5/5 - (1 bình chọn)

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc viêm gan B cao trên thế giới. Quá trình tiến triển của bệnh viêm gan B được chia thành 2 giai đoạn là cấp tính và mãn tính. Ở mỗi giai đoạn, ảnh hưởng của bệnh đối cơ thể lại khác nhau.

Do đó, việc phân biệt viêm gan B cấp tính và mãn tính là rất quan trọng để người bệnh có cách điều trị phù hợp, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra, loại virus này còn có tên gọi khác là HBV (Hepatitis B Virus). Bệnh viêm gan B không chỉ ảnh hưởng xấu đến chức năng gan mà còn có thể gây ra các biến chứng vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, virus viêm gan B hiện nay đang là mối đe dọa lớn đến sức khỏe toàn cầu với hơn 2 tỷ người đã bị nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 400 triệu người mắc viêm gan B mãn tính, số ca nhiễm mới mỗi năm lên đến 1,5 triệu ca. Số người nhiễm virus viêm gan B ở Việt Nam chiếm khoảng 20% tổng dân số.

Cách phân biệt viêm gan B cấp tính và mãn tính

Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính là giai đoạn kéo dài trong khoảng 6 tháng kể từ khi cơ thể bắt đầu bị nhiễm virus viêm gan B. Có đến 90% số người bị nhiễm virus viêm gan B vượt qua được giai đoạn này và cơ thể của họ sẽ sản sinh ra kháng thể viêm gan B, giúp cơ thể chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B trong quãng đời còn lại.

Các triệu chứng của viêm gan B cấp tính xuất hiện không quá rõ rệt và thường xuyên nên nhiều người có tâm lý chủ quan hoặc nhầm lẫn với triệu chứng của bệnh khác. Người mắc viêm gan B cấp tính đôi khi cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, ăn không ngon do chức năng gan bị suy giảm gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Một số triệu chứng khác có thể kể đến như sốt, cảm cúm, đau tức ở khu vực hạ sườn bên phải, ngoài ra có thể bị nhức khớp.

 Viêm gan B mãn tính

Nếu hệ miễn dịch không thể loại bỏ được virus viêm gan B trong 6 tháng đầu thì bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính. Ở giai đoạn này, virus viêm gan B tiếp tục tồn tại một cách âm thầm trong cơ thể người bệnh, theo thời gian sẽ gây ra các tổn thương cho gan như suy gan, xơ gan, ung thư gan,..

Người nhiễm virus viêm gan B có độ tuổi càng trẻ thì khả năng phát triển từ giai đoạn cấp tính sang mãn tính càng cao. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có đến 80 – 90% trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B trong năm đầu phát triển thành viêm gan B mãn tính, con số này ở trẻ mắc bệnh dưới 6 tuổi là 30 – 50%. Trong khi đó, chỉ có khoảng 10% người trưởng thành bị nhiễm virus viêm gan B trở thành mãn tính.

Phương pháp điều trị viêm gan B cấp tính và mãn tính

Hiện nay chưa có phương pháp điều trị viêm gan B một cách triệt để. Các phương pháp điều trị chủ yếu là để kiểm soát và ức chế sự phát triển của virus viêm gan B nhằm ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Quyết định số 5448/QĐ-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2014 đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể về cách điều trị viêm gan B cấp tính và mãn tính.

Điều trị viêm gan B cấp tính

Quá trình điều trị viêm gan B cấp tính chủ yếu dựa vào các biện pháp hỗ trợ như sau:

  • Ngừng uống rượu bia, đồ uống có cồn, thuốc lá.
  • Trong thời kỳ phát hiện triệu chứng lâm sàng, người bệnh cần nghỉ ngơi tuyệt đối.
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường rau xanh, hoa quả; hạn chế đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng,..
  • Uống đủ nước hàng ngày để tăng cường trao đổi chất và thải độc, thanh lọc cơ thể,..
  • Uống các loại trà có tác dụng giải độc, tăng cường chức năng gan, làm mát gan như: trà lá sen, trà diệp hạ châu, trà atiso, trà hoa cúc,…
  • Tập thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày.
  • Theo dõi và thăm khám sức khỏe thường xuyên.

Điều trị viêm gan B mãn tính

Điều trị bằng cách sử dụng thuốc theo đường uống

Điều trị viêm gan B mãn tính bằng thuốc theo đường uống giúp ức chế sự sao chép của virus viêm gan B, đây là một quá trình lâu dài và người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh tạo ra các chủng virus kháng thuốc.

