Hiện nay, cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, việc chăm sóc sức khỏe cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản đang ngày càng được nâng cao. Bên cạnh việc được theo dõi và đồng hành trong suốt thai kỳ, không ít thai phụ được chỉ định các phương pháp đình chỉ thai để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé hoặc đề phòng các dị tật bẩm sinh hoặc do mang thai ngoài ý muốn.
Tuy nhiên, với nhiều phương pháp đình chỉ thai như hiện nay, không ít chị em lo lắng các phương pháp này được tiến hành như thế nào? Và phương pháp nào thì phù hợp và an toàn nhất hiện nay? Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em giải đáp những thắc mắc này.
Đình chỉ thai là gì?
Là việc chủ động kết thúc thai kỳ một cách bắt buộc hoặc tự nguyện vì một hay nhiều lý do khác nhau.
Chỉ định đình chỉ thai kỳ có thể đến từ các bác sĩ, chuyên gia đã trực tiếp thăm khám và phát hiện những bất thường cần can thiệp ngay đối với thai phụ và thai nhi hoặc có thể đến từ phía các thai phụ.
Khi nào cần đình chỉ thai?
- Khi thai nhi xảy ra các hiện tượng bất thường như: thai chết lưu, không có tim thai, thai ngoài tử cung, dị tật bẩm sinh nặng, khi sinh ra có khả năng sống thấp, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.Với những trường hợp này, việc đình chỉ thai là điều cần thiết.
- Khi xảy ra bất thường đe dọa đến tính mạng thai phụ và thai nhi ở những tháng cuối cùng của thai kỳ như: thai phụ bị tiền sản giật, huyết áp cao, bệnh nặng, thai cạn ối…Trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ chủ động đình chỉ thai, buộc phải cho sinh non, mổ lấy thai để bé chào đời sớm hơn dự tính, nếu được chăm sóc đặc biệt trẻ vẫn sống và phát triển bình thường như những trẻ khác.
- Khi thai phụ mang thai ngoài ý muốn do vỡ kế hoạch, chưa kết hôn, bị xâm hại tình dục dẫn đến có thai…Trường hợp này, luật pháp chỉ cho phép phá thai dưới 22 tuần, những trường hợp thai lớn hơn cần được sự thông qua của hội đồng chẩn đoán trước sinh. Tuy nhiên, hội đồng chỉ đưa ra những dự báo và lời tư vấn chuyên môn; còn quyết định thuộc về sản phụ và gia đình sản phụ.
Những phương pháp đình chỉ thai an toàn hiện nay
Phương pháp đình chỉ thai nội khoa
Là phương pháp dùng thuốc để thai ngừng phát triển và gây co bóp dạ con để đẩy thai ra ngoài như hiện tượng sảy thai bình thường. Thuốc thường dùng là Mifepristone và Misoprotol.
Phương pháp này có hiệu quả lên đến 95 – 98%, ít gây đau đớn và ít để lại các biến chứng như thủng tử cung, dính buồng tử cung gây hiếm muộn, vô sinh… như các phương pháp ngoại khoa khác.
Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với tuổi thai từ 7 đến 9 tuần trở xuống, thể trạng thai phụ khỏe mạnh.
Phương pháp đình chỉ thai nội khoa ít gây đau đớn, hiệu quả cao nhưng chỉ áp dụng với thai từ 7-9 tuần tuổi trở xuống
Biến chứng đình chỉ thai nội khoa có thể gặp:
- Đau bụng: khi thuốc phát huy tác dụng đẩy thai ra ngoài có thể gặp triệu chứng đau co thắt dữ dội, kéo dài từng cơn. Lúc này có thể dùng thuốc giảm đau, nếu đau tăng nặng và kéo dài sau khi đã đẩy thai ra ngoài cần đi khám ngay.
