Rate this post

Sỏi gan hay còn gọi là sỏi đường mật trong gan là bệnh lý thường gặp nhiều ở nữ giới hơn ở nam giới và có xu hướng tăng theo tuổi. Đây cũng là một trong các bệnh dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời.

1. Sỏi gan hình thành như thế nào?

Sỏi trong gan thường được hình thành sau khi đường mật bị viêm nhiễm do giun sán, vi khuẩn từ đường ruột tấn công. Thành phần của sỏi có calcium bilirubinate (90%) và cholesterol (10%). Cuộc sống hiện đại, chế độ ăn uống thay đổi theo chiều hướng xấu nên tỉ lệ sỏi gan do cholesterol ngày càng cao: 50% bệnh nhân bị sỏi gan có sỏi trong cả thùy gan trái và thùy gan phải. 50% còn lại số bệnh nhân bị sỏi bên thùy gan trái nhiều gấp 5 lần người bị sỏi bên thùy gan phải.

Sỏi gan là bệnh lý thường gặp, đường mật trong gan giãn và hẹp từng đoạn là nguyên nhân tạo sỏi, tái phát và gây viêm nhiễm cả hệ thống dẫn mật lẫn nhu mô gan.

Một số trường hợp sỏi nằm trong nhu mô gan, muốn lấy sỏi phải cắt gan. Đa số sỏi trong gan là sỏi sắc tố, có trường hợp thấy cả xác giun đũa, thậm chí có khi còn có nhiều sán nhỏ bám chung quanh. Sỏi trong gan được xem là bệnh nặng trong các bệnh của hệ thống gan – mật.

2. Dấu hiệu phát hiện bệnh sỏi gan

Chẩn đoán bệnh dựa vào các triệu chứng lâm sàng, tuy nhiên sỏi gan có thể có triệu chứng hoặc không. Triệu chứng đầu tiên thường gặp là đau dưới hạ sườn phải hoặc thượng vị (do sự di chuyển của sỏi túi mật và sỏi đường mật trong gan). Cơn đau âm ỉ hoặc thành cơn, có thể bị nhầm với đau dạ dày.

Sau đó xuất hiện sốt nóng và rét run, sốt có thể rất cao, kéo dài.

Cuối cùng là vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, phân bạc màu do tắc đường mật.

Ngoài những biểu hiện trên thì xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu có thể thấy bạch cầu tăng cao, dấu hiệu nhiễm trùng. Siêu âm có thể phát hiện được đến 90% trường hợp sỏi gan. Trong những trường hợp khó phải vận dụng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT, MRI, chụp đường mật cản quang xuyên gan qua da hay chụp cản quang tụy mật ngược dòng qua nội soi để phát hiện và đánh giá tình trạng bệnh.

Hầu hết bệnh nhân có chỉ định điều trị ngoại khoa, nhưng những trường hợp sỏi gan đơn thuần hay phối hợp chưa có triệu chứng và do sỏi nhỏ (đường kính dưới 5mm) sẽ được theo dõi thêm vì sỏi có khả năng tự di chuyển xuống tá tràng. Với sỏi có đường kính trên 5mm sẽ được chỉ định mổ, trừ trường hợp sỏi gan đơn thuần nằm ở các vị trí khó lấy sẽ được điều trị bảo tồn.

Có nhiều phương pháp can thiệp phẫu thuật hở hoặc bằng nội soi nhưng mục tiêu cuối cùng là lấy hết sỏi và làm cho đường mật hoàn toàn thông suốt. Ngày nay có nhiều phương pháp cải tiến, ít xâm lấn hơn như lấy sỏi, tán sỏi qua da với sóng điện từ, tia laser, nong đường mật hẹp, đặt nòng.

3. Sỏi gan có nguy hiểm?

Bị sỏi gan kết hợp với tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ làm tổn thương đường mật, gây hẹp, tắc đường mật và ứ mật. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm tổn thương nhu mô gan và gây xơ gan. Một biến chứng nguy hiểm khác là nhiễm trùng có thể lan vào máu gây nhiễm trùng huyết. Là tình huống choáng (sốc) nhiễm trùng, điều trị tốn kém và tỉ lệ tử vong cao.

Sỏi gan thường dễ gây biến chứng hơn so với sỏi tại các vị trí khác trong đường mật, như viêm gan làm dịch mật bị ứ trệ lâu ngày (là điều kiện cho vi khuẩn tấn công) gây viêm gan. Chúng cũng có thể tạo thành các ổ mủ, hình thành nên ổ áp xe gan. Hay xơ gan là biến chứng sau khi gan bị viêm nhiễm, làm tổn thương nhu mô gan.

Tình trạng sỏi kéo dài dẫn đến suy gan hoặc ung thư đường mật trong gan. Có khoảng 3%- 10% các trường hợp mắc sỏi gan bị ung thư đường mật trong gan. Đây là biến chứng nguy hiểm nhất do sỏi gan đem đến, người bệnh thường chỉ sống được vài tháng đến vài năm sau khi phát hiện bệnh.

