Vảy nến là một bệnh lý về da rất dễ tái phát, nếu người bệnh không kiên trì điều trị dứt điểm. Vậy hiện tại có “các loại vảy nến” nào? Cách điều trị các loại vảy nến có tương tự nhau không? Dưới đây là 7 loại vảy nến phổ biến và cách điều trị tương ứng từ ICondom, bạn đọc cùng theo dõi nhé!
Tổng quan chung về các loại vảy nến
Tình trạng làn da liên tục xuất hiện các mảng da đỏ nổi lên xuất phát từ sự rối loạn của hệ miễn dịch. Não bộ nhận được tín hiệu lỗi từ hệ miễn dịch, dẫn đến sự phát triển quá nhanh của các tế bào. Do đó, các tế bào da chồng chất lên nhau thành từng mảng da mới. Tuy các loại vảy nến khác nhau nhưng hầu hết người bệnh đều gặp một số các triệu chứng chung như sau:
- Da ngứa ngáy, đau rát liên tục.
- Da xuất hiện các vết bỏng kèm theo mảng da dày.
- Xơ cứng khớp, vùng da sưng đỏ.
- Khó vận động, gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
Các loại vảy nến thường gặp và hướng điều trị hiệu quả
Vảy nến thể mảng
Bệnh vảy nến thể mảng là một trong những loại vảy nến thường gặp nhất. Chúng xuất hiện chủ yếu ở khuỷu tay, da đầu, đầu gối, vùng lưng,… Và thường có một số các triệu chứng như sau: mảng da màu đỏ nổi lên, vảy trắng bạc, nứt da, chảy máu da, ngứa ngáy, bỏng rát,… khiến người bệnh sinh hoạt khó khăn và luôn trong tình trạng kiềm cơn gãi.
Phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể mảng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng tình trạng bệnh. Hiện nay, hướng điều trị bệnh vảy nến thể mảng được các bác sĩ chuyên khoa khuyến khích người bệnh nên tuân thủ theo là:
- Sử dụng thuốc bôi tại chỗ là lựa chọn hàng đầu của bác sĩ. Có thể kể đến các loại thuốc bôi như: thuốc mỡ, kem dưỡng ẩm chuyên biệt,…
- Sử dụng thuốc uống kê đơn hoặc tiêm/ truyền vào tĩnh mạch người bệnh.
- Quang trị liệu sử dụng tia cực tím để tác động trực tiếp vào vùng da nhiễm bệnh, giúp giảm tình trạng sưng viêm và làm chậm quá trình hình thành tế bào da. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ điều chỉnh cường độ ánh sáng sao cho phù hợp với từng tình trạng bệnh.
Vảy nến thể giọt
Bệnh vảy nến thể giọt có dạng đốm nhỏ màu đỏ/ hồng, vảy trắng, nổi lên một số vùng da trên cơ thể như: chi trên, đùi, da đầu,…. Vảy nến thể giọt tái tạo rất nhanh, chúng kéo nhau nổi thành từng lớp và từng mảng diện rộng. Với trường hợp bệnh nhẹ thì vảy nến thể giọt sẽ tự hết trong vòng 2 – 3 tuần và không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trường hợp vảy nến liên tục nổi lên theo từng mảng lớn kèm theo triệu chứng viêm nhiễm, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Thông thường, điều trị bệnh vảy nến thể giọt được bác sĩ chuyên khoa đánh giá là đơn giản nhất. Có thể kể đến phương pháp sử dụng thuốc bôi tại nhà gồm: thuốc kháng sinh, corticosteroid, dẫn xuất vitamin D3, acid salicylic,… Nhưng có thể xuất hiện tác dụng phụ không mong muốn, do đó bác sĩ kê đơn cần hướng dẫn kỹ lưỡng và theo dõi sát sao tình trạng tiến triển của bệnh.
Vảy nến thể đảo ngược
Bệnh vảy nến thể đảo ngược có điểm khác nhất so với các loại vảy nến khác là vùng da bị nhiễm bệnh không có vảy bạc. Chúng chỉ nổi lên thành từng mảng da đỏ kèm theo đau rát, chủ yếu ở các vùng da có nếp gấp như nách, háng, mông,… Do đó, sự tiếp xúc da chạm da dẫn đến chà xát mồ hôi nhiều, làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn và rất khó điều trị dứt điểm.
Vì có xu hướng tiến triển nặng và khiến vùng da nhiễm bệnh trở nên nhạy cảm hơn, việc điều trị vảy nến thể đảo ngược cần đến sự kiên trì điều trị từ người bệnh. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc thoa trực tiếp lên da như steroid và thuốc mỡ. Tuy nhiên khả năng gặp tác dụng phụ là rất cao do vùng da có nếp gấp thường mỏng hơn so với các vùng da khác.