  • Sử dụng thuốc Tenofovir (TDF) 300mg/ngày hoặc thuốc Entecavir (ETV) 0,5mg/ngày.
  • Người bệnh xơ gan mất bù hoặc phụ nữ mang thai: Lamivudin (LAM) 100mg/ngày.
  • Adefovir (ADV) dùng phối hợp với lamivudine khi xảy ra tình trạng kháng thuốc.

Người bệnh ít gặp tác dụng phụ khi sử dụng các loại thuốc kháng virus đường uống. Các loại thuốc Adefovir và Tenofovir có thể gây hại cho thận nhưng khả năng xảy ra là rất ít.

Điều trị bằng cách sử dụng thuốc theo đường tiêm

Điều trị viêm gan B mãn tính bằng thuốc theo đường tiêm giúp kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt virus và các tế bào đã bị virus xâm nhập. 

  • Sử dụng thuốc Interferon alpha (tiêm dưới da 3-5 lần/tuần)
  • Sử dụng thuốc Peginterferon alpha (tiêm dưới da 1 lần/tuần)

Liệu trình điều trị viêm gan B mãn tính bằng đường tiêm kéo dài từ 6-12 tháng. Trong thời gian điều trị, nếu gặp phải tác dụng phụ của thuốc thì người bệnh phải thông báo ngay với bác sĩ. Thuốc interferon được sử dụng trong các trường hợp sau: phụ nữ bị viêm gan B mãn tính nhưng muốn sinh con, người bị nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D, người bệnh điều trị thất bại với thuốc ức chế sao chép virus đường uống.

Điều trị một số trường hợp đặc biệt

Điều trị viêm gan B mãn tính cho trẻ em

  • ETV cho trẻ ≥ 2 tuổi và cân nặng ≥10kg, liều dùng thay đổi theo cân nặng của trẻ.
  • LAM dùng 1 lần/ngày (trường hợp kháng LAM thì tăng liều ETV lên gấp đôi) ADV (sử dụng cho trẻ ≥12 tuổi).
  • TDF (sử dụng cho trẻ ≥12 tuổi và cân nặng ≥ 35kg).
  • Interferon alpha (sử dụng cho trẻ >12 tháng tuổi).

Điều trị viêm gan B mãn tính cho phụ nữ mang thai: 

  • Phụ nữ đang mang thai thì phát hiện mắc viêm gan B mạn tính: Nếu có thể trì hoãn điều trị thì trì hoãn và kết hợp theo dõi chặt chẽ các triệu chứng lâm sàng, nếu phải điều trị thì dùng thuốc TDF.
  • Phụ nữ muốn có thai nhưng đang điều trị viêm gan B mãn tính: Nếu đang sử dụng thuốc ETV thì ngừng sử dụng trước khi có thai 2 tháng, chuyển sang dùng thuốc TDF.
  • Phụ nữ đang điều trị viêm gan B mãn tính thì mang thai: Dùng thuốc TDF, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể dùng thuốc TDF hoặc LAM.

Điều trị viêm gan B mãn tính cho người có bệnh lý xơ gan mất bù:

  • Chống chỉ định dùng interferon.
  • Điều trị càng sớm càng tốt.
  • Lựa chọn dùng 1 trong 2 loại thuốc ETV hoặc TDF.
  • Theo dõi chức năng thận, acid lactic máu.

Cách phòng ngừa viêm gan B cấp tính và mãn tính

Bệnh viêm gan B dù ở giai đoạn cấp tính hay mãn tính thì đều do virus viêm gan B gây ra. Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B là phương pháp phòng tránh hiệu quả nhất. Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng bệnh viêm gan B, sau đó là liều thứ 2, thứ 3 với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu 4 tuần, nên tiêm vắc xin nhắc lại sau 1 năm, 5 năm.

Người trưởng thành cũng nên tiêm vắc xin phòng bệnh; sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm; không dùng chung bơm kim tiêm; không tiếp xúc trực tiếp với máu, vết thương hở, dịch tiết của người khác nếu không có dụng cụ bảo vệ; không xăm hình, làm răng, châm cứu, xăm môi, xăm chân mày,… tại những cơ sở không đảm bảo uy tín, an toàn; không dùng chung bàn chải đánh răng, dao cạo râu,… với người khác.

Xem thêm