5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh tiểu đường là một trong những căn bệnh khá phổ biến và đang có xu hướng tăng cao trong những năm gần đây. Với diễn biến khó lường cũng như các hậu quả mà căn bệnh này gây ra, bạn nên chú ý đến những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời. 

1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường (hay còn gọi là bệnh đái tháo đường) là một triệu chứng bệnh lý liên quan đến rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể, trong đó nồng độ glucose máu luôn tăng cao trên mức bình thường và có glucose xuất hiện trong nước tiểu.

Dựa vào đặc điểm và diễn tiến mà bệnh tiểu đường được chia ra làm 4 loại: tiểu đường type 1 (tiểu đường thể phụ thuộc insulin) , tiểu đường type 2 (tiểu đường thể béo), tiểu đường thứ phát và tiểu đường thai kỳ.  

Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước có nguy cơ cao về bệnh đái tháo đường với tỷ lệ người mắc là 4% và tỉ lệ tiền đái tháo đường là 10%. Con số này vẫn đang tăng lên 8-10% mỗi năm, điều này khiến nước ta trở thành quốc gia có sự gia tăng số người bị tiểu đường nhanh nhất thế giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân chủ yếu là do nồng độ hormon insulin không ổn định, vì vậy giảm khả năng dự trữ đường. Lượng đường trong máu tăng quá mức sẽ đào thải qua đường nước tiểu gây ra tiểu đường. 

2.1 Đái tháo đường type 1

Với tiểu đường type 1 hay còn gọi là tiểu đường thể phụ thuộc insulin, tuyến tụy của cơ thể sẽ không tiết ra được hoặc tiết ra insulin không đủ để chuyển hóa glucose, từ đó dẫn đến tăng glucose máu. Type đái tháo đường này có thể xảy ra ở tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ.

2.2 Đái tháo đường type 2

Với tiểu đường type 2, tuyến tụy của cơ thể vẫn tiết insulin bình thường, tuy vậy có thể do một vài nguyên nhân mà cơ thể không đáp ứng với insulin nên glucose sẽ không được chuyển hóa. Type đái tháo đường này thường xảy ra ở người già hoặc người mắc các chứng bệnh như béo phì khi các cơ quan của cơ thể bắt đầu suy yếu về chức năng. 

2.3 Đái tháo đường thai kỳ

Với tiểu đường thai kỳ, vì sự thay đổi các hoocmon mà có thể khiến glucose xuất hiện trong nước tiểu ở dạng vết. Thông thường, loại đái tháo đường này sẽ kết thúc sau khi sinh.

3. Triệu chứng của bệnh tiểu đường

Với thể nhẹ, chúng ta có thể rất dễ bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn cần chú ý những triệu chứng sau đây để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

3.1 Đái tháo đường type 1

  • Thường xuyên có cảm giác đói và mệt mỏi: Mặc dù lượng đường trong máu tăng, cơ thể bạn lại không đủ insulin để chuyển hóa và hấp thụ chúng. Vì vậy, năng lượng tạo ra cung cấp cho cơ thể sẽ ít đi, khiến bạn luôn có cảm giác mệt mỏi và đói bụng.
  • Tiểu nhiều: Vì lượng đường thừa ra quá mức tái hấp thu của thận nên sẽ bị thải ra trong nước tiểu. Điều này khiến nước tiểu trở nên đặc hơn nên sẽ kéo nước ra cùng. Kết quả là bệnh nhân sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày
  • Thường xuyên khát nước: Đây chính là hậu quả kèm theo của việc tiểu nhiều. Cơ thể mất nước sẽ tác động lên trung tâm não bộ gây ra cảm giác khát và bệnh nhân sẽ uống nước nhiều hơn

Da khô: Cơ thể mất nước quá nhiều sẽ khiến độ ẩm của lớp biểu bì da giảm xuống. Điều này chính là nguyên gây ngứa và khô da

  • Sút cân nhiều: Vì glucose không thể chuyển hóa thành năng lượng cung cấp cho cơ thể nên hiện tượng thiếu chất dinh dưỡng xảy ra sẽ gây nên sụt cân nhiều. 
  • Thị lực giảm: Việc mất nước sẽ khiến mắt bạn trở nên khô, tròng kính sưng lên và thị lực giảm. 

3.2 Đái tháo đường type 2

Các triệu chứng của đái tháo đường type 2 thường khởi phát âm thầm hơn với những dấu hiệu khó nhận biết. 

