5/5 - (1 bình chọn)

Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý về xương khớp thường thấy hiện nay. Vậy, bị thoái hóa khớp gối thì nên tập gì? Liệu bệnh nhân thoái hóa khớp gối có vận động như bình thường được không? Hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay câu trả lời cũng như điểm qua một vài bài tập thể dục hiệu quả mà những người thoái hóa khớp gối không nên bỏ qua.

Bệnh nhân thoái hóa khớp gối có nên tập thể dục? 

Khớp gối là một trong những khớp hoạt dịch quan trọng nhất của cơ thể, không chỉ chịu toàn bộ áp lực của phần chi dưới mà còn là nơi điều khiển rất nhiều hoạt động quan trọng của cơ thể như gấp, xoay, dạng… đùi. Chính vì tần suất hoạt động nhiều như vậy, khớp gối rất dễ bị tổn thương bởi nhiều nguyên nhân tác động, trong đó căn bệnh phổ biến nhất ở vùng khớp gối này chính là thoái hóa.

Thoái hóa khớp gối được hiểu là những tổn thương về sụn khớp, cụ thể là sụn chêm ngoài và sụn chêm trong. Những sụn chêm này rất dễ bị tổn thương do hoạt động mạnh hoặc các tác động từ bên ngoài nhưng lại có mạch máu nuôi dưỡng kém, vì vậy rất khó để những tổn thương có thể lành lại hoàn toàn. Theo thời gian, sự phát triển của các tổn thương viêm sụn sẽ ảnh hưởng đến bề mặt khớp, gây sự lắng đọng quá mức canxi đồng thời xuất hiện các gai khớp và gây biến dạng khớp nặng nề. Tuy là một bệnh lý có diễn tiến mạn tính và không có các triệu chứng quá nặng nề, thoái hóa khớp gối vẫn có khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cũng như tác động đến việc đi đứng và hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. 

Nguyên nhân gây ra bệnh lý thoái hóa khớp gối vô cùng đa dạng, có thể xuất phát từ việc hoạt động quá mạnh hoặc chấn thương trực tiếp từ bên ngoài. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác như suy dinh dưỡng, thiếu canxi… trong thời gian dài cũng có khả năng dẫn đến bệnh lý thoái hóa này. Vì vậy, chú trọng vào chế độ ăn uống, sinh hoạt của bản thân cũng như cẩn thận trong việc đi lại và các hoạt động chi dưới cũng vô cùng cần thiết. Một lưu ý cho mọi người là không nên duỗi gối quá mạnh khi cẳng chân đang ở tư thế xoay trong hoặc xoay ngoài vì điều này sẽ rất dễ khiến sụn khớp bị tổn thương và làm bệnh càng thêm trầm trọng. 

Vậy, bệnh thoái hóa khớp gối có thể vận động và tập thể dục được không? Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? ICondom sẽ mang đến câu trả lời cho bạn ở ngay dưới đây.

Liệu bệnh nhân thoái hóa khớp gối có thể tập luyện thể dục không? 

Rất nhiều người bệnh nhân thoái hóa khớp gối thắc mắc bị thoái hóa khớp gối thì nên tập gì và liệu tập thể dục có khiến bệnh lý này trầm trọng thêm hay không? Trên thực tế, việc vận động và tập thể dục thường xuyên không chỉ nên làm mà còn vô cùng quan trọng đối với các bệnh nhân thoái hóa khớp gối nói riêng và bị các bệnh liên quan đến xương khớp nói chung. 

Tập thể dục là một trong những biện pháp tối ưu nhất để giảm một số bệnh lý về khớp như khô khớp hay khớp co cứng. Ngoài ra, vận động còn giúp khớp gối trở nên bền bỉ và dẻo dai hơn, từ đó chống chịu tốt hơn với các tác động đến từ môi trường cũng như tăng sức chịu đựng trước các hoạt động thường xuyên của cơ thể. Tập thể dục đều đặn sẽ giúp hệ miễn dịch của bạn trở nên khỏe hơn, từ đó tăng cường các hoạt động chuyển hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Lượng máu và oxy đến các khớp nhiều hơn sẽ giúp nuôi dưỡng khớp hiệu quả, giúp quá trình hồi phục khớp bị thoái hóa nhanh hơn.

