5/5 - (1 bình chọn)

Nếu bạn đang phân vân “đau dây thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh” thì đây chính là bài viết hữu ích dành cho bạn đấy. Phương pháp chườm được nhiều người lựa chọn để giảm đau nhức xương khớp, đau dây thần kinh. Tuy nhiên, đau dây thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh thì không phải ai cũng biết. Vì vậy, hãy cùng ICondom đi giải đáp vấn đề này ngay bây giờ nhé!

Đau dây thần kinh tọa là do đâu?

Đau dây thần kinh tọa là những cơn đau lan tỏa dọc theo dây thần kinh tọa, từ phần cuối của lưng, qua hông rồi xuống dưới chân. Phần lớn, đau dây thần kinh tọa thường chỉ gây đau đến một bên của cơ thể, không có tính đối xứng, tức là theo đường đi của dây thần kinh. 

Đau dây thần kinh tọa thường xuất phát từ thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi đĩa đệm bị bào mòn do chấn thương, nó sẽ lệch ra khỏi quỹ đạo ban đầu, gây chèn ép dây thần kinh. Một số nguyên nhân hiếm gặp hơn như đau dây thần kinh tọa do chèn ép bởi khối u, mang thai hoặc nó là hậu quả của chấn thương xương chậu, tuy nhiên người bệnh cũng không nên chủ quan vì có thể gặp phải những biến chứng khó lường.

Ngoài ra, đau dây thần kinh tọa còn liên quan đến tuổi tác, cân nặng và một số bệnh lý như đái tháo đường, béo phì,… Cân nặng quá lớn sẽ tạo áp lực  lên cột sống làm chèn ép thần kinh gây ra cảm giác đau. Đau dây thần kinh tọa chính là một biến chứng của đái tháo đường. Khi lượng đường trong máu quá cao, sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh.

Triệu chứng thường gặp ở người đau dây thần kinh tọa

Triệu chứng đặc trưng nhất ở bệnh nhân đau dây thần kinh tọa là các cơn đau lan tỏa từ lưng xuống chân ở cùng một phía. Đối với người bệnh bị chèn ép rễ thần kinh L5 sẽ có cảm giác đau dọc từ eo xuống đến bàn chân. Cơn đau có nhiều mức độ từ nhẹ đến đau nhói, thậm chí là đau liên tục, dữ dội. Tình trạng co mạch, hạn chế lưu thông máu do chèn ép thần kinh, mạch máu sẽ dẫn đến hiện tượng co cứng cơ, thường xuất hiện đột ngột vào lúc sáng sớm.

Thỉnh thoảng, người bệnh còn có cảm giác như bị điện giật. Đặc biệt, bệnh nhân thường xuất hiện cảm giác đau khi thay đổi tư thế hoặc ho mạnh, những cử động này sẽ kích thích lên dây thần kinh gây cảm giác đau. Bên cạnh đó, người bệnh còn xuất hiện cảm giác tê bì, ngứa ở chân, bàn chân hoặc một số bộ phận khác của cơ thể.

Ngoài các triệu chứng liên quan đến vận động, một số trường hợp nặng còn dẫn đến đại tiểu tiện không tự chủ, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thường ngày của bệnh nhân.

Đau dây thần kinh tọa chườm nóng hay chườm lạnh?

Đau dây thần kinh tọa thường biến mất theo thời gian. Vì vậy, bạn có thể tự điều trị hoặc giảm đau tại nhà bằng cách chườm vào vị trí đau hoặc có thương tổn. Trong trường hợp cơn đau trở nên nặng hơn, thường xuyên với tính chất dữ dội, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.Đa phần, mọi người thường lựa chọn chườm nóng hoặc chườm lạnh dựa trên cảm tính hoặc nghe lời khuyên của những người xung quanh. Vậy, bạn đã thực sự hiểu đúng về phương pháp chườm hay chưa? Đau dây thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh? Theo bác sĩ chuyên khoa Hà Minh Thu của bệnh viện chấn thương chỉnh hình Hà Nội cho biết: “Đau dây thần kinh tọa có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh phụ thuộc vào triệu chứng của bệnh”.

Khi nào thì chườm nóng?

Chườm nóng được sử dụng rất nhiều để giảm đau đơn giản tại nhà, mang lại nhiều lợi ích như:

  • Giãn mạch máu nhờ tác động nhiệt giúp tăng cường lưu thông máu đến vị trí tổn thương.
  • Giúp làm giãn và mở rộng không gian giữa các đốt sống. Điều này sẽ giúp làm giảm áp lực lên đĩa đệm, cột sống, do đó làm giảm sự chèn ép lên dây thần kinh tọa.
  • Lưu thông tuần hoàn, tăng cường cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho các vị trí bị tổn thương. Qua đó làm tăng khả năng phục hồi của dây thần kinh.
  • Điều hòa chức năng của thần kinh thực vật, thần kinh trung ương, tạo cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi cho người bệnh.
  • Kích thích rễ thần kinh ở bàn chân loại bỏ chèn ép và tăng khả năng phục hồi của dây thần kinh.