  • Nhiễm trùng nấm: Nấm men rất ưa môi trường chứa glucose, vì vậy bệnh những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường sẽ là môi trường lý tưởng để nấm men sinh sống. Bệnh nhân có thể bị nhiễm nấm ở các nếp gấp của da, ngón tay hay xung quanh cơ quan sinh dục.
  • Các vết thương khó lành: Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến các chức năng khác của cơ thể. Máu và huyết thanh sẽ bị thay đổi tính chất, từ đó các vết thương hoặc vết loét chảy máu sẽ lâu lành hơn.

Đau và tê các chi: Ảnh hưởng thần kinh trong tiểu đường rất dễ dẫn đến cảm giác đau hoặc tê các đầu ngón tay và chân.

3.3 Đái tháo đường thai kỳ

Các triệu chứng của thai phụ sẽ không quá rõ ràng. Bạn có thể cảm thấy khát nước và đi tiểu thường xuyên hơn. Lượng đường trong máu cao thường sẽ chỉ phát hiện khi làm nghiệm pháp 3 mẫu glucose khi thai 28 tuần tuổi.  

4. Đối tượng nguy cơ và phương pháp chẩn đoán

Bệnh tiểu đường có thể xảy ra với tất cả mọi người và không có ngoại lệ nào trong giới tính hay tuổi tác. Vì vậy, nếu cảm thấy cơ thể có các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị.

Hiện nay, bệnh đái tháo đường có thể được chẩn đoán bằng 4 nghiệm pháp như sau:

  • HbA1C: Nghiệm pháp này sẽ không yêu cầu bạn nhịn ăn hay nhịn uống trước khi kiểm tra và sẽ có giá trị chẩn đoán trong vòng 2 đến 3 tháng. Bình thường HbA1C đạt giá trị từ 4-6% trong hemoglobin, cao hơn có thể là dấu hiệu của tiểu đường
  • Đường huyết lúc đói: Bạn sẽ phải nhịn ăn tối thiểu 8 giờ trước khi kiểm tra. Giá trị bình thường: glucose < 5.6 mmol/l
  • Dung nạp glucose đường uống: Nghiệm pháp này sẽ được thực hiện sau khi bạn nạp đường vào cơ thể. Giá trị bình thường: glucose < 7.8 mmol/l

Glucose máu bất kỳ: Xét nghiệm này có thể thực hiện bất cứ lúc nào và không cần nhịn ăn. Giá trị bình thường: glucose < 7.8 mmol/l

5. Phương pháp điều trị

Điều trị bệnh tiểu đường bắt buộc phải kết hợp giữa chỉ dẫn của bác sĩ cũng như cân bằng chế độ sinh hoạt của bản thân. Đối với từng type đái tháo đường khác nhau mà sẽ có những cách điều trị riêng, tuy nhiên kiểm soát và điều chỉnh lối sống của mình sẽ là điều cần thiết dù bạn mắc phải type nào. 

Đối với đái tháo đường type 1, bạn bắt buộc phải sử dụng Insulin trong suốt quãng thời gian còn lại, bởi cơ thể bạn không tự sản xuất được hoặc sản xuất Insulin không đủ. Nếu mắc đái tháo đường type 2, hãy thay đổi cách sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống của bản thân. Giảm các loại đồ ngọt hay đồ ăn dầu mỡ, tăng cường các thức ăn chứa chất xơ và thường xuyên tập thể dục sẽ là những cách giúp bệnh của bạn trở nên khả quan hơn.

Kiểm soát chế độ ăn uống chính là điều quan trọng nhất khi điều trị đái tháo đường, vì bạn cần phải ngăn lượng đường trong máu tăng lên quá cao. Các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng sẽ lên phác đồ cho bạn và điều bạn cần làm là tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ. 

Một lời khuyên khi bạn cảm thấy bản thân có những dấu hiệu của bệnh tiểu đường là hãy đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đừng ngần ngại hay chủ quan, loại bệnh này nếu được phát hiện sớm thì sẽ dễ dàng điều trị hơn cũng như tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy đến như xơ vữa động mạch, suy thận, suy gan…

6. Biện pháp phòng ngừa

Để phòng ngừa được bệnh tiểu đường, hãy tự tạo cho bản thân một chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp nhất. Tránh những đồ ăn quá nhiều đường hay đồ ăn nhanh, tăng cường ăn rau và các loại hoa quả, sinh hoạt đúng giờ giấc sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Khi đã bị bệnh, cũng đừng cảm thấy bi quan hay lo lắng. Các bệnh nhân tiểu đường đều có thể sống ổn định và đầy đủ trong quãng thời gian còn lại, chỉ cần bạn sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Hãy chăm chỉ tập thể dục để khiến bản thân khỏe lên mỗi ngày, ngăn ngừa các loại bệnh.

Xem thêm