Rate this post

Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài 9 tháng 10 ngày, đây là thời gian cần thiết để em bé phát triển đầy đủ và toàn diện nhất. Tuy nhiên, không phải em bé nào cũng may mắn ở trong bụng mẹ đủ lâu, vì một lí do nào đó mà bé phải chào đời sớm hơn các bạn đồng lứa khác. Vậy trẻ sinh non khác gì so với trẻ sinh đủ tháng và bố mẹ phải chăm sóc một đứa trẻ sinh non như thế nào?

Khi nào được coi là trẻ sinh non?

Một thai kỳ bình thường sẽ kéo dài từ 38 đến 42 tuần và trung bình chị em sẽ hạ sinh bé vào tuần thứ 40. Trường hợp trẻ sinh ra khi thời gian ở trong bụng mẹ nhỏ hơn 37 tuần tuổi được gọi là trẻ sinh non.

Có khoảng 80% các bé sinh non chào đời ở khoảng 32-36 tuần thai. Tuổi thai được tính từ ngày đầu tiên của chu kì kinh nguyệt gần nhất.

Thống kê trên toàn thế giới hiện nay, sinh non chính là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và tỉ lệ sinh non đang ngày càng gia tăng. Ngoài thời  gian phát triển trong bụng mẹ bị rút ngắn, trẻ sinh non khác gì so với trẻ sinh đủ tháng?

Trẻ sinh non và những thiệt thòi về mặt sức khoẻ

Có ý kiến cho rằng trẻ sinh non phải đối mặt với nhiều nguy cơ sức khoẻ hơn. Tuy nhiên không thể khẳng định ý kiến trên đúng với mọi bé sinh non tháng, mỗi bé là một cá thể riêng biệt và duy nhất, không thể chắc chắn được các bé sinh non đều có nguy cơ sức khỏe như nhau.

Song một sự thật là các trẻ sinh càng non tháng và hình hài càng nhỏ bé thì càng có nguy cơ cao về sức khỏe. Có rất nhiều bằng chứng từ nhiều cuộc nghiên cứu lớn trên thế giới với đối tượng chính là các trẻ sinh non. Các nguy cơ sức khỏe về bệnh bại não, những khó khăn trong học tập, giao tiếp, các vấn đề hành vi và bất thường hệ hô hấp đã được ghi nhận gặp ở trẻ sinh non cao hơn hẳn so với trẻ sinh đủ tháng.

Thai nhi ở trong bụng mẹ càng lâu, càng đủ tuần tuổi thì cơ thể trẻ càng hoàn thiện hơn, nền tảng sức khỏe của trẻ cũng dần dần hoàn chỉnh nhất.

Những vấn đề sức khỏe mà trẻ sinh non gặp phải ngay khi chào đời

  • Phần lớn trẻ sinh non có vấn đề về cơ quan hô hấp khi được sinh ra do phổi vẫn chưa đủ thời gian phát triển hoàn thiện. Trẻ sinh non không tự thở có thể phải đặt ống thông khí hoặc cho trẻ nối với máy thở dành cho trẻ sinh non, thậm chí một số ít trẻ vẫn cần cung cấp oxy sau khi đã ra viện về nhà. Tuy nhiên, bố mẹ đừng quá lo lắng, số đông trẻ sinh non có thể tự thở được sau khi vượt qua khoảng thời gian chăm sóc đặc biệt tại phòng sơ sinh.
  • Vấn đề về tim và cần phải phẫu thuật cũng là một trong những rủi ro mà trẻ sinh non có thể gặp phải ngay khi chào đời.
  • Trong những ngày đầu sau khi ra đời, các bác sĩ phải theo dõi hết sức cẩn thận các em bé sinh non, bởi vì chúng thường bị xuất huyết não, mắc các nhiễm trùng nghiêm trọng và các vấn đề đường ruột.
  • Theo dõi y tế là bắt buộc đối với trẻ sinh non để phát hiện kịp thời những dấu hiệu bệnh tật. Đôi khi một số vấn đề sức khỏe về bệnh lý hô hấp, sự phát triển não bộ, khả năng nghe nói, đọc hiểu của trẻ cũng là một trong những điều mà bác sĩ không thể nói chắc cho bố mẹ của trẻ sinh non. Điều này khiến các gia đình phải trải qua những khoảng thời gian lo lắng cho đến khi trẻ phát triển bình thường so với các trẻ đủ tháng.