Nhiễm trùng do sỏi gan cũng có thể khiến người bệnh bị nhiễm trùng huyết – là biến chứng cấp cứu, đặc biệt nghiêm trọng, nếu không xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng.

Các biến chứng do sỏi gan gây ra đều có tác động xấu đến sức khỏe. Phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ giúp làm giảm các triệu chứng, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm do sỏi gây ra.

4. Chữa trị

Điều trị bệnh sỏi gan khó, bởi vì sỏi thường nằm sâu và rải rác trong gan nên chưa có phương pháp nào giải quyết tận gốc. Chưa kể đến việc sỏi làm ứ trệ dịch mật, có thể làm đường mật bị teo hẹp từng đoạn, gây khó khăn trong thực hiện các thủ thuật can thiệp. Nhiều trường hợp cấp cứu trong bệnh cảnh nhiễm khuẩn đường mật có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn (nhiễm khuẩn huyết).

Phương pháp điều trị sẽ căn cứ vào kích thước sỏi và một số các triệu chứng liên quan:

– Với sỏi nhỏ hơn 5mm và không gây biến chứng thì có thể điều trị bảo tồn. Sỏi có thể di chuyển xuống ruột, nhưng tình trạng sỏi cần được theo dõi kiểm tra thường xuyên. Nhằm phát hiện sớm viêm nhiễm đường mật, tắc mật để có thể can thiệp kịp thời tránh biến chứng.

– Với sỏi lớn hơn 5mm sẽ rất khó đi xuống ruột (đường kính của ống mật chủ chỉ khoảng 5mm). Những trường hợp này bác sĩ có thể phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi hay nội soi lấy sỏi đường mật ngược dòng, tán sỏi ngoài cơ thể… Phương pháp này không thực hiện được với người bệnh có bệnh lý về tim mạch hoặc rối loạn đông máu. Tuy nhiên, phẫu thuật không giải quyết nguyên nhân tạo sỏi, nên tỷ lệ tái phát cao (khoảng 50% bệnh nhân bị tái phát sau 5 năm).

Cụ thể:

– Thuốc làm tan sỏi: hầu hết không có tác dụng với sỏi gan (phần lớn là sỏi sắc tố có thành phần chính bilirubin), bởi vì thuốc chỉ có tác dụng với sỏi cholesterol.

– Phẫu thuật nội soi hay nội soi mật tụy ngược dòng: phương pháp này chỉ thích hợp cho người bệnh chưa bị chít hẹp đường mật. Ưu điểm là làm nhanh, ít xâm lấn, giải quyết kịp thời tình trạng ứ trệ dịch mật.

– Phẫu thuật mổ hở lấy sỏi: Được áp dụng nhiều hơn cả do phối hợp được các kỹ thuật hiện đại như lấy sỏi bằng rọ, tán sỏi nội soi, nong và đặt stent đoạn đường mật bị tắc hẹp. Nhưng phương pháp này khó khăn ở chỗ là không thực hiện được cho người bệnh có bệnh lý về tim mạch hoặc rối loạn đông máu.

– Phẫu thuật cắt một phần gan: Đây là giải pháp cuối cùng, khi mà tất cả các phương pháp trên không thể tiến hành hoặc sỏi nằm quá sâu trong nhu mô gan. Một phần của lá gan bị cắt có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sản xuất dịch mật, đào thải độc tố, chuyển hóa glucose… Vì vậy, chỉ những trường hợp nặng bệnh nhân mới được chỉ định điều trị bằng phương pháp này.

5. Dự phòng sỏi tái phát

Sỏi gan hay sỏi đường mật trong gan rất hay tái phát, dễ gây xơ hóa và teo hẹp đường dẫn mật trong gan. Do đó để phòng bị sỏi tái phát sau điều trị bạn cần tránh các nguyên nhân gây nên sỏi:


– Về chế độ ăn uống: Ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần. Ngoài ra, tránh thức ăn có nhiều cholesterol như mỡ, gan, lòng động vật, lòng đỏ trứng gà để phòng bị sỏi cholesterol. Tăng cường ăn rau xanh và các loại hoa quả để tránh bị táo bón (vì táo bón sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho vi khuẩn có hại ở đường ruột phát triển, dễ làm viêm đại tràng, viêm túi mật và ống mật, mật dễ lắng đọng thành sỏi).

– Về chế độ luyện tập: Duy trì việc tập luyện nhẹ nhàng một số môn thể thao như yoga, đi bộ, đi xe đạp, chạy bộ… sẽ giúp tăng vận động đường mật, để dịch mật lưu thông dễ dàng hơn.

Đối với sỏi gan (sỏi đường mật trong gan), muốn phòng cần chú ý nhiều đến việc ăn uống và tập luyện đúng cách. Còn với những người không may đã bị thì cách tốt nhất chính là phát hiện sớm và có các biện pháp can thiệp kịp thời. Hạn chế nguy cơ sỏi gây ra các biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh.