Ung thư thực quản là một trong 4 loại ung thư ung thư tiêu hóa nguy hiểm nhất, đứng sau ung thư dạ dày, ung thư gan và ung thư đại trực tràng. Mỗi năm, có khoảng 300 nghìn người trên thế giới chết do ung thư thực quản, chiếm 2% trong tổng số các căn bệnh ung thư.
Ung thư thực quản là gì?
Ung thư thực quản là loại khối u ác tính xuất hiện từ các tế bào biểu mô của thực quản vùng bụng, cổ, ngực; do các tế bào phân chia không theo cấu trúc cơ thể để tạo nên khối u. Ung thư thực quản phân thành 2 loại chính:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: xuất phát từ tế bào vảy lót niêm mạc thực quản. Loại ung thư này thường gặp ở đoạn 1/3 trên và 1/3 giữa thực quản, là loại ung thư biểu mô vảy nhạy cảm với tia xạ và hóa chất.
- Ung thư biểu mô tế bào tuyến thường biểu hiện ở 1/3 dưới thực quản, ít nhạy cảm với tia xạ và hóa chất hơn.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh ung thư thực quản?
Trước 35 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ung thư thực quản rất thấp. Sau 35 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh tăng dần ở độ tuổi càng cao. Trong đó, độ tuổi từ 60 – 69 có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao hơn nữ giới, gấp 3 – 4 lần do thói quen hút thuốc lá và uống rượu thường xuyên.
Nguyên nhân gây ra ung thư thực quản
Hiện nay, các chuyên gia chưa khẳng định rõ các nguyên nhân gây ra ung thư thực quản. Tuy nhiên, các yếu tố dưới đây có thể tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Trào ngược dạ dày thực quản và trào ngược axit, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư thực quản thì các thành viên khác có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Thường xuyên phải tiếp xúc với các loại hóa chất trong công việc như bụi kim loại, bụi silic và dung dịch kiềm …
- Những bệnh nhân từng điều trị xạ trị vùng đầu hoặc ngực có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình tường
- Thừa cân, béo phì là yếu tố gây nguy cơ mắc ung thư thực quản cao
- Thói quen uống rượu và hút thuốc lá nhiều đều tạo điều kiện để ung thư thực quản “viếng thăm”
- Ăn nhiều thực phẩm cay nóng, đồ nướng, đồ cứng hoặc các món ăn quá thô, các thực phẩm lên men như dưa, cà muối, rau củ ngâm dấm, thịt hun khói, chế độ ăn thiếu vitamin A, C, B2, ăn ít rau quả và chất xơ …
- Thường xuyên sử dụng thực phẩm đóng hộp, đồ chế biến sẵn cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh do Thủ phạm chính là hút chân không trong hộp kim loại, được lót bằng lớp phủ bằng nhựa Bisphenil A, gây ra sự mất cân bằng hormone và biến đổi di truyền.
- Nuốt quá nhanh hoặc nhai không kỹ các thực phẩm có vỏ như tôm cua có vỏ, hải sản, thịt … có thể làm rách hoặc tổn thương thực quản, lâu dần gây ra viêm nhiễm, nổi u và dẫn đến ung thư.
- Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới, uống nước quá nóng trên 65 độ có thể gây tổn thương vòm họng và thúc đẩy khối u phát triển.
- Nhiễm virus HPV ở người: do quan hệ bằng miệng có thể lây truyền virus HPV, gây ra nhiều loại ung thư trong đó có ung thư thực quản.
Triệu chứng của ung thư thực quản
- Nuốt nghẹn: lúc đầu có cảm giác nuốt vướng sau xương ức, là biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Biểu hiện càng rõ khó nuốt thức ăn đặc, thường phải dừng uống nước hoặc nước canh thức ăn mới trôi.
- Tức ngực, khó chịu hoặc đau thắt: kèm triệu chứng khô cổ họng. Bệnh nhân có cảm giác giống như có vật cản gây tức ngực, khó thở nhất là khi nuốt thức ăn.
- Trớ: Dịch trớ lạc vào đường thở gây nên hiện tượng viêm đường hô hấp kéo dài, do khối u cản trở thức ăn, dịch tiết thực quản, nước bọt đọng lại, khi ngủ trớ ra ngoài.
- Sút cân nhanh trên 5 kg trong vòng 1 tháng. Các nếp nhăn trên mặt, bàn tay nổi rõ, da sạm là biểu hiện tình trạng mất nước mạn tính, suy dinh dưỡng và suy kiệt.
- Khó tiêu thường xuyên
- Đau lưng, đau cục bộ quanh vùng ngực.
- Nôn ra máu, ho và ho ra máu
- Chảy nhiều nước bọt kèm hơi thở hôi.
Phương pháp điều trị khi mắc ung thư thực quản
Xét nghiệm chẩn đoán
- Chụp thực quản cản quang: để phát hiện u lồi vào lòng thực quản, nhiễm cứng thành thực quản, ổ loét, xác định vị trí tổn thương của khối u, khối u di căn, mô hoại tử, mô lành để chọn đúng mẫu sinh thiết, hỗ trợ trước khi soi thực quản …
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner): đánh giá mức độ lan rộng của u ở thành thực quản và sự xâm lấn vào tổ chức xung quanh thực quản và trung thất, đánh giá khả năng cắt bỏ được thực quản hay không, phát hiện hạch to để phân loại ung thư.
- Nội soi sinh thiết u: Nội soi thực quản phát hiện vị trí, kích thước khối u, độ lan rộng của khối u trong long thực quản. Sinh thiết bờ tổn thương để chẩn đoán giải phẫu bệnh, phân loại ung thư biểu mô vảy hay ung thư biểu mô tuyến, mức độ độ biệt hoá cao, vừa hay thấp của ung thư.
Điều trị ung thư thực quản
Tùy vào thể trạng người bệnh và từng giai đoạn, các chuyên gia đầu ngành về ung thư sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Phẫu thuật: thường được chỉ định cho bệnh nhân ung thư ở giai đoan I, II hoặc III. Phương pháp này không được khuyến khích cho những bệnh nhân mắc các bệnh tim, phổi, tiểu đường nặng.
Phẫu thuật kết hợp hóa trị cho bệnh nhân ở giai đoạn IVA.
Hóa trị và xạ trị: để có lại kích thước khối u, là phương pháp hỗ trợ sau phẫu thuật để tăng tỷ lệ sống hoặc là phương pháp điều trị chính.
Liệu pháp trúng đích: Sử dụng thuốc mục tiêu để nhắm tới chính xác khối u, tiêu diệt tế bào ung thư mà không làm ảnh hưởng tới tế bào khỏe mạnh bình thường.
Liệu pháp cấy hạt phóng xạ 125I: có thể áp dụng cho bệnh nhân ở giai đoan giữa, có tác dụng bổ trợ mang hiệu quả điều trị tốt, ít tác dụng phụ. Liệu pháp này có thể thay thế cho phương pháp phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư thực quản giai đoạn đầu.
Liệu pháp can thiệp: bao gồm can thiệp thắt nút mạch và hóa trị, có hiệu quả trong việc tiêu diệt chính xác tế bào ung thư, hoặc làm teo nhỏ khối u, nang cao tỷ lệ thành công của phẫu thuật.
Các biến chứng của ung thư thực quản
Ung thư thực quản có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày.
Các biến chứng phổ biến bao gồm:
- Rò thực quản – khí quản
- Viêm phổi
- Thiếu máu: có thể kiểm soát được bằng việc truyền hồng cầu.
- Giảm cân đột ngột: do quá trình trao đổi chất bị thay đổi
- Di căn: ung thư thực quản di căn sang các cơ quan khác của cơ thể như hạch bạch huyết, gan, phổi và não ở giai đoạn cuối, gây ra rối loạn ở các cơ quan này.
Trước đây, tỉ lệ sống thêm của bệnh nhân ung thư thực quản khá thấp, khoảng 15% – 20% bệnh nhân sống thêm được 5 năm. Hiện nay, nếu bệnh nhân được khám và tầm soát phát hiện bệnh sớm, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh sống thêm được 5 năm đã tăng lên 50% và tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn đầu sẽ tăng cao, nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống.
Be the first to write a comment.