Rate this post

Thai nhi 38 tuần tuổi là lúc mọi bà mẹ đều háo hức xen lẫn lo lắng. Hành trình diệu kỳ 9 tháng 10 ngày sắp kết thúc – người mẹ nào cũng thắc mắc không biết con mình đã lớn đến đâu. Thực tế ở tuổi thai này, em bé đã sẵn sàng để chào đời.

Sự phát triển cơ thể thai nhi 38 tuần tuổi

  • Đến tuần thứ 38, bé đạt kích thước gần giống như khi được sinh ra với chiều dài xương đùi khoảng 72 mm và cân nặng khoảng 3,2 kg.
  • Hầu hết tóc tơ, lông tơ, và lớp phủ màu trắng của bé đang biến mất.
  • Sự tăng trưởng chậm lại, nhưng các tế bào mỡ dưới da của bé trở nên căng hơn để chuẩn bị cho cuộc sống bên ngoài tử cung.
  • Thời gian này, bé đang nhận được kháng thể từ mẹ để bảo vệ chống lại bệnh tật.
  • Bây giờ, bé đã có thể hút và nuốt nước ối, vì vậy chất thải đã tích tụ trong ruột. Các tế bào từ ruột, tế bào da chết và lông tơ là một số sản phẩm thải tạo ra phân su của bé, một chất màu xanh đen.
  • Chức năng hệ thần kinh được tăng cường, nhịp tim được điều tiết, các cơ quan chức năng hoàn thiện để thực hiện việc bú của bé sau này.
  • Nếu là một bé trai, lúc này, tinh hoàn bé đã rơi vào bìu, trừ khi có tình trạng gọi là tinh hoàn không di chuyển. Còn nếu là bé gái, môi âm hộ giờ đã hoàn toàn phát triển.

Cơ thể mẹ thay đổi thế nào khi mang thai ở tuần 38?

  • Mẹ có thể nhận thấy rằng việc tăng cân của mình đã chậm hoặc dừng lại.
  • Mẹ cảm thấy sa bụng, tăng áp lực lên bàng quang, và muốn đi tiểu thường xuyên hơn.
  • Gần đến ngày sinh hoặc trong khi chuyển dạ, thông thường thai nhi nằm dọc tử cung (chiều của thai), đầu xuống dưới (ngôi thai), chỏm cúi gập vào cổ (mức độ cúi của thai), chẩm nằm về phía trước trong tiểu khung (kiểu thế). 

Có khoảng 5% các trường hợp vị trí thai không theo hình thái thông thường và được gọi là ngôi thai bất thường. Ngôi thai bất thường đi kèm theo việc tăng nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Vì vậy mẹ cần được bác sĩ kiểm tra thường xuyên hơn, sớm phát hiện nếu có bất thường để đưa ra phương án chào đón con an toàn nhất.

Khi thai nhi 38 tuần tuổi, bé đã đủ tháng và có thể “đòi ra” bất kì khi nào nên mẹ cần biết một số dấu hiệu của việc chuyển dạ, đặc biệt là cơn co tử cung.

  • Khác với những cơn co tử cung trong lúc mang thai (Braxton Hics), cơn co tử cung lúc chuyển dạ tăng dần về cường độ, số lần xuất hiện và độ dài mỗi cơn co.
  • Khi bắt đầu, cơn co tử cung thưa, khoảng cách giữa 2 cơn là 10-15 phút, sau đó ngắn dần còn 2-3 phút. Đến khi cổ tử cung mở hết, cứ 2 phút có 1 cơn co, cơn co mạnh hơn.

Lúc này, con đã sẵn sàng chào đời rồi, mẹ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất nhé!

(ICondom chuyển ngữ từ Webmd – Kidshealth)