Chướng bụng đầy hơi là vấn đề sức khỏe rất thường gặp tuy nhiên đây không phải là triệu chứng sinh lý bình thường. Ngoài việc liên quan đến các rối loạn tiêu hóa, chướng bụng đầy hơi kéo dài còn là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Hiểu rõ về nguyên nhân cũng như cách chữa chướng bụng đầy hơi kéo dài sẽ giúp ích không nhỏ trong việc đẩy lùi triệu chứng khó chịu này.
Chướng bụng đầy hơi là gì?
Chướng bụng là bụng phình to, căng giãn ra, thường đi kèm với đầy hơi, cảm giác khó chịu, no bụng sau khi ăn. Người bệnh thường có cảm giác này khi lượng không khí trong đường tiêu hóa tăng lên bất thường. Lượng khí này có thể tăng tại dạ dày, ruột non hoặc ruột già. Tùy theo vị trí mà bệnh nhân sẽ có cảm giác và biểu hiện khác nhau.
Nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi kéo dài
Nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi kéo dài cũng thường là các nguyên nhân gây tăng khí tại dạ dày, bắt nguồn từ những thói quen ăn uống xấu:
- Ăn nhanh, nhai gấp gáp, nhai không kỹ, nuốt vội vàng, vừa ăn vừa uống (đặc biệt là uống các nước có gas, có đá lạnh khiến các mạch máu co thắt lại, sự nuôi dưỡng niêm mạc dạ dày của dòng máu kém đi nên dễ gây viêm dạ dày), vừa ăn vừa nói chuyện hoặc cười đùa.
- Ăn nhiều thức ăn chứa chất béo, carbohydrate, chứa nhiều gia vị, chất kích thích (rượu bia, cà phê, thuốc lá…) hoặc mắc chứng rối loạn vận động ống tiêu hóa.
- Ăn thức ăn bị ôi thiu, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn bị nấm mốc hoặc quá hạn sử dụng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đường ruột. Dạ dày không kịp co bóp, tiêu hóa thức ăn lâu gây ứ đọng, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại trong thức ăn xâm nhập vào hệ tiêu hóa gây tăng trưởng vi khuẩn quá mức ở ruột.
Các bệnh lý thường gây chướng bụng đầy hơi kéo dài: viêm loét dạ dày tá tràng, hẹp hang môn vị, ung thư dạ dày, ung thư tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản (do viêm tâm vị), hội chứng ruột kích thích, táo bón mãn tính, viêm ruột, tắc nghẽn do bệnh đường ruột mãn tính…
Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh kéo dài để điều trị một bệnh lý nào đó cũng ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn tốt ở đường ruột, các loại vi khuẩn có lợi này góp phần tiêu hóa thức ăn nhưng bị kháng sinh tiêu diệt, do đó, kháng sinh cũng là một nguyên nhân gián tiếp gây ra chứng chướng bụng đầy hơi kéo dài.
Việc thường xuyên chịu áp lực trong công việc cũng như học tập, có thời gian căng thẳng, lo âu mệt mỏi kéo dài cũng tác động trực tiếp đến hoạt động của hệ tiêu hóa, làm xuất hiện chướng bụng đầy hơi rất khó chịu.
Cách chữa chướng bụng đầy hơi kéo dài
Đầu tiên, khi chướng bụng đầy hơi kéo dài không hết, người bệnh phải tự rà soát lại về những yếu tố có khả năng gây ra triệu chứng này, từ những thói quen xấu trong ăn uống, các loại thực phẩm thường xuyên ăn vào người và khắc phục bằng cách loại trừ những yếu tố này.
- Thay đổi thói quen ăn uống, ăn chậm nhai kỹ, nhai ngậm môi, ăn uống đúng giờ, không nên ăn quá no, ăn xong nên đi lại nhẹ nhàng.
- Đảm bảo thức ăn luôn được sạch sẽ, rõ nguồn gốc, không nên ăn thức ăn khó tiêu hóa. Ưu tiên ăn các thực phẩm chứa đạm và sản phẩm từ sữa ít đường ít béo. Ăn nhiều sữa chua giúp men vi khuẩn sống tăng trưởng nhiều hơn. Uống từ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế ăn đồ chiên rán, thức ăn nhiều chất xơ, thức ăn chua, cay, bánh kẹo, đồ ngọt, chất kích thích như cà phê, rượu, bia, thuốc lá. Tránh xa các loại thức ăn gây tăng khí ở hệ tiêu hóa như: nước uống có gas, bắp cải, hành tây, đậu phộng, khoai lang; những thức ăn gây lên men tại dạ dày (nhiều carbohydrate như tinh bột…). Không nên nhai kẹo cao su khiến tăng lượng khí, không ăn và uống cùng lúc.
- Người bệnh cũng nên tham khảo sử dụng gừng vào chế độ ăn của mình để điều trị hỗ trợ giảm đầy hơi. Uống nước chanh gừng (nước ấm pha với 1 thìa mật ong, 2 thìa nước cốt chanh và vài lát gừng) sẽ khiến cho triệu chứng chướng bụng đầy hơi nhanh chóng bị đẩy lùi. Hoặc có thể dùng trà gừng nóng hay ăn trực tiếp vài lát gừng tươi với một ít muối.
- Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày giúp điều hòa nhu động ruột hoạt động, tiêu hóa tốt nhưng lưu ý không nên hoạt động khi ăn no. Ngoài ra, có thể dùng tay mát xa vùng bụng một cách nhẹ nhàng, xoa vòng tròn theo chiều kim đồng hồ và lấy rốn làm trung tâm, có thể bôi một ít dầu nóng khi mát xa.
- Điều chỉnh thói quen làm việc điều độ, ngủ đủ từ 6 – 8 tiếng mỗi, dành thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn giúp tinh thần thoải mái, giải tỏa căng thẳng giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Sau khi đã loại bỏ những thói quen sinh hoạt, ăn uống xấu nhưng tình trạng chướng bụng đầy hơi vẫn kéo dài gây nhiều khó chịu, lúc này bệnh nhân nên nghĩ đến các bệnh lý đường tiêu hóa và nhanh chóng tìm gặp bác sĩ khi có kèm thêm một vài triệu chứng như:
- Chướng bụng đầy hơi tái phát ít nhất ba ngày mỗi tháng, kéo dài hơn ba tháng thường liên quan các bệnh lý như rối loạn tiêu hóa, hội chứng ruột kích thích…
- Tiêu chảy kéo dài (thường trên năm ngày), đau bụng, xuất hiện máu trong phân hoặc chảy máu hậu môn
- Sụt cân không rõ nguyên nhân, mất cảm giác ăn ngon miệng, khó nuốt, nôn ói kéo dài trên 48 giờ.
- Sốt không rõ nguyên nhân
Bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để định bệnh: xét nghiệm phân, xét nghiệm phân tích thành phần khí, chụp X-quang, tiến hành nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, nếu cần còn có thể chụp CT hoặc MRI. Sau khi xác định được nguyên nhân gây chướng bụng đầy hơi là từ bệnh lý, việc điều trị sẽ được tiến hành ngay lập tức và triệu chứng khó chịu sẽ giảm dần.
Be the first to write a comment.