Bên cạnh đó, tập thể dục đều đặn còn giúp tăng sức mạnh cơ bắp – nơi bảo vệ sự toàn vẹn cũng như giúp các khớp chống chịu nhiều tác động từ môi trường. Vì vậy, chẳng có gì nghi ngờ khi những người có sự phát triển mạnh về cơ bắp sẽ ít mắc các bệnh liên quan đến xương khớp, đặc biệt là thoái hóa khớp gối.

Để giúp cho khớp gối thực hiện được đầy đủ chức năng của mình, bên cạnh các sụn chêm còn có sự hỗ trợ của nhiều loại dây chằng như dây chằng bên, dây chằng sau, dây chằng trước, dây chằng chéo cũng như các bao khớp và bao hoạt dịch. Việc tập luyện thường xuyên sẽ giúp tăng sức mạnh và độ bền bỉ của những bộ phận này, từ đó không chỉ giúp khớp gối hoạt động hiệu quả hơn mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh lý và biến chứng nguy hiểm, trong đó có thoái hóa khớp gối.

Tuy vậy, các bệnh nhân thoái hóa khớp gối cũng cần chọn lựa kỹ càng các bài tập phù hợp để không khiến bệnh tình của mình trở nên nặng nề hơn. Tránh những bài tập quá nặng hoặc tạo nhiều sức ép lên phần chi dưới, sử dụng các chương trình tập luyện nhẹ nhàng nhưng hiệu quả mới là biện pháp tối ưu. Ngoài ra, hãy tạo cho mình một kế hoạch tập luyện cụ thể. Đừng tập quá nhiều thời gian trong một lần mà hãy chia ra thành nhiều hiệp tập ngắn, mỗi hiệp chỉ từ 5-10 phút để không tạo áp lực cho khớp gối cũng như tăng động lực tập luyện thường xuyên và đều đặn mỗi ngày.

5 bài tập không nên bỏ qua cho người bị bệnh thoái hóa khớp gối

Để trả lời cho thắc mắc bị thoái hóa khớp gối nên tập gì hiệu quả, dưới đây là top 5 bài tập thể dục chi dưới nhẹ nhàng và phù hợp nhất dành cho những bệnh nhân thoái hóa khớp gối nói riêng và mắc các bệnh lý tổn thương chi dưới nói chung. 

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? Động tác ôm gối

Bài tập ôm gối là một trong những động tác vô cùng phù hợp dành cho những bệnh nhân đang gặp tổn thương ở vị trí này, vì nó tác động trực tiếp lên vùng khớp gối, sụn và dây chằng, từ đó giúp khớp trở nên dẻo dai và bền bỉ hơn, đồng thời tăng lượng máu nuôi dưỡng đến vùng này. 

Để thực hiện động tác ôm gối, bạn lần lượt làm theo các bước sau đây: 

  • Tư thế khởi động: nằm thẳng trên thảm tập hoặc sàn nhà, hai chân chụm lại với nhau, hai tay để thoải mái bên mình. 
  • Tiếp theo, từ từ đưa hai tay và chân trái lên sau đó dùng hai tay ôm lấy chân, ép cho chân cong sát về phía ngực và kéo căng chân nhất có thể.  Giữ tư thế này trong vòng từ 15-30 giây tùy theo nhu cầu, sau đó quay về tư thế khởi động. 
  • Làm tương tự với bên chân còn lại và có thể thực hiện khoảng 10-20 lần trong một lần tập. 

