngay cả khi hết triệu chứng bị đau họng. Việc không uống tất cả các loại thuốc theo chỉ dẫn có thể dẫn đến nhiễm trùng trở nên tồi tệ hơn hoặc lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Ở trẻ em bị đau họng, nếu không uống đủ liệu trình thuốc kháng sinh để chữa viêm họng do liên cầu khuẩn có thể làm tăng nguy cơ bị sốt thấp khớp hoặc viêm thận nghiêm trọng.

Việc lựa chọn kháng sinh khi bị đau họng được các bác sĩ thăm khám rồi đưa ra phác đồ điều trị thích hợp tùy vào tình trạng của mỗi người.

Phương pháp điều trị hỗ trợ khi bị đau họng

Một số cách có thể giúp bạn hỗ trợ điều trị khi bị đau họng tại nhà, giúp giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng và hiệu quả hơn như:

  • Nghỉ ngơi, hạn chế nói nhiều và la hét.
  • Giữ ấm cổ họng, uống nhiều nước. Tránh dùng cà phê và bia rượu, là những yếu tố làm tăng nặng tình trạng bị đau họng.
  • Uống nước ấm, trà không chứa cafein hoặc uống nước ấm với mật ong.
  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý và sau đó nhổ nó ra.
  • Làm ẩm không khí để loại bỏ không khí khô
  • Tránh khói thuốc lá, và nơi có không khí ô nhiễm.
  • Có thể dùng một số sản phẩm hỗ trợ điều trị khi bị đau họng dưới dạng xịt, trà và viên ngậm có chứa thành phần như: mật ong, cam thảo, bạc hà, gừng, tỏi…

Những cách nào giúp tránh bị đau họng?

Nguyên nhân chủ yếu khiến bạn bị đau họng là do vi khuẩn, virus vì vậy cách tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng này là tránh các vi trùng gây ra chúng và thực hành vệ sinh tốt. Một số cách thực hiện làm giảm nguy cơ bị đau họng như sau:

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi hắt hơi hoặc ho; vệ sinh răng miệng sạch sẽ; thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý là những biện pháp đơn giản làm giảm đáng kể tỷ lệ bị đau họng.
  • Tránh dùng chung thức ăn, ly uống nước hoặc dụng cụ.
  • Ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy và vứt nó đi. Khi cần thiết, hắt hơi vào khuỷu tay của bạn.
  • Sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn thay thế cho việc rửa tay khi không có xà phòng và nước.
  • Tránh chạm vào điện thoại công cộng hoặc vòi nước uống bằng miệng.
  • Thường xuyên làm sạch điện thoại, điều khiển từ xa TV và bàn phím máy tính với chất tẩy rửa khử trùng. Khi bạn đi du lịch, làm sạch điện thoại và điều khiển từ xa trong phòng khách sạn của bạn.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
  • Uống nhiều nước
  • Tránh uống nước và ăn đồ ăn lạnh.

Việc phòng tránh các tác nhân dẫn đến bị đau họng không quá khó khăn, vì vậy chúng ta nên chủ động thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.