- Chảy máu âm đạo: khi thai bị đẩy ra ngoài sẽ kèm theo máu và dịch như khi hành kinh. Đây là hiện tượng bình thường tuy nhiên nếu chảy máu nhiều và kéo dài cần nhập viện để được khám hoặc truyền máu nếu cần.
- Sốt: có thể bị sốt nhẹ hoặc vừa như khi bị bệnh và thường sẽ tự hết. Nếu sốt cao kéo dài do nhiễm trùng cần nhập viện để được theo dõi và điều trị.
- Buồn nôn và nôn: thường nhẹ và tự hết, nếu khó chịu nhiều có thể dùng thuốc chống nôn.
- Tiêu chảy: do thuốc tác động lên cơ trơn tử cung và tiêu hóa nên có hiện tượng tiêu chảy nhẹ và kéo dài khoảng 1-2 ngày sau đó tự hết, nếu tình trạng kéo dài có thể dùng thuốc trị tiêu chảy và uống bù nước cùng chất điện giải.
- Nhiễm trùng: nếu nghi ngờ hoặc có các dấu hiệu bất thường như sưng đau vùng bụng dưới, vùng xương chậu, sốt cao, mệt mỏi, chảy máu bất thường, dịch âm đạo có mùi hôi cần nhập viện để điều trị bằng kháng sinh và các phương pháp ngoại khoa nếu cần.
Phương pháp đình chỉ thai ngoại khoa
Là phương pháp can thiệp bằng phẫu thuật hoặc dùng các thủ thuật để đưa các dụng cụ qua cổ tử cung để chấm dứt thai kỳ.
Tùy theo tuổi thai sẽ có phương pháp thích hợp như:
- Tuổi thai từ 6 đến 12 tuần: áp dụng thủ thuật nạo, hút thai chân không bằng tay hoặc bằng máy. Phương pháp này có hiệu quả đến 98%.
- Tuổi thai từ 12 tuần đến hết 18 tuần: áp dụng thủ thuật nong – gắp thai.
- Thai lớn hoặc gần đến ngày dự sinh: áp dụng các phương pháp giục sinh hoặc mổ lấy thai.
Phương pháp đình chỉ thai ngoại khoa có thể can thiệp bằng phẫu thuật hoặc thủ thuật tùy tuổi thai
Biến chứng đình chỉ thai ngoại khoa có thể gặp:
- Sót thai, sót nhau: do quá trình tiến hành thủ thuật chưa đảm bảo, chưa đưa được hết thai và các phần phụ đi kèm ra ngoài.
- Băng huyết: có thể do tổn thương cổ tử cung, bệnh lý đông máu hoặc thủng tử cung, vỡ tử cung. Cần điều trị nhanh và kịp thời để không gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Nhiễm trùng: trường hợp nhiễm trùng nặng cần phải nhập viện để điều trị kịp thời tránh nguy hiểm đến tính mạng và các biến chứng thai ngoài tử cung hoặc vô sinh về sau.
- Thủng tử cung: khi thăm khám nội soi nếu phát hiện tổn thương ruột, mạch máu hoặc các cơ quan khác, cần phẫu thuật để điều trị tổn thương.
- Dính buồng tử cung: có thể gây kinh ít hoặc tắt kinh, vô sinh.
Như vậy, tỷ lệ an toàn của các phương pháp đình chỉ thai trên đây còn phụ thuộc vào tuổi thai và sức khỏe của thai phụ. Do đó, trước khi quyết định nên áp dụng phương pháp nào chị em phải thăm khám và trao đổi kỹ với bác sĩ chuyên khoa để nhận được kết quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, bất cứ phương pháp đình chỉ thai nào cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của chị em phụ nữ. Thai càng lớn thì sự can thiệp càng phức tạp và hậu quả càng khó lường, cho nên khi chưa thật sự sẵn sàng chị em nên có các biện pháp tránh thai thích hợp hoặc chuẩn bị sức khỏe thật tốt trước khi có thai và khi mang thai phải khám thai sản định kỳ để không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Be the first to write a comment.