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? Động tác duỗi thẳng chân

Nếu bạn đang tìm kiếm một bài tập để thư giãn khớp gối và các cơ vùng đùi thì hãy thực hiện động tác duỗi thẳng chân. Không chỉ có tác dụng giảm co cứng khớp hay khô khớp, động tác này còn giúp vị trí đầu gối được thả lỏng, giảm áp lực nên cũng tránh được nhiều thương tổn liên quan. 

Để thực hiện động tác duỗi thẳng chân, bạn làm theo các bước sau đây: 

  • Tư thế khởi động: nằm thẳng trên thảm tập hoặc sàn nhà, hai chân chụm lại với nhau, hai tay để thoải mái bên mình. 
  • Vẫn giữ nguyên tư thế tay, chân trái để thẳng và nhấc lên từ từ cho đến khi tạo thành một góc 90 độ so với mặt đất hoặc kéo căng đến mức cao nhất của cơ thể. Giữ ở tư thế này trong khoảng 10-15 giây. 
  • Sau đó, hạ từ từ chân trái xuống và thực hiện lặp lại với chân bên kia. Tập khoảng 10-15 lần cho mỗi lượt. 

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? Động tác nâng chân nghiêng

Nâng chân nghiêng không chỉ có tác dụng giảm đau nhức cho các bệnh nhân thoái hóa khớp gối mà còn có khả năng tăng sức mạnh cho các cơ vùng hông và đùi, từ đó giúp khớp gối giảm áp lực khi vận động. 

Để thực hiện động tác nâng chân nghiêng, bạn lần lượt làm như sau:

  • Tư thế khởi động: nằm nghiêng trên thảm tập hoặc sàn nhà, một tay co lại kê dưới đầu, một tay duỗi thẳng dọc theo người. 
  • Giữ nguyên tư thế tay và từ từ nâng chân lên theo phương thẳng đứng, kéo căng chân nhất có thể và giữ nguyên trong khoảng 10 giây. 
  • Hạ chân xuống và thực hiện lặp lại động tác này trong khoảng 10 lần cho mỗi hiệp. 
  • Sau đó, đổi bên nằm và thực hiện lại với chân bên kia. 

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? Động tác ngồi trên ghế vô hình

Đây là bài tập tăng sức mạnh cho khớp gối vô cùng hiệu quả. Nếu bạn là bệnh nhân thoái hóa khớp gối nặng và bị đau thường xuyên, có thể tập với thời gian ngắn hơn để không gây ra phản ứng ngược. 

Để thực hiện động tác vô hình, bạn lần lượt làm như sau: 

  • Tư thế khởi động: đứng thẳng dựa vào tường sao cho 3 điểm đầu, vai và mông thẳng hàng. 
  • Từ từ hạ thấp đầu gối cho đến khi tạo thành góc 90 độ so với mặt đất, tư thế giống như bạn đang ngồi trên một chiếc ghế bình thường, giữ nguyên trong khoảng 15-20 giây hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu của cơ thể. 
  • Thực hiện lặp lại động tác khoảng 3 lần cho mỗi lượt. Tăng dần độ khó khi cơ thể đã quen với động tác. 

Bị thoái hóa khớp gối nên tập gì? Động tác nâng chân sấp

Bài tập nâng chân sấp sẽ giúp bạn tăng sức mạnh của các cơ vùng đùi cũng như giảm bớt áp lực cho phần khớp gối. Để thực hiện động tác nâng chân sấp, bạn lần lượt làm như sau:

  • Tư thế khởi động: nằm sấp trên thảm tập hoặc sàn nhà, chân để thẳng, tay gối dưới đầu. 
  • Từ từ nâng một chân lên khoảng 30 độ so với sàn nhà, kéo căng hết sức có thể và giữ ở tư thế này trong vòng 10 giây. 
  • Hạ chân xuống và thực hiện tương tự với bên còn lại khoảng 10 -15 lần cho mỗi hiệp tập.

Trên đây là một số thông tin để trả lời cho câu hỏi bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối có luyện tập thể dục được không và bị thoái hóa khớp gối nên tập gì.

Xem thêm