5/5 - (1 bình chọn)

Gan nhiễm mỡ đã không còn là căn bệnh quá xa lạ đối với mọi người, nó là tiền đề dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Vậy người bị gan nhiễm mỡ độ 2 là nặng hay nhẹ? Có chữa được không? Chữa như thế nào? Hãy cùng ICondom tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Gan nhiễm mỡ và nguyên nhân gây bệnh

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tế bào gan bị tích đọng một lượng lớn mỡ (lipid >13% trọng lượng gan) và kéo dài, ảnh hưởng xấu đến chức năng của gan. Bình thường, lượng mỡ ở gan rất thấp, chỉ khoảng 3-5% so với trọng lượng của gan.

Phần lớn các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ là do tình trạng tăng triglycerid (một loại lipid trong cơ thể). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể do khẩu phần ăn quá nhiều chất béo (như mỡ động vật,..), thực phẩm nhiều đường, nghiện rượu, rối loạn nội tiết do đái tháo đường, biến chứng của viêm gan B, C, hoặc sử dụng một số loại thuốc cũng có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ như corticoid, tetracyclin, thuốc kháng ung thư, thuốc điều trị rối loạn nội tiết,…

Quá nhiều chất béo trong gan có thể gây viêm gan, làm tổn thương gan và tạo sẹo. Ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ trong những giai đoạn đầu, tế bào gan chưa bị xơ hóa vẫn có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gan nhiễm mỡ đã tiến triển nặng, các tế bào gan bị xơ hóa, tạo sẹo và không có khả năng hồi phục. Trong trường hợp nghiêm trọng, các mô sẹo này có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ độ 2

Dựa vào tỷ lệ mỡ trong gan, bệnh gan nhiễm mỡ được chia thành 3 giai đoạn. Ở giai đoạn 1, tỷ lệ mỡ chiếm 5-10% khối lượng gan và bệnh nhân chưa xuất hiện triệu chứng rõ rệt.

Gan nhiễm mỡ độ 2 là tình trạng lượng mỡ trong gan chiếm 10-25% trọng lượng của gan. Các triệu chứng có thể nhận thấy ở người bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 2 như:

  • Đau bụng, buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, đầy bụng: các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh rối loạn tiêu hóa thường gặp, nên người bệnh thường chủ quan, làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Đau tức hạ sườn phải (vùng bụng bên phải cơ thể, phía dưới phần xương sườn)
  • Vàng da, vàng mắt: có nhiều nguyên nhân dẫn đến vàng da, vàng mắt như xơ gan, tan máu,… Do đó, đây không phải là triệu chứng điển hình để nhận biết gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, khi thấy dấu hiệu này, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe để được chẩn đoán cụ thể, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
  • Gan to, ấn vào vùng gan thấy đau: ở người bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 2, khi ấn vào vị trí gan, người bệnh cảm thấy đau tức, khó chịu. Đây là cũng một trong những triệu chứng giúp bác sĩ chẩn đoán gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân được tiến hành xét nghiệm máu, sẽ thấy nồng độ lipid trong máu tăng cao bất thường. Đó là dấu hiệu cho thấy người bệnh bị gan nhiễm mỡ.

Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu trên, bạn nên đi gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị sớm nhất, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, các triệu chứng trên thường không quá rõ ràng, làm cho bệnh nhân chủ quan, khiến bệnh dễ dàng tiến triển sang giai đoạn 3.

Gan nhiễm mỡ độ 2 là nặng hay nhẹ? Có chữa được không?

Gan nhiễm mỡ độ 2 là nặng hay nhẹ? Gan nhiễm mỡ độ 2 là giai đoạn chuyển biến từ gan nhiễm mỡ độ 1, nếu chuyển biến nặng sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ độ 3. Gan nhiễm mỡ độ 1 thường khó phát hiện do chưa có dấu hiệu rõ ràng nên bệnh dễ chuyển biến sang giai đoạn 2. Ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 2 chưa xuất hiện các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển sang giai đoạn nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Gan nhiễm mỡ độ 2 có chữa khỏi được không? Câu trả lời còn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Ở giai đoạn này, gan vẫn còn khả năng phục hồi. Tuy nhiên, theo các bác sĩ chuyên khoa, giai đoạn 2 là giai đoạn nuôi bệnh và chưa có phương pháp để điều trị triệt để. 

Việc điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 thường được tiến hành dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể kê đơn cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 2 các loại thuốc làm giảm tích trữ mỡ ở gan, giảm mỡ máu, tăng thoái hóa mỡ,… Bên cạnh đó, người bệnh nên phối hợp với chế độ ăn uống hạn chế chất béo, bia rượu, tăng cường vận động để hạn chế quá trình tích tụ mỡ ở gan, giúp hỗ trợ quá trình điều trị gan nhiễm mỡ.

