Rate this post

Nhiều người thắc mắc liệu răng khôn có thực sự quan trọng như cái tên của chính nó. Thực tế trong một số trường hợp, răng mọc bất thường mang lại phiền phức, đau đớn. Thông thường giải pháp để giải quyết bệnh lý trên là nhổ răng khôn. Vậy răng khôn là gì, nhổ răng khôn ra sao, cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn như thế nào. Hãy tìm hiểu một số thông tin dưới đây.

Răng khôn là gì? 

Răng khôn là tên thường gọi của răng số tám, bốn chiến răng hàm mọc cuối cùng. Chúng được gọi là răng khôn bởi vì những cái răng này thường mọc trong giai đoạn đã trưởng thành, từ 17-35 tuổi. Cũng chính bởi vì mọc sau cùng, khi mà xương hàm và những răng khác đã phát triển hoàn thiện, nên răng khôn thường gặp một số vấn đề dưới đây: 

  • Mọc sai vị trí, mọc lệch hoặc không đủ không gian để mọc nên bị kẹt một phần hoặc toàn bộ phần răng trong xương hàm. Có thể kèm theo một số  triệu chứng sưng lợi, đỏ lợi, đau buốt, cứng hàm.
  • Vùng lợi khi mọc răng khôn  dễ bị tổn thương do thức ăn cứng, nhọn hoặc dễ bị vi khuẩn tấn công gây viêm.
  • Răng mọc ngang, hoặc mọc chéo, đâm vào những chiếc răng bên cạnh hoặc phá vỡ cấu trúc sẵn có của hàm.

Tại sao phải nhổ răng khôn?

Việc nhổ răng khôn được chỉ định bởi bác sĩ trong trường hợp răng khôn mọc và gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân. Đặc biệt răng khôn mọc bất thường cũng gây ra một số biến chứng nghiêm trọng dưới đây:

  • Có thể gây hỏng tủy con răng số 7 hoặc phá hủy toàn bộ chiếc răng này, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nhai nuốt
  • Ổ viêm, áp xe răng có thể lan rộng sang vùng mặt, lan xuống cổ, ngực, tim hoặc các bộ phận khác… gây nhiễm trùng nặng, khó thở, ảnh hưởng lên hệ tim mach, thậm chí có thể gây tử vong

Trường hợp nào cần nhổ bỏ răng khôn? 

Theo các chuyên gia về răng hàm mặt, chiếc răng số 8 (răng khôn) không có ý nghĩa quan trọng lắm trong hoạt động nhai nuốt thức ăn. Bởi vì hầu như số răng đã mọc trước đó đã đảm nhiệm được đầy đủ các nhiệm vụ. 

Việc mọc răng rất mang nhiều phiền phức, tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng phải chỉ định nhổ răng khôn.

Thông thường một chiếc răng khôn sẽ được giữ lại nếu không gây ra biến chứng và ảnh hưởng đến những con răng lành lặn khác: 

  • Răng khôn mọc thẳng, mọc bình thường
  • Khi mọc không bị kẹt hoặc mắc trong xương hàm
  • Không gây ra các biến chứng hoặc bệnh liên quan đến răng lợi 

Việc loại bỏ răng khôn được tiến hành khi:

  • Răng khôn mọc ngầm ở phía dưới lợi làm cho bệnh nhân đau nhức mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nhai nuốt
  • Răng mọc lệch, làm lung lay đến những chiếc răng khỏe mạnh bên cạnh hoặc phá vỡ toàn bộ cấu trúc răng đã hình thành trước đó.
  • Răng mọc kẹt,  hình thành ổ áp xe răng hoặc ổ viêm ở răng do vệ sinh kém bởi vì răng khôn nằm ở vị trí sâu nhất của hàm răng. Từ đó có thể gây ra viêm lợi hoặc viêm chân răng, gây sưng và viêm toàn bộ vùng răng, hoặc  ổ viêm răng cũng có thể khiến cho bệnh nhân không mở được hàm, chảy mủ răng.
  • Răng mọc kẹt dẫn đến lợi trùm, dẫn đến đau nhức và ảnh hưởng đến khả năng nhai nuốt.

Thời điểm nhổ răng khôn tốt nhất?

Độ tuổi nhổ răng khôn tốt nhất là từ 17 tuổi đến 25 tuổi. Bởi vì, ở độ tuổi này răng khôn mới hình thành và phát triển được hai phần ba chiều dài. Ở độ tuổi trên 35 tuổi, răng không gần như đã phát triển hoàn toàn, xương hàm và kết cấu giữa răng- xương đã cứng và vững chắc hơn. Ngoài ra còn một số yếu tố về cơ địa, cũng như khả năng hồi phục ,nên  tiến hành nhổ răng khôn ở độ tuổi trên 35 thường không được chỉ định.

Nhổ răng khôn giá bao nhiêu? 

Dưới đây là giá nhổ răng khôn của một số bệnh viện răng hàm mặt tại thành phố Hồ Chí Minh: 

  • Phẫu thuật răng mọc lệch phức tạp khoảng: 1.000.000 đồng
  • Nhổ răng 8 (bình thường) chi phí khoảng: 500.000 đồng
  • Chi phí nhổ răng 8 khi có biến chứng khít hàm : 800.000 đồng
  • Phẫu thuật răng khôn bị mọc lệch  45 độ(phẫu thuật khó): chi phí dao động từ  800.000 đến 1.000.000 đồng
  • Phẫu thuật răng khôn mọc lệch 90 độ (phẫu thuật khó): khoảng 1.500.000 đồng
  • Phẫu thuật điều trị bệnh lợi trùm bằng tia laser: khoảng  150.000 đồng
  • Phẫu thuật loại bỏ răng ngầm trong xương: chi phí từ 1.500.000 đồng đến  2.000.000 đồng
  • Phẫu thuật mở xoang để loại bỏ răng ngầm: 4.000.000 đồng

Tuy nhiên chi phí nêu trên chỉ mang tính chất tham khảo, các mức giá sẽ dao động tùy thuộc vào kỹ thuật cũng như trình độ y khoa của đội ngũ nhân bác sĩ của các cơ sở y tế. 

