Không phải ngẫu nhiên mà bệnh tiểu đường được mệnh danh là “ kẻ giết người thầm lặng”. Khi tỷ lệ tử vong do bệnh đứng hàng thứ 3 trên thế giới chỉ sau các bệnh tim mạch và ung thư.
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới, bệnh tiểu đường hiện đang ảnh hưởng đến hơn 400 triệu người trên toàn thế giới. Khoảng 90% đến 95% bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh tiểu đường tuýp 2 thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, nhưng do tỷ lệ béo phì ngày càng cao, hiện nay nhiều trẻ em ở tuổi vị thành niên và người trẻ tuổi mắc bệnh. Bạn cũng có thể mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 mà hoàn toàn không biết.
Vậy bệnh tiểu đường tuýp 2 là bệnh gì? Ai có nguy cơ mắc bệnh này? Và khi mắc bệnh có điều trị được không? Hãy theo dõi bài viết dưới đây của ICondom tìm hiểu thêm về căn bệnh này.
Những người béo phì có nguy cơ cao bị tiểu đường tuýp 2
Mối quan hệ giữa bệnh tiểu đường và tiểu đường tuýp 2
Tiểu đường là một bệnh mãn tính, xảy ra khi lượng đường huyết (glucose máu) trong cơ thể tăng cao kèm theo các rối loạn chuyển hóa lipid, protid và glucid, dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng cho cơ thể nếu không được điều trị kịp thời.
Phân loại bệnh tiểu đường theo cơ chế bệnh sinh:
- Tiểu đường tuýp 1
- Tiểu đường tuýp 2
- Tiểu đường thai kì
- Tiểu đường các tuýp không đặc hiệu khác
Bệnh tiểu đường tuýp 2 là gì?
Bệnh tiểu đường tuýp 2 hay còn gọi là bệnh tiểu đường không phụ thuộc insulin, là bệnh tiểu đường phổ biến nhất, thường gặp ở người trưởng thành trên 40 tuổi và người béo phì.
Khi mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, các tế bào trong cơ thể trở nên đề kháng với Insulin (hormone duy trì và kiểm soát đường huyết), và tuyến tụy không thể tạo ra đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này.
Thay vì di chuyển đến các tế bào để tạo ra năng lượng, đường sẽ tích tụ lại trong máu. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở tim, mắt, thận, thần kinh, nướu và răng…
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh tiểu đường tuýp 2?
- Gen, di truyền:
Yếu tố gen, di truyền chiếm 30% những nguy cơ chính gây bệnh đái tháo đường týp 2. Nguy cơ mắc bệnh tăng lên nếu bạn có người trong gia đình hoặc họ hàng mắc bệnh.
- Tuổi tác:
Tỷ lệ mắc bệnh đái đường tuýp 2 tăng theo độ tuổi, tuy nhiên trong những năm gần đây, những người trẻ tuổi thuộc mọi chủng tộc đều có nguy cơ mắc bệnh.
Người da trắng có nguy cơ mắc bệnh khi trên 40 tuổi. Người Châu Á, Châu Phi có nguy cơ phát triển bệnh ở tuổi trẻ hơn.
- Thừa cân, béo phì và lười vận động:
Đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây bệnh tiểu đường tuýp 2. Khi thừa cân và ít vận động, lượng calo dư thừa trong cơ thể sẽ gây tình trạng kháng insulin. Theo thời gian, tuyến tụy suy yếu dần và mất khả năng sản xuất insulin để ổn định lượng đường trong máu.
- Các yếu tố nguy cơ khác:
Tiền đái tháo đường hay triệu chứng giảm dung nạp glucose lúc đói, có thể tiến triển thành bệnh đái tháo đường tuýp 2 nếu bạn không thay đổi lối sống và thăm khám sức khỏe định kỳ.
Phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người bình thường.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2
Bệnh nhân thường ít có triệu chứng và chỉ được phát hiện tình cờ khi đi xét nghiệm máu trước khi mổ hoặc nhập viện vì các biến chứng.
Dưới đây là những triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường:
- Đi tiểu nhiều: thường xuyên đi tiểu hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn người bình thường. Do glucose niệu thẩm thấu làm tăng lượng nước tiểu ở người bệnh.
- Uống nước nhiều: khi lượng đường trong máu tăng lên, kèm theo việc đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước làm kích hoạt trung tâm khát ở vùng hạ đồi, làm cho bệnh nhân luôn có cảm giác khát và uống nước liên tục.
- Cảm thấy đói và ăn nhiều: do cơ thể không thể sử dụng đường để cung cấp năng lượng làm cho bệnh nhân nhanh đói chỉ sau bữa ăn một thời gian ngắn.
- Sụt cân nhanh: dù ăn uống nhiều hơn bình thường, nhưng không sử dụng glucose để tạo năng lượng nên cơ thể buộc phải tăng cường thoái hóa protid và lipid để bù vào làm cho bệnh nhân sụt cân nhanh chóng.