Chăm sóc trẻ sinh non tại nhà

  • Trẻ sinh non tháng thường sẽ trải qua những tuần tiên sau khi chào đầu đời trại khoa chăm sóc sơ sinh đặc biệt ở bệnh viện. Trẻ chỉ được về nhà khi đã đủ cứng cáp, có khả năng tự thở và tự bú được. Tuy nhiên, chăm sóc trẻ sinh non tại nhà cũng đòi hỏi bố mẹ phải trang bị cho mình những kỹ năng và kiến thức đặc biệt, điều này sẽ được bác sĩ và nữ hộ sinh hướng dẫn trước khi bố mẹ đón con xuất viện.
  • Phòng ở của trẻ sinh non cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, không khí trong lành và thoáng mát.
  • Trẻ sinh non chưa hoàn thiện khả năng biểu hiện cơn đói của con so với trẻ đủ tháng. Bên cạnh đó, trẻ thường ngủ nhiều trong những tháng đầu, 18-20 tiếng/ngày, mẹ cần đánh thức trẻ dậy để cho ăn thường xuyên, có thể lên đến 8 lần bú một ngày, không để trẻ đói quá 4 giờ. Mỗi bữa chỉ nên cho ăn một lượng nhỏ, tránh nôn trớ. Bế vác hoặc bế trẻ ngồi dựng ở tư thế thích hợp, vuốt dọc sống lưng hoặc vỗ nhẹ cho đến khi trẻ ợ để phòng tránh nôn trớ sau khi ăn. Trẻ sinh non cần được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ ngay khi trẻ chào đời.

Đảm bảo thân nhiệt cho trẻ sinh non

  • Cho trẻ mặc quần áo nhiều hơn thời tiết hàng ngày 1 lớp.
  • Luôn luôn giữ ấm bàn chân cho trẻ, sờ vào chân trẻ phải luôn ấm áp.
  • Sau khi tắm cần chuẩn bị khăn tắm và quần áo đã được sấy ấm để mặc cho trẻ ngay lập tức. Mát-xa cho trẻ sau khi tắm.

Bảo vệ trẻ sinh non khỏi các tác nhân gây bệnh:

  • Hạn chế việc cho người lạ bế ẵm, tiếp xúc với trẻ sinh non cho đến khi trẻ đủ khỏe mạnh.
  • Không đưa trẻ đến những nơi đông người (khu vui chơi giải trí, công viên…)
  • Cần phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng trước khi bế, cho ăn hoặc vệ sinh cho trẻ.

Ngoài ra:

  • Bố mẹ nên trò chuyện và chơi với trẻ thường xuyên, vào lúc mà trẻ thức.
  • Bố mẹ có thể tập cho trẻ nghe những bản nhạc êm dịu.
  • Có thể cho trẻ sinh non tắm nắng khi được bác sĩ cho phép, tắm nắng từ 1-2 lần/tuần, khi trẻ cứng cáp hơn có thể cho trẻ tắm nắng thường xuyên.
  • Bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng cho trẻ khi đã đạt đủ cân nặng cho phép.

Tốc độ phát triển tiêu chuẩn của trẻ sinh non

Theo hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non của WHO, theo dõi tốc độ tăng cân của trẻ sinh non nên đạt tối thiểu như sau:

  • Tăng 20g mỗi ngày từ khi sinh đến khi trẻ được 32 tuần (tính theo tuần thai), tương đương 150-200g/tuần.
  • Tăng 25g mỗi ngày khi trẻ từ 33 – 36 tuần (tính theo tuần thai), tương đương 200-250g/tuần.
  • Tăng 30g mỗi ngày khi trẻ được 37 – 40 tuần (tính theo tuần thai), tương đương 250-300g/tuần.