Nếu không được điều trị sớm, gan nhiễm mỡ tiến triển có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm hơn như xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, phát hiện gan nhiễm mỡ càng sớm càng tốt, giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do gan nhiễm mỡ gây ra.

  1. Điều trị gan nhiễm mỡ độ 2

Phác đồ điều trị gan nhiễm mỡ độ 2 thường được các bác sĩ xây dựng dựa trên nguyên nhân gây bệnh:

  • Gan nhiễm mỡ độ 2 do béo phì: người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, đặc biệt là kiểm soát cân nặng, giảm cân. Điều này giúp hạn chế quá trình tích đọng mỡ ở gan.
  • Gan nhiễm mỡ do đái tháo đường: người bệnh cần điều trị đái tháo đường song song với quá trình điều trị gan nhiễm mỡ. 

Dưới đây là một số phương pháp cụ thể mà bạn có thể tham khảo trong quá trình điều trị:

Điều trị bằng thuốc

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc sau trong quá trình điều trị:

  • Thuốc chứa Choline: có tác dụng làm tan mỡ trong gan, giúp gan thải độc.
  • Thuốc cung cấp acid amin: acid amin là các chất cơ bản tạo nên các mô trong cơ thể. Vì thế mà các thuốc này được chỉ định cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ độ 2 với mục đích duy trì và phục hồi chức năng gan. Đặc biệt, methionin là một loại acid amin giúp tăng cường tổng hợp cholin, do đó, góp phần làm tăng quá trình thoái hóa mỡ, giúp bảo vệ các tế bào gan.
  • Vitamin B, E, C: giúp hòa tan các chất béo tích trữ trong gan, giảm quá trình mỡ hóa ở gan. Theo kết quả nghiên cứu đánh giá của Viện y tế Quốc gia Hoa Kỳ, bệnh nhân sử dụng vitamin E trong quá trình điều trị giúp làm giảm lượng mỡ dư thừa trong gan. Tuy nhiên, không nên sử dụng vitamin E cho người bệnh có tiền sử ung thư tuyến tiền liệt hoặc tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt.
  • Các thuốc tăng cường chuyển hóa lipid: giúp cơ thể tăng cường thoái hóa mỡ, giảm tình trạng tích trữ mỡ ở gan.
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid máu (Simvastatin, Lovastatin,…): có tác dụng điều trị rối loạn lipid máu, giảm nồng độ cholesterol, triglycerid trong máu, giúp giảm tích trữ mỡ ở gan. Tuy nhiên, các thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như đau cơ, đau đầu, hoa mắt,…

Lưu ý: Các loại thuốc trên đều có các tác dụng phụ nhất định. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. 

Chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, vận động hợp lý

Gan nhiễm mỡ độ 2 chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm, nên bên cạnh biện pháp dùng thuốc thì việc xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động hợp lý cũng rất quan trọng. Dưới đây là một số đề xuất ICondom muốn gửi đến bạn:

  • Tập luyện thể dục: tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, giúp giảm lượng mỡ tích tụ ở gan. Người bệnh nên chọn các bài tập nhẹ nhàng, tăng cường sức khỏe như đi bộ, yoga,… Tránh vận động quá mạnh làm tăng thêm áp lực cho gan. 
  • Giảm cân: bạn nên đặt mục tiêu BMI <23 (kg/m2), giảm tình trạng tích mỡ ở gan. Ngoài ra, ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ do đái tháo đường, giảm cân còn giúp cải thiện sự đề kháng với insulin.
  • Ăn nhiều rau xanh, thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin B, C, E như: bông cải xanh, bí đỏ, các loại đậu (đậu xanh, đậu đen,…), sữa chua, quả cam, bưởi,…
  • Hạn chế các loại đồ uống có cồn như rượu, bia,… Nếu nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ là do rượu thì người bệnh phải kiêng rượu tuyệt đối.
  • Hạn chế các thực phẩm có nhiều chất béo, đồ chiên rán, mỡ động vật. Những thực phẩm này sẽ làm nặng thêm tình trạng gan nhiễm mỡ. Chế độ ăn hạn chế chất béo cũng là phương pháp tốt để giảm cân.
  • Hạn chế ăn đồ cay, nóng, thực phẩm nhiều đường (vì các thực phẩm cay, nóng có thể làm cho tế bào gan bị tổn thương nặng hơn, khó hồi phục hơn).

Gan nhiễm mỡ độ 2 là nặng hay nhẹ? Nhìn chung, gan nhiễm mỡ độ 2 chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng do gan nhiễm mỡ độ 2 gây ra chưa quá rõ ràng nên người bệnh thường chủ quan, làm cho bệnh diễn biến nặng hơn và có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Vì vậy, người bị gan nhiễm mỡ độ 2 cần được phát hiện sớm để điều trị kịp thời.

Xem thêm