Cụ thể mức chênh lệch chi phí giá nhổ răng khôn áp dụng cho từng trường hợp phức tạp hay đơn giản khác nhau. Có thể chi phí nhổ răng khôn khác nhau tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý hoặc cơ sở y tế, bởi vì: 

  • Bác sĩ cần phải có kỹ năng, tay nghề và  kinh nghiệm xử lý linh hoạt từng trường hợp đặc biệt như thế mọc khác nhau, tình trạng răng bị kẹt, tình trạng răng yếu hay khỏe. Chi phí nhổ răng cũng phụ thuộc một phần vào việc lựa chọn trình độ và kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật. 
  • Bên cạnh đó chi phí giường bệnh, dịch vụ chăm sóc sau khi nhổ răng khôn cũng làm cho chi phí ở các cơ sở y tế có thể khác nhau. 
  • Ngoài ra tùy thuộc vào mức độ mọc kẹt, hướng mọc hay mức độ ảnh hưởng của răng số 8 cần loại bỏ mà bác sĩ đưa ra quyết định liều lượng và nồng độ thuốc gây tê. Việc này cũng ảnh hưởng đến một phần chi phí.
  • Hơn nữa việc áp dụng công nghệ y tế cũng quyết định đến mức độ an toàn, hiệu quả, giảm đau đớn cho bệnh nhân trong quá trình tiểu phẫu.Việc áp dụng phương pháp nhổ thông thường hoặc kyc thuật hiện đại cũng có dẫn đến chênh lệch chi phí nhổ răng khôn.

Một số chú ý khi nhổ răng khôn

  • Chỉ trong trường hợp răng khôn gây ra những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của bệnh nhân, nha sĩ mới chỉ định nhổ răng khôn
  • Phẫu thuật liên quan đến loại bỏ răng khôn là một loại phẫu thuật khá phức tạp. Bởi vì vị trí mọc răng có nhiều dây thần kinh đi qua, khi không phẫu thuật cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh này. Hãy đến cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của chính mình
  • Biến chứng sau khi nhổ răng khôn thường là chảy máu và đau nhức

Những biến chứng thường gặp khi nhổ răng khôn?

Biến chứng sau khi mổ răng khôn nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào loại phẫu thuật mà bác sĩ chỉ định cho bạn. Thường có một số biến chứng hay gặp dưới đây:

  • Sưng: đó là đáp ứng viêm tự nhiên của cơ thể sau khi nhổ răng. Thông thường triệu chứng sưng sẽ hết 2 ngày sau khi bạn nhổ răng. Hãy tuân thủ những hướng dẫn chăm sóc và uống thuốc đầy đủ bác sĩ kê đơn cho bạn. Bạn cũng có thể chườm lạnh vị trí sưng  nhiều lần (mỗi lần khoảng 15 phút) ngày đầu tiên và chườm nóng ngày thứ 2 để giảm bớt các triệu chứng
  • Đau: bạn thường có cảm giác đau trở lại khi thuốc tê sử dụng phẫu thuật đã hết thời gian tác dụng. Thông thường  bác sĩ  thường kê đơn cho bạn thuốc  để giảm đau, và triệu chứng đau sẽ suy giảm trong vòng 2-3 ngày sau khi nhổ răng.
  • Sốt: thường xuất hiện trong ngày đầu tiên sau khi bạn nhổ răng khôn. Đây có thể chỉ là phản ứng đáp ứng  bình thường của cơ thể. Triệu chứng sẽ giảm dần trong này thứ  hai. Nếu sốt kéo dài hãy báo ngay cho bác sĩ của bạn để được chữa trị kịp thời
  • Chảy máu: sau khi nhổ răng khôn, vết thương ở vị trí răng bị loại bỏ chưa được hồi phục hoàn toàn, thường dẫn đến chảy máu. Hãy cắn chặt bông gòn hoặc gạc vào vị trí chân răng mới nhổ để cầm máu. Vết thương cần thời gian để liền lại, vì vậy cần chú ý tránh để thức ăn cứng làm ảnh hưởng đến vết thương. Ngoài ra chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

Chú ý khi những biểu hiện trên có xu hướng trở nên trầm trọng, đau nhiều, sốt cao thường xuyên hoặc chảy máu quá nhiều không cầm được thì hãy báo cho bác sĩ của bạn để được chữa trị kịp thời.

Cách chăm sóc sau khi nhổ răng khôn? 

  • Trong vòng 24 giờ sau khi nhổ răng tránh súc miệng hoặc ăn uống, để tránh ảnh hưởng đến vết thương chưa lành.
  • Sau 24h, có thể súc miệng bằng nước sát khuẩn răng miệng hoặc nước muối sinh lý để  giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng vết nhổ và răng miệng
  • Tránh ăn đồ ăn quá cứng hoặc quá nóng, nên ăn các đồ ăn mềm,dễ nuốt
  • Tuân thủ các hướng dẫn và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