- Ngứa ran hoặc tê bì tay chân: cảm giác như kiến bò hoặc tê ở tay, ngón tay, bàn chân, ngón chân là dấu hiệu tổn thương thần kinh của bệnh tiểu đường, nhẹ có thể tê bì thoáng qua, triệu chứng nặng có thể gây sưng, đau.
- Tổn thương lâu lành: do bệnh tác động đến hệ tuần hoàn và hệ miễn dịch, máu lưu thông khó, làm người bệnh lâu lành các vết thương hoặc nhiễm trùng.
- Nhìn mờ, nhòe, thấy chớp sáng hoặc vật bay qua: do lượng đường trong máu tăng cao gây dịch chuyển thủy tinh thể của mắt, khi lượng đường trong máu trở về mức bình thường hiện tượng này sẽ hết nếu được điều trị sớm.
- Bệnh về da: bị khô, ngứa ở vị trí các nếp gấp của da như ở vùng nách, cổ, bẹn… là một dấu hiệu của sự đề kháng insulin ở bệnh tiểu đường tuýp 2. Bệnh nhân còn dễ bị nhiễm nấm candida và các loại nấm khác.
- Mệt mỏi và cáu gắt: do phải thường xuyên thức giấc và vật lộn để bù lại lượng đường thiếu hụt nên bạn dễ nổi cáu và mệt mỏi.
Phương pháp điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2
Nếu bệnh tiểu đường tuýp 1 bắt buộc phải tiêm insulin suốt đời để duy trì cuộc sống của người bệnh thì bệnh tiểu đường tuýp 2 cũng không ngoại lệ nếu ở mức độ nặng. Và để việc điều trị bệnh hiệu quả, người bệnh cần phải tuân thủ lâu dài những phương pháp sau:
Thường xuyên theo dõi lượng đường huyết
Kiểm soát lượng đường huyết là yêu cầu bắt buộc đối với bệnh nhân bị tiểu đường.Tùy theo chỉ dẫn của bác sĩ, bạn có thể xét nghiệm đường huyết một hay nhiều lần trong ngày để giúp mức đường huyết ổn định.
Theo dõi đường huyết thường xuyên khi bị tiểu đường
Tuân thủ chế độ ăn uống khoa học và hợp lý
Với những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, không cần phải thực hiện chế độ kiêng khem quá mức. Nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau và hoa quả tươi, ít thực phẩm giàu carbohydrate. Những thức ăn giàu chất xơ có chỉ số đường huyết thấp.
Hạn chế thức ăn ngọt và những thức ăn chế biến từ bột, gạo.
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên:
Hoạt động thể lực đều đặn sẽ giúp hạ đường huyết và tốt cho tuyến tụy. Bạn có thể bắt đầu tập nhẹ nhàng ít nhất 30 phút mỗi ngày, sau đó tăng dần cường độ tập luyện và lựa chọn những bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội… Nên ăn nhẹ trước khi tập để tránh hạ tình trạng hạ đường huyết đột ngột nếu bạn đang uống thuốc hạ đường huyết hoặc đang tiêm insulin.
Tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe cho người bệnh tiểu đường
Điều trị bằng thuốc kết hợp
Bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc uống đơn lẻ hoặc kết hợp nhiều loại hoặc tiêm insulin để ổn định đường huyết. Một số thuốc thường dùng:
- Metformin (Glucophage) – giúp gan giảm sản xuất đường.
- Nhóm Sulfonyureas (sulfamid hạ đường huyết) – kích thích tuyến tụy tăng sản xuất và phóng thích insulin.
- Nhóm Acarbose (nhóm ức chế men alphaglucosidase) – ức chế men phân giải carbohydrates và làm giảm lượng đường huyết sau ăn.
- Nhóm thuốc khác: aspirin liều thấp, thuốc hạ huyết áp, giảm lipid máu giúp phòng ngừa biến chứng tim mạch.
- Insulin:
Insulin tác dụng nhanh như: Insulin aspart (NovoLog), Insulin lispro (Humalog)
Insulin tác dụng trung bình như: Insulin L, Insulin N
Insulin tác dụng chậm như: Insulin detemir (Levemir), Insulin glargine (Lantus).
Insulin hỗn hợp.
Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp nào trị dứt điểm bệnh tiểu đường. Do đó, khi có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh, bạn nên nhanh chóng tiến hành thăm khám để được bác sĩ kiểm tra và điều trị bệnh kịp thời.
Bên cạnh việc dùng thuốc điều trị, bệnh nhân nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng và luyện tập hợp lý để kiểm soát lượng đường trong máu và giảm thiểu các biến chứng do bệnh tiểu đường và cải thiện tình trạng sức khỏe.
Be the first to write a comment.