Hiểu rõ các nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa là gì sẽ giúp người bệnh tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả, triệt để. Vậy căn bệnh này bắt nguồn từ đâu? Hãy cùng tìm hiểu qua một số thông tin dưới đây.
Thông tin về bệnh đau thần kinh tọa
Đau dây thần kinh tọa là bệnh lý xương khớp khiến người mắc có cảm giác nóng rát, đau nhức, tê cứng mỏi cơ, ngứa râm ran từ thắt lưng xuống mông hoặc đau dọc xuống mặt sau cẳng chân.
Các triệu chứng của đau dây thần kinh tọa có thể trầm trọng hơn khi người bệnh cúi người, ngồi lâu, đi lại hoặc thậm chí đau ngay khi ho, hắt hơi. Các cơn đau có thể đỡ hơn khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, kịp thời, tình trạng đau dây thần kinh tọa sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đau dây thần kinh tọa, trong đó phổ biến nhất phải kể tới:
Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
Những người thoát vị đĩa đệm thắt lưng cũng có thể bị đau dây thần kinh tọa. Căn bệnh này do chất nhầy đĩa đệm bị lệch ra khỏi vị trí hoặc mòn dần theo thời gian. Kết quả là các khớp xương chèn ép lên dây thần kinh, gây ra các cơn đau nhức khó chịu.
Ở Việt Nam, tình trạng đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm khá phổ biến, thường gặp ở những người từ 30 – 60 tuổi. Bệnh có xu hướng trẻ hóa dần bởi các thói quen sinh hoạt, làm việc sai tư thế.
Đau dây thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm cần được điều trị sớm, đúng cách nhằm ngăn ngừa các biến chứng. Việc có giải pháp điều trị sớm cũng giúp ngăn ngừa các ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe cũng như khả năng đi lại của người bệnh.
Thoái hóa đĩa đệm
Thoái hóa đĩa đệm thường gặp ở những người cao tuổi. Thông thường, đĩa đệm giúp giảm va chạm giữa các đốt sống và giúp cột sống co giãn linh hoạt khi bạn cúi hoặc vặn lưng. Tuy nhiên, theo thời gian, đĩa đệm bị thoái hóa, khiến các đốt xương va chạm vào nhau, chèn ép lên dây thần kinh gây đau đớn cho người bệnh.
Khu vực đĩa đệm bị thoái hóa, cột sống liên tục xảy ra rung lắc. Quá trình rung lắc liên tục có thể kích thích sự xuất hiện phản ứng viêm, gây tổn thương các dây thần kinh xung quanh đó.
Ngoài ra, thoái hóa cột sống cũng có thể dẫn tới gai xương. Các gai xương chèn ép vào dây thần kinh cũng có thể gây đau dây thần kinh tọa.
Trượt đốt sống do khuyết eo
Đây là tình trạng xương đốt sống bị thiếu hụt một phần, gọi là eo (một đoạn xương nhỏ nối các diện khớp mặt sau cột sống). Tình trạng này khiến đốt sống trên trượt về phía trước so với đốt sống dưới, gây chèn ép lên dây thần kinh.
Phần eo bị thiếu hụt có thể xuất hiện ở một bên hoặc cả hai bên cột sống. Tình trạng thiếu hụt này phổ biến nhất ở đốt sống L5-S1, số ít khác ở đốt L4-L5.
Hẹp ống sống thắt lưng
Hẹp ống sống thắt lưng do quá trình lão hóa tự nhiên của cột sống hoặc phát triển do các gai xương phát triển từ thân đốt sống vào trong ống sống gây chèn ép tủy sống. Căn bệnh này thường gặp ở người trên 60 tuổi.
Hội chứng cơ hình lê
Hội chứng cơ hình lê hay còn được gọi là hội chứng cơ tháp là một rối loạn thần kinh hiếm gặp, xảy ra khi cơ hình lê chèn ép lên dây thần kinh tọa, gây đau dây thần kinh tọa. Vị trí thường gặp nhất là ở chân hoặc lưng.
Hội chứng cơ hình lê khá nghiêm trọng, các cơn đau ở mông và chân do bệnh gây ra có thể khiến người bệnh không di chuyển được. Ngoài ra, người bệnh cũng gặp khó khăn khi thực hiện các công việc hàng ngày như lái xe, làm việc nhà, ngồi trước máy tính….
Viêm khớp cùng chậu
Viêm khớp cùng chậu xuất hiện khi 2 khớp cùng chậu bị viêm. Các khớp này làm nhiệm vụ nối liền xương cùng cụt dưới cột sống thắt lưng và phía sau 2 xương cánh chậu. Khi bệnh lan rộng, nó có thể làm dây thần kinh tọa bị tổn thương, thậm chí gây teo cơ đùi, mông.
Đau dây thần kinh tọa do viêm khớp cùng chậu thường xuất hiện ở nữ giới, chủ yếu là những người mang thai và sau sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc viêm khớp cùng chậu ở nam giới hiện nay cũng đang có xu hướng gia tăng đáng kể và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Bên cạnh các nguyên nhân phổ biến trên, đau dây thần kinh tọa có thể bắt nguồn từ các lý do như chấn thương, viêm cột sống dính khớp, khối u cột sống, do bệnh mãn tính, nhiễm trùng, mô sẹo chèn ép,…
Bị đau dây thần kinh tọa cần làm gì để cải thiện?
Khi mắc đau dây thần kinh tọa, người bệnh cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh từ đó có biện pháp điều trị phù hợp nhất. Bên cạnh tuân thủ liệu trình, phác đồ do bác sĩ đưa ra, người bệnh cần chú ý một số vấn đề như sau:
- Chủ động phòng bệnh thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt.
- Nên tập các bài tập nhẹ nhàng, không nên tập quá sức nhằm nâng cao thể lực.
- Có thể áp dụng các bài tập tăng cường độ dẻo dai, khỏe mạnh của khối cơ lưng quanh cột sống, cơ bụng, từ đó tăng sự mềm mại của cột sống.
- Tránh gây chấn thương cho cột sống, khi ngã, cần dồn mông xuống đất.
- Hạn chế tối đa rượu bia, thuốc lá, đồng thời giảm cân nếu đang béo phì.
- Khi làm việc phải ngồi lâu, thỉnh thoảng nên đứng lên đi lại, thay đổi tư thế hay tập thể dục giữa giờ.
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau dây thần kinh tọa. Muốn điều trị đạt hiệu quả cao, trước hết cần xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, ngay khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, bạn cũng cần liên hệ sớm với bác sĩ để được tư vấn giải pháp phù hợp nhất với bản thân.
Xem thêm
Be the first to write a comment.