Vảy nến thể mủ
Vảy nến thể mủ là bệnh lý hiếm gặp nhất trong cả 7 loại. Chúng xuất hiện khi cơ thể có phản ứng viêm xuất phát từ căng thẳng, stress kéo dài hoặc do tiếp xúc với một số hóa chất gây kích ứng da. Các triệu chứng bao gồm sốt, ớn lạnh, nhịp tim tăng nhanh, xuất hiện mảng da đỏ, sưng rát kèm mủ (mụn mủ). Khi khô lại, mủ sẽ chuyển sang màu vàng nâu và có vảy trắng đục. Tuy hiếm gặp nhưng vảy nến thể mủ lại là loại nghiêm trọng nhất, cần đến sự can thiệp điều trị từ bác sĩ chuyên khoa trước khi bệnh tiến triển nguy hiểm hơn.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh vảy nến thể mủ đều khó có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa khuyến khích người bệnh điều trị kết hợp 2 phương pháp gồm uống thuốc đặc trị và liệu pháp ánh sáng để thúc đẩy quá trình chữa trị cũng như ngăn chặn việc vảy nến thể mủ tiến triển nhanh hơn. Một số loại thuốc kê đơn (acitretin và methotrexate) sẽ có mặt trong liệu trình và vảy nến thể mủ có thể điều trị kết hợp với thuốc bôi tại chỗ (tùy tình trạng bệnh và vùng da nhiễm bệnh).
Vảy nến đỏ da toàn thân
Tương tự như vảy nến thể mủ, bệnh vảy nến đỏ da toàn thân thuộc top bệnh lý hiếm về da và cũng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Không như những loại vảy nến thông thường, vảy nến đỏ da toàn thân có triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm: vùng da viêm đỏ, trông như bị đốt cháy, ngứa rát dữ dội theo từng cơn, sốt cao hoặc hạ nhiệt cơ thể đột ngột, sưng chi dưới (chủ yếu là mắt cá chân),… đồng thời đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng da hoặc thậm chí dẫn đến suy tim rất nguy hiểm đến tính mạng.
Khi xuất hiện một số các triệu chứng như trên, người bệnh nên nhập viện ngay lập tức để được tiến hành điều trị trước khi bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể. Chính vì không giống như các loại vảy nến khác, người bệnh vảy nến đỏ da toàn thân không được tự ý mua thuốc bôi trị vảy nến để tự điều trị tại nhà. Điều này không chỉ khiến tình trạng bệnh không được cải thiện mà còn dẫn đến các nguy cơ kích ứng, nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
Vảy nến móng tay
Tình trạng tế bào da tích tụ dưới khu vực móng tay dẫn đến khởi phát bệnh vảy nến móng tay. Triệu chứng thường gặp bao gồm: vùng da xung quanh móng bị đổi màu, xuất hiện các đốm/ vệt trắng nhỏ dưới móng tay, móng bị bong ra khỏi nền móng kèm theo đau nhức, khó chịu.
Bệnh vảy nến móng tay có thể dễ dàng được điều trị với phương pháp thuốc bôi tại chỗ, bao gồm các nhóm thuốc như: corticosteroid, tazarotene, dẫn xuất vitamin D3 và tacrolimus. Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị vảy nến móng tay có tác dụng toàn thân, tức là thuốc sẽ tác động đến toàn bộ cơ thể người bệnh chứ không riêng gì vùng bị nhiễm bệnh. Bên cạnh thuốc bôi, có một số phương pháp khác giúp điều trị vảy nến móng tay hiệu quả như cắt bỏ móng tay bằng tia X hoặc dùng ure nồng độ cao.
Viêm khớp vảy nến
Khi người bệnh gặp cả 2 vấn đề gồm xơ cứng khớp (đau khớp) và sưng viêm thì đồng nghĩa với việc người bệnh đã mắc bệnh viêm khớp vảy nến. Đây là loại viêm khớp mãn tính, có thể phá hủy toàn bộ khớp dẫn đến tàn phế nếu không được chữa trị kịp thời. Triệu chứng chủ yếu bao gồm: cứng khớp, đau nhức, khó vận động, sưng toàn bộ khớp, bị tổn thương da,…
Hầu hết những người bệnh viêm khớp vảy nến có thể tự kiểm soát các triệu chứng với phương pháp điều trị tại chỗ nhưng với điều kiện là phát hiện bệnh sớm. Đối với trường hợp bệnh nặng, người bệnh cần đến sự hỗ trợ từ các chế phẩm sinh học và chỉ định điều trị từ bác sĩ.
Lưu ý chung khi điều trị bệnh vảy nến
Vì các loại vảy nến đều dễ tái phát và khó chữa dứt điểm nên hiệu quả điều trị sẽ còn phụ thuộc vào ý thức của người bệnh. Vì vậy, trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ theo một số lưu ý như sau:
- Không tự ý điều trị tại nhà khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Không tự ý tham khảo đơn thuốc của người bệnh khác để áp dụng điều trị cho bản thân.
- Lựa chọn sản phẩm chăm sóc da phù hợp với tiêu chí bảng thành phần an toàn, lành tính từ thiên nhiên, cung cấp độ ẩm,…
- Luôn giữ gìn vệ sinh da và để da khô thoáng, hạn chế vận động mạnh ra nhiều mồ hôi.
- Hạn chế ăn hải sản, trứng và một số loại hạt có khả năng gây kích ứng da cao (đậu phộng, ngô,…).
- Giữ tinh thần vui tươi, lạc quan trong quá trình điều trị.
- Không nên stress, căng thẳng quá mức khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị từ bác sĩ khi điều trị bệnh vảy nến thường sẽ mang đến hiệu quả rõ rệt. Do đó, người bệnh cần kiên trì điều trị và kết hợp thực hiện song song các lưu ý trên để phòng ngừa sự tái phát. Trên đây là thông tin tổng quan và hướng điều trị hiệu quả các loại vảy nến. ICondom hy vọng rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các loại vảy nến nhé!
Xem thêm
Be the first to write a comment.