Chính vì thế, chườm nóng được ứng dụng trong giảm đau dây thần kinh tọa với bệnh nhân triệu chứng đau vùng thắt lưng, chân và kèm theo các dấu hiệu tê bì, ngứa bàn chân, đôi khi là mất cảm giác.

Cách thực hiện vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần dùng nước nóng ở nhiệt độ vừa phải (khoảng 60oC đến 70oC) cho vào túi chườm. Trong trường hợp không có túi chườm, bạn có thể dùng khăn sạch ngân trong nước nóng. Sau đó, để túi chườm hoặc khăn nóng lên vùng thắt lưng hoặc chân bị đau trong khoảng 15 phút. 

Một lưu ý nhỏ là bạn không nên dùng nước quá nóng hoặc nước nóng để lâu đã bị nguội. Nước quá nóng có thể gây bỏng làm vết thương dễ bị sưng viêm, bệnh trở nên nặng hơn và sinh ra nhiều biến chứng. Nước nóng để nguội, bị giảm nhiệt độ sẽ làm giảm tác dụng.

Người bệnh nên thực hiện phương pháp trên đều đặn mỗi ngày và khi cơn đau xuất hiện đột ngột. Vào ban đêm, dây thần kinh chi phối cảm giác đau tăng cường hoạt động nên đây chính là thời điểm thích hợp để tiến hành chườm nóng. Điều này không chỉ giúp giảm cảm giác đau đớn mà còn làm cho người bệnh được thư giãn, dễ ngủ hơn. 

Tuy nhiên, phương pháp chườm nóng tuyệt đối không được dùng trong các trường hợp chấn thương chảy máu, sung huyết, khối u ác tính hoặc ổ viêm đã có mủ. Nếu tiến hành chườm nóng sẽ khiến vết thương trầm trọng và nguy hiểm hơn. 

Khi nào thì chườm lạnh?

Khác với chườm nóng có tác dụng giãn mạch, lưu thông tuần hoàn, chườm lạnh lại có tác dụng ngược lại như:

  • Gây co mạch, giảm sung huyết.
  • Giảm tốc độ dòng máu và lưu lượng tuần hoàn nên có tác dụng giảm vận chuyển oxy, hạn chế khả năng xuyên mạch của bạch cầu, giảm số lượng bạch cầu tới ổ viêm. Do đó, làm giảm phản ứng viêm, giảm phù nề.
  • Giảm trương lực cơ nên có tác dụng giảm đau nhức thần kinh tọa.

Người đau dây thần kinh tọa kèm theo triệu chứng viêm, sưng, phù nề, đau nhức âm ỉ phù hợp với phương pháp chườm lạnh hơn chườm nóng. Người bệnh tuyệt đối không được chườm nóng vì nhiệt độ cao sẽ khiến cho tình trạng sưng viêm trở nên nặng nề hơn.

Tương tự như chườm nóng, bạn chỉ cần bỏ đá viên vào trong túi chườm hoặc bọc đá bằng khăn sạch, rồi chườm lên vị trí đau, viêm. Chú ý, nếu cảm thấy quá lạnh, bạn có thể nhấc túi chườm lên đặt xuống trong vài phút đầu để cơ thể có thể thích nghi với nhiệt độ của túi chườm. Duy trì trong khoảng 15 phút cơn đau sẽ thuyên giảm. Quá trình sưng, viêm làm cho vùng da xung quanh ổ viêm nóng lên và phù nề Do đó, trong quá trình chườm, người bệnh nên di chuyển, mát xa các vùng da lân cận giúp ngăn chặn sự lan rộng của ổ viêm và mang lại hiệu quả tốt hơn.

Phối hợp chườm nóng và chườm lạnh

Người bị đau dây thần kinh tọa cũng có thể tiến hành phối hợp chườm nóng cùng với chườm lạnh nếu tình trạng đau nhức, co thắt kéo dài. Thay đổi luân phiên chườm nóng và chườm lạnh trong 15 phút giúp mạch máu giảm co thắt và hạn chế tình trạng chèn ép dây thần kinh vùng thắt lưng.

Tuy nhiên, sau khi chườm, người bệnh không được vận động mạnh hay gắng sức, đốt sống và đĩa đệm có thể bị tổn thương, gây chèn ép dây thần kinh làm nặng hơn tình trạng bệnh.

Đau dây thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh còn phụ thuộc vào tình trạng cũng như triệu chứng của bệnh. Việc hiểu và lựa chọn đúng phương pháp chườm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân, không chỉ giảm đau, sưng nề mà còn ngăn ngừa tiến triển bệnh, hạn chế các tổn thương. Tuy nhiên, nếu cơn đau trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn, bạn nên đi gặp bác sĩ để được tư vấn.

Hy vọng những thông tin mà ICondom đề cập trong bài viết này sẽ giúp bạn hiểu đúng và lựa chọn đau dây thần kinh tọa nên chườm nóng hay lạnh.

Xem thêm